Nghị định 112/2014/NĐ-CP
CHÍNH PHỦ | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 112/2014/NĐ-CP | Hà Nội, ngày 21 tháng 11 năm 2014 |
NGHỊ ĐỊNH
QUY ĐỊNH VỀ QUẢN LÝ CỬA KHẨU BIÊN GIỚI ĐẤT LIỀN
Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;
Căn cứ Luật Biên giới quốc gia ngày 17 tháng 6 năm 2003;
Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng,
Chính phủ ban hành Nghị định quy định về quản lý cửa khẩu biên giới đất liền.
Chương I
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
Nghị định này quy định:
1. Hoạt động kiểm tra, kiểm soát, giám sát của các cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành tại cửa khẩu, lối mở biên giới đất liền.
2. Hoạt động xuất cảnh, nhập cảnh đối với người; xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh, tạm nhập tái xuất, tạm xuất tái nhập đối với phương tiện (sau đây gọi tắt là xuất cảnh, nhập cảnh); xuất khẩu, nhập khẩu, tạm nhập tái xuất, tạm xuất tái nhập, quá cảnh, chuyển khẩu đối với hàng hóa, vật phẩm (sau đây gọi tắt là xuất khẩu, nhập khẩu) qua cửa khẩu, lối mở biên giới đất liền (sau đây gọi chung là xuất, nhập qua cửa khẩu).
3. Khu vực cửa khẩu; ra, vào, lưu trú, tạm trú, hoạt động trong khu vực cửa khẩu; điều kiện, thẩm quyền, thời gian hạn chế hoặc tạm dừng các hoạt động qua lại biên giới tại cửa khẩu, lối mở biên giới đất liền.
4. Mở, nâng cấp, quy hoạch, xây dựng phát triển hệ thống cửa khẩu biên giới đất liền.
5. Trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước trong công tác quản lý cửa khẩu, lối mở biên giới đất liền.
Điều 2. Đối tượng áp dụng
1. Tổ chức, cá nhân Việt Nam và nước ngoài xuất, nhập qua cửa khẩu; ra, vào, lưu trú, hoạt động trong khu vực cửa khẩu, lối mở biên giới đất liền.
2. Cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành và các cơ quan quản lý nhà nước liên quan đối với các hoạt động xuất, nhập qua cửa khẩu, lối mở biên giới đất liền.
3. Cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền mở, nâng cấp, hạn chế, tạm dừng các hoạt động qua lại cửa khẩu, lối mở biên giới đất liền và quy hoạch, xây dựng phát triển hệ thống cửa khẩu biên giới đất liền.
Điều 3. Giải thích thuật ngữ
Trong Nghị định này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:
1. Quốc môn là cổng quốc gia, được xây dựng tại cửa khẩu, mang đặc trưng văn hóa Việt Nam, thể hiện độc lập dân tộc và là biểu tượng tình hữu nghị, đoàn kết với nước láng giềng.
2. Cửa khẩu biên giới đất liền (sau đây gọi tắt là cửa khẩu biên giới) là nơi thực hiện việc xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh, xuất khẩu, nhập khẩu và qua lại biên giới quốc gia trên đất liền, bao gồm cửa khẩu đường bộ, cửa khẩu đường sắt và cửa khẩu biên giới đường thủy nội địa.
3. Cửa khẩu biên giới đường thủy nội địa là cửa khẩu biên giới đất liền được mở trên các tuyến đường thủy đi qua đường biên giới quốc gia trên đất liền.
4. Khu vực cửa khẩu biên giới đất liền (sau đây gọi tắt là khu vực cửa khẩu) là khu vực được xác định, có một phần địa giới hành chính trùng với đường biên giới quốc gia trên đất liền, trong đó bao gồm các khu chức năng để đảm bảo cho các hoạt động quản lý nhà nước và hoạt động dịch vụ, thương mại tại cửa khẩu.
5. Cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành tại cửa khẩu là các cơ quan thực hiện chức năng, nhiệm vụ làm thủ tục, kiểm tra, kiểm soát, giám sát đối với người, phương tiện, hàng hóa, vật phẩm xuất, nhập qua cửa khẩu; bao gồm: Biên phòng; Hải quan; Kiểm dịch (y tế, động vật, thực vật).
6. Nước láng giềng là nước có chung đường biên giới trên đất liền với nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, bao gồm các nước: Cộng hòa nhân dân Trung Hoa, Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào, Vương quốc Cămpuchia.
7. Cư dân biên giới hai bên là công dân Việt Nam và công dân nước láng giềng có hộ khẩu thường trú tại xã, phường, thị trấn (hoặc khu vực địa giới hành chính tương đương) có một phần địa giới hành chính trùng hợp với đường biên giới quốc gia trên đất liền.
8. Hàng hóa của cư dân biên giới là hàng hóa được sản xuất ở nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam hoặc nước láng giềng do cư dân biên giới mua, bán, trao đổi ở khu vực biên giới hai bên để phục vụ các nhu cầu sinh hoạt, sản xuất của cư dân biên giới.
9. Vật phẩm là các sản phẩm vật chất được xuất, nhập qua cửa khẩu biên giới không mang mục đích thương mại, bao gồm:
a) Vật phẩm y tế là thi thể, hài cốt, tro cốt, sản phẩm sinh học, mẫu vi sinh y học, mô, bộ phận cơ thể;
b) Vật phẩm văn hóa, nghệ thuật, vật chứa đựng nội dung văn hóa, nghệ thuật;
c) Vật phẩm là kim khí, đá quý, đồ trang sức;
d) Vật phẩm là mẫu vật khoáng sản, động vật, thực vật phục vụ hoạt động nghiên cứu, sưu tầm, triển lãm;
đ) Vật phẩm thuộc hành lý, vật dụng cá nhân của hành khách xuất, nhập qua cửa khẩu biên giới;
e) Các sản phẩm vật chất khác là vật phẩm theo quy định của văn bản pháp luật có liên quan.
10. Thủ tục qua lại biên giới là thủ tục hành chính do cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành tại cửa khẩu thực hiện đối với người, phương tiện, hàng hóa, vật phẩm xuất, nhập qua biên giới, bao gồm: Thủ tục biên phòng, thủ tục hải quan, thủ tục kiểm dịch và các thủ tục liên quan khác theo quy định của điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.Bổ sung
Điều 4. Các loại cửa khẩu biên giới đất liền
Căn cứ vào phạm vi đối tượng xuất, nhập; cửa khẩu biên giới đất liền được chia thành cửa khẩu quốc tế, cửa khẩu chính (cửa khẩu song phương), cửa khẩu phụ và lối mở biên giới (sau đây gọi chung là cửa khẩu biên giới).
1. Cửa khẩu quốc tế được mở cho người, phương tiện của Việt Nam và nước ngoài xuất cảnh, nhập cảnh; hàng hóa, vật phẩm xuất khẩu, nhập khẩu.
2. Cửa khẩu chính (cửa khẩu song phương) được mở cho người, phương tiện Việt Nam và nước láng giềng có chung cửa khẩu xuất cảnh, nhập cảnh; hàng hóa, vật phẩm xuất khẩu, nhập khẩu.
