Một số vấn đề về quyền tự do kinh doanh của doanh nghiệp
Quyền tự do kinh doanh lần đầu tiên được ghi nhận chính thức tại điều 57, Hiến pháp 1992. Kế thừa tinh thần đó, điều 33 Hiến pháp 2013 khẳng định người dân có quyền tự do kinh doanh trong những ngành nghề mà pháp luật không cấm. Cụ thể hóa, Luật Doanh nghiệp 2014 (LDN) và Luật Đầu tư 2014 (LĐT) khẳng định doanh nghiệp có quyền tự do kinh doanh trong những ngành, nghề mà luật không cấm.
Quyền tự do kinh doanh về cơ bản được cụ thể hóa qua một số quyền như quyền tự do thành lập doanh nghiệp, lựa chọn ngành nghề kinh doanh, quyền tiếp cận thị trường, quyền bình đẳng, tự do cạnh tranh lành mạnh, quyền được đảm bảo sở hữu tài sản của doanh nghiệp.
Có thể thấy, mục tiêu Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư là đơn giản hóa điều kiện, thủ tục cấp phép, dỡ bỏ hàng loạt hạn chế, bất cập của quy định cũ, mở rộng các nhóm quyền tự quyết của doanh nghiệp.
Luật Doanh nghiệp hiện nay gia tăng các quyền của doanh nghiệp, bao gồm điều tiết nguồn vốn trong kinh doanh, tăng giảm vốn điều lệ, quyền tự do biểu quyết, một doanh nghiệp có nhiều hơn một người làm đại diện theo pháp luật, quyền được giữ chức danh giám đốc đồng thời cho nhiều doanh nghiệp, quyền tự khắc và quản lý con dấu. Nhà đầu tư nước ngoài có quyền lựa chọn phương thức bảo hộ, giải quyết các tranh chấp đầu tư ngoài hệ thống cơ quan tư pháp tòa án của một quốc gia, như được chọn cơ chế giải quyết theo trọng tài thương mại quốc tế, cơ chế giải quyết tranh chấp bảo hộ đầu tư (ISCID)…
2.Tuy nhiên có thể thấy pháp luật kinh doanh của Việt Nam chưa sát với lộ trình hội nhập
Đơn cử là ngành nghề đại lý vận tải hàng hóa – logistics, theo cam kết WTO. Từ 1-1-2014, các nhà đầu tư nước ngoài được thành lập doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài đối với ngành nghề này. Tuy nhiên, Nghị định 140/2007 liên quan lĩnh vực này, được áp dụng gần 10 năm qua, vẫn yêu cầu nhà đầu tư nước ngoài phải thành lập liên doanh với nhà đầu tư Việt Nam. Mặc dù yêu cầu về tỷ lệ sở hữu vốn đối với bên nước ngoài trong liên doanh là không hạn chế, có thể đạt 99,9%. Điều này gây ra việc áp dụng pháp luật khác nhau tại nhiều địa phương, không hiệu quả gì về kinh tế, lại gây trở ngại cho nhà đầu tư. Mặt khác, đối với các ngành dịch vụ chưa cam kết, về nguyên tắc nhà đầu tư phải xin ý kiến của Chính phủ, cơ quan chuyên ngành, để xem xét quyết định. Dưới góc độ của nhà đầu tư, việc đưa ra một quyết định đầu tư kinh doanh trong trường hợp tương tự là khó khăn, vì việc cấp phép dựa trên cơ chế “xin-cho” theo sự vụ.
3.Vậy giải phóng quyền tự do kinh doanh đến đâu?
Do đặc thù phát triển mỗi nước khác nhau, mỗi quốc gia có những quan tâm khác nhau, trình độ phát triển kinh tế-xã hội khác nhau, nên luật pháp luôn có độ vênh nhất định. Tuy nhiên, một khi chọn hội nhập, hệ thống pháp luật nội địa buộc phải tương thích với các cam kết, điều ước, hiệp định thương mại quốc tế. Việt Nam tiếp tục phải tháo dỡ các rào cản từ khung pháp lý đến thể chế. Chính phủ, bộ ban ngành cần quyết liệt hơn cho “khai tử” hệ thống giấy phép con, giảm mệnh lệnh hành chính ảnh hưởng đến quyền tự do kinh doanh của doanh nghiệp.
Ngoài ra việc đảm bảo quyền tự do kinh doanh thực chất là yêu cầu giải phóng năng lực cho doanh nghiệp trong môi trường đầu tư đòi hỏi có hệ thống chính sách dễ tiếp cận, thân thiện, nhất quán và minh bạch. Giải phóng quyền này thành công hay không, phần lớn phụ thuộc vào quyết tâm của Việt Nam thực hiện triệt để đến đâu phương châm không mới “Công dân được làm những gì pháp luật không cấm, viên chức chỉ được làm những gì pháp luật cho phép”. Có như vậy, doanh nghiệp, người dân mới có thể tin rằng những quyết định “hình sự hóa” như vụ việc ông Nguyễn Văn Tấn, sẽ sớm thành “án lệ xấu”, để không bao giờ có cơ hội lặp lại.
Theo quy định tại chương 9 của TPP, thì sau khi hiệp định này có hiệu lực, Việt Nam sẽ mở cửa đối với tất cả ngành nghề, ngoại trừ một số ngành cam kết tại phụ lục 1 và 2 của hiệp định này. Tuy nhiên, LĐT vừa ban hành năm 2014 vẫn kèm theo một phụ lục khá lớn các ngành nghề được phân loại thuộc “ngành nghề kinh doanh có điều kiện”, trong đó bao gồm nhiều ngành mà Việt Nam đã cam kết mở cửa theo TPP.
Theo lộ trình, Hiệp định TPP cần thời gian hai năm để các nước thành viên phê chuẩn hiệu lực. Tuy nhiên việc rà soát, xây dựng hành lang pháp luật kinh doanh có lẽ phải bắt đầu từ bây giờ. Quá trình rà soát, ban hành và công bố danh mục “ngành nghề kinh doanh có điều kiện” được tiến hành khá chậm. Cho đến nay, chưa có văn bản từ nghị định trở xuống quy định thống nhất về danh mục “ngành nghề kinh doanh có điều kiện” cũng như các điều kiện đầu tư kinh doanh, trong khi thời hạn bãi bỏ điều kiện đầu tư kinh doanh tại các thông tư là ngày 1-7-2016 đã đến gần. Do đó, các điều kiện đầu tư kinh doanh trong các văn bản dưới luật vẫn là quan ngại của doanh nghiệp.
Thay đổi trụ sở chính của doanh nghiệp
Do nhu cầu kinh doanh doanh nghiệp có quyền thay đổi địa chỉ trụ sở chính của mình. Việc thay đổi trụ sở chính không [...]
Doanh nghiệp cho thuê lại lao động có được rút tiền ký quỹ không?
Theo quy định thì doanh nghiệp cho thuê lại lao động có được rút tiền ký quỹ không? Hãy cùng LawKey tìm hiểu qua bài viết [...]