Khởi tố vụ án hình sự theo yêu cầu của bị hại trong Bộ luật tố tụng hình sự 2015
Khởi tố vụ án hình sự theo yêu cầu bị hại là một quy định vô cùng quan trọng nhằm bảo vệ quyền và lợi ích bị hại trong một số trường hợp nhất định. Tuy nhiên, nhiều người lại không hiểu rõ về quy định này. Vì vậy, chúng tôi sẽ phân tích và giải đáp vấn đề này cho bạn.
Khởi tố theo yêu cầu của bị hại là gì?
Trên thực tế, có những trường hợp khởi tố vụ án hình sự để truy cứu trách nhiệm người thực hiện hành vi phạm tội lại có thể gây thêm những tổn thật khác cho bị hại so với việc không khởi tố vụ án. Ví dụ như: Làm lộ bí mật đời tư bị hại, gây thêm tổn thất tinh thần, phá vỡ sự hòa giải, thỏa thuận giữa các bên. Chính vì thực tiễn này, pháp luật tố tụng hình sự mới quy định vấn đề này để đảm bảo quyền và lợi ích cho bị hại.
Tuy nhiên, không phải trường hợp nào cũng khởi tố theo yêu cầu của bị hại. Chỉ những trường hợp luật định thì mới áp dụng quy định này.
Như vậy, khởi tố vụ án hình sự theo yêu cầu của bị hại là quy định của pháp luật tố tụng hình sự về những trường hợp mà trong những trường hợp đó cơ quan tiến hành tố tụng chỉ khởi tố vụ án hình sự nếu có yêu cầu của bị hại hoặc người đại diện của họ.
Khởi tố vụ án hình sự theo yêu cầu của bị hại khi nào?
Vấn đề này được quy định cụ thể trong Điều 155 Bộ luật tố tụng hình sự 2015, như sau:
“Chỉ được khởi tố vụ án hình sự về tội phạm quy định tại khoản 1 các điều 134, 135, 136, 138, 139, 141, 143, 155, 156 và 226 của Bộ luật hình sự khi có yêu cầu của bị hại hoặc người đại diện của bị hại là người dưới 18 tuổi, người có nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất hoặc đã chết.”
Như vậy, có thể thấy, chỉ được khởi tố vụ án hình sự khi có yêu cầu của bị hại hoặc người đại diện của bị hại là người dưới 18 tuổi, người có nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất hoặc đã chết trong các trường hợp sau:
Trường hợp 1: Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác
Khoản 1 Điều 134 Bộ luật hình sự 2015, sửa đổi bổ sung 2017 quy định:
“Người nào cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 11% đến 30% hoặc dưới 11% nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
a) Dùng vũ khí, vật liệu nổ, hung khí nguy hiểm hoặc thủ đoạn có khả năng gây nguy hại cho nhiều người;
b) Dùng a-xít nguy hiểm hoặc hóa chất nguy hiểm;
c) Đối với người dưới 16 tuổi, phụ nữ mà biết là có thai, người già yếu, ốm đau hoặc người khác không có khả năng tự vệ;
d) Đối với ông, bà, cha, mẹ, thầy giáo, cô giáo của mình, người nuôi dưỡng, chữa bệnh cho mình;
đ) Có tổ chức;
e) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
g) Trong thời gian đang bị giữ, tạm giữ, tạm giam, đang chấp hành án phạt tù, đang chấp hành biện pháp tư pháp giáo dục tại trường giáo dưỡng hoặc đang chấp hành biện pháp xử lý vi phạm hành chính đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, đưa vào trường giáo dưỡng hoặc đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc;
h) Thuê gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác hoặc gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác do được thuê;
i) Có tính chất côn đồ;
k) Đối với người đang thi hành công vụ hoặc vì lý do công vụ của nạn nhân.”
Trường hợp 2: Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh
Khoản 1 Điều 135 Bộ luật hình sự nêu rõ:
“Người nào cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60% trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh do hành vi trái pháp luật nghiêm trọng của nạn nhân đối với người đó hoặc đối với người thân thích của người đó, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm.”
Trường hợp 3: Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng hoặc do vượt quá mức cần thiết khi bắt giữ người phạm tội
Theo khoản 1 Điều 136 Bộ luật hình sự quy định:
“Người nào cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60% do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng hoặc do vượt quá mức cần thiết khi bắt giữ người phạm tội, thì bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm.”
Trường hợp 4: Tội vô ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác
Khoản 1 Điều 138 Bộ luật hình sự quy định:
“Người nào vô ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%, thì bị phạt cảnh cáo, phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 01 năm”.