3. Cửa khẩu phụ được mở cho người, phương tiện Việt Nam và nước láng giềng thuộc tỉnh biên giới hai bên xuất cảnh, nhập cảnh; hàng hóa, vật phẩm xuất khẩu, nhập khẩu.
4. Lối mở biên giới (đường qua lại chợ biên giới, cặp chợ biên giới; điểm thông quan hàng hóa biên giới; đường qua lại tạm thời) được mở cho cư dân biên giới hai bên, phương tiện, hàng hóa của cư dân biên giới hai bên qua lại và các trường hợp khác nhằm thực hiện chính, sách thương mại biên giới theo quy định của Thủ tướng Chính phủ; hoặc được mở trong trường hợp bất khả kháng hay yêu cầu đặc biệt của hai bên biên giới.
Điều 5. Nguyên tắc xuất, nhập qua cửa khẩu biên giới
1. Người, phương tiện, hàng hóa, vật phẩm xuất, nhập qua cửa khẩu biên giới phải có đầy đủ giấy tờ hợp lệ, thực hiện các nguyên tắc, thủ tục theo quy định về xuất cảnh, nhập cảnh, xuất khẩu, nhập khẩu và các quy định khác của pháp luật Việt Nam và điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên; chịu sự quản lý, kiểm tra, kiểm soát, giám sát của cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành tại cửa khẩu.
2. Người, phương tiện, hàng hóa không thuộc cư dân biên giới hai bên xuất, nhập qua lối mở biên giới thực hiện chính sách thương mại biên giới theo quy định của Thủ tướng Chính phủ.
3. Hoạt động xuất, nhập qua biên giới đối với người, phương tiện, hàng hóa, vật phẩm của Việt Nam và nước ngoài chỉ được thực hiện tại các cửa khẩu, lối mở biên giới theo quy định tại Điều 4 Nghị định này.
Điều 6. Trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành tại cửa khẩu biên giới
1. Bộ đội Biên phòng cửa khẩu:
a) Tham mưu cho Bộ Quốc phòng thực hiện nội dung quản lý nhà nước đối với cửa khẩu biên giới thuộc trách nhiệm của Bộ Quốc phòng;
b) Chủ trì, phối hợp với các cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành tại cửa khẩu thực hiện thủ tục biên phòng và công tác kiểm tra, kiểm soát, giám sát hoạt động xuất cảnh, nhập cảnh của người, phương tiện; hoạt động quản lý, bảo vệ chủ quyền biên giới quốc gia; phòng chống tội phạm, giữ gìn an ninh chính trị và trật tự, an toàn xã hội; thực hiện công tác đối ngoại quân sự, đối ngoại biên phòng;
c) Phối hợp kiểm tra, giám sát hàng hóa, vật phẩm xuất, nhập qua cửa khẩu biên giới; đảm bảo an ninh hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu; phòng, chống buôn lậu và gian lận thương mại;
d) Thực hiện cấp, sửa đổi, bổ sung, hủy bỏ thị thực, cấp chứng nhận tạm trú theo quy định pháp luật.
2. Cơ quan Hải quan cửa khẩu chủ trì, phối hợp với các cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành tại cửa khẩu thực hiện thủ tục xuất khẩu, nhập khẩu đối với hàng hóa tại cửa khẩu biên giới; phòng, chống hoạt động vận chuyển, buôn bán hàng hóa thuộc danh mục cấm, buôn lậu, gian lận thương mại; thực hiện kiểm tra giám sát hải quan đối với phương tiện xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh theo quy định của pháp luật.
3. Cơ quan kiểm dịch (y tế, động vật, thực vật) chủ trì, phối hợp với các cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành tại cửa khẩu giải quyết những vấn đề liên quan đến hoạt động kiểm dịch, phòng dịch tại cửa khẩu biên giới.Bổ sung
Điều 7. Các hành vi bị nghiêm cấm trong khu vực cửa khẩu
1. Sử dụng hộ chiếu, giấy tờ giả, hộ chiếu, giấy tờ trái với quy định pháp luật Việt Nam; tổ chức, đưa, đón dẫn đường, chuyên chở người xuất cảnh, nhập cảnh trái phép.
2. Tuyên truyền, kích động hoặc có hành vi phá hoại an ninh, gây rối, gây mất trật tự công cộng, gây ùn tắc cản trở các hoạt động lưu thông hợp pháp tại cửa khẩu; không chấp hành hoặc ngăn cản việc kiểm tra, kiểm soát của các cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành tại cửa khẩu; sử dụng, mua bán, vận chuyển trái phép tài liệu, vật mang tin có chứa thông tin bí mật quân sự, bí mật nhà nước, sách báo, văn hóa phẩm độc hại.
3. Đưa, đón người, chuyên chở, xếp, dỡ hàng hóa không đúng nơi quy định, đi vào khu vực cấm.
4. Làm mất vệ sinh công cộng, gây ô nhiễm môi trường và các hành vi làm ảnh hưởng xấu đến cảnh quan khu vực cửa khẩu.
5. Các hoạt động khác trái với quy định pháp luật Việt Nam và điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.
Chương II
QUY ĐỊNH VỀ XUẤT, NHẬP QUA CỬA KHẨU, KHU VỰC CỬA KHẨU, QUẢN LÝ HOẠT ĐỘNG Ở KHU VỰC CỬA KHẨU
Điều 8. Người xuất cảnh, nhập cảnh
1. Công dân Việt Nam:
a) Công dân Việt Nam xuất cảnh, nhập cảnh qua cửa khẩu biên giới Việt Nam phải có hộ chiếu hoặc giấy tờ có giá trị xuất cảnh, nhập cảnh hợp lệ;
b) Công dân Việt Nam thường trú ở khu vực biên giới, tỉnh biên giới khi sang khu vực biên giới, tỉnh biên giới đối diện nước láng giềng phải có giấy thông hành biên giới hoặc giấy tờ có giá trị xuất cảnh, nhập cảnh theo quy định của điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.
2. Người nước ngoài:
a) Người nước ngoài nhập cảnh, xuất cảnh qua cửa khẩu biên giới Việt Nam phải có hộ chiếu hoặc giấy tờ có giá trị thay hộ chiếu hợp lệ và có thị thực do cơ quan nhà nước có thẩm quyền của Việt Nam cấp, trừ trường hợp được miễn thị thực;
b) Công dân nước láng giềng thường trú trong khu vực biên giới, tỉnh biên giới khi sang khu vực biên giới, tỉnh biên giới Việt Nam đối diện phải có giấy thông hành biên giới hoặc giấy tờ có giá trị nhập cảnh, xuất cảnh theo quy định của điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.
Điều 9. Phương tiện xuất cảnh, nhập cảnh
1. Phương tiện Việt Nam, nước ngoài khi xuất cảnh, nhập cảnh qua cửa khẩu biên giới phải tuân thủ pháp luật Việt Nam và các điều ước quốc tế về vận tải đường bộ mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên, phải chịu sự kiểm tra, kiểm soát, giám sát của các cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành tại cửa khẩu.
