Hành vi xâm phạm quyền đối với sáng chế
Sáng chế là một đối tượng thuộc quyền sở hữu trí tuệ và mọi cá nhân, tổ chức khi có đủ điều kiện đều được bảo hộ sáng chế của mình. Từ đó, nhiều hành vi xâm phạm đến quyền của chủ sở hữu đối tượng này. Vậy, hành vi nào được coi là xâm phạm quyền đối với sáng chế?
Các hành vi xâm phạm quyền đối với sáng chế
Luật Sở hữu trí tuệ 2005 quy định hành vi xâm phạm quyền đối với sáng chế tại Điều 126, theo đó, các hành vi bị coi là xâm phạm quyền đối với sáng chế gồm:
– Sử dụng sáng chế được bảo hộ trong thời hạn hiệu lực của văn bằng bảo hộ mà không được phép của chủ sở hữu;
– Sử dụng sáng chế mà không trả tiền đền bù theo quy định về quyền tạm thời.
Quyền tạm thời quy định:
– Trường hợp người nộp đơn đăng ký sáng chế biết rằng sáng chế đang được người khác sử dụng nhằm mục đích thương mại và người đó không có quyền sử dụng trước thì người nộp đơn có quyền thông báo bằng văn bản cho người sử dụng về việc mình đã nộp đơn đăng ký, trong đó chỉ rõ ngày nộp đơn và ngày công bố đơn trên Công báo sở hữu công nghiệp để người đó chấm dứt việc sử dụng hoặc tiếp tục sử dụng.
– Trong trường hợp đã được thông báo như trên mà người được thông báo vẫn tiếp tục sử dụng sáng chế thì khi Bằng độc quyền sáng chế được cấp, chủ sở hữu sáng chế có quyền yêu cầu người đã sử dụng sáng chế phải trả một khoản tiền đền bù tương đương với giá chuyển giao quyền sử dụng sáng chế đó trong phạm vi và thời hạn sử dụng tương ứng.
Căn cứ xác định hành vi xâm phạm
Nghị định 105/2006/NĐ-CP đã quy định căn cứ xác định hành vi xâm phạm. Theo đó, Hành vi bị xem xét bị coi là hành vi xâm phạm khi có đủ các căn cứ sau đây:
– Đối tượng bị xem xét thuộc phạm vi các đối tượng đang được bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ.
– Có yếu tố xâm phạm trong đối tượng bị xem xét.
– Người thực hiện hành vi bị xem xét không phải là chủ thể quyền sở hữu trí tuệ và không phải là người được pháp luật hoặc cơ quan có thẩm quyền cho phép theo các trường hợp ngoại lệ.
– Hành vi bị xem xét xảy ra tại Việt Nam. Hành vi bị xem xét cũng bị coi là xảy ra tại Việt Nam nếu hành vi đó xảy ra trên mạng internet nhưng nhằm vào người tiêu dùng hoặc người dùng tin tại Việt Nam.
Các yếu tố xâm phạm quyền đối với sáng chế
Yếu tố xâm phạm quyền đối với sáng chế có thể thuộc một trong các dạng sau đây:
– Sản phẩm hoặc bộ phận (phần) sản phẩm trùng hoặc tương đương với sản phẩm hoặc bộ phận (phần) của sản phẩm thuộc phạm vi bảo hộ sáng chế;
– Quy trình trùng hoặc tương đương với quy trình thuộc phạm vi bảo hộ sáng chế;
– Sản phẩm hoặc bộ phận (phần) của sản phẩm được sản xuất theo quy trình trùng hoặc tương đương với quy trình thuộc phạm vi bảo hộ sáng chế.
Căn cứ để xác định yếu tố xâm phạm quyền đối với sáng chế là phạm vi bảo hộ sáng chế được xác định theo Bằng độc quyền sáng chế, Bằng độc quyền giải pháp hữu ích.
Tuy nhiên, Luật Sở hữu trí tuệ 2005 đã quy định trường hợp giới hạn quyền sở hữu đối với sáng chế
Quyền sử dụng sáng chế nhân danh Nhà nước
Bộ, cơ quan ngang bộ có quyền nhân danh Nhà nước sử dụng hoặc cho phép tổ chức, cá nhân khác sử dụng sáng chế thuộc lĩnh vực quản lý của mình nhằm mục đích công cộng, phi thương mại, phục vụ quốc phòng, an ninh, phòng bệnh, chữa bệnh, dinh dưỡng cho nhân dân và đáp ứng các nhu cầu cấp thiết khác của xã hội mà không cần sự đồng ý của chủ sở hữu sáng chế hoặc người được chuyển giao quyền sử dụng sáng chế theo hợp đồng độc quyền theo quy định của pháp luật.
Việc sử dụng sáng chế nêu trên chỉ được giới hạn trong phạm vi và điều kiện chuyển giao quyền sử dụng, trừ trường hợp sáng chế được tạo ra bằng việc sử dụng cơ sở vật chất – kỹ thuật, kinh phí từ ngân sách nhà nước.
