Nghị định số 119/2014/NĐ-CPQuy định chi tiết một số điều của Bộ luật Lao động, Luật Dạy nghề, Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng về khiếu nại, tố cáo
CHÍNH PHỦ Số: 119/2014/NĐ-CP |
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập – Tự do – Hạnh phúc Hà Nội, ngày 17 tháng 12 năm 2014 |
NGHỊ ĐỊNH Quy định chi tiết một số điều của Bộ luật Lao động, Luật Dạy nghề, Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng về khiếu nại, tố cáo __________________________ Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001; Căn cứ Bộ luật Lao động ngày 18 tháng 6 năm 2012; Căn cứ Luật Dạy nghề ngày 29 tháng 11 năm 2006; Căn cứ Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng ngày 29 tháng 11 năm 2006; Căn cứ Luật Tố cáo ngày 11 tháng 11 năm 2011; Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, Chính phủ ban hành Nghị định quy định chi tiết một số điều của Bộ luật Lao động, Luật Dạy nghề, Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng về khiếu nại, tố cáo. Chương I NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG Điều 1. Phạm vi điều chỉnh 1. Nghị định này quy định về khiếu nại và giải quyết khiếu nại đối với quyết định, hành vi về lao động của người sử dụng lao động; quyết định, hành vi về dạy nghề của tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động dạy nghề; quyết định, hành vi về đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng của tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; tố cáo và giải quyết tố cáo đối với hành vi vi phạm pháp luật của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong lĩnh vực lao động, dạy nghề, hoạt động đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. 2. Việc giải quyết khiếu nại thông qua hoạt động của đoàn thanh tra được thực hiện theo quy định của pháp luật về thanh tra và quy định của pháp luật liên quan. Điều 2. Đối tượng áp dụng 1. Nghị định này áp dụng đối với đối tượng sau đây: a) Người lao động, người tập nghề, người thử việc, người học nghề, người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; b) Người sử dụng lao động; c) Tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động dạy nghề; d) Tổ chức, cá nhân đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; đ) Tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động dạy nghề, hoạt động đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. 2. Nghị định này không áp dụng đối với các đối tượng sau đây: a) Doanh nghiệp nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập, người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng cá nhân theo quy định của Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; b) Quyết định hành chính, hành vi hành chính của cơ quan hành chính nhà nước, của người có thẩm quyền trong cơ quan hành chính nhà nước. Điều 3. Giải thích từ ngữ Trong Nghị định này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau: 1. Khiếu nại về lao động là việc người lao động, người tập nghề, người thử việc theo thủ tục quy định tại Nghị định này yêu cầu người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại về lao động xem xét lại quyết định, hành vi về lao động của người sử dụng lao động khi có căn cứ cho rằng quyết định, hành vi đó vi phạm pháp luật lao động, xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của mình. 2. Khiếu nại về dạy nghề là việc người học nghề, tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động dạy nghề tại Việt Nam theo thủ tục quy định tại Nghị định này yêu cầu người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại về dạy nghề xem xét lại quyết định, hành vi về dạy nghề của tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động dạy nghề khi có căn cứ cho rằng quyết định, hành vi đó vi phạm pháp luật về dạy nghề, xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của mình. 3. Khiếu nại về hoạt động đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng là việc người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng theo thủ tục quy định tại Nghị định này yêu cầu người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại về hoạt động đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng xem xét lại quyết định, hành vi về đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng của tổ chức, cá nhân đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng khi có căn cứ cho rằng quyết định, hành vi đó vi phạm pháp luật về đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của mình. 4. Tố cáo về lao động, dạy nghề, đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng là việc công dân, người lao động, người tập nghề, người thử việc, người học nghề, người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng theo thủ tục quy định tại Nghị định này báo cho người có thẩm quyền biết hành vi vi phạm pháp luật của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong lĩnh vực lao động, dạy nghề, hoạt động đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng gây thiệt hại hoặc đe dọa gây thiệt hại lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, cơ quan, tổ chức. 5. Người khiếu nại về lao động là người lao động, người tập nghề, người thử việc thực hiện quyền khiếu nại. 6. Người khiếu nại về dạy nghề là người học nghề, tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động dạy nghề thực hiện quyền khiếu nại. 7. Người khiếu nại về hoạt động đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng là người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng thực hiện quyền khiếu nại. 8. Người bị khiếu nại về lao động là người sử dụng lao động có quyết định, hành vi về lao động bị khiếu nại. 9. Người bị khiếu nại về dạy nghề là tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động