2. Phương tiện Việt Nam và nước ngoài khi xuất cảnh, nhập cảnh qua cửa khẩu biên giới phải có các loại giấy tờ sau:
a) Giấy đăng ký phương tiện;
b) Giấy phép liên vận, giấy phép vận tải;
c) Giấy phép vận chuyển hành khách (đối với phương tiện vận chuyển hành khách);
d) Giấy tờ về thủ tục hàng hóa (đối với phương tiện vận chuyển hàng hóa);
đ) Giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường;
e) Giấy bảo hiểm trách nhiệm dân sự đối với chủ phương tiện;
g) Giấy tờ khác theo quy định của pháp luật Việt Nam hoặc theo quy định của điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.
3. Người điều khiển phương tiện, người đi trên phương tiện xuất cảnh, nhập cảnh phải có giấy tờ sau đây:
a) Giấy tờ quy định tại Điều 8 Nghị định này;
b) Giấy phép điều khiển phương tiện (đối với người điều khiển phương tiện);
c) Giấy tờ khác theo quy định của pháp luật và điều ước quốc tế về vận tải đường bộ mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.
Điều 10. Hàng hóa, vật phẩm xuất khẩu, nhập khẩu
Hàng hóa, vật phẩm xuất khẩu, nhập khẩu, tạm nhập tái xuất, tạm xuất tái nhập, chuyển khẩu, quá cảnh qua cửa khẩu biên giới phải có đầy đủ giấy tờ hợp lệ, thực hiện các nguyên tắc, thủ tục theo quy định của pháp luật Việt Nam về xuất khẩu, nhập khẩu và điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên và phải chịu sự kiểm tra, kiểm soát, giám sát của các cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành tại cửa khẩu.
Điều 11. Khu vực cửa khẩu
1. Quốc môn.
2. Khu vực thực hiện thủ tục, kiểm tra, kiểm soát, giám sát hoạt động xuất, nhập của các cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành tại cửa khẩu.
a) Hệ thống Ba-ri-e kiểm soát: Để duy trì an ninh trật tự đồng thời điều tiết các hoạt động xuất, nhập của người, phương tiện, hàng hóa qua lại cửa khẩu biên giới;
b) Nhà kiểm soát liên hợp, giành cho hoạt động nghiệp vụ của các cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành, bao gồm: Khu vực chờ làm thủ tục; khu vực thực hiện thủ tục xuất, nhập; phòng đối ngoại; phòng xử lý vi phạm; phòng chỉ huy điều hành của các cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành; khu vực bố trí trang bị, phương tiện kỹ thuật; phòng họp, tiếp khách;
c) Khu vực cách ly kiểm dịch y tế và xử lý y tế;
d) Khu vực làm thủ tục, kiểm tra, giám sát đối với phương tiện, hàng hóa xuất, nhập;
đ) Khu vực kho, bến bãi tập kết hàng chờ xuất khẩu, nhập khẩu; kho trung chuyển hàng hóa;
e) Khu vực đón trả tầu (đối với cửa khẩu đường sắt);
g) Cầu cảng, khu vực neo đậu đối với phương tiện thủy đang chờ làm thủ tục xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh (đối với cửa khẩu biên giới đường thủy nội địa).
3. Khu vực làm việc của cơ quan nhà nước liên quan.
a) Nơi làm việc của Ban Quản lý cửa khẩu;
b) Nơi làm việc của các cơ quan: Vận tải, Ngân hàng, Kho bạc và các cơ quan liên quan khác.
4. Khu vực dành cho các hoạt động dịch vụ, thương mại.
a) Cửa hàng kinh doanh miễn thuế; kinh doanh hàng hóa, siêu thị, trung tâm thương mại;
b) Dịch vụ bưu chính;
c) Dịch vụ du lịch;
d) Khu vực bãi xe, bến đậu;
đ) Khu phi thuế quan (nếu có);
e) Khu vực dịch vụ, thương mại khác.
5. Khu vực cấm, khu vực khác (nếu có).
6. Bộ Quốc phòng thiết lập hệ thống Ba-ri-e kiểm soát và các công trình kỹ thuật để xác định ranh giới giữa khu vực cửa khẩu với các khu vực khác và duy trì, đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội tại khu vực cửa khẩu.
7. Khu vực cửa khẩu được cắm biển báo “Khu vực cửa khẩu” và hệ thống biển báo, biển chỉ dẫn, bảng niêm yết theo mẫu thống nhất do Bộ Quốc phòng quy định.
8. Khu vực làm thủ tục kiểm tra, kiểm soát, giám sát tại cửa khẩu được thiết lập để các cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành thực hiện thủ tục kiểm tra, kiểm soát, giám sát theo chức năng, nhiệm vụ quy định.
9. Trong phạm vi khu vực cửa khẩu, các cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành được bố trí các công trình và trang bị kỹ thuật nghiệp vụ để thực hiện thủ tục kiểm tra, kiểm soát, giám sát theo quy định của pháp luật.
Điều 12. Thẩm quyền xác định phạm vi khu vực cửa khẩu
1. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chủ trì, phối hợp với các Bộ: Quốc phòng, Công an, Ngoại giao, Tài chính, Công Thương xác định phạm vi khu vực cửa khẩu quốc tế, cửa khẩu chính (cửa khẩu song phương) và báo cáo Chính phủ quyết định.
2. Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành của tỉnh, gồm: Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Công an, Ngoại vụ, Công Thương, Y tế, Hải quan, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Kế hoạch và Đầu tư, Xây dựng, Tài chính, Giao thông vận tải và Ủy ban nhân dân cấp huyện có cửa khẩu phụ, lối mở biên giới xác định phạm vi khu vực cửa khẩu phụ, lối mở biên giới và đề xuất Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh quyết định.
Điều 13. Hoạt động ở khu vực cửa khẩu
1. Những người được ra, vào khu vực cửa khẩu:
a) Hành khách xuất cảnh, nhập cảnh;
b) Cán bộ, chiến sĩ, nhân viên, công chức của các cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành và cơ quan nhà nước liên quan có trụ sở hoặc văn phòng làm việc trong khu vực cửa khẩu;
c) Nhân viên các cơ quan, tổ chức, cá nhân hoạt động dịch vụ, thương mại trong khu vực cửa khẩu;
d) Người điều khiển, người làm việc trên phương tiện chuyên chở hàng hóa, hành khách xuất khẩu, nhập khẩu, xuất cảnh, nhập cảnh;
đ) Chủ hàng, người kinh doanh hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu ra vào khu vực cửa khẩu thực hiện thủ tục xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa;
e) Người đến làm việc với cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành và cơ quan liên quan có trụ sở hoặc văn phòng làm việc trong khu vực cửa khẩu;
g) Người đến khám, chữa bệnh (trường hợp trong khu vực cửa khẩu có khu vực y tế dành cho khám, chữa bệnh);
h) Ngoài những trường hợp quy định tại các Điểm a, b, c, d, đ, e, g Khoản này, những người ra, vào khu vực cửa khẩu với mục đích thăm quan, đón tiễn hoặc mục đích khác phải được phép và chịu sự kiểm tra, kiểm soát, giám sát, hướng dẫn của Đồn Biên phòng cửa khẩu.
