Khái niệm nuôi con nuôi theo quy định pháp luật
Khái niệm nuôi con nuôi được quy định như thế nào? Những quy định pháp luật hiện hành về nuôi con nuôi trong Luật nuôi con nuôi 2010.
Khái niệm nuôi con nuôi
Theo khoản 1 Điều 3 Luật nuôi con nuôi 2010, khái niệm nuôi con nuôi được hiểu như sau: Nuôi con nuôi là việc xác lập quan hệ cha, mẹ và con giữa người nhận con nuôi và người được nhận làm con nuôi.
Việc nuôi con nuôi nhằm xác lập quan hệ cha, mẹ và con lâu dài, bền vững, vì lợi ích tốt nhất của người được nhận làm con nuôi, bảo đảm cho con nuôi được nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trong môi trường gia đình.
Hiện nay, việc nuôi con nuôi bao gồm: Nuôi con nuôi trong nước và nuôi con nuôi có yếu tố nước ngoài.
Nguyên tắc giải quyết việc nuôi con nuôi
+ Khi giải quyết việc nuôi con nuôi, cần tôn trọng quyền của trẻ em được sống trong môi trường gia đình gốc.
+ Việc nuôi con nuôi phải bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của người được nhận làm con nuôi và người nhận con nuôi, tự nguyện, bình đẳng, không phân biệt nam nữ, không trái pháp luật và đạo đức xã hội.
+ Chỉ cho làm con nuôi người ở nước ngoài khi không thể tìm được gia đình thay thế ở trong nước.
Thẩm quyền đăng ký nuôi con nuôi
Theo Điều 9 Luật nuôi con nuôi 2010, thẩm quyền đăng ký nuôi con nuôi thuộc về:
+ Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn (sau đây gọi chung là Ủy ban nhân dân cấp xã) nơi thường trú của người được giới thiệu làm con nuôi hoặc của người nhận con nuôi đăng ký việc nuôi con nuôi trong nước.
+ Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (sau đây gọi chung là Ủy ban nhân dân cấp tỉnh) nơi thường trú của người được giới thiệu làm con nuôi quyết định việc nuôi con nuôi có yếu tố nước ngoài; Sở Tư pháp tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đăng ký việc nuôi con nuôi có yếu tố nước ngoài.
+ Cơ quan đại diện nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ở nước ngoài đăng ký việc nuôi con nuôi của công dân Việt Nam tạm trú ở nước ngoài.
Xem thêm: Đăng ký việc nuôi con nuôi tại Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài
Các hành vi bị cấm
Theo Điều 13 Luật nuôi con nuôi 2010, các hành vi nuôi con nuôi bị cấm bao gồm những hành vi sau đây:
+ Lợi dụng việc nuôi con nuôi để trục lợi, bóc lột sức lao động, xâm hại tình dục; bắt cóc, mua bán trẻ em.
+ Giả mạo giấy tờ để giải quyết việc nuôi con nuôi.
+ Phân biệt đối xử giữa con đẻ và con nuôi.
+ Lợi dụng việc cho con nuôi để vi phạm pháp luật về dân số.
+ Lợi dụng việc làm con nuôi của thương binh, người có công với cách mạng, người thuộc dân tộc thiểu số để hưởng chế độ, chính sách ưu đãi của Nhà nước.
+ Ông, bà nhận cháu làm con nuôi hoặc anh, chị, em nhận nhau làm con nuôi.
+ Lợi dụng việc nuôi con nuôi để vi phạm pháp luật, phong tục tập quán, đạo đức, truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc.
Trên đây là nội dung bài viết Khái niệm nuôi con nuôi theo quy định pháp luật, LawKey gửi đến bạn đọc, nếu có thắc mắc liên hệ LawKey để được giải đáp.
Nguyên tắc phân chia tài sản chung của vợ chồng khi ly hôn
Tài sản nào được xác định là tài sản chung của vợ chồng? Nguyên tắc phân chia tài sản chung của vợ chồng khi ly hôn [...]
Chia tài sản chung của vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân
Chia tài sản chung của vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân là việc vợ chồng thỏa thuận hoặc yêu cầu Tòa án nhân dân quyết [...]