Nghị định 135/2013/NĐ-CP sửa đổi Nghị định số 61/2009/NĐ-CP

 

CHÍNH PHỦ
——-

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
————–

Số: 135/2013/NĐ-CP

Hà Nội, ngày 18 tháng 10 năm 2013

NGHỊ ĐỊNH

SỬA ĐỔI, BỔ SUNG TÊN GỌI VÀ MỘT SỐ ĐIỀU CỦA NGHỊ ĐỊNH SỐ 61/2009/NĐ-CP NGÀY 24 THÁNG 7 NĂM 2009 CỦA CHÍNH PHỦ VỀ TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG CỦA THỪA PHÁT LẠI THỰC HIỆN THÍ ĐIỂM TẠI THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

Căn cứ Luật tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;

Căn cứ Nghị quyết số 24/2008/QH12 ngày 14 tháng 11 năm 2008 của Quốc hội khóa XII về việc thi hành Luật thi hành án dân sự;

Căn cứ Nghị quyết số 36/2012/QH13 ngày 23 tháng 11 năm 2012 của Quốc hội khóa XIII về việc tiếp tục thực hiện thí điểm chế định Thừa phát lại;

Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Tư pháp;

Chính phủ ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung tên gọi và một số điều của Nghị định số 61/2009/NĐ-CP ngày 24 tháng 7 năm 2009 của Chính phủ về tổ chức và hoạt động của Thừa phát lại thực hiện thí điểm tại thành phố Hồ Chí Minh,

Điều 1. Sửa đổi tên gọi của Nghị định số 61/2009/NĐ-CP ngày 24 tháng 7 năm 2009 của Chính phủ về tổ chức và hoạt động của Thừa phát lại thực hiện thí điểm tại thành phố Hồ Chí Minh như sau:

Nghị định về tổ chức và hoạt động của Thừa phát lại thực hiện thí điểm tại một số tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Điều 2. Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 61/2009/NĐ-CP ngày 24 tháng 7 năm 2009 của Chính phủ như sau:

1. Sửa đổi, bổ sung Điều 1 như sau:

“Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Nghị định này quy định về Thừa phát lại, Văn phòng Thừa phát lại; phạm vi, thủ tục thực hiện công việc của Thừa phát lại; giải quyết khiếu nại, tố cáo và kiểm sát đối với hoạt động của Thừa phát lại thực hiện thí điểm tại một số tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương”.

2. Bổ sung Điều 2a như sau:

“Điều 2a. Thừa phát lại

Thừa phát lại là người có các tiêu chuẩn, được Nhà nước bổ nhiệm và trao quyền để làm các công việc theo quy định của Nghị định này và pháp luật có liên quan”.

3. Sửa đổi, bổ sung Điều 2 như sau:

“Điều 2. Giải thích từ ngữ

Trong Nghị định này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1. Vi bằng là văn bản do Thừa phát lại lập, ghi nhận sự kiện, hành vi được dừng làm chứng cứ trong xét xử và trong các quan hệ pháp lý khác.

2. Tống đạt là việc thông báo, giao nhận các văn bản của Tòa án và cơ quan thi hành án dân sự do Thừa phát lại thực hiện theo quy định của pháp luật”.

4. Sửa đổi, bổ sung khoản 2, Điều 7 như sau:

“2. Chi phí lập vi bằng và xác minh điều kiện thi hành án do người yêu cầu và Văn phòng Thừa phát lại thỏa thuận theo công việc thực hiện hoặc theo giờ làm việc.

Văn phòng Thừa phát lại và người yêu cầu có thể thỏa thuận thêm về các khoản chi phí thực tế phát sinh gồm: chi phí đi lại; phí dịch vụ cho các cơ quan cung cấp thông tin nếu có; chi phí cho người làm chứng, người tham gia hoặc chi phí khác nếu có”.

5. Sửa đổi, bổ sung điểm c khoản 3 và khoản 6, Điều 15 như sau:

“c) Thư ký nghiệp vụ Thừa phát lại là nhân viên Văn phòng Thừa phát lại giúp Thừa phát lại thực hiện các công việc nghiệp vụ pháp lý theo quy định. Thư ký nghiệp vụ Thừa phát lại phải có các tiêu chuẩn quy định tại khoản 1, khoản 2 và khoản 6, Điều 10 của Nghị định này và phải có trình độ từ trung cấp luật trở lên.

