Những điều kiện kinh doanh bảo hiểm tại Việt Nam
Hiện nay, xã hội Việt Nam ngày càng phát triển, dân trí ngày càng cao. Người dân Việt Nam đang dần quan tâm hơn đến vấn đề bảo hiểm như bảo hiểm sức khỏe, bảo hiểm thai sản,… Kèm theo đó nhu cầu kinh doanh bảo hiểm của các nhà đầu tư cũng tăng cao. Nhưng không phải nhà đầu tư nào cũng nắm rõ được các quy định pháp luật về điều kiện kinh doanh bảo hiểm.
Trong bài viết này, chiakhoaphapluat.vn chúng tôi sẽ cung cấp đến cho bạn đọc các kiến thức chi tiết nhất về những điều kiện kinh doanh bảo hiểm.
Căn cứ vào Luật kinh doanh bảo hiểm 2000, sửa đổi năm 2010 Nghị định 73/2016/NĐ-CP; Nghị định 151/2018/NĐ-CP, điều kiện kinh doanh bảo hiểm như sau.
I. Điều kiện chung kinh doanh bảo hiểm
1. Có hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép
Tùy từng loại doanh nghiệp cụ thể mà Nhà nước quy định hồ sơ gồm những giấy tờ khác nhau. Nói chung, hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép bao gồm:
– Văn bản đề nghị cấp Giấy phép theo mẫu do Bộ Tài chính quy định.
– Dự thảo Điều lệ công ty theo quy định Luật doanh nghiệp 2014
– Phương án hoạt động phù hợp với lĩnh vực kinh doanh đề nghị cấp Giấy phép, trong đó nêu rõ thị trường mục tiêu, kênh phân phối, phương pháp trích lập dự phòng nghiệp vụ, chương trình tái bảo hiểm, đầu tư vốn, hiệu quả kinh doanh, khả năng thanh toán của doanh nghiệp bảo hiểm.
– Bản sao thẻ căn cước công dân, giấy chứng minh nhân dân, hộ chiếu hoặc chứng thực cá nhân hợp pháp khác; lý lịch tư pháp, lý lịch, bản sao văn bằng, chứng chỉ của người dự kiến được bổ nhiệm là Chủ tịch Công ty hoặc Chủ tịch Hội đồng thành viên, Tổng Giám đốc, chuyên gia tính toán hoặc chuyên gia tính toán dự phòng và khả năng thanh toán, kế toán trưởng của doanh nghiệp bảo hiểm.
– Danh sách thành viên sáng lập/cổ đông sáng lập
– Quy tắc, điều khoản, biểu phí bảo hiểm của các sản phẩm bảo hiểm dự kiến triển khai.
– Xác nhận của ngân hàng được phép hoạt động tại Việt Nam về mức vốn điều lệ gửi tại tài khoản phong tỏa mở tại ngân hàng.
2. Đối với tổ chức, cá nhân tham gia góp vốn
Tổ chức, cá nhân góp vốn thành lập doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp môi giới bảo hiểm phải đáp ứng các điều kiện sau:
– Không thuộc các đối tượng bị cấm theo quy định tại khoản 2 Điều 18 của Luật doanh nghiệp 2014
– Tổ chức, cá nhân tham gia góp vốn phải góp vốn bằng tiền và không được sử dụng vốn vay, vốn ủy thác đầu tư của tổ chức, cá nhân khác để tham gia góp vốn
– Tổ chức tham gia góp vốn từ 10% vốn điều lệ trở lên phải hoạt động kinh doanh có lãi trong 03 năm liền kề trước năm nộp hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép
– Tổ chức tham gia góp vốn hoạt động trong ngành nghề kinh doanh có yêu cầu vốn pháp định phải bảo đảm vốn chủ sở hữu trừ đi vốn pháp định tối thiểu bằng số vốn dự kiến góp
– Trường hợp tổ chức tham gia góp vốn là doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp môi giới bảo hiểm, ngân hàng thương mại, công ty tài chính, công ty chứng khoán thì các tổ chức này phải bảo đảm duy trì và đáp ứng các điều kiện an toàn tài chính và được cơ quan có thẩm quyền chấp thuận cho phép tham gia góp vốn theo quy định pháp luật chuyên ngành.
