Hoàn tiền thuế nộp thừa như thế nào?
Xử lý tiền thuế doanh nghiệp nộp thừa như thế nào? Doanh nghiệp có được hoàn tiền thuế nộp thừa không?
Ngày 05/04/2018, tổng cục thuế ban hành Công văn số 1155/TCT-KK hướng dẫn về việc hoàn tiền thuế nộp thừa. Cụ thể:
Theo nội dung tại Bản án số 33/2017/HSST ngày 28/9/2017 của Tòa án nhân dân tỉnh Quảng Trị, ngày 14/12/2016, Công ty cổ phần Tuấn Lộc Quảng Trị tự giác nộp số tiền thuế 4.120.543.228 đồng vào NSNN để khắc phục hậu quả trước khi khởi tố vụ án; Sau đó, số tiền trốn thuế do Tòa án xác định là 4.037.777.584 đồng, dẫn đến số tiền thuế Công ty đã nộp vào NSNN lớn hơn số tiền thuế phải nộp theo kết luận của Tòa án là 82.765.644 đồng.
Xem thêm: Quy định về hoàn thuế đối với trường hợp hàng hóa nhập khẩu sau đó xuất khẩu
Về vấn đề này, Tổng cục Thuế có ý kiến như sau:
– Khoản 5 Điều 57 Luật quản lý thuế số 78/2006/QH11 ngày 29/11/2006 quy định:
“Cơ quan thuế thực hiện hoàn thuế đối với các trường hợp sau đây:
…5. Tổ chức, cá nhân nộp các loại thuế khác có số tiền thuế nộp đã nộp vào NSNN lớn hơn số tiền thuế phải nộp.”
– Khoản 12, 13, Điều 1 Luật số 21/2012/QH13 ngày 20/11/2012 sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Quản lý thuế số 78/2016/QH11 ngày 29/11/2016 quy định:
“12. Điều 45 được sửa đổi, bổ sung như sau:
“Điều 45. Thứ tự thanh toán tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt
Trường hợp người nộp thuế vừa có số tiền thuế nợ, tiền thuế truy thu, tiền thuế phát sinh, tiền chậm nộp, tiền phạt thì việc thanh toán được thực hiện theo thứ tự sau đây:
1. Đối với các loại thuế do cơ quan thuế quản lý:
a) Tiền thuế nợ;
b) Tiền thuế truy thu;
c) Tiền chậm nộp;
d) Tiền thuế phát sinh;
đ) Tiền phạt;”
“13. Điều 47 được sửa đổi, bổ sung như sau:
“Điều 47. Xử lý số tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt nộp thừa
1. Người nộp thuế có số tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt đã nộp lớn hơn số tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt phải nộp đối với từng loại thuế trong thời hạn mười năm, kể từ ngày nộp tiền vào ngân sách nhà nước thì được bù trừ số tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt nộp thừa với số tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt còn nợ, kể cả việc bù trừ giữa các loại thuế với nhau; hoặc trừ vào số tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt phải nộp của lần nộp thuế tiếp theo; hoặc hoàn trả số tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt nộp thừa khi người nộp thuế không còn nợ tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt.
2. Trường hợp người nộp thuế có yêu cầu trả lại số tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt nộp thừa thì cơ quan quản lý thuế phải ra quyết định trả lại số tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt nộp thừa hoặc có văn bản trả lời nêu rõ lý do không hoàn trả trong thời hạn năm ngày làm việc, kể từ ngày nhận được văn bản yêu cầu.”
– Khoản 1 Điều 29 Thông tư số 156/2013/TT-BTC ngày 06/11/2013 của Bộ Tài chính hướng dẫn thanh toán tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt:
“Điều 29. Thanh toán tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt
1. Trường hợp người nộp thuế vừa có số tiền thuế nợ, tiền thuế truy thu, tiền chậm nộp, tiền thuế phát sinh, tiền phạt thì người nộp thuế phải ghi rõ trên chứng từ nộp tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt theo thứ tự thanh toán sau đây:
a) Tiền thuế nợ;
b) Tiền thuế truy thu;
c) Tiền chậm nộp;
d) Tiền thuế phát sinh;a
đ) Tiền phạt.
Trường hợp trong cùng một thứ tự thanh toán có nhiều khoản phải nộp có thời hạn nộp khác nhau thì thực hiện theo trình tự thời hạn nộp thuế của khoản phải nộp, khoản nào có hạn nộp trước được thanh toán trước…”
– Khoản 1.a, Điều 33 Thông tư số 156/2013/TT-BTC ngày 6/11/2013 của Bộ Tài chính hướng dẫn xử lý số tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt nộp thừa:
“1. Tiền thuế, tiền chậm nộp và tiền phạt được coi là nộp thừa khi:
a) Người nộp thuế có số tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt đã nộp lớn hơn số tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt phải nộp đối với từng loại thuế có cùng nội dung kinh tế (tiểu mục) quy định của mục lục ngân sách nhà nước trong thời hạn 10 (mười) năm tính từ ngày nộp tiền vào ngân sách nhà nước. Đối với loại thuế phải quyết toán thuế thì người nộp thuế chỉ được xác định số thuế nộp thừa khi có số thuế đã nộp lớn hơn số thuế phải nộp theo quyết toán thuế…”
Như vậy:
– Số tiền thuế 4.120.543.228 đồng Công ty cổ phần Tuấn Lộc Quảng Trị đã nộp vào NSNN được thanh toán theo thứ tự quy định tại Luật quản lý thuế và các văn bản hướng dẫn thi hành.
– Trường hợp số tiền thuế Công ty cổ phần Tuấn Lộc Quảng Trị đã nộp vào NSNN lớn hơn số tiền thuế phải nộp được xác định là nộp thừa và được xử lý theo các quy định tại Luật quản lý thuế và Thông tư 156/2013/TT-BTC nêu trên. Đối với loại thuế phải quyết toán thuế thì Công ty cổ phần Tuấn Lộc Quảng Trị chỉ được xác định số thuế nộp thừa khi có số thuế đã nộp lớn hơn số thuế phải nộp theo quyết toán thuế.
Thuế giá trị gia tăng là gì? Khái niệm và đặc điểm thuế GTGT
Thuế giá trị gia tăng là gì ? Khái niệm và đặc điểm thuế GTGT theo quy định của pháp luật. Các lưu ý mà chúng ta cần [...]
Quy định về nộp tờ khai thuế GTGT của doanh nghiệp
Quy định về nộp tờ khai thuế GTGT của doanh nghiệp Theo khoản 2 Điều 11 Thông tư 156/2013/TT-BTC, được sửa đổi bởi [...]