6. Chế độ thông tin, báo cáo của Văn phòng Thừa phát lại được thực hiện như sau:

a) Định kỳ quý và hàng năm, Văn phòng Thừa phát lại báo cáo Sở Tư pháp và Tổng cục Thi hành án dân sự, Bộ Tư pháp về tổ chức và hoạt động của mình.

Định kỳ 6 tháng và hàng năm, Sở Tư pháp có trách nhiệm báo cáo Ủy ban nhân dân cấp tỉnh và Bộ Tư pháp về tổ chức và hoạt động của các Văn phòng Thừa phát lại tại địa phương.

Ngoài báo cáo định kỳ, Văn phòng Thừa phát lại báo cáo đột xuất theo yêu cầu của Sở Tư pháp và Tổng cục Thi hành án dân sự, Bộ Tư pháp; Sở Tư pháp thực hiện các báo cáo đột xuất theo yêu cầu của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh và Bộ Tư pháp.

Hàng năm, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh báo cáo Bộ Tư pháp về tình hình thực hiện thí điểm chế định Thừa phát lại tại địa phương.

b) Ngoài báo cáo về tổ chức và hoạt động quy định tại điểm a khoản 6 của Điều này, Văn phòng Thừa phát lại thực hiện việc báo cáo để phục vụ cho công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm sát, giám sát, quản lý tài chính, thuế theo quy định của pháp luật.

c) Bộ Tư pháp quy định sổ sách, biểu mẫu nghiệp vụ, chế độ thông tin, báo cáo của Văn phòng Thừa phát lại”.

6. Sửa đổi, bổ sung Điều 21 như sau:

“Điều 21. Thẩm quyền, phạm vi tống đạt

1. Văn phòng Thừa phát lại được quyền thỏa thuận để tống đạt văn bản của Tòa án, Cơ quan thi hành án dân sự các cấp trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi đặt Văn phòng Thừa phát lại, bao gồm: Giấy báo, giấy triệu tập, giấy mời, quyết định đưa vụ án ra xét xử, bản án, quyết định trong trường hợp xét xử vắng mặt đương sự của Tòa án; quyết định về thi hành án, giấy báo, giấy triệu tập của Cơ quan thi hành án dân sự. Trong trường hợp cần thiết, trên cơ sở đề nghị của Tòa án, Cơ quan thi hành án dân sự, Văn phòng Thừa phát lại có thể thỏa thuận để tống đạt các loại văn bản, giấy tờ khác.

2. Thừa phát lại có quyền thực hiện việc tống đạt các văn bản của Tòa án và Cơ quan thi hành án dân sự tại Khoản 1 của Điều này ngoài địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi đặt Văn phòng Thừa phát lại”.

7. Sửa đổi, bổ sung Điều 24 như sau:

“Điều 24. Thỏa thuận về việc tống đạt

1. Thỏa thuận tống đạt được ký kết giữa Văn phòng Thừa phát lại với Cơ quan thi hành án dân sự hoặc Tòa án dưới hình thức hợp đồng theo phương thức Tòa án, Cơ quan thi hành án dân sự chuyển giao tất cả các loại văn bản đã thỏa thuận cho Văn phòng Thừa phát lại tống đạt và Văn phòng Thừa phát lại không được từ chối khi được yêu cầu tống đạt. Hợp đồng dịch vụ tống đạt gồm các nội dung chính sau:

a) Văn bản cần tống đạt;

b) Thời gian thực hiện hợp đồng;

c) Thủ tục việc tống đạt;

d) Quyền, nghĩa vụ của các bên;

đ) Phí thực hiện tống đạt.

2. Một Cơ quan thi hành án dân sự hoặc một Tòa án chỉ được ký hợp đồng tống đạt với một Văn phòng Thừa phát lại. Một Văn phòng Thừa phát lại có quyền ký hợp đồng tống đạt với nhiều Cơ quan thi hành án dân sự hoặc nhiều Tòa án trên địa bàn tại tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi đặt Văn phòng Thừa phát lại”.

8. Sửa đổi, bổ sung Điều 25 như sau:

“Điều 25. Thẩm quyền, phạm vi lập vi bằng

1. Thừa phát lại có quyền lập vi bằng đối với các sự kiện, hành vi theo yêu cầu của đương sự, trừ các trường hợp quy định tại Điều 6 của Nghị định này; các trường hợp vi phạm quy định về bảo đảm an ninh, quốc phòng; vi phạm bí mật đời tư theo quy định tại Điều 38 của Bộ luật dân sự; các trường hợp thuộc thẩm quyền công chứng của tổ chức hành nghề công chứng hoặc thuộc thẩm quyền chứng thực của Ủy ban nhân dân các cấp và các trường hợp khác theo quy định của pháp luật.