3. Đối với doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh nước ngoài, doanh nghiệp môi giới bảo hiểm dự kiến được thành lập
– Có vốn điều lệ đã góp (đối với doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp môi giới bảo hiểm), vốn được cấp (đối với chi nhánh nước ngoài) không thấp hơn mức vốn pháp định theo quy định pháp luật
– Có loại hình doanh nghiệp, Điều lệ công ty (đối với doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp môi giới bảo hiểm), Quy chế tổ chức và hoạt động (đối với chi nhánh nước ngoài) phù hợp với quy định tại Nghị định này và các quy định pháp luật khác có liên quan
– Có người quản trị, điều hành dự kiến đáp ứng theo quy định pháp luật
II. Điều kiện thành lập doanh nghiệp bảo hiểm cụ thể
1. Điều kiện thành lập công ty trách nhiệm hữu hạn bảo hiểm
Thành viên tham gia góp vốn thành lập công ty trách nhiệm hữu hạn bảo hiểm phải là tổ chức và đáp ứng các điều kiện sau đây:
a) Đối với tổ chức nước ngoài
– Là doanh nghiệp bảo hiểm nước ngoài được cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài cho phép hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực dự kiến tiến hành tại Việt Nam hoặc công ty con chuyên thực hiện chức năng đầu tư ra nước ngoài của doanh nghiệp bảo hiểm nước ngoài được doanh nghiệp bảo hiểm nước ngoài ủy quyền để góp vốn thành lập doanh nghiệp bảo hiểm tại Việt Nam
– Có ít nhất 7 năm kinh nghiệm hoạt động trong lĩnh vực dự kiến tiến hành tại Việt Nam
– Có tổng tài sản tối thiểu tương đương 02 tỷ đô la Mỹ vào năm liền kề trước năm nộp hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép;
– Không vi phạm nghiêm trọng các quy định pháp luật về hoạt động kinh doanh bảo hiểm của nước nơi doanh nghiệp đóng trụ sở chính trong thời hạn 03 năm liền kề trước năm nộp hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép
b) Đối với tổ chức Việt Nam
– Là doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng, bảo hiểm
– Có tổng tài sản tối thiểu 2.000 tỷ đồng Việt Nam vào năm liền kề trước năm nộp hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép
2. Điều kiện thành lập công ty cổ phần bảo hiểm
Công ty cổ phần bảo hiểm dự kiến thành lập phải đáp ứng các điều kiện sau đây:
– Có tối thiểu 02 cổ đông là tổ chức đáp ứng các điều kiện quy định như điều kiện thành lập công ty trách nhiệm hữu hạn bảo hiểm.
– Có 02 cổ đông này phải cùng nhau sở hữu tối thiểu 20% số cổ phần của công ty cổ phần bảo hiểm dự kiến được thành lập
– Trong thời hạn 03 năm kể từ ngày được cấp Giấy phép, các cổ đông sáng lập phải cùng nhau sở hữu tối thiểu 50% số cổ phần phổ thông được quyền chào bán của công ty cổ phần bảo hiểm.
3. Điều kiện thành lập chi nhánh nước ngoài
a) Khái niệm
– Chi nhánh nước ngoài là đơn vị phụ thuộc của doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài, không có tư cách pháp nhân, được doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài bảo đảm chịu trách nhiệm về mọi nghĩa vụ và cam kết của chi nhánh tại Việt Nam.
