Nguyên tắc nộp đơn đầu tiên để bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp
Nguyên tắc nộp đơn đầu tiên được áp dụng khi có nhiều người khác nhau cùng nộp đơn đăng kí bảo hộ cho các đối tượng nhất định của quyền sở hữu công nghiệp. Trong trường hợp này, văn bằng bảo hộ chỉ được ấp cho đơn nào đáp ứng đủ điều kiện pháp luật quy định. Vậy, pháp luật quy định thế nào về nguyên tắc nộp đơn đầu tiên?
Được quy định tai Điều 90 Luật Sở hữu trí tuệ 2005 sửa đổi, bổ sung năm 2009, nguyên tắc nộp đơn đầu tiên áp dụng nhằm bảo vệ quyền lợi của chủ thể nộp đơn sớm hơn các chủ thể khác đối với cùng đối tượng đăng ký bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp.
Nguyên tắc này được áp dụng với sáng chế, kiểu dáng công nghiệp và nhãn hiệu, cụ thể:
Đối với sáng chế, kiểu dáng công nghiệp
Trong trường hợp có nhiều đơn đăng ký sáng chế trùng hoặc tương đương với nhau, các kiểu dáng công nghiệp trùng hoặc không khác biệt đáng kể với nhau thì văn bằng bảo hộ chỉ được cấp cho sáng chế hoặc kiểu dáng công nghiệp trong đơn hợp lệ có ngày ưu tiên hoặc ngày nộp đơn sớm nhất trong số những đơn đáp ứng các điều kiện để được cấp văn bằng bảo hộ.
Đối với nhãn hiệu
Trong trường hợp có nhiều đơn của nhiều người khác nhau đăng ký nhãn hiệu trùng hoặc tương tự đến mức gây nhầm lẫn với nhau dùng cho các sản phẩm, dịch vụ trùng hoặc tương tự với nhau hoặc trường hợp có nhiều đơn của cùng một người đăng ký các nhãn hiệu trùng dùng cho các sản phẩm, dịch vụ trùng nhau thì văn bằng bảo hộ chỉ được cấp cho nhãn hiệu trong đơn hợp lệ có ngày ưu tiên hoặc ngày nộp đơn sớm nhất trong số những đơn đáp ứng các điều kiện để được cấp văn bằng bảo hộ.
Ví dụ: A và B có sáng chế tương tự, ngày nộp đơn đăng ký bảo hộ là như nhau. Trong trường hợp này, A và B phải thỏa thuận với nhau. Nếu A và B thỏa thuận được với nhau thì văn bằng bảo hộ sẽ được cấp cho một trong hai chủ thể đã nộp đơn, nếu không thỏa thuận được thì các đối tượng đã nộp đơn bị từ chối cấp văn bằng bảo hộ.
Lưu ý, Trong trường hợp có nhiều đơn đăng ký theo quy định nêu trên cùng đáp ứng các điều kiện để được cấp văn bằng bảo hộ và cùng có ngày ưu tiên hoặc ngày nộp đơn sớm nhất thì văn bằng bảo hộ chỉ được cấp cho đối tượng của một đơn duy nhất trong số các đơn đó theo thoả thuận của tất cả những người nộp đơn; nếu không thoả thuận được thì các đối tượng tương ứng của các đơn đó bị từ chối cấp văn bằng bảo hộ.
Quy định về ngày ưu tiên
Về ngày ưu tiên, Việt Nam đã tham gia một số điều ước quốc tế về sở hữu công nghiệp như Thỏa ước Madrid và Hiệp định TRIPs. Vì vậy, pháp luật Việt Nam quy định trong trường hợp đã nộp đơn đầu tiên tại Việt Nam hoặc các quốc gia là thành viên của Công ước Paris về sở hữu công nghiệp, Công ước PCT về bảo hộ sáng chế thì người nộp đơn đầu tiên có quyền được hưởng quyền ưu tiên cho đối tượng đã được nộp trong đơn đầu tiên trong thời hạn nhất định.
Có thể hiểu, trong trường hợp một chủ thể đã nộp đơn đầu tiên tại Việt Nam hoặc tại các quốc gia là thành viên của Công ước Paris về sở hữu công nghiệp, Công ước PCT về bảo hộ sáng chế thì người nộp đơn có quyền yêu cầu hưởng quyền ưu tiên cho đối tượng đã được nộp trong đơn đầu tiên trong thời hạn nhất định (theo công ước Paris, thời hạn hưởng quyền ưu tiên đối với sáng chế là 12 tháng tính từ ngày nộp đơn đơn đầu tiên và 6 tháng đối với kiểu dáng công nghiệp và nhãn hiệu).