2. Thừa phát lại được lập vi bằng các sự kiện, hành vi xảy ra trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi đặt Văn phòng Thừa phát lại”.

9. Sửa đổi, bổ sung khoản 5, Điều 26 như sau:

“5. Trong thời hạn không quá 02 ngày làm việc kể từ ngày nhận được vi bằng, Sở Tư pháp phải vào sổ đăng ký vi bằng Thừa phát lại. Sở Tư pháp có quyền từ chối đăng ký nếu phát hiện thấy việc lập vi bằng không đúng thẩm quyền, không thuộc phạm vi lập vi bằng theo quy định tại Điều 25 của Nghị định này; vi bằng không được gửi đúng thời hạn để đăng ký theo quy định tại khoản 4, Điều 26 của Nghị định này. Việc từ chối phải được thông báo ngay bằng văn bản cho Văn phòng Thừa phát lại và người yêu cầu lập vi bằng trong đó nêu rõ lý do từ chối đăng ký.

Vi bằng được coi là hợp lệ khi được đăng ký tại Sở Tư pháp”.

10. Sửa đổi, bổ sung Điều 30 như sau:

“Điều 30. Thẩm quyền, phạm vi xác minh điều kiện thi hành án

Thừa phát lại có quyền xác minh điều kiện thi hành án liên quan đến việc thi hành án mà vụ việc đó thuộc thẩm quyền thi hành của các Cơ quan thi hành án dân sự trên địa bàn tỉnh, thành phố nơi đặt Văn phòng Thừa phát lại. Khi thực hiện việc xác minh, Thừa phát lại có quyền xác minh ngoài địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi đặt Văn phòng Thừa phát lại trong trường hợp đương sự cư trú, có tài sản tại địa phương đó”.

11. Sửa đổi, bổ sung Điều 31 như sau:

“Điều 31. Thủ tục xác minh điều kiện thi hành án

1. Trên cơ sở yêu cầu và thỏa thuận xác minh về điều kiện thi hành án, Trưởng Văn phòng Thừa phát lại ra quyết định xác minh; quyết định phải ghi rõ căn cứ, nội dung xác minh và được vào sổ thụ lý.

2. Việc xác minh được tiến hành bằng văn bản yêu cầu hoặc trực tiếp. Khi trực tiếp xác minh, Thừa phát lại xuất trình Thẻ Thừa phát lại, công bố quyết định và phải lập biên bản về việc xác minh. Trong trường hợp cần thiết, Thừa phát lại có quyền mời cơ quan chuyên môn hoặc chuyên gia để làm rõ các nội dung cần xác minh.

Các quy định khác của pháp luật về thi hành án dân sự cũng được áp dụng trong việc xác minh điều kiện thi hành án.

3. Kho bạc Nhà nước, Bảo hiểm xã hội, cơ quan đăng ký quyền sử dụng đất, cơ quan đăng ký giao dịch bảo đảm, cơ quan đăng ký tài sản khác và các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan phải thực hiện yêu cầu của Thừa phát lại về xác minh điều kiện thi hành án và chịu trách nhiệm về nội dung thông tin đã cung cấp.

4. Bộ Tư pháp chủ trì, phối hợp với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam hướng dẫn việc xác minh điều kiện thi hành án của Thừa phát lại tại các tổ chức tín dụng”.

12. Sửa đổi, bổ sung khoản 2, Điều 34 như sau:

“2. Thừa phát lại có thể tổ chức thi hành các vụ việc quy định tại khoản 1 Điều này ngoài địa bàn quận, huyện nơi đặt Văn phòng Thừa phát lại nếu đương sự có tài sản, cư trú hay có các điều kiện khác ngoài địa bàn quận, huyện nơi đặt Văn phòng Thừa phát lại. Bộ Tư pháp hướng dẫn thực hiện trong trường hợp Thừa phát lại thi hành án theo thẩm quyền liên quan đến tài sản phát sinh ngoài phạm vi tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi đặt Văn phòng Thừa phát lại”.

13. Sửa đổi, bổ sung Điều 36 như sau:

“Điều 36. Thủ tục chung về thi hành án của Thừa phát lại

1. Thừa phát lại thực hiện các thủ tục về thi hành án theo quy định của Nghị định này. Trong trường hợp Nghị định này không quy định thì áp dụng theo quy định của pháp luật về thi hành án dân sự.

