Lực lượng chức năng có được khám xét chỗ ở vào ban đêm không?
Theo quy định của pháp luật thì các lực lượng chức năng có được tiến hành khám xét chỗ ở vào ban đêm hay không? Hãy cùng LawKey tìm hiểu qua bài viết dưới đây.
Ban đêm là từ mấy giờ đến mấy giờ?
Căn cứ quy định tại Khoản 2 Điều 8 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012 thì thời gian ban đêm được tính từ 22 giờ ngày hôm trước đến 06 giờ ngày hôm sau.
Chỗ ở là gì?
Căn cứ quy định tại Khoản 9 Điều 2 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012 thì chỗ ở là nhà ở, phương tiện hoặc nhà khác mà công dân sử dụng để cư trú. Chỗ ở thuộc quyền sở hữu của công dân hoặc được cơ quan, tổ chức, cá nhân cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ theo quy định của pháp luật.
Lực lượng chức năng có được khám xét chỗ ở vào ban đêm?
Việc khám xét chỗ ở có thể được thực hiện theo thủ tục hành chính hoặc theo thủ tục tố tụng hình sự, cụ thể như sau:
Khám xét chỗ ở theo thủ tục hành chính có được thực hiện vào ban đêm?
Khám nơi cất giấu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính là một trong những biện pháp ngăn chặn và bảo đảm xử lý vi phạm hành chính được pháp luật quy định.
Điều 29 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012 quy định về việc khám nơi cất giấu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính như sau:
Khám nơi cất giấu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính chỉ được tiến hành khi có căn cứ cho rằng ở nơi đó có cất giấu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính.
Những người được quy định tại khoản 1 Điều 123 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012 có quyền quyết định khám nơi cất giấu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính; trong trường hợp nơi cất giấu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính là chỗ ở thì đề nghị Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp huyện xem xét, quyết định.
Khi khám nơi cất giấu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính phải có mặt người chủ nơi bị khám hoặc người thành niên trong gia đình họ và người chứng kiến. Trong trường hợp người chủ nơi bị khám, người thành niên trong gia đình họ vắng mặt mà việc khám không thể trì hoãn thì phải có đại diện chính quyền và ít nhất 01 người chứng kiến.
Không được khám nơi cất giấu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính vào ban đêm, trừ trường hợp khẩn cấp hoặc việc khám đang được thực hiện mà chưa kết thúc nhưng phải ghi rõ lý do vào biên bản.
Mọi trường hợp khám nơi cất giấu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính phải có quyết định bằng văn bản và phải lập biên bản. Quyết định và biên bản khám nơi cất giấu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính phải được giao cho người chủ nơi bị khám 01 bản.
Căn cứ quy định nêu trên thì lực lượng chức năng có thể tiền hành khám xét nhà ở của cá nhân nếu có căn cứ cho rằng ở nơi đó có cất giấu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính khi có quyết định của Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp huyện.
Việc khám xét nơi ở theo thủ tục hành chính không được thực hiện vào ban đêm, trừ trường hợp khẩn cấp hoặc việc khám đang được thực hiện mà chưa kết thúc nhưng phải ghi rõ lý do vào biên bản
Khám xét chỗ ở theo thủ tục tố tụng hình sự có được thực hiện vào ban đêm?
Điều 195 Bộ luật tố tụng hình sự 2015 quy định về việc khám xét chỗ ở, nơi làm việc, địa điểm, phương tiện như sau:
♣ Khi khám xét chỗ ở thì phải có mặt người đó hoặc người từ đủ 18 tuổi trở lên cùng chỗ ở, có đại diện chính quyền xã, phường, thị trấn và người chứng kiến; trường hợp người đó, người từ đủ 18 tuổi trở lên cùng chỗ ở cố tình vắng mặt, bỏ trốn hoặc vì lý do khác họ không có mặt mà việc khám xét không thể trì hoãn thì việc khám xét vẫn được tiến hành nhưng phải có đại diện chính quyền xã, phường, thị trấn nơi khám xét và hai người chứng kiến.Không được bắt đầu việc khám xét chỗ ở vào ban đêm, trừ trường hợp khẩn cấp nhưng phải ghi rõ lý do vào biên bản.
