Những quy định cần lưu ý về tai nạn lao động
Những quy định cần lưu ý về tai nạn lao động
Mỗi một công việc tiềm tàng những rủi ro mà không báo trước, dù không mong muốn nhưng tai nạn lao động có thể xảy ra và người lao động có thể gặp nguy hiểm bất cứ lúc nào. Tuy nhiên, thực tế có nhiều tranh cãi về việc xác định thế nào được coi là tai nạn lao động, từ đó sinh ra nhiều rắc rối về quyền, nghĩa vụ giữa các bên. Trong bài viết này, Lawkey gửi đến bạn đọc Những quy định cần lưu ý về tai nạn lao động.
1. Hình thức của tai nạn lao động:
Theo quy định tại khoản 1 Điều 142 Bộ luật lao động 2012, tai nạn lao động được xác định là tất cả các loại tai nạn gây tổn thương cho bất kỳ bộ phận, chức năng nào của cơ thể hoặc gây tử vong cho người lao động.
Cần phân biệt rõ giữa cấp độ do tai nạn lao động gây ra (từ tổn thương đến tử vong) với việc bảo đảm chế độ cho người bị tai nạn lao động. Một người bị tai nạn lao động, có thể bị tổn thương cơ thể nhưng chưa chắc đã được hưởng chế độ điều trị theo quy định, bởi vì cấp độ/ mức độ tổn thương không lớn. Mặt khác, cần lưu ý trường hợp nhìn bề ngoài không thấy tổn thương nhưng thực chất đó là tai nạn lao động (trường hợp bị ngạt khói hoặc bị ngộ độc cấp dẫn đến tử vong)
2. Phạm vi của tai nạn lao động
Tai nạn lao động có phạm vi rộng, không chỉ giới hạn ở bên trong “biên giới” của doanh nghiệp. Cần phải xác định rõ tai nạn đó xảy ra ở đâu (địa điểm nào), người lao động bị nai nạn khi thực hiện nghĩa vụ lao động hoặc nhiệm vụ mà người sử dụng lao động yêu cầu hoặc giao cho hay không. Nếu đáp ứng được yếu tố “trong quá trình lao động, gắn liền với việc thực hiện công việc, nhiệm vụ lao động” thì đó được xác định là tai nạn lao động. Ví dụ, bị tai nạn trong khi di chuyển từ nhà đến đơn vị sử dụng lao động và ngược lại (trên đoạn đường cần thiết); trên đường di chuyển từ doanh nghiệp đến địa điểm công tác; thực hiện nhiệm vụ hoàn toàn mới do người sử dụng lao động giao (chẳng hạn như trong khi đi thực hiện việc làm từ thiện của doanh nghiệp mà bị tai nạn).
3. Đối tượng của tai nạn lao động
Theo khoản 1 Điều 142, tai nạn lao động áp dụng đối với cả người học nghề, tập nghề và thử việc. Như vậy, việc xác định tai nạn lao động không phải chỉ hạn chế đối với người lao động có quan hệ lao động chính thức mà còn áp dụng đối với cả những người chưa có quan hệ lao động có hợp đồng lao động chính thức, có thể mới bắt đầu thực hiện công việc.
Căn cứ vào 3 nội dung trên, người lao động lẫn người sử dụng lao động có thể xác định được tai nạn lao động một cách dễ dàng. Khi có tai nạn lao động xảy ra, người bị tai nạn lao động phải được cấp cứu kịp thời và điều trị chu đáo (theo khoản 2 Điều 142 Bộ luật lao động 2012). Đây vừa là hành động theo quy chuẩn đạo đức “cứu giúp người bị nạn”, vừa được quy định trong luật, đủ để thấy tính cấp thiết của vấn đề cũng như việc Nhà nước quan tâm, bảo vệ quyền lợi của người lao động như thế nào. Khi có tai nạn xảy ra, người lao động cần có sự trợ giúp cấp cứu tại chỗ của mọi người xung quanh, hoặc liên hệ với lực lượng cấp cứu để có thể cấp cứu và điều trị kịp, xử lý kịp thời đối với tai nạn của người lao động.
