Những vấn đề liên quan đến việc hủy khoanh nợ tiền thuế
Những vấn đề liên quan đến việc hủy khoanh nợ tiền thuế như các trường hợp hủy khoanh nợ tiền thuế, hồ sơ, trình tự, thủ tục hủy khoanh nợ tiền thuế được quy định như sau:
Các trường hợp hủy khoanh nợ tiền thuế
Các trường hợp hủy khoanh nợ tiền thuế được quy định tại Điều 18 Thông tư 69/2020/TT-BTC. Cụ thể như sau:
– Người nộp thuế đã được khoanh nợ nhưng cơ quan có thẩm quyền, cơ quan quản lý thuế phát hiện việc khoanh nợ không đúng theo quy định tại Nghị quyết số 94/2019/QH14.
– Người nộp thuế đã được khoanh nợ mà quay lại sản xuất, kinh doanh.
– Cá nhân, cá nhân kinh doanh hoặc người đại diện hộ gia đình, chủ hộ kinh doanh, chủ doanh nghiệp tư nhân, chủ công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do cá nhân làm chủ sở hữu của người nộp thuế đã được khoanh nợ thành lập doanh nghiệp hoặc cơ sở sản xuất, kinh doanh mới.
Hồ sơ hủy khoanh nợ tiền thuế
Hồ sơ hủy khoanh nợ tiền thuế đối với từng trường hợp cụ thể như sau:
Đối với người nộp thuế đã được khoanh nợ nhưng cơ quan có thẩm quyền, cơ quan quản lý thuế phát hiện việc khoanh nợ không đúng quy định
– Quyết định khoanh nợ đã ban hành;
– Quyết định hoặc kết luận của cơ quan có thẩm quyền, cơ quan quản lý thuế về việc khoanh nợ không đúng quy định.
Đối với người nộp thuế đã được khoanh nợ mà quay lại sản xuất, kinh doanh
– Quyết định khoanh nợ đã ban hành;
– Thông báo bằng văn bản của cơ quan đăng ký kinh doanh hoặc cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép thành lập và hoạt động hoặc cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép hành nghề hoặc biên bản xác nhận với chính quyền địa phương về việc người nộp thuế đã được khoanh nợ quay lại sản xuất kinh doanh.
Đối với người nộp thuế thành lập doanh nghiệp hoặc cơ sở sản xuất, kinh doanh mới
– Quyết định khoanh nợ đã ban hành;
– Thông báo bằng văn bản của cơ quan đăng ký kinh doanh, cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép thành lập và hoạt động, cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép hành nghề hoặc bản sao giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, giấy chứng nhận đăng ký hợp tác xã, giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh, giấy phép thành lập và hoạt động, giấy phép hành nghề chứng minh về việc thành lập doanh nghiệp hoặc cơ sở sản xuất, kinh doanh mới của cá nhân, cá nhân kinh doanh hoặc người đại diện hộ gia đình, chủ hộ kinh doanh, chủ doanh nghiệp tư nhân, chủ công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do cá nhân làm chủ sở hữu của người nộp thuế đã được khoanh nợ.
Trình tự, thủ tục hủy khoanh nợ tiền thuế
1. Bộ phận quản lý nợ hoặc bộ phận được phân công xử lý nợ chủ trì, phối hợp với các bộ phận có liên quan lập đầy đủ hồ sơ hủy khoanh nợ
Bộ phận quản lý nợ hoặc bộ phận được giao nhiệm vụ xử lý nợ thuộc cơ quan quản lý thuế nơi người nộp thuế nợ tiền thuế lập văn bản đề nghị hủy khoanh nợ, dự thảo Quyết định hủy khoanh nợ theo mẫu số 01/QĐHKN-1 hoặc mẫu số 01/QĐHKN-2 (ban hành kèm theo Thông tư 69/2020/TT-BTC), trình thủ trưởng cơ quan quản lý thuế nơi người nộp thuế nợ tiền thuế, trong đó nêu rõ lý do, căn cứ đề nghị hủy khoanh nợ.
Trong thời gian 03 (ba) ngày làm việc kể từ ngày nhận được tờ trình và hồ sơ đề nghị hủy khoanh nợ, thủ trưởng cơ quan quản lý thuế nơi người nộp thuế nợ tiền thuế xem xét ban hành Quyết định hủy khoanh nợ.
2. Chậm nhất là 05 ngày làm việc kể từ ngày ban hành, cơ quan quản lý thuế thực hiện đăng tải Quyết định hủy khoanh nợ trên trang thông tin điện tử
Trường hợp khoanh nợ thuộc thẩm quyền của cơ quan quản lý thuế nơi người nộp thuế nợ tiền thuế thì Quyết định hủy khoanh nợ được đăng tải trên trang thông tin điện tử của Cục Thuế hoặc Cục Hải quan, Tổng cục Hải quan.
3. Cơ quan quản lý thuế nơi người nộp thuế nợ tiền thuế gửi Quyết định hủy khoanh nợ cho cơ quan đăng ký kinh doanh hoặc cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép thành lập và hoạt động hoặc cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép hành nghề trên địa bàn và cơ quan quản lý thuế quản lý chi nhánh, đơn vị trực thuộc, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh.
4. Bộ phận quản lý nợ hoặc bộ phận được phân công xử lý nợ thuộc cơ quan quản lý thuế nơi người nộp thuế nợ tiền thuế nhập Quyết định hủy khoanh nợ vào ứng dụng quản lý thuế trong thời gian 05 ngày làm việc kể từ ngày Quyết định hủy khoanh nợ được ban hành.
5. Cơ quan quản lý thuế nơi người nộp thuế nợ tiền thuế có trách nhiệm thực hiện tính tiền chậm nộp theo quy định của Luật Quản lý thuế và thu vào ngân sách nhà nước khoản nợ đã được khoanh nợ.
Trên đây là nội dung bài viết Những vấn đề liên quan đến việc hủy khoanh nợ tiền thuế. Nếu có vướng mắc trong quá trình giải quyết liên hệ LawKey để được tư vấn, giải đáp nhanh nhất.
Xem thêm:
Quy định về chiết khấu thanh toán
Chiết khấu thanh toán là khoản tiền người bán giảm trừ cho người mua, do người mua thanh toán tiền mua hàng trước thời [...]
Những nội dung bắt buộc phải ghi trên hóa đơn
Trên hóa đơn, có những nội dung bắt buộc và không bắt buộc. Có những chỉ tiêu bắt buộc phải có, phải ghi đúng quy định. [...]