Những người bán hàng rong có phải nộp lệ phí môn bài
Những điều cần biết về trường hợp những người bán hàng rong có phải nộp lệ phí môn bài hay không theo quy định của pháp luật hiện hành.
Tóm tắt câu hỏi:
Chào luật sư, tôi bán hàng rong ở ngoài chợ. Hôm nay trên phường đi thu tiền lệ phí môn bài, tôi không nộp và đưa giấy sáng mai tôi phải lên phường. Như vậy thì tôi có phải nộp lệ phí môn bài không ? Nếu phải nộp thì mức nộp là bao nhiêu? Xin chân thành cảm ơn.
Luật sư tư vấn:
Công ty TNHH Tư vấn LawKey Việt Nam cảm ơn chị đã tin tưởng khi gửi câu hỏi đến LawKey. Với thắc mắc của chị, luật sư LawKey tư vấn như sau:
Cơ sở pháp lý:
– Nghị định 139/2016/NĐ-CP quy định về lệ phí môn bài
Lệ phí môn bài là loại thuế nộp 1 lần/năm ngay từ tháng đầu năm dương lịch theo bậc lệ phí môn bài và áp dụng đối với cơ sở đang hoạt động kinh doanh hoặc cơ sở mới thành lập (đã được cấp mã số thuế).
Xem thêm: Quy định về cấp và sử dụng mã số thuế cho doanh nghiệp
Thứ nhất, đối tượng phải đăng ký kinh doanh
Theo điểm a khoản 1 Điều 3 Nghị định 39/2007/NĐ-CP về hoạt động thương mại một cách thường xuyên mà không phải đăng ký kinh doanh, thì những người thực hiện các hoạt động mua, bán không có địa điểm cố định (mua rong, bán rong hoặc vừa mua rong vừa bán rong), bao gồm cả việc nhận sách báo, tạp chí, văn hóa phẩm của các thương nhân được phép kinh doanh các sản phẩm này theo quy định của pháp luật để bán rong thì không bắt buộc phải đăng ký kinh doanh.
Như vậy, anh/chị là những người bán hàng rong ngoài chợ nên không phải bắt buộc đăng ký kinh doanh. Tuy nhiên, anh/chị vẫn phải nộp lệ phí môn bài. Vì lệ phí môn bài đánh vào hoạt động kinh doanh và thu nhập của anh/chị chứ không đánh vào vốn đăng ký.
Thứ hai, đối tượng nộp lệ phí môn bài
Những đối tượng nộp lệ phí môn bài theo Điều 2 Nghị định 139/2016/NĐ-CP, bao gồm:
– Doanh nghiệp được thành lập theo quy định của pháp luật.
– Tổ chức được thành lập theo Luật hợp tác xã.
– Đơn vị sự nghiệp được thành lập theo quy định của pháp luật.
– Tổ chức kinh tế của tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội – nghề nghiệp, đơn vị vũ trang nhân dân.
– Tổ chức khác hoạt động sản xuất, kinh doanh.
– Chi nhánh, văn phòng đại diện và địa điểm kinh doanh của các tổ chức được quy định ở trên.
– Cá nhân, nhóm cá nhân, hộ gia đình hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Thứ ba, trường hợp được miễn lệ phí môn bài
Các trường hợp được miễn lệ phí môn bài theo quy định tại Điều 3 Nghị định 139/2016/NĐ-CP bao gồm:
– Cá nhân, nhóm cá nhân, hộ gia đình hoạt động sản xuất, kinh doanh có doanh thu hàng năm từ 100 triệu đồng trở xuống.
– Cá nhân, nhóm cá nhân, hộ gia đình hoạt động sản xuất, kinh doanh không thường xuyên; không có địa điểm cố định theo hướng dẫn của Bộ Tài chính.
– Cá nhân, nhóm cá nhân, hộ gia đình sản xuất muối.
– Tổ chức, cá nhân, nhóm cá nhân, hộ gia đình nuôi trồng, đánh bắt thủy, hải sản và dịch vụ hậu cần nghề cá.
– Điểm bưu điện văn hóa xã; cơ quan báo chí (báo in, báo nói, báo hình, báo điện tử).
– Chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh của hợp tác xã hoạt động dịch vụ kỹ thuật trực tiếp phục vụ sản xuất nông nghiệp.
– Quỹ tín dụng nhân dân xã; hợp tác xã chuyên kinh doanh dịch vụ phục vụ sản xuất nông nghiệp; chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh của hợp tác xã và của doanh nghiệp tư nhân kinh doanh tại địa bàn miền núi. Địa bàn miền núi được xác định theo quy định của Ủy ban Dân tộc.
Như vậy, cá nhân hoạt động sản xuất, kinh doanh có phải đóng lệ phí môn bài hay không còn tùy thuộc vào doanh thu; tính chất thường xuyên và địa điểm kinh doanh của anh/chị. Do anh/chị cung cấp thông tin chưa đầy đủ nên anh/chị cần căn cứ những quy định của pháp luật trên để xem mình có thuộc trường hợp được miễn đóng lệ phí môn bài hay không?
Thứ tư, mức đóng lệ phí môn bài
Nếu anh/chị không thuộc trường hợp được miễn lệ phí môn bài thì mức đóng lệ phí môn bài theo quy định tại khoản 2 và 5 điều 4 Nghị định 139/2016/NĐ-CP như sau:
“2. Mức thu lệ phí môn bài đối với cá nhân, hộ gia đình hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ như sau:
a) Cá nhân, nhóm cá nhân, hộ gia đình có doanh thu trên 500 triệu đồng/năm: 1.000.000 đồng/năm;
b) Cá nhân, nhóm cá nhân, hộ gia đình có doanh thu trên 300 đến 500 triệu đồng/năm: 500.000 đồng/năm;
c) Cá nhân, nhóm cá nhân, hộ gia đình có doanh thu trên 100 đến 300 triệu đồng/năm: 300.000 đồng/năm.
5. Cá nhân, nhóm cá nhân, hộ gia đình quy định tại khoản 2 Điều này có thay đổi doanh thu thì căn cứ để xác định mức thu lệ phí môn bài là doanh thu của năm trước liền kề năm tính lệ phí môn bài.”
Như vậy, tùy vào doanh thu từ hoạt động sản xuất, kinh doanh để xác định mức đóng lệ phí môn bài trong trường hợp của anh/chị.
Trên đây là bài tư vấn của chúng tôi về “Những người bán hàng rong có phải nộp lệ phí môn bài” gửi đến bạn đọc. Nếu còn bất kỳ thắc mắc nào, bạn hãy liên hệ với chúng tôi để được hỗ trợ giải đáp.
Có được tố cáo nặc danh không? Tố cáo nặc danh quy định thế nào?
Có được tố cáo nặc danh không? Tố cáo nặc danh được pháp luật quy định như thế nào? Luật tố cáo 2018 quy định thế [...]
Những người bán hàng rong có phải nộp lệ phí môn bài
Những điều cần biết về trường hợp những người bán hàng rong có phải nộp lệ phí môn bài hay không theo quy định của [...]