Cũng tại điều 142, theo quy định tại khoản 3 thì các vụ tai nạn lao động đều phải được khai báo, điều tra, lập biên bản, thống kê và báo cáo định kỳ theo quy định của Chính phủ, nhằm tránh việc che giấu, khai báo gian dối lẩn tránh trách nhiệm, xâm hại quyền lợi của người lao động. Cụ thể, việc khai báo, điều tra, thống kê, báo cáo tai nạn lao động được quy định như sau (theo khoản 1 Điều 13 Nghị định 45/2013/NĐ-CP):
– Khi biết tin xảy ra tai nạn lao động chết người hoặc làm bị thương nặng từ 02 người lao động trở lên, người sử dụng lao động của cơ sở xảy ra tai nạn phải khai báo theo quy định tại Điểm b Khoản 1 Điều 34 Luật An toàn, vệ sinh lao động như sau:
Khai báo bằng cách nhanh nhất (trực tiếp hoặc điện thoại, fax, công điện, thư điện tử) với Thanh tra Sở Lao động – Thương binh và Xã hội, nơi xảy ra tai nạn; trường hợp tai nạn làm chết người đồng thời báo ngay cho cơ quan Công an huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi tắt là Công an cấp huyện);
– Khi biết tin xảy ra tai nạn lao động chết người hoặc làm bị thương nặng từ 02 người lao động trở lên trong các lĩnh vực phóng xạ, thăm dò, khai thác dầu khí, các phương tiện vận tải đường sắt, đường thủy, đường bộ, đường hàng không và các đơn vị thuộc lực lượng vũ trang nhân dân theo quy định tại Điểm c Khoản 1 Điều 34 Luật An toàn, vệ sinh lao động, ngoài việc thực hiện khai báo theo quy định của luật chuyên ngành, người sử dụng lao động của cơ sở để xảy ra tai nạn phải khai báo như sau:
Khai báo bằng cách nhanh nhất (trực tiếp hoặc điện thoại, fax, công điện, thư điện tử) với Thanh tra Sở Lao động – Thương binh và Xã hội, nơi xảy ra tai nạn và với Bộ quản lý ngành lĩnh vực đó theo thẩm quyền quy định tại Khoản 2 Điều 21 Nghị định này, trừ trường hợp luật chuyên ngành có quy định khác; trường hợp tai nạn làm chết người thì phải đồng thời báo ngay cho Công an cấp huyện
– Khi xảy ra tai nạn lao động đối với người lao động làm việc không theo hợp đồng lao động, thì việc khai báo theo quy định tại Điểm d Khoản 1 Điều 34 Luật An toàn, vệ sinh lao động được thực hiện như sau:
Ngay sau khi biết sự việc người lao động bị chết hoặc bị thương nặng do tai nạn lao động, gia đình nạn nhân hoặc người phát hiện có trách nhiệm khai báo ngay với Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn (sau đây gọi tắt là Ủy ban nhân dân cấp xã) nơi xảy ra tai nạn lao động;
Khi nhận được tin xảy ra tai nạn lao động làm chết người hoặc làm bị thương nặng từ 02 người lao động trở lên, Ủy ban nhân dân cấp xã, nơi xảy ra tai nạn phải báo bằng cách nhanh nhất (trực tiếp hoặc điện thoại, fax, công điện, thư điện tử) với Thanh tra Sở Lao động – Thương binh và Xã hội và Công an cấp huyện
Trên đây là nội dung Những quy định cần lưu ý về tai nạn lao động LawKey gửi đến bạn đọc.
Đối tượng được hưởng trợ cấp mai táng từ ngày 01/7/2025
Đối tượng được hưởng trợ cấp mai táng từ ngày 01/7/2025 quy định tại Luật Bảo hiểm xã hội 2024. Hãy cùng LawKey tìm [...]
Bố đẻ mất trong thời gian nghỉ thai sản có được nghỉ bù không?
Bố đẻ mất trong thời gian người lao động nữ nghỉ thai sản thì sau thời gian nghỉ thai sản có được nghỉ bù việc riêng [...]