2. Những người được tạm trú trong khu vực cửa khẩu:
a) Cán bộ, chiến sĩ, nhân viên, công chức của các cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành và cơ quan liên quan có trụ sở hoặc văn phòng làm việc trong khu vực cửa khẩu;
b) Nhân viên các cơ quan, tổ chức, cá nhân hoạt động dịch vụ, thương mại trong khu vực cửa khẩu;
c) Người Việt Nam, người nước ngoài lưu lại trong khu vực cửa khẩu vì lý do chưa hoàn thành thủ tục xuất, nhập đối với người, phương tiện, hàng hóa hoặc những người lưu lại trong khu vực cửa khẩu vì lý do hợp pháp khác, thì phải đăng ký tạm trú và chịu sự quản lý, kiểm tra, giám sát của Trạm Biên phòng cửa khẩu.
3. Tổ chức, cá nhân hoạt động dịch vụ, thương mại trong khu vực cửa khẩu phải có giấy phép do cơ quan có thẩm quyền cấp và phải hoạt động theo đúng lĩnh vực quy định trong giấy phép.
4. Phương tiện được phép ra, vào, hoạt động, lưu trú tại khu vực cửa khẩu:
a) Phương tiện vận chuyển người xuất cảnh, nhập cảnh, hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu; phương tiện vận chuyển, bốc dỡ hàng hóa tại các kho, bãi hàng hóa trong khu vực cửa khẩu;
b) Phương tiện là hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu;
c) Phương tiện chuyên chở cán bộ, chiến sĩ, nhân viên, công chức đến làm việc tại cửa khẩu hoặc phương tiện của cán bộ, chiến sĩ, nhân viên, công chức làm việc tại cửa khẩu;
d) Phương tiện của Việt Nam, nước ngoài lưu lại trong khu vực cửa khẩu vì lý do chưa hoàn thành thủ tục xuất, nhập đối với phương tiện, hàng hóa thì phải đăng ký lưu trú và chịu sự quản lý, kiểm tra, giám sát của Trạm Biên phòng cửa khẩu;
đ) Phương tiện ra, vào, hoạt động, lưu trú tại khu vực cửa khẩu phải có đầy đủ giấy tờ hợp lệ, phù hợp với mục đích hoạt động tại cửa khẩu.
5. Bộ đội Biên phòng chủ trì, phối hợp với các cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành hướng dẫn thủ tục, kiểm tra, kiểm soát, giám sát tổ chức, cá nhân, phương tiện của Việt Nam và nước ngoài hoạt động tại khu vực cửa khẩu theo quy định của Nghị định này, quy định pháp luật liên quan và điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.
Điều 14. Dây chuyền kiểm tra, kiểm soát của các cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành tại cửa khẩu quốc tế, cửa khẩu chính (cửa khẩu song phương)
1. Đối với người, phương tiện xuất cảnh, nhập cảnh; hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu:
a) Cửa xuất: Hải quan – Kiểm dịch (y tế, động vật, thực vật) – Biên phòng;
b) Cửa nhập: Biên phòng – Kiểm dịch (y tế, động vật, thực vật) – Hải quan.
2. Trong trường hợp có dịch bệnh, dây chuyền kiểm tra, kiểm soát, giám sát đối với người, phương tiện xuất cảnh, nhập cảnh; hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu bố trí như sau:
a) Cửa xuất: Kiểm dịch (y tế, động vật, thực vật) – Hải quan – Biên phòng;
b) Cửa nhập: Kiểm dịch (y tế, động vật, thực vật) – Biên phòng – Hải quan.Bổ sung
Điều 15. Kiểm tra, kiểm soát, giám sát tại cửa khẩu phụ, lối mở biên giới
1. Tại cửa khẩu phụ, lối mở biên giới đã có đủ các cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành và cơ sở hạ tầng, kỹ thuật bảo đảm quản lý nhà nước (khu vực thực hiện thủ tục kiểm tra, kiểm soát, giám sát xuất cảnh, nhập cảnh, xuất khẩu, nhập khẩu; khu vực kho, bến bãi tập kết hàng chờ xuất khẩu, nhập khẩu; đường giao thông để vận chuyển hàng hóa; khu vực bãi xe, bến đậu), hoạt động kiểm tra, kiểm soát, giám sát xuất, nhập qua lại biên giới quốc gia được thực hiện như tại cửa khẩu quốc tế, cửa khẩu chính.
2. Tại cửa khẩu phụ, lối mở biên giới chưa có đủ các cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành và cơ sở hạ tầng, kỹ thuật, thủ tục kiểm tra, kiểm soát, giám sát hoạt động qua lại biên giới của cư dân biên giới hai bên được tiến hành tại Trạm kiểm soát biên phòng.
3. Các Bộ: Quốc phòng, Công Thương, Tài chính và Ủy ban nhân dân các tỉnh biên giới phối hợp chỉ đạo, quản lý các hoạt động xuất, nhập qua lối mở biên giới để thực hiện chính sách thương mại biên giới hiệu quả, phù hợp với quy định của pháp luật Việt Nam và điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.
Điều 16. Thời gian làm việc tại cửa khẩu biên giới
1. Thời gian làm việc tại cửa khẩu thực hiện theo quy định của điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.
2. Chính phủ hai bên thống nhất quyết định thay đổi thời gian làm việc tại cửa khẩu quốc tế, cửa khẩu chính (cửa khẩu song phương) thông qua đường ngoại giao.
3. Chủ tịch, Ủy ban nhân dân tỉnh biên giới thống nhất với chính quyền cấp tỉnh đối diện quy định, thay đổi thời gian làm việc tại cửa khẩu phụ, lối mở biên giới sau khi thống nhất với Bộ Quốc phòng và Bộ Tài chính.
4. Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh thống nhất với cơ quan chức năng nước láng giềng, quyết định thời gian mở cửa khẩu biên giới ngoài thời gian làm việc trong ngày đối với các trường hợp vì lý do khẩn cấp liên quan đến quốc phòng, an ninh, thiên tai, hỏa hoạn, cấp cứu người bị nạn, truy bắt tội phạm hoặc lý do bất khả kháng khác, đồng thời phải kịp thời báo cáo ngay Ủy ban nhân dân tỉnh, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng và phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về quyết định của mình.
Điều 17. Thẩm quyền hạn chế hoặc tạm dừng các hoạt động qua lại biên giới tại cửa khẩu biên giới
Trường hợp vì lý do quốc phòng, an ninh, thiên tai, phòng chống dịch bệnh, lý do đặc biệt khác hoặc theo đề nghị của nước láng giềng, quyền quyết định hạn chế hoặc tạm dừng các hoạt động qua lại biên giới tại cửa khẩu biên giới được quy định như sau:
1. Thủ tướng Chính phủ quyết định hạn chế hoặc tạm dừng các hoạt động qua lại biên giới tại cửa khẩu quốc tế theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng hoặc Bộ trưởng Bộ Công an.
2. Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh quyết định việc hạn chế hoặc tạm dừng các hoạt động qua lại biên giới tại cửa khẩu chính (cửa khẩu song phương) theo đề nghị của Chỉ huy trưởng Bộ đội Biên phòng tỉnh không quá 24 giờ và phải báo cáo ngay Thủ tướng Chính phủ.
3. Chỉ huy trưởng Bộ đội Biên phòng tỉnh quyết định hạn chế hoặc tạm dừng các hoạt động qua lại biên giới tại cửa khẩu chính (cửa khẩu song phương) không quá 06 giờ; tại cửa khẩu phụ, lối mở biên giới không quá 12 giờ và phải báo cáo ngay Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng và Ủy ban nhân dân tỉnh.
4. Đồn trưởng Đồn Biên phòng quyết định hạn chế hoặc tạm dừng các hoạt động qua lại biên giới tại cửa khẩu phụ, lối mở biên giới không quá 06 giờ và phải báo cáo ngay Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh và Ủy ban nhân dân cấp huyện biên giới.
5. Bộ Công an, Bộ Y tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp thống nhất với Bộ Quốc phòng và Ủy ban nhân dân tỉnh có cửa khẩu biên giới đất liền thực hiện theo quy định tại các Khoản 1, 2, 3, 4 Điều này đối với trường hợp hạn chế hoặc tạm dừng các hoạt động qua lại biên giới tại cửa khẩu, lối mở biên giới vì lý do an ninh quốc gia, phòng chống dịch bệnh.
6. Trước khi hết thời gian hạn chế hoặc tạm dừng việc qua lại biên giới tại cửa khẩu biên giới, nếu xét thấy cần tiếp tục hạn chế hoặc tạm dừng thì thực hiện như sau:
a) Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh quyết định gia hạn thời gian hạn chế hoặc tạm dừng các hoạt động qua lại biên giới tại cửa khẩu chính (cửa khẩu song phương), thời gian gia hạn không quá 24 giờ;
b) Chỉ huy trưởng Bộ đội Biên phòng tỉnh quyết định gia hạn thời gian hạn chế hoặc tạm dừng các hoạt động qua lại biên giới tại cửa khẩu chính (cửa khẩu song phương) không quá 06 giờ, tại cửa khẩu phụ, lối mở biên giới, thời gian gia hạn không quá 12 giờ;
c) Đồn trưởng Đồn Biên phòng quyết định gia hạn thời gian hạn chế hoặc tạm dừng các hoạt động qua lại biên giới tại cửa khẩu phụ, lối mở biên giới, thời gian gia hạn không quá 06 giờ.
7. Người có thẩm quyền quy định tại các Khoản 1, 2, 3, 4, 5, 6 Điều này chịu trách nhiệm trước pháp luật về các quyết định của mình; trước khi quyết định hạn chế, tạm dừng hoặc gia hạn thời gian hạn chế, tạm dừng các hoạt động qua lại biên giới tại cửa khẩu biên giới và khi tình hình trở lại bình thường phải thông báo cho chính quyền địa phương, cơ quan chức năng nước láng giềng, các cơ quan liên quan và nhân dân biết để thực hiện.
Trong trường hợp hạn chế hoặc tạm dừng các hoạt động qua lại biên giới tại cửa khẩu, lối mở biên giới khi chưa có sự thống nhất của hai bên, người có thẩm quyền quy định tại các Khoản 1, 2, 3, 4, 5, 6 Điều này phải thông báo cho Sở Ngoại vụ tỉnh (đối với hạn chế hoặc tạm dừng các hoạt động qua lại biên giới tại cửa khẩu phụ, lối mở biên giới) hoặc thông báo Bộ Ngoại giao (đối với hạn chế hoặc tạm dừng các hoạt động qua lại biên giới tại cửa khẩu quốc tế, cửa khẩu chính (cửa khẩu song phương)) để phối hợp xử lý về đối ngoại.
8. Việc hạn chế hoặc tạm dừng các hoạt động qua lại biên giới tại cửa khẩu biên giới phải phù hợp với các quy định của điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.
Chương III
QUY HOẠCH, XÂY DỰNG CỬA KHẨU BIÊN GIỚI
Điều 18. Quy hoạch cửa khẩu biên giới
1. Quy hoạch, xây dựng, phát triển hệ thống cửa khẩu biên giới phải căn cứ tình hình từng tuyến biên giới, từng địa phương, phù hợp yêu cầu phát triển kinh tế – xã hội và đảm bảo quốc phòng – an ninh, chủ quyền lãnh thổ quốc gia.
2. Chính phủ thống nhất quản lý quy hoạch phát triển hệ thống cửa khẩu biên giới trên phạm vi toàn quốc; phê duyệt quy hoạch hệ thống cửa khẩu từng tỉnh và phê duyệt quy hoạch phạm vi khu vực cửa khẩu đối với cửa khẩu quốc tế, cửa khẩu chính.
3. Bộ Ngoại giao chủ trì, phối hợp với các Bộ: Quốc phòng, Công an, Tài chính, Công Thương, Giao thông vận tải, Kế hoạch và Đầu tư và Ủy ban nhân dân các tỉnh biên giới đất liền lập, thẩm định quy hoạch phát triển hệ thống cửa khẩu biên giới trên phạm vi toàn quốc, trình Chính phủ phê duyệt.
4. Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp với các Bộ: Quốc phòng, Công an, Ngoại giao, Tài chính, Công Thương, Giao thông vận tải, Kế hoạch và Đầu tư và Ủy ban nhân dân tỉnh biên giới có cửa khẩu quốc tế, cửa khẩu chính lập, thẩm định quy hoạch xây dựng khu vực cửa khẩu quốc tế, cửa khẩu chính, trình Chính phủ phê duyệt.
5. Ủy ban nhân dân tỉnh biên giới:
a) Chủ trì, phối hợp với các Bộ: Quốc phòng, Công an, Ngoại giao, Tài chính, Công Thương, Giao thông vận tải, Kế hoạch và Đầu tư lập, thẩm định quy hoạch phát triển hệ thống cửa khẩu biên giới trên địa bàn tỉnh (trên cơ sở quy hoạch phát triển hệ thống cửa khẩu biên giới trên toàn quốc), trình Chính phủ phê duyệt;
b) Khảo sát xác định phạm vi khu vực cửa khẩu, lối mở biên giới trên địa bàn tỉnh; phê duyệt phạm vi khu vực cửa khẩu phụ, lối mở biên giới; trình Chính phủ phê duyệt phạm vi cửa khẩu quốc tế, cửa khẩu chính;
c) Lập, thẩm định và phê duyệt quy hoạch xây dựng khu vực cửa khẩu phụ, lối mở biên giới.
6. Hoạt động xây dựng cửa khẩu biên giới thực hiện theo quy định của pháp luật về xây dựng và các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành.
