Một số hợp đồng đặc thù giao kết với người tiêu dùng
Hợp đồng giao kết với người tiêu dùng gồm những loại hợp đồng nào? Lawkey sẽ đưa đến bạn đọc nội dung Một số hợp đồng đặc thù giao kết với người tiêu dùng qua bài viết dưới đây.
Hợp đồng cung cấp dịch vụ liên tục
Hợp đồng cung cấp dịch vụ liên tục phải có những nội dung sau:
- Tên, địa chỉ liên lạc của tổ chức, cá nhân cung cấp dịch vụ;
- Mô tả dịch vụ được cung cấp;
- Chất lượng dịch vụ;
- Thời điểm và thời hạn cung cấp dịch vụ;
- Cách thức tính phí, giá dịch vụ;
- Phương thức cung cấp dịch vụ và phương thức thanh toán.
Lưu ý:
- Hợp đồng cung cấp dịch vụ liên tục phải được lập thành văn bản và phải giao cho người tiêu dùng 01 bản.
- Trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác, người tiêu dùng có quyền đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng cung cấp dịch vụ liên tục tại bất kỳ thời điểm nào và thông báo bằng văn bản cho tổ chức, cá nhân cung cấp dịch vụ. Trong trường hợp người tiêu dùng đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng, người tiêu dùng chỉ phải thanh toán phí, giá cho phần dịch vụ mà mình đã sử dụng.
Nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân cung cấp dịch vụ
Tổ chức, cá nhân cung cấp dịch vụ có nghĩa vụ sau:
- Trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác, không được yêu cầu người tiêu dùng thanh toán bất kỳ khoản tiền nào trước khi dịch vụ được cung cấp đến người tiêu dùng;
- Không được đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng, ngừng cung cấp dịch vụ mà không có lý do chính đáng. Trường hợp cần sửa chữa, bảo trì hoặc vì lý do nào khác bắt buộc phải ngừng cung cấp dịch vụ, tổ chức, cá nhân cung cấp dịch vụ phải thông báo trước cho người tiêu dùng chậm nhất là 03 ngày làm việc trước ngày dừng cung cấp dịch vụ;
- Tổ chức, cá nhân cung cấp dịch vụ phải thường xuyên kiểm tra chất lượng dịch vụ mà mình cung cấp, đảm bảo chất lượng dịch vụ như đã cam kết với người tiêu dùng;
- Trường hợp người tiêu dùng thông báo sự cố hoặc khiếu nại về chất lượng dịch vụ, tổ chức, cá nhân cung cấp dịch vụ phải kịp thời kiểm tra, giải quyết.
Xem thêm: Trách nhiệm của tổ chức kinh doanh hàng hóa, dịch vụ đối với người tiêu dùng
Hợp đồng giao kết từ xa
Khi giao kết hợp đồng từ xa, tổ chức, cá nhân kinh doanh phải cung cấp cho người tiêu dùng những thông tin sau:
- Tên của tổ chức, cá nhân kinh doanh, số điện thoại liên lạc, địa chỉ, trụ sở, địa chỉ cơ sở chịu trách nhiệm về đề nghị giao kết hợp đồng (nếu có);
- Chất lượng của hàng hóa, dịch vụ;
- Chi phí giao hàng (nếu có);
- Phương thức thanh toán, phương thức giao hàng hóa, cung ứng dịch vụ;
- Thời gian có hiệu lực của đề nghị giao kết và mức giá đề nghị giao kết;
- Chi phí sử dụng phương tiện thông tin liên lạc cho việc giao kết hợp đồng nếu chi phí này chưa được tính vào giá của hàng hóa, dịch vụ;
- Chi tiết về tính năng, công dụng, cách thức sử dụng của hàng hóa, dịch vụ là đối tượng hợp đồng.
Lưu ý về hợp đồng giao kết từ xa:
- Trường hợp việc đề nghị giao kết hợp đồng được thực hiện thông qua điện thoại, tổ chức, cá nhân kinh doanh cần phải nói rõ ngay từ đầu về tên, địa chỉ của mình và mục đích của cuộc đàm thoại.
- Trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác, trong trường hợp tổ chức, cá nhân kinh doanh cung cấp không đúng, không đầy đủ thông tin nêu trên thì trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày giao kết hợp đồng người tiêu dùng có quyền đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng đã giao kết và thông báo cho tổ chức, cá nhân kinh doanh. Người tiêu dùng không phải trả bất kỳ chi phí nào liên quan đến việc chấm dứt đó và chỉ phải trả chi phí đối với phần hàng hóa, dịch vụ đã sử dụng.
- Trường hợp người tiêu dùng đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng, tổ chức; cá nhân kinh doanh phải trả lại tiền cho người tiêu dùng chậm nhất là 30 ngày kể từ ngày người tiêu dùng tuyên bố đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng. Quá thời hạn này, tổ chức, cá nhân kinh doanh phải trả lãi đối với số tiền chậm trả theo lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước công bố tương ứng với thời gian chậm trả tại thời điểm thanh toán. Việc hoàn trả được thực hiện theo phương thức mà người tiêu dùng đã thanh toán, trừ trường hợp người tiêu dùng đồng ý thanh toán bằng phương thức khác.
- Trường hợp việc chấm dứt hợp đồng gây thiệt hại cho người tiêu dùng thì tổ chức, cá nhân kinh doanh phải bồi thường theo quy định của pháp luật dân sự.
Hợp đồng bán hàng tận cửa
Người bán hàng tận cửa là người của tổ chức, cá nhân kinh doanh. Khi thực hiện việc bán hàng tận cửa người bán hàng tận cửa có nghĩa vụ sau đây:
- Giới thiệu tên, số điện thoại liên lạc, địa chỉ, trụ sở của tổ chức, cá nhân kinh doanh, chịu trách nhiệm về đề nghị giao kết hợp đồng;
- Không được tiếp tục đề nghị giao kết hợp đồng khi người tiêu dùng đã từ chối;
- Giải thích cho người tiêu dùng về điều kiện của hợp đồng, thông tin khác mà người tiêu dùng quan tâm liên quan đến hàng hóa, dịch vụ.
Lưu ý:
- Trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác, hợp đồng bán hàng tận cửa phải được lập thành văn bản và giao cho người tiêu dùng một bản. Trường hợp hợp đồng bán hàng tận cửa được lập thành văn bản, khi ký kết hợp đồng bán hàng tận cửa, người tiêu dùng phải tự ghi ngày, tháng giao kết hợp đồng.
- Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày giao kết hợp đồng, người tiêu dùng có quyền yêu cầu đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng đã giao kết và thông báo bằng văn bản cho tổ chức, cá nhân kinh doanh. Trước khi hết thời hạn này, người bán hàng tận cửa không được phép yêu cầu người tiêu dùng thanh toán hoặc thực hiện các nội dung hợp đồng, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.
- Tổ chức, cá nhân kinh doanh phải chịu trách nhiệm đối với mọi hoạt động của người bán hàng tận cửa.
Trên đây là nội dung Một số hợp đồng đặc thù giao kết với người tiêu dùng Lawkey gửi đến bạn đọc. Nếu có thắc mắc, vui lòng liên hệ Lawkey.
Xem thêm: Quyền và nghĩa vụ của người tiêu dùng theo quy định của pháp luật
Thủ tục miễn nhiệm giám định viên tư pháp theo pháp luật hiện nay
Trường hợp nào thì giám định viên tư pháp bị miễn nhiệm? Thủ tục miễn nhiệm giám định viên tư pháp theo pháp luật [...]
Tổng cục hải quan là cơ quan nào? Chức năng, nhiệm vụ
Tổng cục Hải quan là tổ chức trực thuộc Bộ Tài chính giúp Bộ trưởng Bộ Tài chính quản lý nhà nước về hải quan và [...]