2. Các Văn phòng Thừa phát lại, Cơ quan thi hành án dân sự phải phối hợp với nhau trong việc cung cấp thông tin, thông báo, xác minh điều kiện thi hành án, áp dụng các biện pháp bảo đảm, cưỡng chế thi hành án và thanh toán tiền thi hành án.

Trường hợp người được thi hành án được thi hành nhiều khoản khác nhau trong cùng một bản án, quyết định do một người có nghĩa vụ thi hành thì cùng một thời điểm, người được thi hành án chỉ có quyền yêu cầu Cơ quan thi hành án dân sự hoặc một Văn phòng Thừa phát lại tổ chức thi hành. Nếu các khoản được thi hành do nhiều người khác nhau có nghĩa vụ thi hành thì người được thi hành án có quyền đồng thời yêu cầu Cơ quan thi hành án dân sự, Văn phòng Thừa phát lại thi hành riêng đối với từng khoản.

Nếu trong cùng một bản án, quyết định có nhiều người được thi hành án mà trong đó có người yêu cầu cơ quan thi hành án dân sự tổ chức thi hành, có người yêu cầu Văn phòng Thừa phát lại tổ chức thi hành thì Cơ quan thi hành án dân sự và Văn phòng Thừa phát lại phải phối hợp với nhau trong thi hành án.

Đối với các vụ việc đã được tổ chức thi hành tại cơ quan thi hành án dân sự nhưng sau đó đương sự có văn bản yêu cầu Cơ quan thi hành án dân sự không tiếp tục việc thi hành án và yêu cầu Văn phòng Thừa phát lại tổ chức thi hành hoặc ngược lại thì nội dung yêu cầu phải nêu rõ kết quả thi hành trước đó, những nội dung yêu cầu tổ chức thi hành tiếp và nội dung bảo lưu kết quả thi hành trước đó (nếu có). Văn phòng Thừa phát lại, cơ quan thi hành án dân sự có thể chấp thuận đề nghị bảo lưu kết quả thi hành trước đó của đương sự để làm căn cứ tiếp tục tổ chức thi hành án.

3. Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi thực hiện thí điểm Thừa phát lại có trách nhiệm hướng dẫn việc phối hợp trong thi hành án giữa các Cơ quan thi hành án dân sự với Văn phòng Thừa phát lại và giữa các Văn phòng Thừa phát lại với nhau trên địa bàn”.

14. Sửa đổi, bổ sung Điều 40 như sau:

“Điều 40. Áp dụng biện pháp cưỡng chế trong trường hợp huy động lực lượng bảo vệ

1. Trong trường hợp cưỡng chế thi hành án cần huy động lực lượng bảo vệ, Văn phòng Thừa phát lại phải báo cáo, xin ý kiến của Trưởng Ban Chỉ đạo Thi hành án dân sự cấp huyện nơi đặt Văn phòng Thừa phát lại.

2. Trên cơ sở ý kiến của Ban Chỉ đạo Thi hành án dân sự, Văn phòng Thừa phát lại lập kế hoạch cưỡng chế, báo cáo Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự, kèm theo hồ sơ thi hành án để Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự xem xét, phê duyệt kế hoạch cưỡng chế và ra quyết định cưỡng chế thi hành án.

Trong thời hạn không quá 5 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được đề nghị của Văn phòng Thừa phát lại, Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự xem xét phê duyệt kế hoạch và ra quyết định cưỡng chế thi hành án; trường hợp cần phải áp dụng biện pháp cưỡng chế ngay thì Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự có ý kiến trong thời hạn 1 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được đề nghị của Văn phòng Thừa phát lại.

Trường hợp không nhất trí thì có văn bản trả lời nêu rõ lý do.

3. Sau khi được phê duyệt và ra quyết định cưỡng chế thi hành án, Thừa phát lại thực hiện việc cưỡng chế theo quy định của pháp luật thi hành án dân sự và quy định của Nghị định này về cưỡng chế thi hành án”.

15. Sửa đổi Điều 41 như sau:

“Điều 41. Chi phí cưỡng chế thi hành án

1. Người phải thi hành án, người được thi hành án chịu các chi phí cưỡng chế thi hành án quy định của pháp luật thi hành án dân sự.