dạy nghề có quyết định, hành vi về dạy nghề bị khiếu nại. 10. Người bị khiếu nại về đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng là tổ chức, cá nhân đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng có quyết định, hành vi về đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng bị khiếu nại. 11. Người tố cáo về lao động, dạy nghề, đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng là công dân, người lao động, người tập nghề, người thử việc, người học nghề, người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng thực hiện quyền tố cáo. 12. Người bị tố cáo về lao động là người sử dụng lao động có hành vi bị tố cáo. 13. Người bị tố cáo về dạy nghề là tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động dạy nghề có hành vi bị tố cáo. 14. Người bị tố cáo về hoạt động đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng là tổ chức, cá nhân đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng có hành vi bị tố cáo. 15. Người giải quyết khiếu nại về lao động, dạy nghề, đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng là cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền giải quyết khiếu nại quy định tại Nghị định này. 16. Người giải quyết tố cáo về lao động, dạy nghề, đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng là cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền giải quyết tố cáo quy định tại Nghị định này. 17. Giải quyết khiếu nại về lao động, dạy nghề, đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng là việc thụ lý, xác minh, kết luận và ra quyết định giải quyết khiếu nại của người giải quyết khiếu nại. 18. Giải quyết tố cáo về lao động, dạy nghề, đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng là việc tiếp nhận, xác minh, kết luận về nội dung tố cáo và việc xử lý tố cáo của người giải quyết tố cáo. 19. Rút khiếu nại là việc người khiếu nại đề nghị người giải quyết khiếu nại chấm dứt việc giải quyết khiếu nại của mình. 20. Quyết định về lao động là quyết định bằng văn bản của người sử dụng lao động được áp dụng đối với người lao động, người tập nghề, người thử việc trong quan hệ lao động và quan hệ liên quan trực tiếp đến quan hệ lao động. 21. Hành vi về lao động là hành vi của người sử dụng lao động thực hiện trong quan hệ lao động và quan hệ liên quan trực tiếp đến quan hệ lao động. 22. Quyết định về dạy nghề là quyết định bằng văn bản của tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động dạy nghề được áp dụng đối với cá nhân người học nghề trong hoạt động dạy nghề và hoạt động liên quan trực tiếp đến hoạt động dạy nghề. 23. Hành vi về dạy nghề là hành vi của tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động dạy nghề thực hiện trong hoạt động dạy nghề và hoạt động liên quan trực tiếp đến hoạt động dạy nghề. 24. Quyết định về đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng là quyết định bằng văn bản của tổ chức, cá nhân đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng được áp dụng đối với người lao động trong hoạt động đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng và hoạt động có liên quan trực tiếp đến hoạt động đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. 25. Hành vi về đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng là hành vi của tổ chức, cá nhân đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng thực hiện trong hoạt động đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng và hoạt động liên quan trực tiếp đến hoạt động đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Điều 4. Nguyên tắc giải quyết khiếu nại, tố cáo về lao động, dạy nghề, hoạt động đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng 1. Kịp thời, khách quan, công khai, dân chủ. 2. Bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của người khiếu nại, người bị khiếu nại, người tố cáo, người bị tố cáo và cá nhân, tổ chức liên quan. Chương II KHIẾU NẠI VÀ GIẢI QUYẾT KHIẾU NẠI Mục 1: KHIẾU NẠI Điều 5. Trình tự khiếu nại 1. Khi có căn cứ cho rằng quyết định, hành vi của người sử dụng lao động; tổ chức, cá nhân dạy nghề; tổ chức, cá nhân đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng là trái pháp luật, xâm phạm trực tiếp đến quyền, lợi ích hợp pháp của mình thì người khiếu nại thực hiện khiếu nại đến người giải quyết khiếu nại lần đầu theo quy định tại Khoản 1 Điều 15, Khoản 1 Điều 16, Khoản 1 Điều 17 Nghị định này. 2. Trường hợp người khiếu nại không đồng ý với quyết định giải quyết khiếu nại theo quy định tại Khoản 1 Điều này hoặc quá thời hạn quy định tại Điều 19 Nghị định này mà khiếu nại không được giải quyết thì người khiếu nại thực hiện khiếu nại lần hai theo quy định sau đây: a) Đối với khiếu nại về lao động, người khiếu nại thực hiện khiếu nại đến người giải quyết khiếu nại quy định tại Khoản 2 Điều 15 Nghị định này; b) Đối với khiếu nại về dạy nghề, người khiếu nại thực hiện khiếu nại đến người giải quyết khiếu nại quy định tại Khoản 2 Điều 16 Nghị định này; c) Đối với khiếu nại về hoạt động đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, người khiếu nại thực hiện khiếu nại đến người giải quyết khiếu nại quy định tại Khoản 2 Điều 17 Nghị định này. 3. Trường hợp người khiếu nại không đồng ý với quyết định giải quyết khiếu nại theo quy định tại Khoản 2 Điều này hoặc quá thời hạn quy định tại Điều 27 Nghị định này thì người khiếu nại có quyền khiếu nại theo quy định của Luật Khiếu nại và văn bản liên quan hoặc khởi kiện vụ án tại Tòa án theo quy định tại Điểm b Khoản 2 Điều 10 Nghị định này. Điều 6. Hình thức khiếu nại 1. Khiếu nại thực hiện bằng hình thức gửi đơn khiếu nại hoặc khiếu nại trực tiếp, được quy định như sau: a) Khiếu nại bằng hình thức gửi đơn