Quy định về hình thức trả lương và kỳ hạn trả lương
QUY ĐỊNH VỀ THÌNH THỨC TRẢ LƯƠNG VÀ KỲ HẠN TRẢ LƯƠNG
Tiền lương là khoản tiền mà người sử dụng lao động trả cho người lao động để thực hiện công việc theo thỏa thuận. Tiền lương bao gồm mức lương theo công việc hoặc chức danh, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác. Tiền lương trả cho người lao động được căn cứ theo tiền lương ghi trong hợp đồng lao động, năng suất lao động, khối lượng và chất lượng công việc mà người lao động đã thực hiện..
Về hình thức trả lương và kỳ hạn trả lương cho người lao động được quy định tại Bộ Luật lao động 2012 và Nghị định 05/2015/NĐ-CP. Cụ thể: Người sử dụng lao động có quyền lựa chọn hình thức trả lương theo thời gian, sản phẩm hoặc khoán. Hình thức trả lương đã chọn phải được duy trì trong một thời gian nhất định; trường hợp thay đổi hình thức trả lương, thì người sử dụng lao động phải thông báo cho người lao động biết trước ít nhất 10 ngày.
Người lao động được trả lương trực tiếp, đầy đủ và đúng thời hạn. Trường hợp đặc biệt không thể trả lương đúng thời hạn thì không được chậm quá 01 tháng và người sử dụng lao động phải trả thêm cho người lao động một khoản tiền ít nhất bằng lãi suất huy động tiền gửi do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố tại thời điểm trả lương
1. Hình thức trả lương và kỳ hạn trả lương:
1.1. Hưởng lương theo thời gian
Tiền lương theo thời gian được trả cho người lao động căn cứ vào thời gian làm việc thực tế theo tháng, tuần, ngày, giờ, cụ thể:
a) Tiền lương tháng: được trả cho một tháng làm việc xác định trên cơ sở hợp đồng lao động;
Kỳ hạn trả lương: Người lao động hưởng lương tháng được trả lương tháng một lần hoặc nửa tháng một lần. Thời điểm trả lương do hai bên thỏa thuận và được ấn định vào một thời điểm cố định trong tháng.
b) Tiền lương tuần: được trả cho một tuần làm việc xác định trên cơ sở tiền lương tháng nhân với 12 tháng và chia cho 52 tuần;
Kỳ hạn trả lương: Người lao động hưởng lương tuần thì được trả lương sau tuần làm việc hoặc được trả gộp do hai bên thoả thuận, nhưng ít nhất 15 ngày phải được trả gộp một lần.
c) Tiền lương ngày: được trả cho một ngày làm việc xác định trên cơ sở tiền lương tháng chia cho số ngày làm việc bình thường trong tháng theo quy định của pháp luật mà doanh nghiệp lựa chọn;
Kỳ hạn trả lương: Người lao động hưởng lương ngày thì được trả lương sau ngày làm việc hoặc được trả gộp do hai bên thoả thuận, nhưng ít nhất 15 ngày phải được trả gộp một lần.
d) Tiền lương giờ: được trả cho một giờ làm việc xác định trên cơ sở tiền lương ngày chia cho số giờ làm việc bình thường trong ngày theo quy định tại Điều 104 của Bộ luật Lao động.
Kỳ hạn trả lương: Người lao động hưởng lương giờ thì được trả lương sau giờ làm việc hoặc được trả gộp do hai bên thoả thuận, nhưng ít nhất 15 ngày phải được trả gộp một lần.
1.2. Hưởng lương theo sản phẩm:
Tiền lương theo sản phẩm được trả căn cứ vào mức độ hoàn thành số lượng, chất lượng sản phẩm theo định mức lao động và đơn giá sản phẩm được giao.
Tiền lương của người lao động phụ thuộc trực tiếp vào số lượng sản phẩm mà họ đã sản xuất ra, được người sử dụng lao động chấp nhận.
Kỳ hạn trả lương: Người lao động hưởng lương theo sản phẩm được trả lương theo thoả thuận của hai bên; nếu công việc phải làm trong nhiều tháng thì hằng tháng được tạm ứng tiền lương theo khối lượng công việc đã làm trong tháng.
1.3. Hưởng lương khoán:
Tiền lương khoán được trả căn cứ vào khối lượng, chất lượng công việc và thời gian phải hoàn thành.
Để thực hiện việc trả lương khoán, người sử dụng lao động cần xác định khối lượng (với chất lượng tương ứng) công việc khoán cho người lao động, quỹ thời gian thực hiện, quỹ tiền lương cho toàn bộ khối lượng công việc.
Kỳ hạn trả lương: Người lao động hưởng lương theo khoán được trả lương theo thoả thuận của hai bên; nếu công việc phải làm trong nhiều tháng thì hằng tháng được tạm ứng tiền lương theo khối lượng công việc đã làm trong tháng.
2. Hình thức thanh toán tiền lương
Theo khoản 2 Điều 94 Bộ luật lao động 2012 Lương được trả bằng tiền mặt hoặc trả qua tài khoản cá nhân của người lao động được mở tại ngân hàng. Trường hợp trả qua tài khoản ngân hàng, thì người sử dụng lao động phải thỏa thuận với người lao động về các loại phí liên quan đến việc mở, duy trì tài khoản.
3.Trả lương trong một số trường hợp đặc biệt:
3.1. Hưởng lương trong thời gian học nghề, tập nghề
Trong thời gian học nghề, tập nghề, nếu người học nghề, tập nghề trực tiếp hoặc tham gia lao động làm ra sản phẩm hợp quy cách, thì được người sử dụng lao động trả lương theo mức do hai bên thoả thuận.