Ví dụ: A nộp đơn đăng ký nhãn hiệu X tại Pháp vào 1/1/2019. (Pháp và Việt Nam là thành viên Công ước Paris)
B nộp đơn đăng ký nhãn hiệu X y hệt tại Việt Nam vào 14/3/2019. Đến 20/3/2019, A nộp đơn tại Việt Nam.
Như vậy, trong trường hợp này, Cục Sở hữu trí tuệ sẽ cấp văn bằng cho A, vì A nộp đơn tại Việt Nam muộn hơn nhưng có ngày ưu tiên sớm hơn ngày nộp đơn của B.
Vai trò của nguyên tắc nộp đơn đầu tiên
Nguyên tắc này như một công cụ tạo nên sức bật thúc đẩy việc nộp đơn được tiến hành nhanh chóng và hiệu quả. Đồng nghĩa với việc đẩy mạnh các hoạt động nghiên cứu, sáng tạo. Ngoài ra, nguyên tắc còn giúp nâng cao ý thức của chủ thể nắm giữ các đối tượng sở hữu công nghiệp để bảo vệ tốt hơn quyền của mình, tránh trường hợp bị người khác đánh cắp ý tưởng hay do chậm trễ mà ý tưởng thuộc về người khác. Với nguyên tắc nộp đơn đầu tiên thì cơ quan nhà nước bớt khó khăn trong việc quyết định chủ thể nào được cấp văn bằng và cũng ít nảy sinh tranh chấp hơn.
Ưu điểm và nhược điểm
Về ưu điểm
– Hạn chế các tranh chấp xảy ra và công tác quản lý của cơ quan nhà nước có thẩm quyền sẽ trở nên dễ dàng hơn rất nhiều. Khi áp dụng nguyên tắc này, cơ quan quản lý không cần phải xác định ai là người đầu tiên phát minh ra sáng chế, thiết kế kiểu dáng công nghiệp, sử dụng nhãn hiệu mà chỉ cần xác định người nộp đơn đăng ký bảo hộ đầu tiên, và người này được ưu tiên cấp văn bằng bảo hộ.
– Việc xác định ai là người phát minh hay sử dụng đầu tiên trong thực tế có nhiều trường sẽ vô cùng khó khăn, do đó nếu áp dụng nguyên tắc nộp đơn đầu tiên thì công tác quản lý sẽ trở nên đơn giản, dễ dàng hơn rất nhiều, và những tranh chấp về việc ai là người phát minh hay sử dụng đầu tiên sẽ hạn chế xảy ra.
Tuy nhiên, nguyên tắc nộp đơn đầu tiên cũng có một số hạn chế nhất định
– Việc chỉ công nhận người nộp đơn đầu tiên mới được bảo hộ sẽ làm xảy ra trên thực tế đã có người phát minh hoặc sử dụng trước sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, nhãn hiệu trước nhưng do không đăng ký hoặc đăng ký chậm nên không được bảo hộ, điều này là không công bằng với họ.
– Ngoài ra, việc áp dụng nguyên tắc này chỉ giúp cho việc quản lý của cơ quan nhà nước dễ dàng hơn, nguyên tắc này chỉ đem lại lợi ích về mặt quản lý cho các cơ quan này chứ không đem lại sự công bằng cho những người phát minh, sáng tạo đầu tiên.
Trên đây là nội dung Nguyên tắc nộp đơn đầu tiên để bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp Lawkey gửi đến bạn đọc. Nếu có thắc mắc, vui lòng liên hệ Lawkey để được tư vấn.
Xem thêm: Nguyên tắc bảo hộ quyền tác giả
Tác giả và chủ sở hữu quyền tác giả theo quy định hiện nay
Tác giả và chủ sở hữu quyền tác giả là hai khái niệm đều được quy định tại Luật Sở hữu trí tuệ 2005. Vậy hai chủ [...]
Nhãn hiệu trùng với tên thương mại chưa sử dụng có trái pháp luật không?
Trường hợp yêu cầu hủy bỏ hiệu lực văn bằng bảo hộ đối với nhãn hiệu trùng với tên thương mại chưa đưa vào [...]