thì trong đơn khiếu nại ghi rõ nội dung sau đây: ngày, tháng, năm khiếu nại; tên, địa chỉ của người khiếu nại; tên, địa chỉ của cơ quan, tổ chức, cá nhân bị khiếu nại; nội dung, lý do khiếu nại, tài liệu liên quan đến nội dung khiếu nại (nếu có) và yêu cầu giải quyết khiếu nại. Đơn khiếu nại do người khiếu nại ký tên hoặc điểm chỉ; b) Khiếu nại trực tiếp thì người tiếp nhận khiếu nại hướng dẫn người khiếu nại viết đơn khiếu nại hoặc người tiếp nhận khiếu nại ghi lại đầy đủ nội dung khiếu nại theo quy định tại Điểm a Khoản này và yêu cầu người khiếu nại ký tên hoặc điểm chỉ vào văn bản. 2. Trường hợp nhiều người cùng khiếu nại về một nội dung thì thực hiện như sau: a) Khiếu nại bằng hình thức gửi đơn thì trong đơn ghi đầy đủ nội dung quy định tại Điểm a Khoản 1 Điều này, có chữ ký của những người khiếu nại và cử người đại diện để trình bày khi có yêu cầu của người giải quyết khiếu nại; b) Khiếu nại trực tiếp thì cơ quan có thẩm quyền tổ chức tiếp và đề nghị cử người đại diện để trình bày nội dung khiếu nại; người tiếp nhận khiếu nại ghi lại đầy đủ nội dung khiếu nại theo quy định tại Điểm a Khoản 1 Điều này và yêu cầu người đại diện ký tên hoặc điểm chỉ vào văn bản. 3. Trường hợp khiếu nại được thực hiện thông qua người đại diện thì người đại diện phải có giấy tờ chứng minh tính hợp pháp của việc đại diện và thực hiện khiếu nại theo quy định của Nghị định này. Điều 7. Thời hiệu khiếu nại 1. Thời hiệu khiếu nại lần đầu là 180 ngày, kể từ ngày người khiếu nại nhận được hoặc biết được quyết định, hành vi của người sử dụng lao động, của tổ chức, cá nhân dạy nghề, của tổ chức, cá nhân đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng bị khiếu nại. 2. Thời hiệu khiếu nại lần hai là 30 ngày, kể từ ngày hết thời hạn quy định tại Điều 19 Nghị định này hoặc kể từ ngày nhận được quyết định giải quyết khiếu nại lần đầu mà người khiếu nại không đồng ý với quyết định đó. 3. Trường hợp người khiếu nại không thực hiện được quyền khiếu nại theo đúng thời hiệu quy định tại Khoản 1 và Khoản 2 Điều này vì ốm đau, thiên tai, địch họa, đi công tác, học tập ở nơi xa hoặc vì những trở ngại khách quan khác thì thời gian trở ngại đó không tính vào thời hiệu khiếu nại. Điều 8. Rút khiếu nại 1. Người khiếu nại có quyền rút khiếu nại ở bất cứ thời điểm nào trong quá trình khiếu nại và giải quyết khiếu nại. 2. Việc rút khiếu nại phải được thực hiện bằng đơn có chữ ký hoặc điểm chỉ của người khiếu nại; đơn xin rút khiếu nại phải gửi đến người giải quyết khiếu nại. 3. Trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được đơn xin rút khiếu nại của người khiếu nại, người giải quyết khiếu nại ra quyết định về việc đình chỉ giải quyết khiếu nại và gửi cho người rút khiếu nại. Điều 9. Khiếu nại không được thụ lý giải quyết theo Nghị định này 1. Quyết định, hành vi bị khiếu nại không liên quan trực tiếp đến quyền, lợi ích hợp pháp của người khiếu nại. 2. Người khiếu nại không có năng lực hành vi dân sự đầy đủ mà không có người đại diện hợp pháp. 3. Người đại diện không hợp pháp. 4. Đơn khiếu nại không có chữ ký hoặc điểm chỉ của người khiếu nại. 5. Thời hiệu khiếu nại theo quy định tại Khoản 1, Khoản 2 Điều 7 Nghị định này đã hết mà không có lý do theo quy định tại Khoản 3 Điều 7 Nghị định này. 6. Có văn bản của cơ quan có thẩm quyền thông báo đình chỉ việc giải quyết khiếu nại mà sau 30 ngày, kể từ ngày có văn bản thông báo người khiếu nại không tiếp tục khiếu nại. 7. Khiếu nại đã có quyết định giải quyết có hiệu lực pháp luật. 8. Khiếu nại đã được Tòa án thụ lý hoặc đã được giải quyết bằng bản án, quyết định của Tòa án, trừ quyết định đình chỉ giải quyết vụ án của Tòa án. Mục 2: QUYỀN, NGHĨA VỤ CỦA NGƯỜI KHIẾU NẠI, NGƯỜI BỊ KHIẾU NẠI, NGƯỜI GIẢI QUYẾT KHIẾU NẠI, LUẬT SƯ, TRỢ GIÚP VIÊN PHÁP LÝ VÀ NGƯỜI THAM GIA TRỢ GIÚP PHÁP LÝ Điều 10. Quyền, nghĩa vụ của người khiếu nại 1. Người khiếu nại có quyền sau đây: a) Tự mình khiếu nại hoặc ủy quyền cho người khác khiếu nại; b) Tham gia đối thoại hoặc ủy quyền cho người đại diện hợp pháp tham gia đối thoại; c) Được biết, đọc, sao chụp, sao chép tài liệu, chứng cứ do người giải quyết khiếu nại thu thập để giải quyết khiếu nại; trừ thông tin, tài liệu thuộc bí mật nhà nước hoặc bí mật của người bị khiếu nại theo quy định của pháp luật; d) Yêu cầu cá nhân, cơ quan, tổ chức có liên quan đang lưu giữ, quản lý thông tin, tài liệu liên quan tới nội dung khiếu nại cung cấp nội dung thông tin, tài liệu đó; trừ thông tin, tài liệu thuộc bí mật nhà nước hoặc bí mật của người bị khiếu nại theo quy định của pháp luật; đ) Yêu cầu người giải quyết khiếu nại áp dụng biện pháp khẩn cấp để ngăn chặn hậu quả có thể xảy ra do việc thi hành quyết định, hành vi bị khiếu nại; e) Đưa ra chứng cứ về việc khiếu nại và giải trình ý kiến của mình về chứng cứ đó; g) Được khôi phục quyền, lợi ích hợp pháp đã bị xâm hại do việc thi hành quyết định, hành vi bị khiếu nại; h) Được bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật; i) Rút khiếu nại theo quy định tại Điều 8 Nghị định này; k) Khiếu nại lần hai; l) Khởi kiện vụ án tại Tòa án theo quy định tại Khoản 2 Điều này. 2. Quyền khởi kiện vụ án tại Tòa án: a) Người khiếu nại có quyền khởi kiện vụ án tại Tòa án theo quy định của pháp luật tố tụng dân sự trong trường hợp sau đây: – Khi có căn cứ cho rằng quyết định, hành vi của người sử dụng lao động; tổ chức, cá nhân dạy nghề; tổ chức, cá nhân đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng là trái pháp luật, xâm phạm trực tiếp đến quyền, lợi ích hợp pháp của mình; – Không đồng ý với quyết định giải quyết khiếu nại lần đầu theo quy định tại Điều 22 Nghị định này; – Đã hết thời hạn quy định tại Điều 19 Nghị định này mà khiếu nại lần đầu không được giải quyết. b) Người khiếu nại có quyền khởi kiện vụ án tại Tòa án theo quy định của pháp luật tố tụng hành chính trong trường hợp sau đây: Khi không đồng ý với quyết định giải quyết khiếu nại lần hai theo quy định tại Điều 30 Nghị định này; Đã hết thời hạn quy định tại Điều 27 Nghị định này mà khiếu nại lần hai không được giải quyết. 