Điều 19. Nguyên tắc, thẩm quyền mở, nâng cấp cửa khẩu biên giới
1. Nguyên tắc mở, nâng cấp cửa khẩu biên giới:
a) Được sự thống nhất của chính quyền cấp tỉnh có cửa khẩu hai bên; sự đồng ý của Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ nước láng giềng hoặc do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam quyết định mở theo quy định của Nghị định này;
b) Phải nằm trong quy hoạch phát triển hệ thống cửa khẩu biên giới đất liền trên toàn quốc; đáp ứng nhu cầu phát triển lâu dài về kinh tế – xã hội của địa phương và cả nước;
c) Đảm bảo yếu tố chủ quyền lãnh thổ biên giới quốc gia và quốc phòng an ninh, đối ngoại;
d) Đảm bảo phù hợp với lưu lượng người, phương tiện, hàng hóa xuất, nhập.
2. Thẩm quyền mở, nâng cấp cửa khẩu biên giới:
a) Chính phủ quyết định việc mở, nâng cấp cửa khẩu quốc tế, cửa khẩu chính theo quy định của pháp luật Việt Nam và điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên;
b) Ủy ban nhân dân tỉnh biên giới thực hiện việc mở cửa khẩu phụ, lối mở biên giới sau khi thống nhất với các Bộ, ngành liên quan và được sự đồng ý của Chính phủ.
Điều 20. Trình tự mở, nâng cấp cửa khẩu biên giới
1. Việc mở, nâng cấp cửa khẩu quốc tế, cửa khẩu chính (cửa khẩu song phương) thực hiện theo trình tự, thủ tục sau:
a) Theo đề nghị của Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh biên giới quyết định thành lập đoàn công tác đại diện các Sở, ngành liên quan của tỉnh, gồm: Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng, Bộ Chỉ huy Quân sự, Công an, Ngoại vụ, Công Thương, Y tế, Hải quan, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Kế hoạch và Đầu tư, Xây dựng, Tài chính, Giao thông vận tải, Ủy ban nhân dân cấp huyện có cửa khẩu dự kiến mở, nâng cấp do Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh chủ trì tiến hành khảo sát xác định địa điểm mở, nâng cấp cửa khẩu, tình hình cơ sở vật chất, trang thiết bị, lực lượng kiểm tra, kiểm soát, lưu lượng người, phương tiện, hàng hóa xuất, nhập. Trong thời hạn 10 ngày làm việc, kể từ ngày hoàn thành khảo sát, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh tổng hợp kết quả khảo sát, đề xuất Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh về việc mở, nâng cấp cửa khẩu quốc tế, cửa khẩu chính (cửa khẩu song phương);
b) Trong thời hạn không quá 15 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được đề xuất của Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh về việc mở, nâng cấp cửa khẩu quốc tế, cửa khẩu chính (cửa khẩu song phương), Ủy ban nhân dân tỉnh biên giới có văn bản gửi chính quyền địa phương cấp tỉnh biên giới nước láng giềng đề nghị tiến hành hội đàm thống nhất địa điểm, mở hoặc nâng cấp, kế hoạch thực hiện (dự kiến thời gian mở, nâng cấp) cửa khẩu;
c) Trong thời hạn không quá 20 ngày làm việc, kể từ ngày kết thúc hội đàm với chính quyền cấp tỉnh biên giới nước láng giềng, Ủy ban nhân dân tỉnh biên giới báo cáo Chính phủ (thông qua Bộ Ngoại giao) hồ sơ về việc mở, nâng cấp cửa khẩu (01 bộ hồ sơ, gồm có: Sơ đồ, bản đồ quy hoạch tổng thể khu vực mở, nâng cấp cửa khẩu quốc tế, cửa khẩu chính (bản chính); báo cáo đánh giá tác động đến kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh (bản chính); báo cáo lưu lượng người, phương tiện, hàng hóa xuất, nhập (bản chính); bản sao biên bản thỏa thuận, hội đàm);
d) Trong thời hạn 30 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được báo cáo hồ sơ mở, nâng cấp cửa khẩu của Ủy ban nhân dân tỉnh biên giới, Bộ Ngoại giao chủ trì, phối hợp với các Bộ: Quốc phòng, Công an, Công Thương, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Xây dựng, Giao thông vận tải, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Y tế tiến hành khảo sát địa điểm cần mở, nâng cấp cửa khẩu quốc tế, cửa khẩu chính;
đ) Trong thời hạn 20 ngày làm việc, kể từ ngày hoàn thành khảo sát, Bộ Ngoại giao tổng hợp kết quả khảo sát, ý kiến tham gia của các Bộ, báo cáo Chính phủ quyết định việc mở, nâng cấp cửa khẩu quốc tế, cửa khẩu chính;
e) Trong thời hạn 10 ngày làm việc, kể từ ngày Chính phủ có quyết định về việc mở, nâng cấp cửa khẩu, Bộ Ngoại giao gửi công hàm cho nước láng giềng thông báo chủ trương của Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đồng ý mở, nâng cấp cửa khẩu quốc tế, cửa khẩu chính;
g) Trong thời hạn 10 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được công hàm đồng ý mở, nâng cấp cửa khẩu của nước láng giềng thông qua đường ngoại giao, Bộ Ngoại giao thông báo cho Ủy ban nhân dân tỉnh biên giới để trao đổi thống nhất với chính quyền địa phương cấp tỉnh biên giới nước láng giềng, phối hợp tổ chức lễ công bố khai trương mở, nâng cấp cửa khẩu quốc tế, cửa khẩu chính;
Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được văn bản của chính quyền địa phương cấp tỉnh biên giới nước láng giềng trả lời thống nhất thời gian tổ chức lễ công bố khai trương mở, nâng cấp quốc tế, cửa khẩu chính, Ủy ban nhân dân tỉnh biên giới thông báo cho các Bộ quy định tai Điểm d Khoản này để phối hợp thực hiện.