2. Thừa phát lại chịu chi phí cưỡng chế thi hành án nếu việc cưỡng chế phải thực hiện lại do lỗi của Thừa phát lại”.

16. Sửa đổi, bổ sung khoản 1, Điều 42 như sau:

“1. Số tiền thi hành án thu được từ vụ việc nào thì Thừa phát lại chi trả cho người được thi hành án theo văn bản yêu cầu của vụ việc đó sau khi trừ chi phí thi hành án mà người phải thi hành án chịu theo quy định của pháp luật về thi hành án dân sự. Số tiền còn lại, Thừa phát lại phải trả lại cho người phải thi hành án”.

17. Sửa đổi, bổ sung Điều 45 như sau:

“Điều 45. Giải quyết khiếu nại, tranh chấp đối với hoạt động Thừa phát lại

1. Đương sự và những người liên quan có quyền khiếu nại đối với quyết định, hành vi của Thừa phát lại, Trưởng Văn phòng Thừa phát lại trong việc thực hiện các công việc của Thừa phát lại.

2. Việc giải quyết khiếu nại được thực hiện như sau:

a) Đối với khiếu nại về thi hành án dân sự, Trưởng Văn phòng Thừa phát lại giải quyết khiếu nại lần đầu đối với khiếu nại về hành vi, quyết định của Thừa phát lại thuộc Văn phòng mình trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày nhận được khiếu nại. Nếu không đồng ý với quyết định giải quyết của Trưởng Văn phòng Thừa phát lại, người khiếu nại có quyền khiếu nại đến Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi đặt Văn phòng Thừa phát lại. Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự giải quyết khiếu nại lần hai trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày nhận được khiếu nại. Quyết định giải quyết khiếu nại của Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự có hiệu lực thi hành.

Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi đặt Văn phòng Thừa phát lại giải quyết khiếu nại lần đầu đối với khiếu nại về hành vi, quyết định của Trưởng Văn phòng Thừa phát lại trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày nhận được khiếu nại. Trong trường hợp không đồng ý với quyết định giải quyết khiếu nại của Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự, người khiếu nại có quyền khiếu nại đến Tổng cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự – Bộ Tư pháp. Tổng cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự, Bộ Tư pháp ra quyết định giải quyết khiếu nại lần hai trong thời hạn 45 ngày, kể từ ngày nhận khiếu nại. Quyết định giải quyết khiếu nại của Tổng cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự, Bộ Tư pháp có hiệu lực thi hành.

Trường hợp cần thiết, Bộ trưởng Bộ Tư pháp có quyền xem xét lại quyết định giải quyết khiếu nại về thi hành án đã có hiệu lực thi hành.

Các quy định khác về giải quyết khiếu nại về thi hành án được thực hiện theo quy định của pháp luật về thi hành án dân sự.

b) Việc giải quyết khiếu nại trong việc tống đạt văn bản của Tòa án thực hiện theo quy định của pháp luật tố tụng dân sự, hình sự, hành chính.

c) Đối với các khiếu nại khác liên quan đến hoạt động của Thừa phát lại, Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi đặt Văn phòng Thừa phát lại ra quyết định giải quyết lần đầu trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày nhận được khiếu nại. Trong trường hợp không đồng ý với quyết định giải quyết khiếu nại của Giám đốc Sở Tư pháp thì người khiếu nại có quyền khiếu nại đến Bộ trưởng Bộ Tư pháp. Bộ trưởng Bộ Tư pháp giải quyết khiếu nại trong thời hạn 45 ngày, kể từ ngày nhận được khiếu nại. Quyết định giải quyết khiếu nại của Bộ trưởng Bộ Tư pháp có hiệu lực thi hành.

3. Các tranh chấp về việc thực hiện hợp đồng và bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng liên quan đến việc thực hiện công việc của Thừa phát do cơ quan có thẩm quyền giải quyết theo quy định của pháp luật”.

18. Sửa đổi Điều 47 như sau:

“Điều 47. Giải quyết tố cáo trong hoạt động của Thừa phát lại

Việc tố cáo và giải quyết tố cáo trong hoạt động của Thừa phát lại thực hiện theo quy định của Luật tố cáo và văn bản liên quan”.

19. Trong Nghị định số 61/2009/NĐ-CP ngày 24 tháng 7 năm 2009 của Chính phủ, cụm từ “thành phố Hồ Chí Minh” được sửa đổi thành “tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi thực hiện thí điểm chế định Thừa phát lại”.

Điều 3. Hiệu lực và trách nhiệm thi hành

1. Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 05 tháng 12 năm 2013.