3. Người khiếu nại có nghĩa vụ sau đây: a) Thực hiện khiếu nại theo đúng trình tự, thủ tục quy định tại Nghị định này; b) Trình bày trung thực sự việc, đưa ra chứng cứ về việc khiếu nại; cung cấp thông tin, tài liệu liên quan cho người giải quyết khiếu nại; chịu trách nhiệm trước pháp luật về nội dung trình bày và việc cung cấp thông tin, tài liệu đó; c) Chấp hành nghiêm chỉnh quyết định giải quyết khiếu nại có hiệu lực pháp luật. 4. Người khiếu nại thực hiện quyền và nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật. Điều 11. Quyền, nghĩa vụ của người bị khiếu nại 1. Người bị khiếu nại có quyền sau đây: a) Đưa ra chứng cứ về tính hợp pháp của quyết định, hành vi bị khiếu nại; b) Được biết, đọc, sao chụp, sao chép tài liệu, chứng cứ do người giải quyết khiếu nại lần hai thu thập để giải quyết khiếu nại, trừ thông tin, tài liệu thuộc bí mật nhà nước hoặc bí mật của người bị khiếu nại theo quy định của pháp luật; c) Yêu cầu cá nhân, cơ quan, tổ chức có liên quan đang lưu giữ, quản lý thông tin, tài liệu liên quan tới nội dung khiếu nại cung cấp nội dung thông tin, tài liệu đó cho mình trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày có yêu cầu và giao cho người giải quyết khiếu nại lần hai để giải quyết khiếu nại, trừ thông tin, tài liệu thuộc bí mật nhà nước hoặc bí mật của người bị khiếu nại theo quy định của pháp luật; d) Nhận quyết định giải quyết khiếu nại lần hai. 2. Người bị khiếu nại có nghĩa vụ sau đây: a) Thực hiện việc giải quyết khiếu nại lần đầu theo thẩm quyền quy định tại Khoản 1 Điều 15, Khoản 1 Điều 16, Khoản 1 Điều 17 Nghị định này; b) Tham gia đối thoại hoặc ủy quyền cho người đại diện hợp pháp tham gia đối thoại; c) Chấp hành quyết định xác minh nội dung khiếu nại của cá nhân, cơ quan có thẩm quyền giải quyết khiếu nại lần hai; d) Cung cấp thông tin, tài liệu liên quan đến nội dung khiếu nại trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ khi người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại lần hai yêu cầu; đ) Giải trình về tính hợp pháp, đúng đắn của quyết định, hành vi bị khiếu nại khi người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại lần hai yêu cầu; e) Chấp hành nghiêm chỉnh quyết định giải quyết khiếu nại có hiệu lực pháp luật. 3. Người bị khiếu nại thực hiện quyền và nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật. Điều 12. Quyền, nghĩa vụ của người giải quyết khiếu nại lần đầu 1. Người giải quyết khiếu nại lần đầu có quyền sau đây: a) Yêu cầu người khiếu nại, những người có liên quan đến việc khiếu nại cung cấp thông tin, tài liệu, chứng cứ trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày có yêu cầu làm cơ sở để giải quyết khiếu nại; b) Quyết định áp dụng, hủy bỏ biện pháp khẩn cấp theo quy định tại Điều 25 Nghị định này. 2. Người giải quyết khiếu nại lần đầu có nghĩa vụ sau đây: a) Tiếp nhận khiếu nại và thông báo bằng văn bản về việc thụ lý giải quyết khiếu nại cho cá nhân, cơ quan, tổ chức theo quy định tại Điều 18 Nghị định này; b) Giải quyết khiếu nại đối với quyết định, hành vi của mình bị khiếu nại; c) Tổ chức đối thoại với người khiếu nại và cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan; d) Gửi quyết định giải quyết khiếu nại cho cá nhân, cơ quan, tổ chức theo quy định tại Điều 23 Nghị định này; đ) Chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc giải quyết khiếu nại của mình; e) Cung cấp thông tin, tài liệu, chứng cứ liên quan đến nội dung khiếu nại khi người khiếu nại yêu cầu; g) Cung cấp hồ sơ giải quyết khiếu nại khi người giải quyết khiếu nại lần hai hoặc Tòa án yêu cầu. 3. Người giải quyết khiếu nại lần đầu thực hiện quyền, nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật. Điều 13. Quyền, nghĩa vụ của người giải quyết khiếu nại lần hai 1. Người giải quyết khiếu nại lần hai có quyền sau đây: a) Yêu cầu người khiếu nại, người bị khiếu nại, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan cung cấp thông tin, tài liệu, chứng cứ trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày có yêu cầu làm cơ sở để giải quyết khiếu nại; b) Quyết định áp dụng, hủy bỏ biện pháp khẩn cấp theo quy định tại Điều 25 Nghị định này; c) Trưng cầu giám định làm căn cứ giải quyết khiếu nại. 2. Người giải quyết khiếu nại lần hai có nghĩa vụ sau đây: a) Tiếp nhận, thụ lý, lập hồ sơ vụ việc khiếu nại thuộc thẩm quyền giải quyết; b) Kiểm tra, xác minh nội dung khiếu nại; c) Tổ chức đối thoại giữa người khiếu nại, người bị khiếu nại và cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan; d) Ra quyết định và công bố quyết định giải quyết khiếu nại; đ) Cung cấp thông tin, tài liệu liên quan đến nội dung khiếu nại khi người khiếu nại, người bị khiếu nại yêu cầu; e) Cung cấp thông tin, tài liệu liên quan đến nội dung khiếu nại, hồ sơ giải quyết khiếu nại lần hai khi Tòa án yêu cầu. 3. Người giải quyết khiếu nại lần hai thực hiện quyền, nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật. Điều 14. Quyền, nghĩa vụ của luật sư, trợ giúp viên pháp lý và người tham gia trợ giúp pháp lý 1. Luật sư, trợ giúp viên pháp lý và người tham gia trợ giúp pháp lý có quyền sau đây: a) Tham gia vào quá trình giải quyết khiếu nại theo đề nghị của người khiếu nại; b) Thực hiện quyền, nghĩa vụ của người khiếu nại khi đã nhận ủy quyền; c) Xác minh, thu thập chứng cứ có liên quan đến nội dung khiếu nại theo yêu cầu của người khiếu nại và cung cấp chứng cứ cho người giải quyết khiếu nại; d) Nghiên cứu hồ sơ vụ việc, sao chụp, sao chép tài liệu, chứng cứ có liên quan đến nội dung khiếu nại để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người khiếu nại; trừ thông tin, tài liệu thuộc bí mật nhà nước hoặc bí mật của người bị khiếu nại theo quy định của pháp luật. 2. Luật sư, trợ giúp viên pháp lý và người tham gia trợ giúp pháp lý có nghĩa vụ sau đây: a) Xuất trình thẻ luật sư, thẻ trợ giúp viên pháp lý và quyết định phân công trợ giúp pháp lý, giấy yêu cầu giúp đỡ về pháp luật hoặc giấy ủy quyền của người khiếu nại; b) Thực hiện đúng nội dung, phạm vi mà người khiếu nại đã ủy quyền. 