♣ Khi khám xét nơi làm việc của một người thì phải có mặt người đó, trừ trường hợp không thể trì hoãn nhưng phải ghi rõ lý do vào biên bản.Việc khám xét nơi làm việc phải có đại diện của cơ quan, tổ chức nơi người đó làm việc chứng kiến. Trong trường hợp không có đại diện cơ quan, tổ chức thì việc khám xét vẫn được tiến hành nhưng phải có đại diện chính quyền xã, phường, thị trấn nơi khám xét và 02 người chứng kiến.
♣ Khi khám xét địa điểm phải có đại diện chính quyền xã, phường, thị trấn nơi khám xét và người chứng kiến.
♣ Việc khám xét phương tiện phải có mặt chủ sở hữu hoặc người quản lý phương tiện và người chứng kiến. Trường hợp chủ sở hữu hoặc người quản lý phương tiện vắng mặt, bỏ trốn hoặc vì lý do khác họ không có mặt mà việc khám xét không thể trì hoãn thì việc khám xét vẫn được tiến hành nhưng phải có hai người chứng kiến.
Khi khám xét phương tiện có thể mời người có chuyên môn liên quan đến phương tiện tham gia.
♣ Khi tiến hành khám xét chỗ ở, nơi làm việc, địa điểm, phương tiện, những người có mặt không được tự ý rời khỏi nơi đang bị khám, không được liên hệ, trao đổi với nhau hoặc với những người khác cho đến khi khám xét xong.
Căn cứ quy định nêu trên thì trong trường hợp khám xét chỗ ở theo thủ tục tố tụng hình sự, lực lượng chức năng không được bắt đầu khám xét chỗ ở vào ban đêm, trừ trường hợp khẩn cấp nhưng phải ghi rõ lý do vào biên bản.
Ngoài ra, khi tiến hành khám xét chỗ ở thì phải có mặt người đó hoặc người từ đủ 18 tuổi trở lên cùng chỗ ở, có đại diện chính quyền cấp xã nơi khám xét và người chứng kiến; nếu người đó, người từ đủ 18 tuổi trở lên cùng chỗ ở cố tình vắng mặt, bỏ trốn hoặc vì lý do khác họ không có mặt mà việc khám xét không thể trì hoãn thì việc khám xét vẫn được tiến hành nhưng phải có đại diện chính quyền cấp xã nơi khám xét và 2 người chứng kiến.
Mặt khác, theo quy định tại Điều 192 Bộ luật tố tụng hình sự 2015 thì việc khám xét chỗ ở chỉ được tiến hành khi có căn cứ để nhận định chỗ ở có công cụ, phương tiện phạm tội, tài liệu, đồ vật, tài sản do phạm tội mà có hoặc đồ vật, dữ liệu điện tử, tài liệu khác có liên quan đến vụ án. Việc khám xét chỗ ở cũng có thể được tiến hành khi cần phát hiện người đang bị truy nã, truy tìm và giải cứu nạn nhân.
>>Xem thêm: Khi nào công an được khám xét người không cần lệnh?
Trên đây là bài viết về: Lực lượng chức năng có được khám xét chỗ ở vào ban đêm không?. Nếu còn vấn đề gì thắc mắc, vui lòng liên hệ LawKey hoặc có thể sử dụng dịch vụ Luật sư tư vấn của chúng tôi.
Thù lao của luật sư trong vụ án hình sự
Tổ chức hành nghề luật sư có quyền nhận thù lao từ khách hàng theo thỏa thuận hoặc nhận thù lao từ cơ quan tiến hành [...]
Ý nghĩa của tái thẩm trong tố tụng dân sự Việt Nam
Tái thẩm có vai trò quan trọng trong việc đảm bảo thực thi pháp luật, giữ gìn công lý hiện nay. Dưới đây là một vài [...]