Nguyên tắc cấp giấy phép hoạt động điện lực theo quy định mới nhất
Điện lực là một ngành nghề kinh doanh có điều kiện, các chủ thể kinh doanh phải có giấy phép hoạt động điện lực. Vậy nguyên tắc cấp giấy phép hoạt động điện lực là gì? Có trường hợp nào được miễn trừ không? Cùng tìm hiểu qua bài viết này của Luật LawKey nhé.
Lĩnh vực hoạt động phải có giấy phép hoạt động điện lực
Theo quy định tại Điều 1 Thông tư 21/2020/TT-BCT thì giấy phép hoạt động điện lực được cấp cho các đối tượng hoạt động trong các lĩnh vực sau đây:
– Tư vấn chuyên ngành điện lực, bao gồm:
- Tư vấn thiết kế công trình: Thủy điện, điện gió, điện mặt trời, nhiệt điện (than, khí, dầu, sinh khối, chất thải rắn), đường dây và trạm biến áp;
- Tư vấn giám sát thi công công trình: Thủy điện, điện gió, điện mặt trời, nhiệt điện (than, khí, dầu, sinh khối, chất thải rắn), đường dây và trạm biến áp.
– Phát điện.
– Truyền tải điện.
– Phân phối điện.
– Bán buôn điện.
– Bán lẻ điện.
Trường hợp miễn trừ giấy phép hoạt động điện lực
Các trường hợp sau đây được miễn trừ giấy phép hoạt động điện lực:
– Phát điện để tự sử dụng không bán điện cho tổ chức, cá nhân khác.
– Phát điện có công suất lắp đặt đến 01 MW để bán điện cho tổ chức, cá nhân khác.
– Kinh doanh điện tại vùng nông thôn, miền núi, hải đảo mua điện với công suất nhỏ hơn 50 kVA từ lưới điện phân phối để bán điện trực tiếp tới khách hàng sử dụng điện tại vùng nông thôn, miền núi, hải đảo.
– Điều độ hệ thống điện quốc gia và điều hành giao dịch thị trường điện lực.
Lưu ý: Tổ chức, cá nhân được miễn trừ giấy phép hoạt động điện lực phải tuân thủ các quy trình, quy chuẩn kỹ thuật quản lý vận hành, các quy định về giá điện, điều kiện về kỹ thuật, an toàn của Luật Điện lực.
Nguyên tắc cấp giấy phép hoạt động điện lực
– Trước giai đoạn thị trường bán lẻ điện cạnh tranh, giấy phép hoạt động điện lực lĩnh vực bán lẻ điện được cấp đồng thời với lĩnh vực phân phối điện, trừ trường hợp đơn vị phát điện đăng ký hoạt động bán lẻ điện, không mua điện từ hệ thống điện quốc gia và có lưới điện để thực hiện hoạt động bán lẻ điện: Giấy phép hoạt động điện lực lĩnh vực bán lẻ điện được cấp đồng thời với lĩnh vực phát điện.
– Giấy phép phát điện được cấp cho tổ chức là đơn vị sở hữu nhà máy điện đối với từng nhà máy.
– Trường hợp thay đổi tên, địa chỉ trụ sở, chuyển giao tài sản, thời hạn giấy phép hoạt động điện lực được cấp theo thời hạn giấy phép cũ.
– Tổ chức, cá nhân đề nghị ̣thời hạn giấy phép hoạt động điện lực ngắn hơn thời hạn theo quy định thì cấp theo thời hạn đề nghị,̣ trừ trường hợp cơ quan cấp giấy phép hoạt động điện lực cấp giấy phép hoạt động điện lực có thời hạn ngắn hơn thời hạn quy định căn cứ vào điều kiện thực tế về hạng mục công trình điện.
Thời hạn của giấy phép hoạt động điện lực
Thời hạn tối đa trong giấy phép hoạt động điện lực cấp cho đơn vị hoạt động điện lực quy định như sau:
TT | Lĩnh vực hoạt động điện lực | Thời hạn của giấy phép |
1 | Tư vấn chuyên ngành điện lực | 05 năm |
2 | Phát điện | |
a) | Nhà máy điện lớn, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng về kinh tế – xã hội, quốc phòng, an ninh theo danh mục được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt | 20 năm |
b) | Nhà máy điện không thuộc danh mục nhà máy điện lớn, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng về kinh tế – xã hội, quốc phòng, an ninh được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt | 10 năm |
3 | Truyền tải điện | 20 năm |
4 | Phân phối điện | 10 năm |
5 | Bán buôn điện, bán lẻ điện | 10 năm |
Phạm vi hoạt động trong lĩnh vực được cấp giấy phép hoạt động điện lực
– Lĩnh vực tư vấn chuyên ngành điện lực có phạm vi hoạt động trong cả nước.
– Lĩnh vực truyền tải điện, phân phối điện có phạm vi hoạt động trong phạm vi quản lý, vận hành lưới điện cụ thể.
– Lĩnh vực bán buôn điện, bán lẻ điện có phạm vi hoạt động trong khu vực cụ thể.
– Lĩnh vực phát điện có phạm vi hoạt động cho từng nhà máy điện.
Trên đây là nội dung bài viết Nguyên tắc cấp giấy phép hoạt động điện lực theo quy định mới nhất. Nếu có vướng mắc trong quá trình giải quyết liên hệ LawKey để được tư vấn, giải đáp nhanh nhất.
Xem thêm:
Quy định pháp luật về hợp đồng mua bán điện có thời hạn
Điều kiện cấp giấy phép hoạt động phát điện, truyền tải điện, phân phối điện
Quyền và nghĩa vụ của người khai hải quan
QUYỀN VÀ NGHĨA VỤ CỦA NGƯỜI KHAI HẢI QUAN THEO LUẬT HẢI QUAN 2014 Bất kì cá nhân, tổ chức nào khi tham gia thực hiện các [...]
Hồ sơ yêu cầu áp dụng biện pháp tự vệ đối với hàng hóa nhập khẩu
Theo quy định tại khoản 1 Điều 93 Luật quản lý ngoại thương thì “Việc điều tra áp dụng biện pháp tự vệ được thực [...]