2. Đối với các vụ việc đã được Thừa phát lại thực hiện một phần trước khi Nghị định này có hiệu lực thi hành và đúng quy định pháp luật thì kết quả thực hiện được công nhận; việc thực hiện tiếp theo phải tuân thủ các quy định của Nghị định này.

3. Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng các cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Nghị định này.

4. Bộ Tư pháp trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình phối hợp với Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao và các Bộ, ngành có liên quan hướng dẫn thi hành Nghị định này./

 

 

Nơi nhận:
– Ban Bí thư Trung ương Đảng;
– Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
– Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc CP;
– HĐND, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc TW;
– Văn phòng Trung ương và các Ban của Đảng;
– Văn phòng Tổng Bí thư;
– Văn phòng Chủ tịch nước;
– Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội;
– Văn phòng Quốc hội;
– Tòa án nhân dân tối cao;
– Viện kiểm sát nhân dân tối cao;
– Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia;
– Kiểm toán Nhà nước;
– Ngân hàng Chính sách xã hội;
– Ngân hàng Phát triển Việt Nam;
– Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam;
– Cơ quan Trung ương của các đoàn thể;
– VPCP: BTCN, các PCN, Trợ lý TTCP, Cổng TTĐT, các Vụ, Cục, đơn vị trực thuộc, Công báo;
– Lưu: Văn thư, PL (3b).

TM. CHÍNH PHỦ
THỦ TƯỚNG

Nguyễn Tấn Dũng

 

 

 

Khách hàng nói về chúng tôi

Tôi rất hài lòng về chất lượng dịch vụ tại LawKey - Chìa khóa pháp luật. Các bạn là đội ngũ luật sư, chuyên gia kế toán và tư vấn viên nhiệt thành, đầy bản lĩnh với nghề nghiệp. Chúc các bạn phát đạt hơn nữa trong tương lai.

Anh Toản - CTO Công ty CP công nghệ phân phối Flanet

Đống Đa, Hà Nội
Mình thật sự cảm ơn đội ngũ công ty luật và dịch vụ kế toán LawKey về độ nhiệt tình và tốc độ làm việc. Tôi rất an tâm và tin tưởng khi làm việc với LawKey, đặc biệt là được chủ tịch Hà trực tiếp tư vấn. Chúc các bạn phát triển thịnh vượng và đột phá hơn nữa.

Mr Tô - Founder & CEO MengCha Utd

Đống Đa, Hà Nội
Tôi đã trải nghiệm nhiều dịch vụ luật sư trong quá trình kinh doanh của mình, nhưng thực sự an tâm và hài lòng khi làm bắt đầu làm việc với các bạn LawKey: Các bạn trẻ làm việc rất Nhanh - Chuẩn - Chính xác - Hiệu quả - Đáng tin cậy. Chúc các bạn phát triển hơn nữa.    

Mr Tiến - Founder & CEO SATC JSC

Ba Đình, Hà Nội
Từ khi khởi nghiệp đến nay, tôi sử dụng rất nhiều dịch vụ tư vấn luật, tôi đặc biệt hài lòng với dịch vụ mà LawKey cung cấp cho IDJ Group. Các bạn là đội ngũ chuyên nghiệp, uy tín và hiệu quả. Chúc cho LawKey ngày càng phát triển và là đối tác quan trọng lâu dài của IDJ Group.

Mr Trần Trọng Hiếu - Chủ tịch IDJ Group

Hà Nội
Từ khi khởi nghiệp đến nay, tôi sử dụng rất nhiều dịch vụ tư vấn luật, tôi đặc biệt hài lòng với dịch vụ mà LawKey cung cấp cho IDJ Group. Các bạn là đội ngũ chuyên nghiệp, uy tín và hiệu quả. Chúc cho LawKey ngày càng phát triển và là đối tác quan trọng lâu dài của IDJ Group.

Mr Dương - CEO Dương Cafe

Hà Nội
Tại LawKey, đội ngũ của các bạn rất chuyên nghiệp. Đặc biệt, tôi rất hứng thú khi làm việc với luật sư Huy Hà và kế toán Tân Anh. Các bạn không chỉ cho thấy sự thân thiện mà còn chủ động tìm hiểu giúp đỡ tôi trong công việc. Tôi tin tưởng dịch vụ luật và kế toán của các bạn.

Mr Hưng - CEO Tư vấn du học Bạn Đồng Hành

Việt Nam

Khách hàng tiêu biểu