3. Luật sư, trợ giúp viên pháp lý và người tham gia trợ giúp pháp lý thực hiện quyền, nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật. Mục 3: THẨM QUYỀN GIẢI QUYẾT KHIẾU NẠI Điều 15. Thẩm quyền giải quyết khiếu nại về lao động 1. Người sử dụng lao động có thẩm quyền giải quyết khiếu nại lần đầu đối với quyết định, hành vi của mình bị khiếu nại. 2. Chánh Thanh tra Sở Lao động – Thương binh và Xã hội, nơi người sử dụng lao động đặt trụ sở chính có thẩm quyền giải quyết khiếu nại lần hai đối với khiếu nại về lao động khi người khiếu nại không đồng ý với quyết định giải quyết lần đầu theo quy định tại Khoản 1 Điều này hoặc đã hết thời hạn quy định tại Điều 19 Nghị định này mà khiếu nại không được giải quyết. Điều 16. Thẩm quyền giải quyết khiếu nại về dạy nghề 1. Người đứng đầu cơ sở dạy nghề có thẩm quyền giải quyết khiếu nại lần đầu đối với quyết định, hành vi của mình bị khiếu nại. 2. Giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội, nơi cơ sở dạy nghề đặt trụ sở chính có thẩm quyền giải quyết khiếu nại lần hai đối với khiếu nại về dạy nghề khi người khiếu nại không đồng ý với quyết định giải quyết lần đầu theo quy định tại Khoản 1 Điều này hoặc đã hết thời hạn quy định tại Điều 19 Nghị định này mà khiếu nại không được giải quyết. Điều 17. Thẩm quyền giải quyết khiếu nại về hoạt động đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng 1. Người đứng đầu tổ chức đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng có thẩm quyền giải quyết khiếu nại lần đầu đối với quyết định, hành vi của mình bị khiếu nại. 2. Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước có thẩm quyền giải quyết khiếu nại lần hai đối với khiếu nại về hoạt động đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng khi người khiếu nại không đồng ý với quyết định giải quyết lần đầu theo quy định tại Khoản 1 Điều này hoặc đã hết thời hạn quy định tại Điều 19 Nghị định này mà khiếu nại không được giải quyết. Mục 4: TRÌNH TỰ, THỦ TỤC, THỜI HẠN GIẢI QUYẾT KHIẾU NẠILẦN ĐẦU Điều 18. Thụ lý giải quyết khiếu nại lần đầu 1. Thụ lý giải quyết khiếu nại về lao động a) Trong thời hạn 07 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được khiếu nại thuộc phạm vi, thẩm quyền giải quyết của mình, người giải quyết khiếu nại lần đầu phải thụ lý giải quyết và thông báo bằng văn bản về việc thụ lý giải quyết khiếu nại cho người khiếu nại và Chánh Thanh tra Sở Lao động – Thương binh và Xã hội, nơi người sử dụng lao động đặt trụ sở chính; b) Trường hợp khiếu nại do cơ quan, tổ chức, cá nhân khác chuyển đến, ngoài việc thông báo theo quy định tại Điểm a Khoản này, người giải quyết khiếu nại lần đầu phải thông báo bằng văn bản về việc thụ lý giải quyết khiếu nại cho cơ quan, tổ chức, cá nhân đã chuyển khiếu nại đến. 2. Thụ lý giải quyết khiếu nại về dạy nghề a) Trong thời hạn 07 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được khiếu nại thuộc phạm vi, thẩm quyền giải quyết của mình, người giải quyết khiếu nại lần đầu phải thụ lý giải quyết và thông báo bằng văn bản về việc thụ lý giải quyết khiếu nại cho người khiếu nại và Giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội, nơi cơ sở dạy nghề đặt trụ sở chính; b) Trường hợp khiếu nại do cơ quan, tổ chức, cá nhân khác chuyển đến, ngoài việc thông báo theo quy định tại Điểm a Khoản này, người giải quyết khiếu nại lần đầu phải thông báo bằng văn bản về việc thụ lý giải quyết khiếu nại cho cơ quan, tổ chức, cá nhân đã chuyển khiếu nại đến. 3. Thụ lý giải quyết khiếu nại về hoạt động đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng a) Trong thời hạn 07 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được khiếu nại thuộc phạm vi, thẩm quyền giải quyết của mình, người giải quyết khiếu nại lần đầu phải thụ lý giải quyết và thông báo bằng văn bản về việc thụ lý giải quyết khiếu nại cho người khiếu nại và Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước; b) Trường hợp khiếu nại do cơ quan, tổ chức, cá nhân khác chuyển đến, ngoài việc thông báo theo quy định tại Điểm a Khoản này, người giải quyết khiếu nại lần đầu phải thông báo bằng văn bản về việc thụ lý giải quyết khiếu nại cho cơ quan, tổ chức, cá nhân đã chuyển khiếu nại đến. 4. Khi thụ lý giải quyết khiếu nại, người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại phải ra quyết định thụ lý giải quyết khiếu nại. Điều 19. Thời hạn giải quyết khiếu nại lần đầu 1. Thời hạn giải quyết khiếu nại lần đầu không quá 30 ngày, kể từ ngày thụ lý; đối với vụ việc phức tạp thì thời hạn giải quyết không quá 45 ngày, kể từ ngày thụ lý. 2. Ở vùng sâu, vùng xa đi lại khó khăn thì thời hạn giải quyết khiếu nại không quá 45 ngày, kể từ ngày thụ lý; đối với vụ việc phức tạp thì thời hạn giải quyết không quá 60 ngày, kể từ ngày thụ lý. Điều 20. Kiểm tra, xác minh nội dung khiếu nại lần đầu 1. Trong thời hạn quy định tại Điều 19 Nghị định này, người giải quyết khiếu nại lần đầu tự mình hoặc giao cho bộ phận chuyên môn tiến hành kiểm tra, xác minh nội dung khiếu nại. 2. Việc kiểm tra, xác minh