Luật thương mại mới nhất theo quy định pháp luật
Luật thương mại 2005 là văn bản pháp luật mới nhất dùng để điều chỉnh hoạt động thương mại trên lãnh thổ Việt Nam và bên ngoài lãnh thổ Việt Nam.
1. Khái quát về các Luật thương mại Việt Nam
– Luật Thương mại đầu tiên tại Việt Nam đã được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa IX, kỳ họp thứ 11 thông qua vào ngày 10 tháng 5 năm 1997, có hiệu lực từ ngày 01 tháng 01 năm 1998. Đây là văn bản quy phạm pháp luật có hiệu lực pháp lý cao nhất từ trước đến nay quy định thống nhất về hoạt động thương mại trên lãnh thổ Việt Nam. Tuy nhiên, qua hơn 7 năm thực hiện, Luật Thương mại năm 1997 đã bộc lộ những hạn chế nhất định, đòi hỏi phải sửa đổi để tạo điều kiện cho các hoạt động thương mại phát triển.
– Theo đó, Luật thương mại 2005 đã được Quốc hội nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam khoá XI, kỳ họp thứ 7 thông qua ngày 14 tháng 6 năm 2005 có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 01 năm 2006 thay thế cho Luật thương mại 1997. Luật Thương mại năm 2005 gồm 9 chương, 324 điều (so với Luật Thương mại năm 1997 có 6 chương, 264 điều), trong đó có 96 điều trong Luật Thương mại năm 1997 được bãi bỏ, 149 điều được sửa đổi và 143 điều được bổ sung mới.
2. Tóm tắt nội dung Luật thương mại 2005
Bố cục của Luật Thương mại (sửa đổi) gần như được đổi mới hoàn toàn so với Luật Thương mại năm 1997. Phạm vi điều chỉnh của luật đã được mở rộng, không chỉ điều chỉnh các hoạt động mua bán hàng hoá mà còn điều chỉnh cả các hoạt động cung ứng dịch vụ và xúc tiến thương mại. Các nhóm hoạt động thương mại cùng tính chất được tập hợp trong chương riêng: Chương IV quy định về “Xúc tiến thương mại” hay Chương V về “Các hoạt động trung gian thương mại”,…
Luật thương mại 2005 có những nội dung chủ yếu như sau:
– Chương I: Những quy định chung
Chương này gồm 3 mục, quy định về: Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng; Những nguyên tắc cơ bản trong hoạt động thương mại; Thương nhân nước ngoài hoạt động thương mại tại Việt Nam.
– Chương II – Mua bán hàng hóa
Chương này gồm 3 mục quy định về: Các quy định chung đối với hoạt động mua bán hàng hóa; Quyền và nghĩa vụ của các bên trong hợp đồng mua bán hàng hóa; Mua bán hàng hóa qua Sở giao dịch hàng hóa.
– Chương III – Cung ứng dịch vụ
Chương này gồm 2 mục quy định về: Các quy định chung đối với hoạt động cung ứng dịch vụ; Quyền và nghĩa vụ của các bên trong họp đồng cung ứng dịch vụ.
– Chương IV – Xúc tiến thương mại
Chương này gồm 4 mục quy định về: Khuyến mại; Quảng cáo thương mại; Trưng bày, giới thiệu hàng hóa, dịch vụ; Hội chợ, triển lãm thương mại.
– Chương V – Các hoạt động trung gian thương mại
Chương này gồm 4 mục quy định về: Đại diện cho thương nhân; Môi giới thương mại; Ủy thác mua bán hàng hóa; Đại lý thương mại.
– Chương IV – Một số hoạt động thương mại cụ thể khác
Chương này gồm 8 mục quy định về: Gia công trong thương mại; Đấu giá hàng hóa; Đấu thầu hàng hóa, dịch vụ; Dịch vụ logistics; Quá cảnh hàng hóa qua lãnh thổ Việt Nam và dịch vụ quá cảnh hàng hóa; Dịch vụ giám định; Cho thuê hàng hóa; Nhượng quyền thương mại.