2. Việc mở, nâng cấp cửa khẩu phụ, lối mở biên giới thực hiện theo trình tự, thủ tục sau:
a) Theo đề nghị của Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh biên giới quyết định thành lập đoàn công tác đại diện các Sở, ngành liên quan của tỉnh, gồm: Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng, Bộ Chỉ huy Quân sự, Công an, Ngoại vụ, Công Thương, Y tế, Hải quan, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Giao thông vận tải, Ủy ban nhân dân cấp huyện có cửa khẩu phụ, lối mở dự kiến mở, nâng cấp do Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh chủ trì tiến hành khảo sát xác định địa điểm mở, nâng cấp cửa khẩu phụ, lối mở biên giới, tình hình cơ sở vật chất, trang thiết bị, lực lượng kiểm tra, kiểm soát, lưu lượng người, phương tiện, hàng hóa xuất, nhập. Trong thời hạn 07 ngày làm việc, kể từ ngày hoàn thành khảo sát, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh tổng hợp kết quả khảo sát, đề xuất Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh về việc mở, nâng cấp cửa khẩu phụ, lối mở biên giới;
b) Trong thời hạn 15 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được đề xuất của Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh về việc mở cửa khẩu phụ, mở, nâng cấp lối mở biên giới lên cửa khẩu phụ, Ủy ban nhân dân tỉnh biên giới có văn bản gửi chính quyền địa phương cấp tỉnh biên giới nước láng giềng đề nghị tiến hành hội đàm thống nhất địa điểm, dự kiến thời gian mở, nâng cấp cửa khẩu phụ, lối mở biên giới;
c) Trong thời hạn 20 ngày làm việc, kể từ ngày kết thúc hội đàm với chính quyền địa phương cấp tỉnh biên giới nước láng giềng, căn cứ kết quả hội đàm, Ủy ban nhân dân tỉnh biên giới có văn bản xin ý kiến các Bộ: Quốc phòng, Ngoại giao, Công an, Công Thương, Tài chính, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Kế hoạch và Đầu tư, Giao thông vận tải, Y tế (kèm theo 01 bộ hồ sơ, gồm có: Sơ đồ, bản đồ quy hoạch tổng thể khu vực mở, nâng cấp cửa khẩu phụ, lối mở biên giới (bản chính); báo cáo đánh giá tác động đến kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh (bản chính); báo cáo lưu lượng người, phương tiện, hàng hóa xuất, nhập (bản chính); bản sao biên bản thỏa thuận, hội đàm). Trong thời hạn 10 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được văn bản xin ý kiến của Ủy ban nhân dân tỉnh biên giới, các Bộ phải có văn bản trả lời;
d) Trên cơ sở ý kiến tham gia của các Bộ quy định tại Điểm c Khoản này, Ủy ban nhân dân tỉnh biên giới tổng hợp, báo cáo xin ý kiến Chính phủ (kèm theo 01 bộ hồ sơ, gồm có: Tờ trình Chính phủ (bản chính); sơ đồ, bản đồ quy hoạch tổng thể khu vực dự kiến mở, nâng cấp cửa khẩu phụ, lối mở biên giới (bản chính); báo cáo đánh giá tác động đến kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh (bản chính); báo cáo lưu lượng người, phương tiện, hàng hóa xuất, nhập (bản chính); báo cáo tổng hợp ý kiến tham gia của các Bộ, ngành (bản chính); bản sao biên bản thỏa thuận, hội đàm);
Trong thời hạn 10 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được văn bản thông báo ý kiến đồng ý của Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh biên giới ban hành quyết định mở, nâng cấp cửa khẩu phụ, lối mở biên giới và thông báo cho các Bộ quy định tại Điểm c Khoản này;
đ) Trong thời hạn 07 ngày làm việc, kể từ ngày ban hành quyết định mở, nâng cấp cửa khẩu phụ, lối mở biên giới, Ủy ban nhân dân tỉnh biên giới có văn bản gửi chính quyền địa phương cấp tỉnh biên giới nước láng giềng trao đổi thống nhất thời gian hoạt động chính thức của cửa khẩu phụ, lối mở biên giới (căn cứ tình hình thực tế có thể đề nghị tổ chức lễ công bố mở cửa khẩu phụ, lối mở biên giới);
Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được văn bản của chính quyền địa phương cấp tỉnh biên giới nước láng giềng trả lời thống nhất thời gian hoạt động chính thức của cửa khẩu phụ, lối mở biên giới, Ủy ban nhân dân tỉnh biên giới thông báo cho các Bộ quy định tại Điểm c Khoản này để phối hợp thực hiện.Bổ sung
Chương IV
QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VÀ TRÁCH NHIỆM CỦA CÁC BỘ, NGÀNH, ỦY BAN NHÂN DÂN CÁC TỈNH ĐỐI VỚI CỬA KHẨU BIÊN GIỚI
Điều 21. Nội dung quản lý nhà nước đối với cửa khẩu biên giới
1. Ban hành và tổ chức thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật về cửa khẩu biên giới.
2. Tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về cửa khẩu biên giới.
3. Xây dựng quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cửa khẩu biên giới trên đất liền; mở, nâng cấp cửa khẩu, lối mở biên giới.
4. Xây dựng chính sách quản lý các hoạt động xuất, nhập qua cửa khẩu biên giới.
5. Tổ chức, đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho lực lượng quản lý nhà nước chuyên ngành tại cửa khẩu; đầu tư trang thiết bị, xây dựng cơ sở hạ tầng khu vực cửa khẩu, nghiên cứu, ứng dụng khoa học và công nghệ đáp ứng công tác quản lý và tạo điều kiện thuận lợi cho các hoạt động xuất, nhập qua cửa khẩu biên giới.
6. Đàm phán, ký kết và tổ chức thực hiện điều ước quốc tế về cửa khẩu biên giới; hợp tác quốc tế trong việc xây dựng, quản lý cửa khẩu biên giới.
7. Thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và xử lý vi phạm pháp luật về cửa khẩu biên giới.
Điều 22. Trách nhiệm của Bộ Quốc phòng
1. Chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan, Ủy ban nhân dân các tỉnh biên giới chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước đối với cửa khẩu biên giới.
2. Chỉ đạo Bộ đội Biên phòng thực hiện chức năng quản lý nhà nước về quốc phòng; đảm bảo chủ quyền lãnh thổ quốc gia, giữ gìn an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội trong khu vực cửa khẩu biên giới; chủ trì thực hiện công tác thủ tục, kiểm tra, kiểm soát, giám sát xuất cảnh, nhập cảnh đối với người, phương tiện; phối hợp kiểm tra, giám sát hàng hóa xuất, nhập; cấp phép một số giấy tờ quy định; chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan thực hiện mở, nâng cấp cửa khẩu, lối mở biên giới; hướng dẫn thủ tục cho người, phương tiện ngoài khu vực biên giới, xuất, nhập qua lối mở biên giới.
3. Phối hợp với Bộ Ngoại giao, các Bộ liên quan và Ủy ban nhân dân các tỉnh biên giới trong xây dựng, quy hoạch và phát triển hệ thống cửa khẩu biên giới đảm bảo yêu cầu về quốc phòng – an ninh.
4. Hàng năm, phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư lập dự toán ngân sách để triển khai thực hiện Nghị định này.
Điều 23. Trách nhiệm của Bộ Tài chính
1. Phối hợp với Bộ Quốc phòng trong công tác đảm bảo ngân sách để triển khai thực hiện Nghị định này theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước và các văn bản hướng dẫn.
2. Chỉ đạo cơ quan Hải quan thực hiện chức năng quản lý nhà nước về hải quan tại cửa khẩu biên giới theo quy định của pháp luật Việt Nam và các điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.
Điều 24. Trách nhiệm của Bộ Y tế
1. Tổ chức, hướng dẫn, bảo đảm trang thiết bị cho cơ quan kiểm dịch y tế thực hiện chức năng kiểm dịch y tế tại cửa khẩu, lối mở biên giới đất liền theo quy định của pháp luật Việt Nam và các điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.
2. Phối hợp với Bộ Quốc phòng thực hiện hạn chế hoặc tạm dừng hoạt động qua lại biên giới tại cửa khẩu, lối mở biên giới đất liền trong trường hợp xảy ra dịch bệnh đối với người theo quy định của Nghị định này.
Điều 25. Trách nhiệm của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
1. Chỉ đạo cơ quan kiểm dịch động, thực vật thực hiện chức năng kiểm dịch động vật, thực vật tại cửa khẩu, lối mở biên giới đất liền theo quy định của pháp luật Việt Nam và các điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.
