Làm tác phẩm phái sinh không xin phép xâm phạm quyền tác giả không?
Trường hợp cá nhân làm tác phẩm phái sinh với mục đích phi thương mại có xâm phạm quyền tác giả không?
Tóm tắt câu hỏi:
Chào luật sư, tôi muốn xin tư vấn về vấn đề sau: Tôi đi xem buổi diễn ca nhạc có thu tiền. Khi đến bài hát của ca sĩ X tôi yêu thích, tôi đã sử dụng máy kĩ thuật số chuyên quay phim để quay lại tiết mục đó. Và để chia sẻ với những người bạn trong cộng đồng hâm hộ X, tôi đã dịch và hát lại bài hát, sau đó đăng tải video lên trang mạng Youtube. Vậy cho hỏi việc tôi dịch và hát lại bài hát sau đó đăng lên mạng có xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ không?
Luật sư tư vấn:
Công ty TNHH Tư vấn LawKey Việt Nam cảm ơn anh/chị đã tin tưởng khi gửi câu hỏi đến LawKey. Với thắc mắc của anh/chị, luật sư LawKey tư vấn như sau:
Một số vấn đề pháp lý liên quan
Căn cứ phát sinh, xác lập quyền tác giả
Quyền tác giả phát sinh kể từ khi tác phẩm được sáng tạo và được thể hiện dưới một hình thức vật chất nhất định, không phân biệt nội dung, chất lượng, hình thức, phương tiện, ngôn ngữ, đã công bố hay chưa công bố, đã đăng ký hay chưa đăng ký.
Các đối tượng không thuộc phạm vi bảo hộ quyền tác giả
– Tin tức thời sự thuần tuý đưa tin.
– Văn bản quy phạm pháp luật, văn bản hành chính, văn bản khác thuộc lĩnh vực tư pháp và bản dịch chính thức của văn bản đó.
– Quy trình, hệ thống, phương pháp hoạt động, khái niệm, nguyên lý, số liệu.
Hành vi xâm phạm quyền tác giả
1. Chiếm đoạt quyền tác giả đối với tác phẩm văn học, nghệ thuật, khoa học.
2. Mạo danh tác giả.
3. Công bố, phân phối tác phẩm mà không được phép của tác giả.
4. Công bố, phân phối tác phẩm có đồng tác giả mà không được phép của đồng tác giả đó.
5. Sửa chữa, cắt xén hoặc xuyên tạc tác phẩm dưới bất kỳ hình thức nào gây phương hại đến danh dự và uy tín của tác giả.
6. Sao chép tác phẩm mà không được phép của tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả, trừ trường hợp ngoại lệ
7. Làm tác phẩm phái sinh mà không được phép của tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả đối với tác phẩm được dùng để làm tác phẩm phái sinh, trừ trường hợp ngoại lệ.
8. Sử dụng tác phẩm mà không được phép của chủ sở hữu quyền tác giả, không trả tiền nhuận bút, thù lao, quyền lợi vật chất khác theo quy định của pháp luật, trừ trường hợp ngoại lệ
9. Cho thuê tác phẩm mà không trả tiền nhuận bút, thù lao và quyền lợi vật chất khác cho tác giả hoặc chủ sở hữu quyền tác giả.
10. Nhân bản, sản xuất bản sao, phân phối, trưng bày hoặc truyền đạt tác phẩm đến công chúng qua mạng truyền thông và các phương tiện kỹ thuật số mà không được phép của chủ sở hữu quyền tác giả.
11. Xuất bản tác phẩm mà không được phép của chủ sở hữu quyền tác giả.
12. Cố ý huỷ bỏ hoặc làm vô hiệu các biện pháp kỹ thuật do chủ sở hữu quyền tác giả thực hiện để bảo vệ quyền tác giả đối với tác phẩm của mình.
13. Cố ý xoá, thay đổi thông tin quản lý quyền dưới hình thức điện tử có trong tác phẩm.
14. Sản xuất, lắp ráp, biến đổi, phân phối, nhập khẩu, xuất khẩu, bán hoặc cho thuê thiết bị khi biết hoặc có cơ sở để biết thiết bị đó làm vô hiệu các biện pháp kỹ thuật do chủ sở hữu quyền tác giả thực hiện để bảo vệ quyền tác giả đối với tác phẩm của mình.
15. Làm và bán tác phẩm mà chữ ký của tác giả bị giả mạo.
16. Xuất khẩu, nhập khẩu, phân phối bản sao tác phẩm mà không được phép của chủ sở hữu quyền tác giả.
Xem thêm: Hành vi xâm phạm quyền tác giả và quyền liên quan
Căn cứ xác định hành vi xâm phạm
Hành vi bị xem xét bị coi là hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ khi có đủ các căn cứ sau:
– Đối tượng bị xem xét thuộc phạm vi các đối tượng đang được bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ.
– Có yếu tố xâm phạm trong đối tượng bị xem xét.
– Người thực hiện hành vi bị xem xét không phải là chủ thể quyền sở hữu trí tuệ và không phải là người được pháp luật hoặc cơ quan có thẩm quyền cho phép theo quy định của Luật Sở hữu trí tuệ.
– Hành vi bị xem xét xảy ra tại Việt Nam. Hành vi bị xem xét cũng bị coi là xảy ra tại Việt Nam nếu hành vi đó xảy ra trên mạng internet nhưng nhằm vào người tiêu dùng hoặc người dùng tin tại Việt Nam.
Với tình huống anh/chị thắc mắc, Lawkey xin đưa ra ý kiến như sau:
Căn cứ theo quy định về căn cứ phát sinh, xác lập quyền tác giả và quy định về các đối tượng không thuộc phạm vi bảo hộ quyền tác giả; bài hát của ca sĩ X được biểu diễn trong buổi ca nhạc mà anh/chị quay phim đã được bảo hộ theo pháp luật sở hữu trí tuệ.
Xác định hành vi của anh/chị theo các căn cứ nêu trên:
– Đối tượng bị xem xét ở đây là video dịch lại bài hát của ca sĩ X
– Yếu tố xâm phạm là tác phẩm phái sinh được tạo ra một cách trái phép, từ hành vi làm tác phẩm phái sinh mà không được phép của tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả đối với tác phẩm được dùng để làm tác phẩm phái sinh.
– Anh/chị dịch và hát lại bài hát không thuộc sở hữu của anh/chị
– Hành vi đó xảy ra trên mạng internet nhưng nhằm vào người tiêu dùng hoặc người dùng tin tại Việt Nam cũng bị coi là xảy ra tại Việt Nam.
Như vậy, việc anh/chị dịch và hát lại bài hát sau đó đăng lên mạng là hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.
Trên đây là một số nội dung tư vấn LawKey gửi đến bạn đọc. Để tránh các rủi ro pháp lý vui lòng liên hệ với Lawkey để được hỗ trợ.
Quy định về xâm phạm quyền đối với bí mật kinh doanh
Bí mật kinh doanh là một đối tượng thuộc quyền sở hữu trí tuệ và quyền sở hữu bí mật kinh doanh được xác lập trên [...]
Quyền sử dụng đối tượng sở hữu công nghiệp theo quy định hiện nay
Sử dụng, đưa đối tượng sở hữu công nghiệp vào khai thác để thu được các lợi ích từ chúng mang lại có thể được [...]