Giấy tờ có giá là gì?
Giấy tờ có giá là gì? Trường hợp nào được xem là giấy tờ có giá và không phải là giấy tờ có giá? Hãy cùng LawKey tìm hiểu qua bài viết dưới đây.
Giấy tờ có giá là gì?
Theo Khoản 1 Điều 105 Bộ luật Dân sự 2015 quy định: “Tài sản là vật, tiền, giấy tờ có giá và quyền tài sản”. Như vậy, giấy tờ có giá là một loại tài sản theo Luật dân sự.
Theo Khoản 1 Điều 2 Thông tư 01/2012/TT-NHNN quy định về khái niệm giấy tờ có giá như sau:
“Giấy tờ có giá là bằng chứng xác nhận nghĩa vụ trả nợ giữa tổ chức phát hành giấy tờ có giá với người sở hữu giấy tờ có giá trong một thời gian nhất định, điều kiện trả lãi và những điều kiện khác.”
Các loại giấy tờ có giá
Theo Khoản 2 và Khoản 3 Thông tư 01/2012/TT-NHNN thì giấy tờ có giá gồm các loại như sau:
- Giấy tờ có giá dài hạn là giấy tờ có giá có thời hạn từ một năm trở lên kể từ khi phát hành đến khi đến hạn thanh toán.
- Giấy tờ có giá ngắn hạn là giấy tờ có giá có thời hạn dưới một năm kể từ khi phát hành đến khi đến hạn thanh toán.
Các loại giấy tờ có giá được quy định tại Công văn 141/TANDTC-KHXX ngày 21/9/2011 bao gồm:
- Hối phiếu đòi nợ, hối phiếu nhận nợ, séc, công cụ chuyển nhượng khác;
- Trái phiếu Chính phủ, trái phiếu công ty, kỳ phiếu, cổ phiếu;
- Tín phiếu, hối phiếu, trái phiếu, công trái và công cụ khác làm phát sinh nghĩa vụ trả nợ;
- Các loại chứng khoán : Cổ phiếu, trái phiếu, chứng chỉ quỹ; Quyền mua cổ phần, chứng quyền, quyền chọn mua, quyền chọn bán, hợp đồng tương lai, nhóm chứng khoán hoặc chỉ số chứng khoán; Hợp đồng góp vốn đầu tư; các loại chứng khoán khác ;
- Trái phiếu doanh nghiệp.
Trường hợp nào không phải là giấy tờ có giá?
Trường hợp không phải là giấy tờ có giá theo Công văn 141/TANDTC-KHXX ngày 21/9/2011 bao gồm:
- Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất;
- Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở;
- Giấy đăng ký xe mô tô, xe máy;
- Giấy đăng ký xe ô tô…
Quy định về chiết khấu giấy tờ có giá
Chiết khấu giấy tờ có giá là nghiệp vụ Ngân hàng Nhà nước mua ngắn hạn các giấy tờ có giá còn thời hạn thanh toán của các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài trước khi đến hạn thanh toán, cụ thể như sau:
Chiết khấu giấy tờ có giá
Theo Điều 6 Thông tư 01/2012/TT-NHNN quy định về giấy tờ có giá được chiết khấu như sau:
- Được phát hành bằng đồng Việt Nam (VND);
- Được phép chuyển nhượng;
- Thuộc sở hữu hợp pháp của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đề nghị chiết khấu;
- Không phải là giấy tờ có giá do tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đề nghị chiết khấu phát hành;
- Thời hạn còn lại tối đa của giấy tờ có giá là 91 ngày đối với trường hợp chiết khấu toàn bộ thời hạn còn lại của giấy tờ có giá;
- Thời hạn còn lại của giấy tờ có giá phải dài hơn thời hạn Ngân hàng Nhà nước chiết khấu đối với trường hợp chiết khấu có kỳ hạn.
Điều kiện thực hiện nghiệp vụ chiết khấu giấy tờ có giá
Điều kiện thực hiện nghiệp vụ chiết khấu giấy tờ có giá theo Điều 8 Thông tư 01/2012/TT-NHNN đối với các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài như sau:
♠ Là các tổ chức tín dụng không bị đặt vào tình trạng kiểm soát đặc biệt.
♠ Không có nợ quá hạn tại Ngân hàng Nhà nước tại thời điểm đề nghị chiết khấu.
♠ Có tài khoản tiền gửi mở tại Ngân hàng Nhà nước (Sở Giao dịch hoặc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi tắt là Ngân hàng Nhà nước chi nhánh được ủy quyền) thực hiện chiết khấu.
♠ Có hồ sơ đề nghị thông báo hạn mức chiết khấu giấy tờ có giá gửi Ngân hàng Nhà nước đúng hạn theo quy định tại Khoản 3 Điều 9 Thông tư 01/2012/TT-NHNN bao gồm:
1. Giấy đề nghị Ngân hàng Nhà nước thông báo hạn mức chiết khấu theo Mẫu số 01/NHNN-CK;
2. Bảng cân đối tài khoản kế toán của tháng gần nhất của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài;
3. Bảng kê các giấy tờ có giá đủ điều kiện chiết khấu tại Ngân hàng Nhà nước theo Mẫu số 02/NHNN-CK;
♠ Có giấy tờ có giá đủ điều kiện và thuộc danh mục các giấy tờ có giá được chiết khấu tại Ngân hàng Nhà nước.
♠ Trường hợp giao dịch theo phương thức gián tiếp, tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài phải trang bị đầy đủ máy móc, thiết bị tin học, đường truyền và kết nối với hệ thống máy chủ tại Ngân hàng Nhà nước (Sở Giao dịch và Cục Công nghệ tin học).
>>Xem thêm: Việc sử dụng định đoạt tài sản thuộc sở hữu riêng có bị giới hạn hay không?
Trên đây là bài viết về: Giấy tờ có giá là gì?. Nếu còn vấn đề gì thắc mắc, vui lòng liên hệ LawKey hoặc có thể sử dụng dịch vụ Luật sư tư vấn của chúng tôi.
Khái quát về bảo hiểm xã hội tự nguyện cho người dân, lao động sự do
Khái quát về bảo hiểm xã hội tự nguyện cho người dân, lao động sự do Theo Luật bảo hiểm xã hội 2014: Bảo hiểm xã hội là [...]
Một số quy định về hoạt động đại lý bảo hiểm mới nhất
Đại lý bảo hiểm là gì? Một số quy định về hoạt động đại lý bảo hiểm mới nhất được cụ thể hóa như thế nào? [...]