3.2. Hưởng lương trong thời gian thử việc
Theo quy định tại Điều 28 Bộ luật Lao động 2012, Người sử dụng lao động và người lao động có thể thoả thuận về việc làm thử, quyền, nghĩa vụ của hai bên trong thời gian thử việc. Tiền lương của người lao động trong thời gian thử việc do hai bên thoả thuận nhưng ít nhất phải bằng 85% mức lương của công việc đó.
2.2. Hưởng lương khi làm việc vào ban đêm
Khi người lao động làm việc vào ban đêm, người lao động sẽ trả thêm khoản nhất định do sự tăng lên các yếu tố có hại trong điều kiện lao động có hại (làm việc vào ban đêm khiến nhịp sinh học thay đổi, sức khỏe bị ảnh hưởng bởi ánh sáng nhân tạo, tiếng ồn lớn,…). Theo khoản 2 Điều 97 Bộ luật lao động, người lao động làm việc vào ban đêm (từ 22 giờ 00 ngày hôm trước đến 6 giờ 00 ngày hôm sau) được trả thêm ít nhất bằng 30% tiền lương tính theo đơn giá tiền lương hoặc tiền lương theo công việc của ngày làm việc bình thường.
3.3. Hưởng lương khi làm thêm giờ
Người lao động được trả lương làm thêm giờ trong các trường hợp sau:
– Người lao động hưởng lương theo thời gian được trả lương làm thêm giờ khi làm việc ngoài thời giờ làm việc bình thường do người sử dụng lao động quy định theo quy định của Bộ luật Lao động;
– Người lao động hưởng lương theo sản phẩm được trả lương làm thêm giờ khi làm việc ngoài thời giờ làm việc bình thường để làm thêm số lượng, khối lượng sản phẩm, công việc ngoài số lượng, khối lượng sản phẩm, công việc theo định mức lao động theo thỏa thuận với người sử dụng lao động.
Tiền lương làm thêm giờ được tính theo đơn giá tiền lương hoặc tiền lương thực trả theo công việc đang làm như sau:
– Vào ngày thường, ít nhất bằng 150%;
– Vào ngày nghỉ hằng tuần, ít nhất bằng 200%;
– Vào ngày nghỉ lễ, tết, ngày nghỉ có hưởng lương, ít nhất bằng 300%, chưa kể tiền lương ngày lễ, tết, ngày nghỉ có hưởng lương theo quy định của Bộ luật Lao động đối với người lao động hưởng lương theo ngày.
3.4. Hưởnglương khi ngừng việc:
Trong trường hợp phải ngừng việc, người lao động được trả lương như sau:
– Nếu do lỗi của người sử dụng lao động, thì người lao động được trả đủ tiền lương. Tiền lương làm căn cứ để trả cho người lao động trong thời gian ngừng việc là tiền lương ghi trong hợp đồng lao động khi người lao động phải ngừng việc và được tính tương ứng với các hình thức trả lương theo thời gian.
– Nếu do lỗi của người lao động thì người đó không được trả lương; những người lao động khác trong cùng đơn vị phải ngừng việc được trả lương theo mức do hai bên thoả thuận nhưng không được thấp hơn mức lương tối thiểu vùng do Chính phủ quy định;
– Nếu vì sự cố về điện, nước mà không do lỗi của người sử dụng lao động, người lao động hoặc vì các nguyên nhân khách quan khác như thiên tai, hoả hoạn, dịch bệnh nguy hiểm, địch hoạ, di dời địa điểm hoạt động theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền hoặc vì lý do kinh tế, thì tiền lương ngừng việc do hai bên thoả thuận nhưng không được thấp hơn mức lương tối thiểu vùng do Chính phủ quy định.
2.5. Trả lương trong những ngày nghỉ có lương của người lao động
Trong những ngày lễ, tết, nghỉ hàng năm và nghỉ về việc riêng, người lao động được hưởng nguyên lương. Những trường hợp này được quy định cụ thể tại các điều 111, 112, 115, 116 Bộ luật lao động 2012.
2.6. Hưởng lương trong trường hợp sử dụng người cai thầu hoặc người có vai trò trung gian tương tự
Nơi nào sử dụng người cai thầu hoặc người có vai trò trung gian tương tự thì người sử dụng lao động là chủ chính phải có danh sách và địa chỉ của những người này kèm theo danh sách những người lao động làm việc với họ và phải bảo đảm việc họ tuân theo quy định của pháp luật về trả lương, an toàn lao động, vệ sinh lao động.
Trường hợp người cai thầu hoặc người có vai trò trung gian tương tự không trả lương hoặc trả lương không đầy đủ và không bảo đảm các quyền lợi khác cho người lao động, thì người sử dụng lao động là chủ chính phải chịu trách nhiệm trả lương và bảo đảm các quyền lợi đó cho người lao động.
Trên đây là nội dung Quy định về hình thức trả lương và kỳ hạn trả lương LawKey gửi đến bạn đọc.
Quy định về xây dựng định mức lao động
Quy định về xây dựng định mức lao động Theo quy định của Bộ luật lao động 2012, người sử dụng lao động có trách [...]
Rút BHXH bắt buộc 1 lần có được bảo lưu bảo hiểm thất nghiệp không?
Nhiều người lao động thắc mắc rằng sau khi rút bảo hiểm xã hội 1 lần có được bảo lưu bảo hiểm thất nghiệp không? [...]