Trường hợp 5: Tội vô ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác do vi phạm quy tắc nghề nghiệp hoặc quy tắc hành chính
Khoản 1 Điều 139 Bộ luật hình sự quy định:
“Người nào vô ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác do vi phạm quy tắc nghề nghiệp hoặc quy tắc hành chính mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%, thì bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 01 năm.”
Trường hợp 6: Tội hiếp dâm
Tội hiếp dâm quy định tại khoản 1 Điều 141 Bộ luật hình sự như sau:
“Người nào dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc lợi dụng tình trạng không thể tự vệ được của nạn nhân hoặc thủ đoạn khác giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác trái với ý muốn của nạn nhân, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm.”
Trường hợp 7: Tội cưỡng dâm
Khoản 1 Điều 143 Bộ luật hình sự quy định như sau:
“Người nào dùng mọi thủ đoạn khiến người lệ thuộc mình hoặc người đang ở trong tình trạng quẫn bách phải miễn cưỡng giao cấu hoặc miễn cưỡng thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.”
Xem thêm: Tội cưỡng dâm là gì? Hình phạt của tội cưỡng dâm theo pháp luật hiện hành
Trường hợp 8: Tội làm nhục người khác
Theo khoản 1 Điều 155 Bộ luật hình sự :“Người nào xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của người khác, thì bị phạt cảnh cáo, phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm.”
Trường hợp 9: Tội vu khống
Theo khoản 1 Điều 156 Bộ luật hình sự :“Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 01 năm:
a) Bịa đặt hoặc loan truyền những điều biết rõ là sai sự thật nhằm xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự hoặc gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của người khác;
b) Bịa đặt người khác phạm tội và tố cáo họ trước cơ quan có thẩm quyền.”
Trường hợp 10: Tội xâm phạm quyền Sở hữu công nghiệp
Khoản 1 Điều 226 Bộ luật hình sự:“Người nào cố ý xâm phạm quyền Sở hữu công nghiệp đối với nhãn hiệu hoặc chỉ dẫn địa lý đang được bảo hộ tại Việt Nam mà đối tượng là hàng hóa giả mạo nhãn hiệu hoặc chỉ dẫn địa lý với quy mô thương mại hoặc thu lợi bất chính từ 100.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng hoặc gây thiệt hại cho chủ Sở hữu nhãn hiệu hoặc chỉ dẫn địa lý từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng hoặc hàng hóa vi phạm trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm.”
Lưu ý: Cần chú ý yêu cầu khởi tố là điều kiện chứ không phải là căn cứ khởi tố vụ án hình sự.
Căn cứ duy nhất khởi tố vụ án hình sự là dấu hiệu tội phạm. Do đó:
- Nếu chỉ có yêu cầu khởi tố mà không có dấu hiệu tội phạm thì không được khởi tố vụ án hình sự
- Khi xác định có dấu hiệu tội phạm thuộc trường hợp khởi tố vụ án theo yêu cầu của bị hại nhưng không có yêu cầu khởi tố của bị hại thì cũng không được khởi tố vụ án hình sự.
Hậu quả khi người đã yêu cầu khởi tố rút yêu cầu khởi tố
Theo khoản 2, 3 Điều 155 Bộ luật tố tụng hình sự 2015, nếu người đã yêu cầu khởi tố, rút yêu cầu khởi tố thì sẽ dẫn đến những hậu quả pháp lý sau:
– Trường hợp người đã yêu cầu khởi tố rút yêu cầu thì vụ án phải được đình chỉ;
– Trường hợp có căn cứ xác định người đã yêu cầu rút yêu cầu khởi tố trái với ý muốn của họ do bị ép buộc, cưỡng bức thì cơ quan tố tụng vẫn tiếp tục tiến hành tố tụng đối với vụ án.
– Bị hại hoặc người đại diện của bị hại đã rút yêu cầu khởi tố thì không có quyền yêu cầu lại, trừ trường hợp rút yêu cầu do bị ép buộc, cưỡng bức.
Trên đây là những phân tích về Khởi tố vụ án hình sự theo yêu cầu của bị hại trong Bộ luật tố tụng hình sự. Cảm ơn bạn đã theo dõi bài viết của chúng tôi.
Nghĩa vụ của bên bán, cho thuê, cho thuê mua nhà ở, công trình xây dựng có sẵn
Nghĩa vụ của bên bán, cho thuê, cho thuê mua nhà ở, công trình xây dựng có sẵn theo quy định của Luật Kinh doanh bất động [...]
Hồ sơ đề nghị vay vốn của tổ chức tín dụng hiện nay
Để được cấp tín dụng, khách hàng cần chuẩn bị hồ sơ đề nghị vay vốn của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng [...]