Kiểm sát viên phải làm và không được làm gì tại phiên tòa?
Những việc Kiểm sát viên phải làm và những việc Kiểm sát viên không được làm tại phiên tòa được quy định thế nào? Hãy cùng LawKey tìm hiểu qua bài viết dưới đây.
Những việc Kiểm sát viên phải làm tại phiên tòa
Theo Điều 4 Quy tắc ứng xử ban hành kèm theo Quyết định 46/QĐ-VKSTC năm 2017 quy định những việc Kiểm sát viên phải làm khi thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp tại phiên tòa, phiên họp của Tòa án như sau:
- Thực hiện đúng, đầy đủ quy định của pháp luật và của ngành Kiểm sát nhân dân về việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của Viện kiểm sát, Kiểm sát viên tại phiên tòa, phiên họp.
- Có mặt tại địa điểm mở phiên tòa, phiên họp trước giờ khai mạc. Nếu vì lý do bất khả kháng mà không thể có mặt tại phiên tòa, phiên họp thì Kiểm sát viên được phân công tham gia phiên tòa, phiên họp báo cáo ngay với lãnh đạo Vụ hoặc lãnh đạo đơn vị, đồng thời thông báo cho Chủ tọa phiên tòa, phiên họp.
- Sử dụng trang phục Ngành đúng quy định.
- Thực hiện đúng nội quy phiên tòa, phiên họp.
- Thực hiện nghiêm túc các yêu cầu, đề nghị đúng pháp luật, hợp lý của Chủ tọa phiên tòa.
- Cử chỉ, hành động, lời nói, tư thế, tác phong, thái độ, biểu cảm phải chuẩn mực, thể hiện hình ảnh người Kiểm sát viên “Công minh, chính trực, khách quan, thận trọng, khiêm tốn”.
- Những việc khác mà Kiểm sát viên phải làm theo quy định của Quy tắc ứng xử ban hành kèm theo Quyết định 46/QĐ-VKSTC năm 2017.
Những việc Kiểm sát viên không được làm tại phiên tòa
Theo Điều 5 Quy tắc ứng xử ban hành kèm theo Quyết định 46/QĐ-VKSTC năm 2017 quy định những việc Kiểm sát viên không được làm khi thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp tại phiên tòa, phiên họp của Tòa án như sau:
- Không sử dụng rượu, bia, chất kích thích khác khi thực hiện nhiệm vụ tại phiên tòa, phiên họp hoặc trong khoảng thời gian 12 giờ trước khi tham gia phiên tòa, phiên họp.
- Không phân biệt đối xử về dân tộc, tôn giáo, tín ngưỡng, chủng tộc, thành phần, địa vị xã hội, giới tính của người tham gia tố tụng, người tham dự phiên tòa.
- Không được có hành động chỉ trích, miệt thị, coi thường, xúc phạm danh dự, nhân phẩm người tranh tụng với Kiểm sát viên, người phản đối quan điểm, ý kiến của Viện kiểm sát, Kiểm sát viên.
- Không thực hiện hành vi vượt quá chức trách, nhiệm vụ của mình tại phiên tòa, phiên họp.
- Không tùy tiện cho mượn, cho ghi chép, cho sao chụp vật chứng, tài liệu, trả lời phỏng vấn, cung cấp thông tin liên quan đến vụ án, vụ việc khi chưa kết thúc phiên tòa, phiên họp.
- Không thực hiện những việc Kiểm sát viên không được làm theo quy định của Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân và Quy tắc ứng xử ban hành kèm theo Quyết định 46/QĐ-VKSTC năm 2017.
Thái độ ứng xử của Kiểm sát viên tại phiên tòa
Theo Điều 7 Quy tắc ứng xử ban hành kèm theo Quyết định 46/QĐ-VKSTC năm 2017 thì thái độ ứng xử của Kiểm sát viên khi thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp tại phiên tòa, phiên họp của Tòa án như sau:
Kiểm sát viên phải đứng, ngồi đúng tư thế. Nếu mang theo mũ thì phải đặt mũ trên bàn, trước mặt, chếch về phía bên tay trái của Kiểm sát viên, phù hiệu trên mũ quay ra phía trước.
Cử chỉ, hành động, lời nói, biểu cảm của Kiểm sát viên phải rõ ràng, dứt khoát, lịch sự, đúng mực. Tiếng nói vừa đủ nghe, không quá nhanh, không quá chậm. Ngôn ngữ phải chuẩn xác, không nói ngọng, không nói lắp.
Kiểm sát viên phải có thái độ lắng nghe, tôn trọng ý kiến của người khác. Khi xét hỏi, tranh luận, đối đáp, phát biểu ý kiến, Kiểm sát viên phải dõng dạc, từ tốn, không được cáu gắt, nóng giận, xúc phạm người khác.
Khi có yêu cầu, đề nghị, kiến nghị tại phiên tòa, phiên họp, Kiểm sát viên phải xin phép chủ tọa phiên tòa, phiên họp trước khi phát biểu. Kiến nghị đối với vi phạm pháp luật của người tiến hành tố tụng tại phiên tòa, phiên họp phải chính xác, góp ý trên tinh thần xây dựng để khắc phục. Nếu Hội đồng hoặc Thẩm phán chủ tọa phiên tòa, phiên họp không chấp nhận yêu cầu, đề nghị, kiến nghị thì Kiểm sát viên vẫn phải tiếp tục tham gia phiên tòa, phiên họp, không được bỏ về hoặc có thái độ tức giận, bất hợp tác.
Trường hợp phát sinh tình huống bất ngờ tại phiên tòa, phiên họp, Kiểm sát viên phải bình tĩnh, chủ động, linh hoạt giải quyết hoặc phối hợp với Hội đồng hoặc Thẩm phán để giải quyết.
>>Xem thêm: 02 biện pháp ngăn chặn có thể thay thế tạm giam trong tố tụng hình sự
Trên đây là bài viết về: Kiểm sát viên phải làm và không được làm gì tại phiên tòa?. Nếu còn vấn đề gì thắc mắc, vui lòng liên hệ LawKey hoặc có thể sử dụng dịch vụ Luật sư tư vấn của chúng tôi.
Hồ sơ hưởng chế độ tử tuất hàng tháng theo quy định pháp luật
Hồ sơ cần đóng cho cơ quan bảo hiểm xã hội để hưởng chế độ tử tuất hàng tháng như thế nào theo quy định của pháp [...]
Thủ tục cấp Giấy đăng ký đầu tư trong pháp luật hiện hành
Trong thời gian gần đây, Việt Nam được đánh giá là một trong những quốc gia lý tưởng nhất để đầu tư đầu tư trong [...]