b) Điều kiện
Doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài thành lập chi nhánh tại Việt Nam phải đáp ứng các điều kiện sau:
– Các điều kiện quy định như điều kiện thành lập công ty trách nhiệm hữu hạn bảo hiểm
– Có trụ sở chính tại quốc gia mà Việt Nam và quốc gia đó đã ký kết các điều ước quốc tế về thương mại, trong đó có thỏa thuận về thành lập chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài tại Việt Nam
– Được cơ quan quản lý nhà nước về bảo hiểm nước ngoài nơi doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài đóng trụ sở chính cho phép thành lập chi nhánh tại Việt Nam
– Cơ quan quản lý nhà nước về bảo hiểm nước ngoài nơi doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài đóng trụ sở chính đã ký kết Biên bản thỏa thuận hợp tác với Bộ Tài chính Việt Nam về quản lý, giám sát hoạt động của chi nhánh nước ngoài
– Có văn bản cam kết chịu trách nhiệm về mọi nghĩa vụ và cam kết của chi nhánh tại Việt Nam
– Nguồn vốn thành lập chi nhánh nước ngoài phải là nguồn hợp pháp và không được sử dụng tiền vay hoặc nguồn ủy thác đầu tư dưới bất kỳ hình thức nào;
– Có lãi trong 03 năm liền kề trước năm nộp hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép và không có lỗ lũy kế đến thời điểm nộp hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép.
4. Điều kiện về vốn
a) Mức vốn pháp định của doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ
– Kinh doanh bảo hiểm phi nhân thọ và bảo hiểm sức khỏe: 300 tỷ đồng Việt Nam
– Kinh doanh bảo hiểm phi nhân thọ và bảo hiểm hàng không hoặc bảo hiểm vệ tinh: 350 tỷ đồng Việt Nam
– Kinh doanh bảo hiểm phi nhân thọ, bảo hiểm hàng không và bảo hiểm vệ tinh: 400 tỷ đồng Việt Nam.
b) Mức vốn pháp định của doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ
– Kinh doanh bảo hiểm nhân thọ (trừ bảo hiểm liên kết đơn vị, bảo hiểm hưu trí) và bảo hiểm sức khỏe: 600 tỷ đồng Việt Nam
– Kinh doanh bảo hiểm nhân thọ và bảo hiểm liên kết đơn vị hoặc bảo hiểm hưu trí: 800 tỷ đồng Việt Nam
– Kinh doanh bảo hiểm nhân thọ, bảo hiểm liên kết đơn vị và bảo hiểm hưu trí: 1.000 tỷ đồng Việt Nam.
c) Mức vốn pháp định của doanh nghiệp bảo hiểm sức khỏe
Mức vốn pháp định của doanh nghiệp bảo hiểm sức khỏe là 300 tỷ đồng Việt Nam.
d) Mức vốn pháp định của chi nhánh nước ngoài
– Kinh doanh bảo hiểm phi nhân thọ và bảo hiểm sức khỏe: 200 tỷ đồng Việt Nam;
– Vốn pháp định Kinh doanh bảo hiểm phi nhân thọ, bảo hiểm sức khỏe và bảo hiểm hàng không hoặc bảo hiểm vệ tinh: 250 tỷ đồng Việt Nam;
– Kinh doanh bảo hiểm phi nhân thọ, bảo hiểm sức khỏe, bảo hiểm hàng không và bảo hiểm vệ tinh: 300 tỷ đồng Việt Nam.
Trên đây là tư vấn của chiakhoaphapluat.vn chúng tôi về “Những điều kiện kinh doanh bảo hiểm tại Việt Nam”. Chúng tôi hi vọng bài viết trên đã cung cấp đầy đủ kiến thức cho quý khách, giúp quý khách có thể vận dụng trong công việc và cuộc sống. Nếu có bất cứ vấn đề pháp lý nào thắc mắc, quý khách hãy liên hệ ngay với chúng tôi để được giải đáp.
Quy định về trình tự, thủ tục cấp giấy phép hoạt động điện lực
Pháp luật quy định như thế nào về trình tự, thủ tục cấp giấy phép hoạt động điện lực? Trong bài viết này, Luật [...]
Những chính sách ưu đãi đầu tư của Nhà nước Việt Nam
Với môi trường kinh doanh hấp dẫn, thương mại tự do và có nhiều chính sách ưu đãi, Việt Nam đang dần khẳng định vị [...]