nội dung khiếu nại phải bảo đảm khách quan, chính xác, kịp thời. 3. Người có trách nhiệm kiểm tra, xác minh nội dung khiếu nại có quyền, nghĩa vụ sau đây: a) Yêu cầu người khiếu nại, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan cung cấp thông tin, tài liệu và chứng cứ về nội dung khiếu nại; b) Yêu cầu người khiếu nại, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan giải trình bằng văn bản về nội dung khiếu nại; c) Triệu tập người khiếu nại, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan; d) Trưng cầu giám định làm căn cứ giải quyết khiếu nại; đ) Tiến hành biện pháp kiểm tra, xác minh khác theo quy định của pháp luật; e) Báo cáo kết quả kiểm tra, xác minh và chịu trách nhiệm về kết quả xác minh. 4. Báo cáo kết quả kiểm tra, xác minh gồm nội dung chính sau đây: a) Đối tượng kiểm tra, xác minh; b) Thời gian tiến hành kiểm tra, xác minh; c) Người tiến hành kiểm tra, xác minh; d) Nội dung kiểm tra, xác minh; đ) Kết quả kiểm tra, xác minh; e) Kết luận và kiến nghị nội dung giải quyết khiếu nại; g) Nội dung khác (nếu có). Điều 21. Tổ chức đối thoại lần đầu 1. Trong quá trình giải quyết khiếu nại lần đầu, nếu yêu cầu của người khiếu nại và kết quả kiểm tra, xác minh nội dung khiếu nại còn khác nhau thì người giải quyết khiếu nại phải gặp gỡ, đối thoại với người khiếu nại, người có quyền và nghĩa vụ liên quan, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan để làm rõ nội dung khiếu nại, yêu cầu của người khiếu nại và hướng giải quyết khiếu nại; việc đối thoại phải tiến hành công khai, dân chủ. 2. Khi đối thoại, người giải quyết khiếu nại phải nêu rõ nội dung cần đối thoại; kết quả kiểm tra, xác minh nội dung khiếu nại; người tham gia đối thoại có quyền trình bày ý kiến, đưa ra chứng cứ liên quan đến khiếu nại và yêu cầu của mình. 3. Việc đối thoại phải được lập thành biên bản; biên bản phải ghi rõ ý kiến của những người tham gia, kết quả đối thoại, có chữ ký hoặc điểm chỉ của người tham gia; biên bản đối thoại được lưu vào hồ sơ giải quyết khiếu nại. 4. Kết quả đối thoại là một trong các căn cứ để giải quyết khiếu nại. Điều 22. Quyết định giải quyết khiếu nại lần đầu 1. Người giải quyết khiếu nại lần đầu phải ra quyết định giải quyết khiếu nại. 2. Quyết định giải quyết khiếu nại lần đầu phải có nội dung chính sau đây: a) Ngày, tháng, năm ra quyết định; b) Tên, địa chỉ người khiếu nại, người bị khiếu nại; c) Nội dung khiếu nại; d) Kết quả kiểm tra, xác minh nội dung khiếu nại; đ) Kết quả đối thoại (nếu có); e) Căn cứ pháp luật để giải quyết khiếu nại; g) Kết luận nội dung khiếu nại; giải quyết vấn đề cụ thể trong nội dung khiếu nại; h) Việc bồi thường thiệt hại cho người bị thiệt hại (nếu có); i) Quyền khiếu nại lần hai, quyền khởi kiện vụ án tại Tòa án. 3. Trường hợp nhiều người cùng khiếu nại về một nội dung thì người giải quyết khiếu nại lần đầu căn cứ vào kết luận nội dung khiếu nại để ra quyết định giải quyết khiếu nại cho từng người hoặc ra quyết định giải quyết khiếu nại kèm theo danh sách những người khiếu nại. Điều 23. Gửi quyết định giải quyết khiếu nại lần đầu 1. Trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày ra quyết định giải quyết khiếu nại, người giải quyết khiếu nại lần đầu có trách nhiệm gửi quyết định giải quyết khiếu nại theo quy định sau đây: a) Đối với quyết định giải quyết khiếu nại về lao động: Gửi người khiếu nại, Chánh Thanh tra Sở Lao động – Thương binh và Xã hội, nơi người sử dụng lao động bị khiếu nại đặt trụ sở chính; b) Đối với quyết định giải quyết khiếu nại về dạy nghề: Gửi người khiếu nại, Giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội, nơi cơ sở dạy nghề bị khiếu nại đặt trụ sở chính; c) Đối với quyết định giải quyết khiếu nại về hoạt động đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng: Gửi người khiếu nại, Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước. 2. Trường hợp khiếu nại do cơ quan, tổ chức, cá nhân khác chuyển đến, ngoài việc gửi quyết định giải quyết khiếu nại theo Khoản 1 Điều này, người giải quyết khiếu nại phải gửi quyết định giải quyết khiếu nại cho cơ quan, tổ chức, cá nhân đã chuyển khiếu nại đến. Điều 24. Hồ sơ giải quyết khiếu nại lần đầu 1. Việc giải quyết khiếu nại phải được lập thành hồ sơ. Hồ sơ giải quyết khiếu nại bao gồm: a) Đơn khiếu nại hoặc văn bản ghi nội dung khiếu nại; b) Thông báo thụ lý giải quyết khiếu nại; c) Quyết định thụ lý giải quyết khiếu nại; d) Tài liệu, chứng cứ thu thập trong quá trình giải quyết khiếu nại; đ) Báo cáo kết quả kiểm tra, xác minh nội dung khiếu nại; e) Kết quả giám định (nếu có); g) Biên bản tổ chức đối thoại (nếu có); h) Quyết định giải quyết khiếu nại; i) Tài liệu khác có liên quan. 2. Hồ sơ giải quyết khiếu nại phải được đánh số theo trình tự thời gian và được lưu giữ theo quy định của pháp luật. 3. Hồ sơ giải quyết khiếu nại quy định tại Khoản 1 Điều này được chuyển đến người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại lần hai hoặc Tòa án có thẩm quyền giải quyết khi có yêu cầu. Điều 25. Áp dụng biện pháp khẩn cấp Trong quá trình giải quyết khiếu nại, nếu xét thấy việc thi hành quyết định, hành vi bị khiếu nại sẽ gây hậu quả khó khắc phục, thì người giải quyết khiếu nại phải ra quyết định tạm đình chỉ việc thi hành quyết định, hành vi đó. Thời hạn tạm đình chỉ không vượt quá thời gian còn lại của thời hạn giải quyết khiếu nại. Quyết định tạm đình chỉ phải được gửi cho người khiếu nại, người có quyền, nghĩa vụ liên quan và những người có trách nhiệm thi hành khác. Khi xét thấy lý do của việc tạm đình chỉ không còn thì phải hủy bỏ ngay quyết định tạm đình chỉ đó. Mục 5: TRÌNH TỰ, THỦ TỤC GIẢI QUYẾT KHIẾU NẠI LẦN HAI Điều 26. Thụ lý giải quyết khiếu nại lần hai 1. Trong thời hạn 07 ngày, kể