– Chương VII – Chế tài trong thương mại và giải quyết tranh chấp trong thương mại
Chương này gồm 2 mục quy định về: Chế tài trong thương mại và Giải quyết tranh chấp trong thương mại.
– Chương VIII – Xử lý vi phạm pháp luật về thương mại
Chương này quy định về hành vi vi phạm pháp luật về thương mại, thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính, việc thi hành quyết định xử phạt hành chính và giải quyết khiếu nại quyết định xử phạt hành chính. Những nội dung cụ thể về xử lý vi phạm trong hoạt động thương mại sẽ được các văn bản dưới Luật quy định chi tiết phù hợp với Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính.
– Chương IX – Điều khoản thi hành
3. Một số điểm mới của Luật thương mại 2005
– Luật Thương mại 2005 được áp dụng đối với thương nhân, tổ chức, cá nhân khác có các hoạt động liên quan đến thương mại. Như vậy Luật Thương mại 2005 đã mở rộng đối tượng áp dụng, không chỉ bao gồm thương nhân hoạt động thương mại như cũ mà còn áp dụng cho cả tổ chức, cá nhân khác hoạt động có liên quan đến thương mại.
– Luật Thương mại 2005 xác định các hình thức và quyền hoạt động thương mại của thương nhân nước ngoài tại Việt Nam. So với Luật Thương mại năm 1997, Luật Thương mại 2005 bổ sung thêm hai hình thức hoạt động bao gồm doanh nghiệp liên doanh, doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài.
– Các hoạt động khuyến mãi trước đây chỉ có 6 điều trong Luật Thương mại 1997 nay đã được bổ sung và sửa đổi thành 14 điều; Quảng cáo thương mại tăng từ 12 lên 15 điều; Trưng bày, giới thiệu hàng hoá, dịch vụ tăng từ 10 lên 12 điều; Hội chợ, triển lãm thương mại tăng từ 11 lên 12 điều. Nhiều nội dung mới được đưa vào như: bổ sung các hình thức khuyến mãi, làm rõ các thông tin phải thông báo công khai trong hoạt động khuyến mại; bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ đối với sản phẩm quảng cáo thương mại; ghi nhận thêm hoạt động dịch vụ cũng được giới thiệu và bổ sung hình thức trưng bày, giới thiệu hàng hoá, dịch vụ qua Internet; trách nhiệm của các bên trong hoạt động hội chợ, triển lãm…
– Luật Thương mại năm 2005 đã bổ sung một số quy định về nguyên tắc đấu giá, người tổ chức đấu giá, người bán hàng và các quyền, nghĩa vụ của họ; quy định cụ thể những người không được tham gia đấu giá; thời hạn niêm yết việc bán đấu giá và trình tự tiến hành cuộc đấu giá,…Đồng thời, Luật Thương mại năm 2005 được bổ sung thêm hai loại chế tài là tạm ngừng thực hiện hợp đồng và đình chỉ thực hiện hợp đồng. Các chế tài như tạm ngừng thực hiện hợp đồng, đình chỉ thực hiện hợp đồng và hủy hợp đồng chỉ áp dụng đối với vi phạm cơ bản.
Trên đây là nội dung bài viết Luật thương mại mới nhất theo quy định pháp luật, LawKey gửi tới bạn đọc, nếu có thắc mắc liên hệ Lawkey để được giải đáp.
Thông tư 36/2018/TT-BTC hướng dẫn lập dự toán, quản lý và sử dụng kinh phí dành cho công tác đào tạo bồi dưỡng cán bộ công chức viên chức
Thông tư 36/2018/TT-BTC hướng dẫn lập dự toán, quản lý và sử dụng kinh phí dành cho công tác đào tạo bồi dưỡng cán bộ [...]
Nghị định 136/2013/NĐ-CP Quy định chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội
Nghị định 136/2013/NĐ-CP Quy định chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội CHÍNH PHỦ ——- [...]