Chính sách ưu đãi hỗ trợ cho doanh nghiệp khoa học và công nghệ
Nghị định 13/2019/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 20/03/2019 có quy định về chính sách ưu đãi hỗ trợ cho doanh nghiệp khoa học và công nghệ. Dưới đây là các chính sách ưu đãi hỗ trợ cụ thể.
Các chính sách ưu đãi được phép áp dụng
Nghị định 13/2019/NĐ-CP dành từ Điều 12 đến Điều 14 để quy định về các chính sách ưu đãi áp dụng đối với doanh nghiệp khoa học và công nghệ như sau:
Miễn giảm thuế thu nhập doanh nghiệp
Các doanh nghiệp thực hiện dự án đầu tư mới thuộc lĩnh vực nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ; phần doanh thu, thu nhập từ hoạt động sản xuất, kinh doanh các sản phẩm hình thành từ kết quả khoa học và công nghệ sẽ được miễn thuế 04 năm và giảm 50% số thuế phải nộp trong 09 năm tiếp theo.
Riêng phần doanh thu, thu nhập được tạo ra từ dịch vụ có ứng dụng kết quả khoa học công nghệ trong lĩnh vực công nghệ thông tin phải là doanh thu, thu nhập từ dịch vụ mới.
Lưu ý: Doanh nghiệp khoa học và công nghệ không được ưu đãi miễn, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp đối với năm tài chính không đáp ứng được điều kiện về doanh thu của sản phẩm hình thành từ kết quả khoa học và công nghệ đạt tỷ lệ tối thiểu 30% trên tổng doanh thu của doanh nghiệp.
Miễn, giảm tiền thuê đất, thuê mặt nước
Doanh nghiệp khoa học và công nghệ được miễn, giảm tiền thuê đất, thuê mặt nước theo quy định của pháp luật về đất đai. Sở Khoa học và Công nghệ có trách nhiệm phối hợp với cơ quan tiếp nhận hồ sơ của người sử dụng đất khi xác định diện tích đất được miễn, giảm cho mục đích khoa học và công nghệ.
Chi tiết về việc miễn, giảm tiền thuê đất, thuê mặt nước và cách tính giá cũng như trình tự, thủ tục xin miễn giảm tiền thuê được được quy định tại các văn bản pháp luật sau:
– Luật Đất đai 2013;
– Nghị định 43/2014/NĐ-CP hướng dẫn thi hành luật đất đai;
– Nghị định 46/2014/NĐ-CP quy định về thu tiền thuê đất, thuê mặt nước;
– Nghị định 135/2016/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định quy định về thu tiền sử dụng đất, thu tiền thuê đất, thuê mặt nước;
– Nghị định 123/2017/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định quy định về thu tiền sử dụng đất, thu tiền thuê đất, thuê mặt nước.
Ưu đãi tín dụng
Doanh nghiệp khoa học và công nghệ được hưởng ưu đãi tín dụng theo quuy định tại Điều 14 Nghị định 13/2019/NĐ-CP. Cụ thể như sau:
– Các dự án đầu tư sản xuất sản phẩm hình thành từ kết quả khoa học và công nghệ của doanh nghiệp khoa học và công nghệ được vay vốn tín dụng đầu tư của Nhà nước theo quy định của pháp luật hiện hành.
– Doanh nghiệp khoa học và công nghệ thực hiện các nhiệm vụ khoa học và công nghệ, ứng dụng kết quả khoa học và công nghệ, sản xuất, kinh doanh sản phẩm hình thành từ kết quả khoa học và công nghệ được Quỹ Đổi mới công nghệ quốc gia, Quỹ phát triển khoa học và công nghệ của bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tài trợ, cho vay với lãi suất ưu đãi, hỗ trợ lãi suất vay và bảo lãnh để vay vốn.
+ Đối với doanh nghiệp khoa học và công nghệ có tài sản dùng để thế chấp theo quy định của pháp luật được cho vay với lãi suất ưu đãi hoặc hỗ trợ lãi suất vay tối đa 50% lãi suất vay vốn tại ngân hàng thương mại thực hiện cho vay;
+ Đối với doanh nghiệp khoa học và công nghệ có dự án khoa học và công nghệ khả thi được cho vay với lãi suất ưu đãi hoặc bảo lãnh để vay vốn tại các ngân hàng thương mại.
Các chính sách hỗ trợ được phép áp dụng
Điều 16 và Điều 17 Nghị định 13/2019/NĐ-CP quy định các chính sách hỗ trợ áp dụng đối với doanh nghiệp khoa học và công nghệ như sau:
Hỗ trợ hoạt động nghiên cứu, thương mại hóa kết quả khoa học và công nghệ
Tại Điều 16 Nghị định 13/2019/NĐ-CP quy định cụ thể về việc hỗ trợ này như sau:
– Doanh nghiệp khoa học và công nghệ được hưởng ưu đãi về thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu đối với hoạt động nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ, hoạt động sản xuất kinh doanh theo quy định của pháp luật.
