Lập vi bằng mua bán đất thay cho hợp đồng công chứng có được không?
Lập vi bằng mua bán đất thay cho hợp đồng công chứng có được không? Hãy cùng Lawkey tìm hiểu qua bài viết dưới đây.
1. Khái niệm vi bằng
Khoản 3 Điều 2 Nghị định 08/2020/NĐ-CP quy định về vi bằng như sau:
“Vi bằng là văn bản ghi nhận sự kiện, hành vi có thật do Thừa phát lại trực tiếp chứng kiến, lập theo yêu cầu của cá nhân, cơ quan, tổ chức theo quy định của Nghị định này.”.
Vi bằng do Thừa phát lại lập để ghi nhận các sự kiện, hành vi có thật theo yêu cầu của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong phạm vi toàn quốc, trừ các trường hợp không được lập vi bằng theo quy định tại Điều 37 Nghị định 08/2020/NĐ-CP.
2. Vi bằng có thay thế hợp đồng có công chứng được không?
Giá trị pháp lý của vi bằng được quy định như sau theo Điều 36 Nghị định 08/2020/NĐ-CP:
“1. Thừa phát lại được lập vi bằng ghi nhận các sự kiện, hành vi có thật theo yêu cầu của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong phạm vi toàn quốc, trừ các trường hợp quy định tại Điều 37 của Nghị định này.
2. Vi bằng không thay thế văn bản công chứng, văn bản chứng thực, văn bản hành chính khác.
3. Vi bằng là nguồn chứng cứ để Tòa án xem xét khi giải quyết vụ việc dân sự và hành chính theo quy định của pháp luật; là căn cứ để thực hiện giao dịch giữa các cơ quan, tổ chức, cá nhân theo quy định của pháp luật.
4. Trong quá trình đánh giá, xem xét giá trị chứng cứ của vi bằng, nếu thấy cần thiết, Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân có thể triệu tập Thừa phát lại, cơ quan, tổ chức, cá nhân khác để làm rõ tính xác thực của vi bằng. Thừa phát lại, cơ quan, tổ chức, cá nhân khác phải có mặt khi được Tòa án, Viện kiểm sát nhân dân triệu tập.”.
Theo đó, theo khoản 2 Điều này quy định rõ vi bằng không thể thay thế văn bản công chứng. Do đó, vi bằng không thể thay thế hợp đồng chuyển nhượng có công chứng.
3. Có được lập vi bằng chuyển nhượng quyền sử dụng đất không?
Theo Điều 37 Nghị định 08/2020/NĐ-CP, các trường hợp sau đây không được lập vi bằng:
“…
4. Xác nhận nội dung, việc ký tên trong hợp đồng, giao dịch mà pháp luật quy định thuộc phạm vi hoạt động công chứng, chứng thực; xác nhận tính chính xác, hợp pháp, không trái đạo đức xã hội của bản dịch giấy tờ, văn bản từ tiếng Việt sang tiếng nước ngoài hoặc từ tiếng nước ngoài sang tiếng Việt; xác nhận chữ ký, bản sao đúng với bản chính.
5. Ghi nhận sự kiện, hành vi để chuyển quyền sử dụng, quyền sở hữu đất đai, tài sản không có giấy tờ chứng minh quyền sử dụng, quyền sở hữu theo quy định của pháp luật.”
Theo đó, vi bằng không được lập ra để:
- Xác nhận nội dung, việc ký tên trong hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất (chỉ có đất), hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất (chuyển nhượng nhà đất và tài sản khác gắn liền với đất nếu có).
- Ghi nhận sự kiện, hành vi để chuyển quyền sử dụng đất, tài sản không có giấy tờ chứng minh quyền sử dụng, quyền sở hữu theo quy định của pháp luật.
Mặt khác, vi bằng được lập ra để ghi nhận một số sự kiện liên quan đến chuyển nhượng nhà đất, cụ thể như sau:
- Xác nhận tình trạng nhà, đất.
- Giao nhận tiền khi chuyển nhượng nhà đất hợp pháp, khi hợp đồng chuyển nhượng đã được công chứng hoặc chứng thực theo quy định.
- Ghi nhận việc đặt cọc,…
4. Bị từ chối làm thủ tục sang tên do chỉ lập vi bằng đúng hay sai?
Căn cứ khoản 3 Điều 167 Luật Đất đai 2013 và Nghị định 08/2020/NĐ-CP, chuyển nhượng nhà đất bằng vi bằng sẽ không được sang tên vì:
– Pháp luật đất đai quy định hợp đồng chuyển nhượng nhà đất phải công chứng hoặc chứng thực và hồ sơ sang tên phải có hợp đồng chuyển nhượng được công chứng hoặc chứng thực.
– Vi bằng không thay thế văn bản công chứng, văn bản chứng thực mà chỉ ghi nhận các sự kiện, hành vi có thật theo yêu cầu của cơ quan, tổ chức, cá nhân.
Do đó, Văn phòng thừa phát lại không được lập vi bằng mua bán đất, vi bằng không có giá trị thay thế hợp đồng chuyển nhượng được công chứng hoặc chứng thực. Khi lập vi bằng, Thừa phát lại phải giải thích rõ cho người yêu cầu về giá trị pháp lý của vi bằng.
>>Xem thêm: Các trường hợp thừa phát lại không được lập vi bằng
Trên đây là nội dung bài viết Lập vi bằng mua bán đất thay cho hợp đồng công chứng có được không? Nếu có thắc mắc, bạn đọc vui lòng liên hệ Lawkey để được giải đáp chi tiết.
Trình tự, thủ tục thẩm định, phê duyệt và công bố kết quả bảo vệ, cải tạo, phục hồi đất
Trình tự, thủ tục thẩm định, phê duyệt và công bố kết quả bảo vệ, cải tạo, phục hồi đất theo quy định của Luật [...]
Quy định pháp luật về chuyển mục đích sử dụng đất
Chuyển mục đích sử dụng đất theo quy định pháp luật là gì? Quy định của pháp luật hiện hành về các trường hợp chuyển [...]