từ ngày nhận được đơn khiếu nại thuộc thẩm quyền giải quyết của mình, người giải quyết khiếu nại lần hai phải thụ lý giải quyết và thông báo bằng văn bản về việc thụ lý giải quyết khiếu nại cho người khiếu nại. 2. Trường hợp khiếu nại do cơ quan, tổ chức, cá nhân khác chuyển đến, ngoài việc thông báo cho người khiếu nại theo quy định tại Khoản 1 Điều này, người giải quyết khiếu nại lần hai phải thông báo bằng văn bản về việc thụ lý giải quyết khiếu nại cho cơ quan, tổ chức, cá nhân đã chuyển khiếu nại đến. 3. Trường hợp không thụ lý giải quyết thì phải nêu rõ lý do. Điều 27. Thời hạn giải quyết khiếu nại lần hai 1. Thời hạn giải quyết khiếu nại lần hai không quá 45 ngày, kể từ ngày thụ lý; đối với vụ việc phức tạp thì thời hạn giải quyết khiếu nại không quá 60 ngày, kể từ ngày thụ lý. 2. Ở vùng sâu, vùng xa đi lại khó khăn thì thời hạn giải quyết khiếu nại không quá 60 ngày, kể từ ngày thụ lý; đối với vụ việc phức tạp thì thời hạn giải quyết khiếu nại không quá 90 ngày, kể từ ngày thụ lý. Điều 28. Kiểm tra, xác minh nội dung khiếu nại lần hai 1. Trong thời hạn quy định tại Điều 27 Nghị định này, người giải quyết khiếu nại lần hai tự mình hoặc giao cho bộ phận chuyên môn tiến hành kiểm tra, xác minh nội dung khiếu nại. Việc kiểm tra, xác minh nội dung khiếu nại thực hiện theo quy định tại Khoản 2, Khoản 3 và Khoản 4 Điều 20 Nghị định này. 2. Ngoài quyền và nghĩa vụ của người có trách nhiệm kiểm tra, xác minh nội dung khiếu nại quy định tại Khoản 3 Điều 20 Nghị định này, người có trách nhiệm kiểm tra, xác minh nội dung khiếu nại lần hai có quyền, nghĩa vụ yêu cầu người bị khiếu nại cung cấp thông tin, tài liệu và chứng cứ về nội dung khiếu nại; giải trình bằng văn bản về nội dung khiếu nại. Điều 29. Tổ chức đối thoại lần hai 1. Trong quá trình giải quyết khiếu nại lần hai, nếu xét thấy cần thiết, người giải quyết khiếu nại tổ chức đối thoại giữa người khiếu nại, người bị khiếu nại, người có quyền và nghĩa vụ liên quan, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan. 2. Việc tổ chức đối thoại lần hai thực hiện theo quy định tại Điều 21 Nghị định này. Điều 30. Quyết định giải quyết khiếu nại lần hai 1. Người giải quyết khiếu nại lần hai phải ra quyết định giải quyết khiếu nại. 2. Ngoài nội dung quy định tại Khoản 2 Điều 22 Nghị định này, quyết định giải quyết khiếu nại lần hai phải có nội dung: a) Kết quả giải quyết khiếu nại của người giải quyết khiếu nại lần đầu (nếu có); b) Quyền khiếu nại theo quy định của Luật Khiếu nại và văn bản liên quan, quyền khởi kiện vụ án hành chính tại Tòa án. 3. Trường hợp nhiều người cùng khiếu nại về một nội dung thì người giải quyết khiếu nại lần hai căn cứ vào kết luận nội dung khiếu nại để ra quyết định giải quyết khiếu nại cho từng người hoặc ra quyết định giải quyết khiếu nại kèm theo danh sách những người khiếu nại. Điều 31. Gửi quyết định giải quyết khiếu nại lần hai Trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày ra quyết định giải quyết khiếu nại, người giải quyết khiếu nại lần hai phải gửi quyết định giải quyết khiếu nại cho người khiếu nại, người bị khiếu nại, người có quyền, nghĩa vụ liên quan, cơ quan, tổ chức, cá nhân chuyển khiếu nại đến. Điều 32. Hồ sơ giải quyết khiếu nại lần hai Hồ sơ giải quyết khiếu nại lần hai được lập theo quy định tại Điều 24 Nghị định này, trong đó bao gồm cả hồ sơ giải quyết khiếu nại lần đầu (nếu có). Mục 6: QUYẾT ĐỊNH GIẢI QUYẾT KHIẾU NẠI CÓ HIỆU LỰC PHÁP LUẬT VÀ VIỆC THI HÀNH Điều 33. Quyết định giải quyết khiếu nại có hiệu lực pháp luật 1. Quyết định giải quyết khiếu nại lần đầu có hiệu lực pháp luật được quy định như sau: a) Sau 30 ngày, kể từ ngày ra quyết định mà người khiếu nại không khiếu nại lần hai hoặc không khởi kiện vụ án tại Tòa án theo quy định tại Điểm a Khoản 2 Điều 10 Nghị định này; b) Đối với vùng sâu, vùng xa đi lại khó khăn thì sau 45 ngày, kể từ ngày ra quyết định mà người khiếu nại không khiếu nại lần hai hoặc không khởi kiện vụ án tại Tòa án theo quy định tại Điểm a Khoản 2 Điều 10 Nghị định này. 2. Quyết định giải quyết khiếu nại lần hai có hiệu lực pháp luật được quy định như sau: a) Sau 30 ngày, kể từ ngày ra quyết định mà người khiếu nại không khởi kiện vụ án tại Tòa án theo quy định tại Điểm b Khoản 2 Điều 10 Nghị định này; b) Đối với vùng sâu, vùng xa đi lại khó khăn thì sau 45 ngày, kể từ ngày ra quyết định mà người khiếu nại không khởi kiện vụ án tại Tòa án theo quy định tại Điểm b Khoản 2 Điều 10 Nghị định này. 3. Quyết định giải quyết khiếu nại phải được thi hành ngay sau khi có hiệu lực pháp luật. Điều 34. Người có nghĩa vụ, trách nhiệm thực hiện quyết định giải quyết khiếu nại có hiệu lực pháp luật 1. Người giải quyết khiếu nại. 2. Người khiếu nại. 3. Người bị khiếu nại. 4. Người có quyền, nghĩa vụ liên quan. 5. Cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan. Điều 35. Thi hành quyết định giải quyết khiếu nại có hiệu lực pháp luật 1. Người giải quyết khiếu nại trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm chỉ đạo cơ quan, tổ chức, cá nhân thuộc quyền quản lý tổ chức thi hành quyết định giải quyết khiếu nại đã có hiệu lực pháp luật; trường hợp cần thiết, yêu cầu cơ quan chức năng có biện pháp để bảo đảm việc thi hành quyết định giải quyết khiếu nại có hiệu lực pháp luật; tổ chức thi hành hoặc chủ trì, phối hợp với tổ chức, cơ quan hữu quan thực hiện biện pháp nhằm khôi phục quyền, lợi ích hợp pháp của người khiếu nại; kiến nghị cơ quan, tổ chức khác giải quyết những vấn đề liên quan đến việc thi hành quyết định giải quyết khiếu nại (nếu có). 2. Trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan có trách nhiệm chấp hành quyết định của cơ quan có thẩm quyền để thi hành quyết định giải quyết khiếu nại đã có hiệu lực pháp luật; phối hợp với cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền trong việc tổ chức thi hành quyết định giải quyết khiếu nại có hiệu lực pháp luật khi được yêu cầu. Chương III TỐ CÁO VÀ GIẢI QUYẾT TỐ CÁO Mục 1: QUYỀN, NGHĨA VỤ CỦA NGƯỜI TỐ CÁO, NGƯỜI BỊ TỐ CÁO VÀ NGƯỜI GIẢI QUYẾT TỐ CÁO Điều 36. Quyền và nghĩa vụ của người tố cáo 1. Người tố cáo có quyền gửi đơn hoặc tố cáo trực tiếp với cơ quan, cá nhân có thẩm quyền theo quy định tại các Điều 39, 40, 41 và 42 Nghị định này đối với hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực lao động, dạy nghề, hoạt động đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. 2. Quyền và nghĩa vụ khác của người tố cáo được thực hiện theo quy định tại Điều 9 của Luật Tố cáo và quy định của pháp luật có liên quan. Điều 37. Quyền và nghĩa vụ của người bị tố cáo Quyền và nghĩa vụ của người bị tố cáo được thực hiện theo quy định tại Điều 10 của Luật Tố cáo và quy định của pháp luật có liên quan. Điều 38. Quyền và nghĩa vụ của người giải quyết tố cáo Quyền và nghĩa vụ của người giải quyết tố cáo được thực hiện theo quy định tại Điều 11 của Luật Tố cáo và quy định của pháp luật có liên quan. Mục 2: THẨM QUYỀN GIẢI QUYẾT TỐ CÁO Điều 39. Thẩm quyền của Chánh Thanh tra Sở Lao động – Thương binh và Xã hội Chánh Thanh tra Sở Lao động – Thương binh và Xã hội giải quyết tố cáo hành vi vi phạm pháp luật về lao động, dạy nghề, hoạt động đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng thuộc phạm vi quản lý của Sở Lao động – Thương binh và Xã hội. Điều 40. Thẩm quyền của Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước Cục trưởng Cục Quản lý Lao động ngoài nước giải quyết tố cáo hành vi vi phạm pháp luật về hoạt động đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội. Điều 41. Thẩm quyền của Tổng cục trưởng Tổng cục Dạy nghề Tổng cục trưởng Tổng cục Dạy nghề giải quyết tố cáo hành vi vi phạm pháp luật về dạy nghề thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội. Điều 42. Thẩm quyền của Chánh Thanh tra Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Chánh Thanh tra Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội giải quyết tố cáo hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực lao động, dạy nghề, hoạt động đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội. Điều 43. Phân định thẩm quyền giải quyết tố cáo Tố cáo có nội dung liên quan đến chức năng quản lý nhà nước của nhiều cơ quan; tố cáo có nội dung thuộc thẩm quyền giải quyết của nhiều cơ quan; tố cáo hành vi vi phạm pháp luật có dấu hiệu tội phạm thì thực hiện theo quy định tại Khoản 2 và Khoản 3 Điều 31 của Luật Tố cáo. Mục 3: TRÌNH TỰ, THỦ TỤC GIẢI QUYẾT TỐ CÁO Điều 44. Trình tự, thủ tục giải quyết tố cáo 1. Trình tự, thủ tục tiếp nhận, phân loại, xác minh, kết luận về nội dung tố cáo, quyết định việc xử lý tố cáo hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực lao động, dạy nghề, hoạt động đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng thực hiện theo quy định tại các Điều 18, 19, 20, 21, 22, 24, 25, 26, 27, 28, 29 và 30 của Luật Tố cáo, trừ trường hợp quy định tại Khoản 2 Điều này. 2. Trình, tự, thủ tục giải quyết tố cáo có nội dung rõ ràng, chứng cứ cụ thể, có cơ sở để xử lý ngay thì thực hiện theo quy định tại Điều 33 của Luật Tố cáo. 3. Trường hợp kết luận người bị tố cáo có hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động, dạy nghề, hoạt động đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng thì việc xử lý hành vi vi phạm hành chính đó phải tuân thủ pháp luật về xử lý vi phạm hành chính. 4. Hồ sơ giải quyết tố cáo được lập theo quy định tại Điều 29 của Luật Tố cáo. Chương IV ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH Điều 45. Hiệu lực thi hành 1. Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 02 năm 2015. 2. Nghị định số 04/2005/NĐ-CP ngày 11 tháng 01 năm 2005 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn một số điều của Bộ luật Lao động về khiếu nại, tố cáo về lao động hết hiệu lực thi hành kể từ ngày Nghị định này có hiệu lực. Điều 46. Trách nhiệm thi hành Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các cơ quan, tổ chức và cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Nghị định này. Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ của mình có trách nhiệm hướng dẫn thi hành Nghị định này./. |
|
Nghị định 152/2020/NĐ-CP
CHÍNH PHỦ ——– CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập – Tự do – Hạnh phúc ——————– [...]
- Nghị đinh 09/2015/NĐ-CP Điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội và trợ cấp hàng tháng đối với cán bộ xã đã nghỉ việc
- Thông tư 01/2014/TT-BLĐTBXH Quy định chi tiết và hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định số 55/2013/NĐ-CP ngày 22/5/2013 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành khoản 3 điều 54 của Bộ luật Lao động về việc cấp phép hoạt động cho thuê lại lao động, việc ký quỹ và danh mục công việc được thực hiện cho thuê lại lao động
- Nghị định số 53/2015/NĐ-CP Quy định về nghỉ hưu ở tuổi cao hơn đối với cán bộ, công chức
Nghị định số 03/2014/NĐ-CP Quy định chi tiết thi hành một số điều của Bộ luật Lao động về việc làm
CHÍNH PHỦ Số: 03/2014/NĐ-CP CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập – Tự do – Hạnh phúc Hà Nội, ngày 16 tháng [...]
- Nghị định số 61/2015/NĐ-CP Quy định về chính sách hỗ trợ tạo việc làm và Quỹ quốc gia về việc làm
- Nghị định số 119/2014/NĐ-CPQuy định chi tiết một số điều của Bộ luật Lao động, Luật Dạy nghề, Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng về khiếu nại, tố cáo
- Nghị định số 49/2013/NĐ-CP Quy định chi tiết thi hành một số điều của Bộ luật Lao động về tiền lương