– Doanh nghiệp khoa học và công nghệ được ưu tiên, không thu phí dịch vụ khi sử dụng máy móc, trang thiết bị tại các phòng thí nghiệm trọng điểm quốc gia, cơ sở ươm tạo công nghệ, ươm tạo doanh nghiệp, cơ sở nghiên cứu khoa học và công nghệ của Nhà nước để thực hiện các hoạt động nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, ươm tạo công nghệ, sản xuất thử nghiệm sản phẩm mới, ươm tạo doanh nghiệp khoa học và công nghệ. Trong trường hợp phát sinh chi phí mua nguyên vật liệu để thực hiện các hoạt động nghiên cứu, doanh nghiệp chi trả các khoản chi phí phát sinh cho các phòng thí nghiệm trọng điểm quốc gia, cơ sở ươm tạo công nghệ, ươm tạo doanh nghiệp, cơ sở nghiên cứu khoa học và công nghệ của Nhà nước.
– Doanh nghiệp khoa học và công nghệ được sử dụng Quỹ phát triển khoa học và công nghệ của doanh nghiệp và các nguồn huy động hợp pháp khác để thương mại hóa kết quả khoa học và công nghệ.
Doanh nghiệp khoa học và công nghệ được ưu tiên tham gia các dự án hỗ trợ thương mại hóa kết quả khoa học và công nghệ, tài sản trí tuệ của Nhà nước. Nội dung và mức hỗ trợ cụ thể thực hiện theo quy định của Nhà nước về dự án hỗ trợ thương mại hóa kết quả khoa học và công nghệ, tài sản trí tuệ.
– Doanh nghiệp khoa học và công nghệ được miễn lệ phí trước bạ khi đăng ký quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà theo quy định của pháp luật về lệ phí trước bạ.
– Các bộ, cơ quan ngang bộ, ưu tiên xây dựng quy chuẩn kỹ thuật quốc gia cho sản phẩm hình thành từ kết quả khoa học và công nghệ của doanh nghiệp khoa học và công nghệ trong trường hợp sản phẩm thuộc danh mục sản phẩm nhóm 2 khi chưa có quy chuẩn kỹ thuật tương ứng.
Hỗ trợ, khuyến khích ứng dụng, đổi mới công nghệ
Điều 17 Nghị định 13/2019/NĐ-CP quy định cụ thể về việc hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp khoa học và công nghệ ứng dụng, đổi mới công nghệ như sau:
– Doanh nghiệp khoa học và công nghệ đầu tư cho cơ sở vật chất – kỹ thuật hoạt động giải mã công nghệ được Quỹ Đổi mới công nghệ quốc gia tạo điều kiện thuận lợi hỗ trợ vốn, bảo lãnh vay vốn, hỗ trợ lãi suất vay tối đa 50% lãi suất vay vốn tại ngân hàng thương mại cho vay.
– Doanh nghiệp khoa học và công nghệ có dự án tham gia cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị được Quỹ Phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa xem xét cho vay theo quy định của pháp luật hiện hành.
– Doanh nghiệp khoa học và công nghệ tự đầu tư nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ sau khi có kết quả được chuyển giao, ứng dụng hiệu quả trong thực tiễn, được cơ quan quản lý nhà nước về khoa học và công nghệ công nhận thì được hỗ trợ kinh phí từ ngân sách nhà nước; trường hợp kết quả có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển kinh tế – xã hội và quốc phòng, an ninh thì Nhà nước sẽ xem xét mua kết quả đó.
– Doanh nghiệp khoa học và công nghệ được các cơ quan có thẩm quyền ưu tiên trong việc xác lập quyền sở hữu trí tuệ, công nhận, đăng ký lưu hành sản phẩm hình thành từ kết quả khoa học và công nghệ để phát triển sản phẩm mới.
– Doanh nghiệp khoa học và công nghệ có thành tích trong hoạt động khoa học và công nghệ, thương mại hóa sản phẩm hình thành từ kết quả khoa học và công nghệ được vinh danh, khen thưởng.
Trên đây là bài tư vấn của chúng tôi về “Chính sách ưu đãi hỗ trợ cho doanh nghiệp khoa học và công nghệ” gửi đến bạn đọc. Nếu còn bất kỳ thắc mắc nào, bạn hãy liên hệ với chúng tôi để được giải đáp.
Chủ thể đặc biệt của quan hệ pháp luật dân sự là ai?
Chủ thể đặc biệt của quan hệ pháp luật dân sự, tham gia vào các quan hệ pháp luật dân sự là Nhà nước. Cùng Lawkey tìm [...]
Tài sản và cổ tức của công ty đầu tư chứng khoán đại chúng
Công ty đầu tư chứng khoán đại chúng là công ty đầu tư chứng khoán thực hiện việc chào bán cổ phiếu ra công chúng. Vậy [...]