Loại tài sản nào không áp dụng quyền truy đòi tài sản bảo đảm?
Các loại tài sản nào không áp dụng quyền truy đòi tài sản bảo đảm theo quy định hiện hành? Hãy cùng LawKey tìm hiểu qua bài viết dưới đây.
Loại tài sản nào được dùng để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ?
Theo Điều 8 Nghị định 21/2021/NĐ-CP, tài sản dùng để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ bao gồm:
- Tài sản hiện có hoặc tài sản hình thành trong tương lai, trừ trường hợp Bộ luật Dân sự, luật khác liên quan cấm mua bán, cấm chuyển nhượng hoặc cấm chuyển giao khác về quyền sở hữu tại thời điểm xác lập hợp đồng bảo đảm, biện pháp bảo đảm;
- Tài sản bán trong hợp đồng mua bán tài sản có bảo lưu quyền sở hữu;
- Tài sản thuộc đối tượng của nghĩa vụ trong hợp đồng song vụ bị vi phạm đối với biện pháp cầm giữ;
- Tài sản thuộc sở hữu toàn dân trong trường hợp pháp luật liên quan có quy định.
Loại tài sản nào không áp dụng quyền truy đòi tài sản bảo đảm?
Quyền truy đòi của bên nhận bảo đảm đối với tài sản bảo đảm không áp dụng đối với tài sản được quy định tại khoản 2 Điều 7 Nghị định 21/2021/NĐ-CP, cụ thể như sau:
♠ Tài sản bảo đảm đã được bán, được chuyển nhượng hoặc đã được chuyển giao khác về quyền sở hữu do có sự đồng ý của bên nhận bảo đảm và không được tiếp tục dùng để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ đã thỏa thuận;
♠ Tài sản thế chấp được bán, được thay thế hoặc được trao đổi theo quy định tại khoản 4 Điều 321 Bộ luật Dân sự 2015;
“Điều 321. Quyền của bên thế chấp
…
4. Được bán, thay thế, trao đổi tài sản thế chấp, nếu tài sản đó là hàng hóa luân chuyển trong quá trình sản xuất, kinh doanh. Trong trường hợp này, quyền yêu cầu bên mua thanh toán tiền, số tiền thu được, tài sản hình thành từ số tiền thu được, tài sản được thay thế hoặc được trao đổi trở thành tài sản thế chấp.Trường hợp tài sản thế chấp là kho hàng thì bên thế chấp được quyền thay thế hàng hóa trong kho, nhưng phải bảo đảm giá trị của hàng hóa trong kho đúng như thỏa thuận.”
♠ Tài sản bảo đảm không còn hoặc bị thay thế bằng tài sản khác quy định tại Điều 21 Nghị định 21/2021/NĐ-CP;
♠ Trường hợp khác theo quy định của Bộ luật Dân sự, luật khác liên quan.
** Bên nhận bảo đảm bao gồm bên nhận cầm cố, bên nhận thế chấp, bên nhận đặt cọc, bên nhận ký cược, bên có quyền trong ký quỹ, bên bán trong hợp đồng mua bán tài sản có bảo lưu quyền sở hữu, bên nhận bảo lãnh, tổ chức tín dụng trong trường hợp tín chấp, bên có quyền trong hợp đồng song vụ đối với biện pháp cầm giữ.
(Khoản 2 Điều 3 Nghị định 21/2021/NĐ-CP)
Các trường hợp nhận lại tài sản bảo đảm
Cụ thể tại khoản 1 Điều 57 Nghị định 21/2021/NĐ-CP, bên bảo đảm được nhận lại tài sản bảo đảm trong trường hợp sau đây:
(1) Hoàn thành nghĩa vụ quy định tại Điều 302 Bộ luật Dân sự 2015;
“Điều 302. Quyền nhận lại tài sản bảo đảm
Trước thời điểm xử lý tài sản bảo đảm mà bên bảo đảm thực hiện đầy đủ nghĩa vụ của mình đối với bên nhận bảo đảm và thanh toán chi phí phát sinh do việc chậm thực hiện nghĩa vụ thì có quyền nhận lại tài sản đó, trừ trường hợp luật có quy định khác.”
(2) Tài sản bảo đảm đã được thay thế, được trao đổi bằng tài sản khác;
(3) Nghĩa vụ được bảo đảm đã được thanh toán bằng phương thức bù trừ nghĩa vụ;
(4) Trường hợp khác theo thỏa thuận hoặc do Bộ luật Dân sự, luật khác liên quan quy định tài sản bảo đảm không bị xử lý.
Nếu không thuộc các trường hợp trên mà pháp luật về đấu giá tài sản, pháp luật khác liên quan có quy định về nghĩa vụ phải thực hiện trước khi được nhận lại tài sản bảo đảm thì bên bảo đảm chỉ được nhận lại tài sản sau khi nghĩa vụ này được hoàn thành.
(Khoản 2 Điều 57 Nghị định 21/2021/NĐ-CP)
>>Xem thêm: Hướng dẫn bồi thường về đất khi nhà nước thu hồi đất ở
Trên đây là bài viết về: Loại tài sản nào không áp dụng quyền truy đòi tài sản bảo đảm?. Nếu còn vấn đề gì thắc mắc, vui lòng liên hệ LawKey hoặc có thể sử dụng dịch vụ Luật sư tư vấn của chúng tôi.
Mức thu lệ phí trước bạ đối với ô tô từ ngày 01/01/2024
Mức thu lệ phí trước bạ đối với ô tô từ ngày 01/01/2024 là bao nhiêu? Hãy cùng LawKey tìm hiểu qua bài viết dưới đây. [...]
Thẻ căn cước công dân là gì? Một số quy định về thẻ căn cước công dân
Thẻ căn cước công dân là gì? Những nội dung nào được thể hiện trên thẻ căn cước công dân? Độ tuổi đổi thẻ căn [...]