Khái niệm và đặc điểm của tái thẩm trong tố tụng dân sự
Bên cạnh giám đốc thẩm, tái thẩm cũng là một trong các thủ tục đặc biệt được quy định cụ thể trong Bộ luật tố tụng dân sự 2015. Dưới đây là khái niệm và đặc điểm của tái thẩm trong tố tụng dân sự.
Khái niệm tái thẩm
Có 02 thủ tục xét lại bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật, đó là giám đốc thẩm và tái thẩm. Tuy nhiên, căn cứ để tiến hành mỗi loại thủ tục này có sự khác nhau nhất định. Trong đó, thủ tục tái thẩm được quy định khá sớm và được chú trọng hoàn thiện, phát triển cho phù hợp với điều kiện tổ chức của các cơ quan tư pháp nói chung và Tòa án nói riêng. Các quy định này góp phần đảm bảo tốt nhất cho Tòa án và các cơ quan nhà nước có thẩm quyền tiến hành giải quyết tranh chấp, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của công dân.
Có nhiều khái niệm về tái thẩm được đưa ra. Có thể kể đến như:
– Tái thẩm là xét lại một bản án đã xử (Theo Từ điển Tiếng Việt do giáo sư Hoàng Phê chủ biên);
– Tái thẩm là xét lại bản án hoặc quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật, nhưng bị kháng nghị vì có những tình tiết mới được phát hiện có thể làm thay đổi cơ bản nội dung của bản án, quyết định mà Tòa án không biết được khi ra bản án hoặc quyết định đó (Tác giả Đinh Văn Quế);
– Tái thẩm dân sự là việc xét lại bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của tòa án bị kháng nghị do mới phát hiện được tình tiết quan trọng của vụ án mà tòa án và các đương sự đã không biết được khi tòa án giải quyết vụ án (Theo giáo trình Luật tố tụng dân sự Việt Nam của trường Đại học Luật Hà Nội);…
Mỗi khái niệm đều cho chúng ta cách tiếp cận khác nhau về tái thẩm trong tố tụng dân sự. Tuy nhiên, khi căn cứ vào quy định của Bộ luật tố tụng dân sự 2015, chúng ta có thể đưa ra khái niệm chung nhất về tái thẩm, đó là:
“Tái thẩm là thủ tục tố tụng đặc biệt, theo đó Hội đồng tái thẩm xét lại bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật trên cơ sở kháng nghị của người có thẩm quyền vì có những tình tiết mới được phát hiện có thể làm thay đổi cơ bản nội dung của bản án, quyết định mà Tòa án, các đương sự không biết và không thể biết được khi Tòa án đã ra bản án, quyết định đó”.
Xem thêm: Ý nghĩa của giám đốc thẩm trong tố tụng dân sự
Đặc điểm của tái thẩm
Dựa trên khái niệm được đưa ra ở trên, chúng ta có thể rút ra một vài đặc điểm nổi bật của tái thẩm như sau:
Thứ nhất, đối tượng của tái thẩm là bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật
Về nguyên tắc, bản án, quyết định có hiệu lực của Tòa án phải được thi hành. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, vẫn có những bản án, quyết định có hiệu lực nhưng không phù hợp với sự thật khách quan bởi có sự xuất hiện của các tình tiết mới mà trước đó Tòa án và đương sự không biết hoặc không thể biết . Do đó, pháp luật dân sự đã quy định một thủ tục đặc biệt để kiểm soát, xem xét lại những bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật đó, gọi là tái thẩm.
Do đó, đối tượng của tái thẩm dân sự là những bản án, quyết định giải quyết vụ án đã có hiệu lực pháp luật nhưng bị kháng nghị vì có tình tiết mới được phát hiện có thể làm thay đổi cơ bản nội dung của bản án, quyết định mà Tòa án, các đương sự không biết được khi Tòa án ra bản án, quyết định đó.
Thứ hai, tái thẩm xem xét các tình tiết mới được phát hiện
Tái thẩm không xét xử lại vụ án mà là xem xét các tình tiết mới được phát hiện mà trước đó Tòa án và các đương sự không thể biết được khi giải quyết vụ án. Chính vì vậy, ở giai đoạn tái thẩm, việc đầu tiên là xem xét tình tiết đó có phải là tính tiết mới hay không và có ảnh hưởng đến nội dung của bản án, quyết định của Tòa án hay không?
Một tình tiết được xem là mới nếu tồn tại trước khi Tòa án ra bản án, quyết định và được phát hiện sau khi bản án, quyết định ấy có hiệu lực pháp luật. Sau đó, cần thiết phải xem xét tình tiết đó có ảnh hưởng đến việc giải quyết vụ án đ. Như vậy, tình tiết mới phải có sự ảnh hưởng đến nội dung bản án, quyết định mới được coi là căn cứ để thực hiện thủ tục tái thẩm.
Thứ ba, tái thẩm phải được dựa trên kháng nghị của người có thẩm quyền
Căn cứ theo quy định tại Điều 354 Bộ luật tố tụng dân sự 2015, người có thẩm quyền kháng nghị theo thủ tục tái thẩm bao gồm:
– Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao có thẩm quyền kháng nghị theo thủ tục tái thẩm bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án nhân dân cấp cao; bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật của Tòa án khác khi xét thấy cần thiết, trừ quyết định giám đốc thẩm của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao.
– Chánh án Tòa án nhân dân cấp cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp cao có thẩm quyền kháng nghị theo thủ tục tái thẩm bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án nhân dân cấp tỉnh, Tòa án nhân dân cấp huyện trong phạm vi thẩm quyền theo lãnh thổ.
Thứ tư, phạm vi tái thẩm chỉ giới hạn bởi phạm vi của kháng nghị
Hội đồng xét xử giám đốc thẩm chỉ xem xét lại phần quyết định của bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật bị kháng nghị hoặc có liên quan đến việc xem xét nội dung kháng nghị.
Tuy nhiên, Hội đồng xét xử giám đốc thẩm có quyền xem xét phần quyết định của bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật không bị kháng nghị hoặc không liên quan đến việc xem xét nội dung kháng nghị, nếu phần quyết định đó xâm phạm đến lợi ích công cộng, lợi ích của Nhà nước, lợi ích của người thứ ba không phải là đương sự trong vụ án.
Xem thêm: Những đặc trưng cơ bản của giám đốc thẩm dân sự theo quy định hiện nay
Trên đây là bài viết của chúng tôi về “Khái niệm và đặc điểm của tái thẩm trong tố tụng dân sự ” gửi đến bạn đọc. Nếu bạn còn bất kỳ thắc mắc nào, bạn hãy liên hệ với chúng tôi để được hỗ trợ tư vấn.
Thủ tục tước quốc tịch Việt Nam theo quy định hiện nay
Hồ sơ kiến nghị tước quốc tịch Việt Nam bao gồm những giấy tờ nào? Thủ tục tước quốc tịch Việt Nam theo quy định [...]
Thiết quân luật là gì?
Thiết quân luật là gì? Có các biện pháp đặc biệt nào được áp dụng trong thời gian thi hành lệnh thiết quân luật? Hãy [...]