2. Phối hợp với Bộ Quốc phòng thực hiện hạn chế hoặc tạm dừng hoạt động qua lại biên giới tại cửa khẩu, lối mở biên giới đất liền trong trường hợp xảy ra dịch bệnh theo quy định của Nghị định này.
Điều 26. Trách nhiệm của các Bộ, ngành liên quan
1. Bộ Ngoại giao:
a) Chủ trì, phối hợp với các Bộ: Quốc phòng, Kế hoạch và Đầu tư và Ủy ban nhân dân các tỉnh biên giới xây dựng quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cửa khẩu biên giới đất liền trên toàn quốc, trình Chính phủ phê duyệt;
b) Thực hiện trách nhiệm liên quan đến việc mở, nâng cấp cửa khẩu biên giới theo quy định tại Điều 20 của Nghị định này; hướng dẫn quy trình, thủ tục mở, nâng cấp cửa khẩu, lối mở biên giới; trường hợp điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên có quy định khác thì thực hiện theo điều ước quốc tế đó.
2. Bộ Công an:
a) Phối hợp với Bộ Quốc phòng hướng dẫn hoạt động kiểm soát xuất cảnh, nhập cảnh qua cửa khẩu biên giới;
b) Chỉ đạo Công an các đơn vị, địa phương phối hợp với Bộ đội Biên phòng và các cơ quan liên quan thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự an toàn xã hội, đấu tranh phòng chống tội phạm trong khu vực cửa khẩu biên giới.
3. Bộ Công Thương:
a) Thực hiện quản lý nhà nước về xuất khẩu, nhập khẩu và hoạt động thương mại biên giới qua cửa khẩu biên giới;
b) Xây dựng chính sách thương mại biên giới hàng năm và từng thời kỳ trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt;
c) Phối hợp với các Bộ, ngành liên quan, Ủy ban nhân dân các tỉnh biên giới chống buôn lậu, gian lận thương mại qua cửa khẩu biên giới.
4. Bộ Xây dựng:
a) Chủ trì, phối hợp với các Bộ: Quốc phòng, Tài chính, Ngoại giao, Kế hoạch và Đầu tư, Y tế, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ủy ban nhân dân các tỉnh biên giới lập quy hoạch xây dựng khu vực cửa khẩu quốc tế, cửa khẩu chính;
b) Nghiên cứu, xây dựng tiêu chuẩn thiết kế, xin ý kiến các Bộ: Quốc phòng, Tài chính, Y tế, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Kế hoạch và Đầu tư, Văn hóa, Thể thao và Du lịch đối với công trình Quốc môn và Nhà kiểm soát liên hợp, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt để thực hiện thống nhất trên toàn quốc;
c) Thực hiện quản lý nhà nước về xây dựng đối với công trình hạ tầng kỹ thuật, công trình xây dựng trong khu vực cửa khẩu biên giới đất liền theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn quy định.
5. Bộ Kế hoạch và Đầu tư:
a) Chủ trì, phối hợp với các Bộ: Quốc phòng, Công an, Ngoại giao và Bộ, ngành liên quan, Ủy ban nhân dân các tỉnh biên giới tham mưu cho Chính phủ xây dựng chiến lược phát triển kinh tế – xã hội khu vực cửa khẩu biên giới đất liền trên toàn quốc;
b) Hàng năm, chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính cân đối ngân sách đầu tư phát triển và huy động các nguồn lực khác để đầu tư xây dựng các công trình trong khu vực cửa khẩu biên giới đất liền.
6. Bộ Giao thông vận tải:
a) Xây dựng quy hoạch phát triển kết cấu hạ tầng giao thông hệ thống cửa khẩu biên giới đất liền trên toàn quốc trình Chính phủ phê duyệt; chủ trì, phối hợp với các Bộ liên quan, Ủy ban nhân dân tỉnh biên giới thực hiện đấu nối đường giao thông cửa khẩu Việt Nam với cửa khẩu nước láng giềng;
b) Triển khai thực hiện các quy định về hoạt động xuất, nhập qua cửa khẩu của phương tiện vận tải theo quy định của điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.
7. Ủy ban hợp tác Quản lý cửa khẩu phía Việt Nam:
Chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành và địa phương triển khai thực hiện Hiệp định về cửa khẩu và Quy chế quản lý cửa khẩu, biên giới trên đất liền Việt Nam – Trung Quốc theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn quy định tại Điều lệ của Ủy ban hợp tác Quản lý cửa khẩu biên giới trên đất liền Việt Nam-Trung Quốc và văn bản pháp luật liên quan.
Điều 27. Trách nhiệm của Ủy ban nhân dân các tỉnh có cửa khẩu biên giới
1. Chỉ đạo xây dựng Quốc môn, Nhà kiểm soát liên hợp, cơ sở hạ tầng và hệ thống giao thông khu vực cửa khẩu.
2. Bố trí nguồn ngân sách cắm các loại biển báo, biển chỉ dẫn tại cửa khẩu biên giới.
3. Hàng năm, trích nguồn ngân sách của địa phương để thực hiện Nghị định; phối hợp với Bộ Quốc phòng và các Bộ, ngành liên quan tổ chức tuyên truyền, quán triệt và triển khai thực hiện Nghị định.
4. Chỉ đạo Ban Quản lý cửa khẩu điều hành, phối hợp với các cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành và cơ quan quản lý nhà nước liên quan giải quyết những vấn đề thuộc lĩnh vực hành chính, vệ sinh môi trường, quản lý cơ sở hạ tầng, tài sản, trang bị chung nhằm đảm bảo cho các hoạt động quản lý nhà nước tại cửa khẩu biên giới.Bổ sung
Chương V
ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
Điều 28. Hiệu lực thi hành
Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15 tháng 01 năm 2015 và thay thế Nghị định số 32/2005/NĐ-CP ngày 14 tháng 3 năm 2005 của Chính phủ về Quy chế cửa khẩu biên giới đất liền.
Điều 29. Trách nhiệm hướng dẫn và thi hành
1. Các Bộ trưởng: Quốc phòng, Công an, Tài chính, Công Thương, Ngoại giao, Y tế, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Giao thông vận tải, Xây dựng theo thẩm quyền có trách nhiệm quy định chi tiết và hướng dẫn các điều, khoản được quy định trong Nghị định này.
2. Bộ Quốc phòng chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện Nghị định này.
3. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, cơ quan, tổ chức và cá nhân liên quan chịu trách nhiệm thi hành Nghị định này./.
Nơi nhận: | TM. CHÍNH PHỦ NGUYỄN TẤN DŨNG |
Bộ luật hình sự 2015
QUỐC HỘI Số: 100/2015/QH13 CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập – Tự do – Hạnh phúc Hà Nội, ngày 27 tháng [...]
Nghị định 135/2013/NĐ-CP sửa đổi Nghị định số 61/2009/NĐ-CP
CHÍNH PHỦ ——- CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập – Tự do – Hạnh phúc ————– [...]