Nguyên tắc xử lý tài sản bảo đảm trong cầm cố, thế chấp
Trong cầm cố, thế chấp, bên nhận bảo đảm có quyền xử lý tài sản bảo đảm khi bên bảo đảm không thực hiện đúng nghĩa vụ đã cam kết. Vậy những trường hợp đó là gì? Nguyên tắc xử lý tài sản bảo đảm được quy định như thế nào? Cùng tìm hiểu qua bài viết này của Luật LawKey nhé.
Các trường hợp xử lý tài sản bảo đảm
– Đến hạn thực hiện nghĩa vụ được bảo đảm mà bên có nghĩa vụ không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ.
– Bên có nghĩa vụ phải thực hiện nghĩa vụ được bảo đảm trước thời hạn do vi phạm nghĩa vụ theo thoả thuận hoặc theo quy định của pháp luật.
– Pháp luật quy định tài sản bảo đảm phải được xử lý để bên bảo đảm thực hiện nghĩa vụ khác.
– Xử lý tài sản bảo đảm trong trường hợp bên bảo đảm bị phá sản
– Các trường hợp khác do các bên thoả thuận hoặc pháp luật quy định.
Nguyên tắc xử lý tài sản bảo đảm
– Trong trường hợp tài sản được dùng để bảo đảm thực hiện một nghĩa vụ thì việc xử lý tài sản đó được thực hiện theo thoả thuận của các bên; nếu không có thoả thuận thì tài sản được bán đấu giá theo quy định của pháp luật.
– Trong trường hợp tài sản được dùng để bảo đảm thực hiện nhiều nghĩa vụ thì việc xử lý tài sản đó được thực hiện theo thoả thuận của bên bảo đảm và các bên cùng nhận bảo đảm; nếu không có thoả thuận hoặc không thoả thuận được thì tài sản được bán đấu giá theo quy định của pháp luật.
– Việc xử lý tài sản bảo đảm phải được thực hiện một cách khách quan, công khai, minh bạch, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của các bên tham gia giao dịch bảo đảm, cá nhân, tổ chức có liên quan và phù hợp với các quy định của pháp luật.
– Người xử lý tài sản bảo đảm là bên nhận bảo đảm hoặc người được bên nhận bảo đảm ủy quyền, trừ trường hợp các bên tham gia giao dịch bảo đảm có thỏa thuận khác. Người xử lý tài sản căn cứ nội dung đã được thỏa thuận trong hợp đồng bảo đảm để tiến hành xử lý tài sản bảo đảm mà không cần phải có văn bản ủy quyền xử lý tài sản của bên bảo đảm.
– Việc xử lý tài sản bảo đảm để thu hồi nợ không phải là hoạt động kinh doanh tài sản của bên nhận bảo đảm.
– Trong trường hợp tài sản bảo đảm là quyền sử dụng đất, nhà ở thì tổ chức, cá nhân mua tài sản bảo đảm hoặc nhận chính tài sản bảo đảm để thay thế cho việc thực hiện nghĩa vụ của bên bảo đảm phải thuộc đối tượng được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất; trường hợp tổ chức, cá nhân không thuộc đối tượng được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất thì chỉ được hưởng giá trị quyền sử dụng đất, giá trị nhà ở.
Phương thức xử lý tài sản bảo đảm theo thoả thuận
– Bán tài sản bảo đảm.
– Bên nhận bảo đảm nhận chính tài sản bảo đảm để thay thế cho việc thực hiện nghĩa vụ của bên bảo đảm.
– Bên nhận bảo đảm nhận các khoản tiền hoặc tài sản khác từ người thứ ba trong trường hợp thế chấp quyền đòi nợ.
– Phương thức khác do các bên thoả thuận.
Thời hạn xử lý tài sản bảo đảm
Tài sản bảo đảm được xử lý trong thời hạn do các bên thoả thuận; nếu không có thoả thuận thì người xử lý tài sản có quyền quyết định về thời hạn xử lý, nhưng không được trước 07 ngày đối với động sản hoặc 15 ngày đối với bất động sản, kể từ ngày thông báo về việc xử lý tài sản bảo đảm, trừ trường hợp tài sản bảo đảm có nguy cơ bị mất giá trị hoặc giảm sút giá trị, quyền đòi nợ, giấy tờ có giá, thẻ tiết kiệm, vận đơn thì người xử lý tài sản có quyền xử lý ngay, đồng thời phải thông báo cho các bên nhận bảo đảm khác về việc xử lý tài sản đó.
Trên đây là nội dung bài viết Nguyên tắc xử lý tài sản bảo đảm trong cầm cố, thế chấp. Nếu có vướng mắc trong quá trình giải quyết liên hệ LawKey để được tư vấn, giải đáp nhanh nhất.
Xem thêm:
Phân biệt cầm cố và thế chấp theo quy định của pháp luật dân sự
Quy định về những vấn đề liên quan đến giao kết giao dịch bảo đảm
Thủ tục khám bệnh chữa bệnh của Người có Thẻ bảo hiểm y tế
Thủ tục khám bệnh chữa bệnh của Người có Thẻ bảo hiểm y tế Theo quy định tại Điều 28 Luật bảo hiểm xã hội [...]
Cách đọc ký tự trên thẻ BHYT để biết mức hưởng khi khám chữa bệnh
Các ký tự trên thẻ bảo hiểm y tế (BHYT) thể hiện đầy đủ thông tin về đối tượng tham gia, quyền lợi của người tham [...]