Những khoản tiền người lao động bị trừ trước khi nhận lương
Người lao động bị trừ những khoản tiền gì trước khi nhận lương? Những điều cần biết về tiền lương hàng tháng của người lao động hiện nay theo quy định.
Quy định về tiền lương hàng tháng của người lao động
Theo Điều 90 Bộ luật lao động năm 2012, tiền lương là khoản tiền mà người sử dụng lao động trả cho người lao động để thực hiện công việc theo thỏa thuận. Tiền lương gồm mức lương theo công việc hoặc chức danh, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác.
Trong đó:
– Mức lương theo công việc hoặc chức danh là mức lương trong thang lương, bảng lương do người sử dụng lao động xây dựng. Mức lương đối với công việc giản đơn nhất trong điều kiện lao động và thời giờ làm việc bình thường (không bao gồm khoản tiền trả thêm khi người lao động làm thêm giờ, làm việc vào ban đêm) không được thấp hơn mức lương tối thiểu vùng do Chính phủ quy định;
– Phụ cấp lương là khoản tiền bù đắp các yếu tố về điều kiện lao động, tính chất phức tạp của công việc, điều kiện sinh hoạt, mức độ thu hút lao động chưa được tính đến hoặc tính chưa đầy đủ trong mức lương theo công việc hoặc chức danh;
– Các khoản bổ sung khác là khoản tiền bổ sung ngoài mức lương, phụ cấp lương và có liên quan đến thực hiện công việc hoặc chức danh trong hợp đồng lao động, trừ tiền thưởng, tiền ăn giữa ca, các khoản hỗ trợ, trợ cấp của người sử dụng lao động không liên quan đến thực hiện công việc hoặc chức danh trong hợp đồng lao động.
Xem thêm: Cách tính tiền lương cho người lao động trong doanh nghiệp
Các khoản tiền bị trừ trước khi người lao động nhận lương hàng tháng
Người lao động (NLĐ) trước khi nhận lương hàng tháng thì người sử dụng lao động sẽ thực hiện khấu trừ tại nguồn trước khi chi trả 03 khoản sau:
Khoản tiền đóng các loại bảo hiểm
Theo khoản 1 Điều 186 Bộ luật Lao động năm 2012, người sử dụng lao động, người lao động phải tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm y tế bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp và được hưởng các chế độ theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế.
Do đó, hàng tháng người lao động sẽ phải trích từ tiền lương một số tiền nhất định để tham gia các khoản bảo hiểm này, cụ thể:
– Bảo hiểm xã hội: 8% mức tiền lương tháng vào quỹ hưu trí và tử tuất (theo khoản 1 Điều 85 Luật bảo hiểm xã hội năm 2014).
– Bảo hiểm y tế: 1,5% tiền lương
Theo Điều 7 Nghị định 146/2018/NĐ-CP, mức đóng bảo hiểm y tế hàng tháng là 4,5% tiền lương, trong đó, người sử dụng lao động đóng 2/3 (tương ứng 3%) và người lao động đóng 1/3 (tương ứng 1,5%) theo khoản 1 Điều 13 Luật bảo hiểm y tế 2008, sửa đổi, bổ sung 2014)
– Bảo hiểm thất nghiệp: 1% tiền lương (theo điểm a khoản 1 Điều 57 Luật Việc làm 2013).
Nộp thuế thu nhập cá nhân (nếu có)
Theo Điều 2 Luật Thuế thu nhập cá nhân 2007, sửa đổi, bổ sung 2012, Đối tượng phải nộp thuế thu nhập cá nhân là cá nhân cư trú có thu nhập chịu thuế phát sinh trong và ngoài lãnh thổ Việt Nam và cá nhân không cư trú có thu nhập chịu thuế phát sinh trong lãnh thổ Việt Nam
– Đối với cá nhân cư trú có ký hợp đồng lao động dưới 3 tháng có tổng mức trả thu nhập từ 2.000.000 đồng/lần trở lên: Khấu trừ 10% trên mức thu nhập.
– Đối với cá nhân cư trú có ký hợp đồng lao động từ 3 tháng trở lên: Tính theo biểu lũy tiến từng phần theo quy định, nếu đến mức phải khấu trừ thuế thì người sử dụng lao động sẽ khấu trừ tại nguồn trước khi chi trả.
– Đối với cá nhân không cư trú có thu nhập chịu thuế phát sinh tại Việt Nam được xác định bằng thu nhập chịu thuế từ tiền lương, tiền công nhân với thuế suất 20%.
Xem thêm: Cách tính thuế thu nhập cá nhân theo quy định mới nhất
Nộp đoàn phí Công đoàn nếu người lao động là đoàn viên
Mức nộp: 1% tiền lương (theo khoản 1 Điều 23 Quyết định 1908QĐ-TLĐ năm 2016)
Trên đây là nội dung bài viết Những khoản tiền người lao động bị trừ trước khi nhận lương, LawKey gửi tới bạn đọc, nếu có thắc mắc liên hệ LawKey để được giải đáp.
Mức trợ cấp, hỗ trợ đoàn viên công đoàn, người lao động bị ảnh hưởng do bão
Mức trợ cấp người lao động bị ảnh hưởng do bão sẽ thực hiện theo quy định tại Quyết định 4291/QĐ-TLĐ năm 2022. Hãy [...]
Muốn nghỉ việc phải báo trước bao nhiêu ngày?
Theo quy định pháp luật thì trường hợp người lao động muốn nghỉ việc phải báo trước bao nhiêu ngày? Hãy cùng LawKey tìm [...]