Quy định hiện nay về biện pháp khám người tại doanh nghiệp
Quy định của pháp luật hiện nay về thủ tục khám người? Biện pháp khám người tại doanh nghiệp có vi phạm pháp luật không? Cùng Lawkey tìm hiểu nội dung này qua bài viết dưới đây.
Tóm tắt câu hỏi:
Luật sư cho tôi hỏi doanh nghiệp có được phép thực hiện biện pháp khám người đối với người lao động không? Việc khám người này được quy định tại đâu? Công nhân không muốn bị khám người khi cảm thấy bị xâm phạm thân thể thì có được không?
Luật sư tư vấn:
Công ty TNHH Tư vấn LawKey Việt Nam cảm ơn anh/chị đã tin tưởng khi gửi câu hỏi đến LawKey. Với thắc mắc của anh/chị, luật sư LawKey tư vấn như sau:
Một số vấn đề pháp lý liên quan
Nội quy lao động
Điều 118 BLLĐ 2019 quy định nội quy lao động bao gồm những nội dung chủ yếu như: Thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi; Trật tự tại nơi làm việc; Việc bảo vệ tài sản và bí mật kinh doanh, bí mật công nghệ, sở hữu trí tuệ của người sử dụng lao động; Phòng, chống quấy rối tình dục tại nơi làm việc; trình tự, thủ tục xử lý hành vi quấy rối tình dục tại nơi làm việc… Theo đó, các nội dung trong nội quy lao động không được trái với pháp luật về lao động và quy định của pháp luật có liên quan.
Xem thêm: Một số quy định của pháp luật về nội quy lao động
Các hành vi bị nghiêm cấm
Điều 8 BLLĐ 2019 quy định các hàng vi bị nghiêm cấm trong lĩnh vực lao động gồm: Phân biệt đối xử trong lao động; Ngược đãi người lao động, cưỡng bức lao động; Quấy rối tình dục tại nơi làm việc…
Bên cạnh đó, Điều 20 Hiến pháp 2013 quy định mọi người có quyền bất khả xâm phạm về thân thể, được pháp luật bảo hộ về sức khoẻ, danh dự và nhân phẩm; không bị tra tấn, bạo lực, truy bức, nhục hình hay bất kỳ hình thức đối xử nào khác xâm phạm thân thể, sức khỏe, xúc phạm danh dự, nhân phẩm. Ngoài ra, Điều 33 BLDS 2015 quy định cá nhân có quyền bất khả xâm phạm về thân thể.
Quy định về biện pháp khám người theo thủ tục hành chính
Theo khoản 4 Điều 119 Luật xử lý vi phạm hành chính 2012,trong trường hợp cần ngăn chặn kịp thời vi phạm hành chính hoặc để bảo đảm việc xử lý vi phạm hành chính, người có thẩm quyền có thể áp dụng biện pháp khám người theo thủ tục hành chính. Theo đó, việc khám người theo thủ tục hành chính chỉ được tiến hành khi có căn cứ cho rằng người đó cất giấu trong người đồ vật, tài liệu, phương tiện được sử dụng để vi phạm hành chính.
Trong trường hợp này, chỉ những người có thẩm quyền như Chủ tịch UBND cấp xã, Trường CA phường, trưởng CA cấp huyện.. mới có quyền quyết định khám người theo thủ tục hành chính.
Trong trường hợp có căn cứ để cho rằng nếu không tiến hành khám ngay thì đồ vật, tài liệu, phương tiện được sử dụng để vi phạm hành chính bị tẩu tán, tiêu hủy, thì các chiến sĩ cảnh sát nhân dân… đang thi hành công vụ được khám người theo thủ tục hành chính, báo cáo ngay với cấp trên và phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc khám người.
Lưu ý:
– Việc khám người phải có quyết định bằng văn bản, trừ trường hợp cần khám ngay. Mọi trường hợp khám người đều phải lập biên bản. Quyết định khám người và biên bản khám người phải được giao cho người bị khám 01 bản.;
– Trước khi tiến hành khám người, người khám phải thông báo quyết định cho người bị khám biết. Khi khám người, nam khám nam, nữ khám nữ và phải có người cùng giới chứng kiến.
Các hành vi bị nghiêm cấm khi xử lý kỷ luật lao động
Điều 127 BLLĐ 2019 quy định về các hành vi bị nghiêm cấm khi xử lý kỷ luật lao động gồm:
1. Xâm phạm sức khỏe, danh dự, tính mạng, uy tín, nhân phẩm của người lao động.
2. Phạt tiền, cắt lương thay việc xử lý kỷ luật lao động.
3. Xử lý kỷ luật lao động đối với người lao động có hành vi vi phạm không được quy định trong nội quy lao động hoặc không thỏa thuận trong hợp đồng lao động đã giao kết hoặc pháp luật về lao động không có quy định.
Đối chiếu với tình huống của anh/chị
Theo Bộ luật Lao động, việc bảo vệ tài sản của người sử dụng lao động là một trong các nội dung chủ yếu của Nội quy lao động nhưng không được trái với pháp luật về lao động và quy định của pháp luật có liên quan (Điều 119 BLLĐ 2012 và Điều 118 BLLĐ 2019).
Tuy nhiên, Bộ LĐTBXH đã có CV 4179/LĐTBXH-LĐTL nêu rõ “doanh nghiệp không quy định hình thức khám người trong nội quy lao động, thỏa ước lao động tập thể và có biện pháp phù hợp để bảo vệ tài sản trong doanh nghiệp”.
Do đó, đây có thể coi là hạn chế đối với doanh nghiệp trong việc quy định biện pháp khám người đối với NLĐ tại doanh nghiệp trong Nội quy lao động.
Trên đây là nội dung Quy định hiện nay về biện pháp khám người tại doanh nghiệp Lawkey gửi đến bạn đọc. Nếu có thắc mắc, vui lòng liên hệ Lawkey.
Thời gian đóng BHXH bắt buộc và BHXH tự nguyện có được cộng dồn?
Bài viết dưới đây LawKey sẽ giải đáp thắc mắc của bạn đọc về thời gian đóng BHXH bắt buộc và BHXH tự nguyện có được [...]
Chấm dứt hợp đồng lao động vì Lao động nữ mang thai là trái luật
Chấm dứt hợp đồng lao động vì Lao động nữ mang thai là trái luật Tóm tắt câu hỏi: Chào Luật sư, Tôi ký hợp đồng [...]