Quyền sử dụng trước đối với sáng chế
Trường hợp trước ngày đơn đăng ký sáng chế được công bố mà có người đã sử dụng hoặc chuẩn bị các điều kiện cần thiết để sử dụng sáng chế đồng nhất với sáng chế trong đơn đăng ký nhưng được tạo ra một cách độc lập ( người có quyền sử dụng trước) thì sau khi văn bằng bảo hộ được cấp, người đó có quyền tiếp tục sử dụng sáng chế trong phạm vi và khối lượng đã sử dụng hoặc đã chuẩn bị để sử dụng mà không phải xin phép hoặc trả tiền đền bù cho chủ sở hữu sáng chế được bảo hộ. Việc thực hiện quyền của người sử dụng trước sáng chế không bị coi là xâm phạm quyền của chủ sở hữu sáng chế.
Lưu ý: Người có quyền sử dụng trước sáng chế không được phép chuyển giao quyền đó cho người khác, trừ trường hợp chuyển giao quyền đó kèm theo việc chuyển giao cơ sở sản xuất, kinh doanh nơi sử dụng hoặc chuẩn bị sử dụng sáng chế. Người có quyền sử dụng trước không được mở rộng phạm vi, khối lượng sử dụng nếu không được chủ sở hữu sáng chế cho phép.
Nghĩa vụ trả thù lao cho tác giả sáng chế
Chủ sở hữu sáng chế có nghĩa vụ trả thù lao cho tác giả theo quy định dưới đây, trừ trường hợp các bên có thoả thuận khác.
Mức thù lao tối thiểu mà chủ sở hữu phải trả cho tác giả được quy định như sau:
– 10% số tiền làm lợi mà chủ sở hữu thu được do sử dụng sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí;
– 15% tổng số tiền mà chủ sở hữu nhận được trong mỗi lần nhận tiền thanh toán do chuyển giao quyền sử dụng sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí.
Trong trường hợp sáng chế được nhiều tác giả tạo ra, mức thù lao quy định nêu trên là mức dành cho tất cả các đồng tác giả; các đồng tác giả tự thoả thuận việc phân chia số tiền thù lao do chủ sở hữu chi trả.
Nghĩa vụ trả thù lao cho tác giả sáng chế tồn tại trong suốt thời hạn bảo hộ của sáng chế.
Nghĩa vụ sử dụng sáng chế
Chủ sở hữu sáng chế có nghĩa vụ sản xuất sản phẩm được bảo hộ hoặc áp dụng quy trình được bảo hộ để đáp ứng nhu cầu quốc phòng, an ninh, phòng bệnh, chữa bệnh, dinh dưỡng cho nhân dân hoặc các nhu cầu cấp thiết khác của xã hội. Khi có các nhu cầu quy định tại khoản này mà chủ sở hữu sáng chế không thực hiện nghĩa vụ đó thì cơ quan nhà nước có thẩm quyền có thể chuyển giao quyền sử dụng sáng chế cho người khác mà không cần được phép của chủ sở hữu sáng chế theo quy định về Căn cứ bắt buộc chuyển giao quyền sử dụng đối với sáng chế và Điều kiện hạn chế quyền sử dụng sáng chế được chuyển giao theo quyết định bắt buộc.
Nghĩa vụ cho phép sử dụng sáng chế cơ bản nhằm sử dụng sáng chế phụ thuộc
Sáng chế phụ thuộc là sáng chế được tạo ra trên cơ sở một sáng chế khác (sáng chế cơ bản) và chỉ có thể sử dụng được với điều kiện phải sử dụng sáng chế cơ bản.
Trong trường hợp chứng minh được sáng chế phụ thuộc tạo ra một bước tiến quan trọng về kỹ thuật so với sáng chế cơ bản và có ý nghĩa kinh tế lớn, chủ sở hữu sáng chế phụ thuộc có quyền yêu cầu chủ sở hữu sáng chế cơ bản chuyển giao quyền sử dụng sáng chế cơ bản với giá cả và điều kiện thương mại hợp lý.
Trong trường hợp chủ sở hữu sáng chế cơ bản không đáp ứng yêu cầu của chủ sở hữu sáng chế phụ thuộc mà không có lý do chính đáng thì cơ quan nhà nước có thẩm quyền có thể chuyển giao quyền sử dụng sáng chế đó cho chủ sở hữu sáng chế phụ thuộc mà không cần được phép của chủ sở hữu sáng chế cơ bản theo quy định về Căn cứ bắt buộc chuyển giao quyền sử dụng đối với sáng chế và Điều kiện hạn chế quyền sử dụng sáng chế được chuyển giao theo quyết định bắt buộc
Trên đây là nội dung Lawkey đưa đến bạn đọc. Để biết thêm thông tin chi tiết, hãy liên hệ với chúng tôi để được tư vấn.
Bảng danh mục các nhóm hàng hóa dịch vụ
BẢNG DANH MỤC CÁC NHÓM HÀNG HÓA/DỊCH VỤ NI-XƠ Phiên bản 10 (Theo Thoả ước Ni-xơ về Phân loại quốc tế hàng hoá/dịch vụ [...]
Nguyên tắc ưu tiên khi xét đơn yêu cầu bảo hộ
Quyền ưu tiên sẽ được áp dụng khi có ít nhất 2 đơn cùng đăng kí để bảo hộ cho cùng một đối tượng nhất định [...]