Nợ xấu có làm thẻ tín dụng được không?
Theo quy định pháp luật thì trường hợp công dân có nợ xấu có làm thẻ tín dụng được không? Hãy cùng LawKey tìm hiểu qua bài viết dưới đây.
Thẻ tín dụng là gì?
Theo quy định tại Thông tư 19/2016/TT-NHNN thì có thể hiểu thẻ tín dụng (credit card) là thẻ cho phép chủ thẻ thực hiện giao dịch thẻ trong phạm vi hạn mức tín dụng đã được cấp theo thỏa thuận với tổ chức phát hành thẻ.
Đối tượng được sử dụng thẻ tín dụng
(1) Đối với cá nhân:
- Người từ đủ 18 tuổi trở lên có năng lực hành vi dân sự đầy đủ theo quy định của pháp luật được sử dụng thẻ tín dụng;
- Người từ đủ 15 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi không bị mất hoặc hạn chế năng lực hành vi dân sự được sử dụng thẻ tín dụng.
(2) Đối với tổ chức:
- Tổ chức là pháp nhân được thành lập và hoạt động hợp pháp theo quy định của pháp luật Việt Nam được sử dụng thẻ tín dụng.
- Chủ thẻ là tổ chức được ủy quyền bằng văn bản cho cá nhân sử dụng thẻ của tổ chức đó hoặc cho phép cá nhân sử dụng thẻ phụ theo quy định.
(3) Đối với chủ thẻ phụ:Chủ thẻ phụ được sử dụng thẻ theo chỉ định cụ thể của chủ thẻ chính nhưng chỉ trong phạm vi quy định sau đây:
Người từ đủ 18 tuổi trở lên có năng lực hành vi dân sự đầy đủ theo quy định của pháp luật được sử dụng thẻ tín dụng;
Người từ đủ 15 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi không bị mất hoặc hạn chế năng lực hành vi dân sự được sử dụng thẻ tín dụng;
Lưu ý: Trường hợp đối tượng được sử dụng thẻ nêu tại điểm (1) và điểm (3) nêu trên là người nước ngoài thì phải được phép cư trú tại Việt Nam với thời hạn từ 12 tháng trở lên.
Căn cứ: Điều 16 Thông tư 19/2016/TT-NHNN; Khoản 7 Điều 1 Thông tư 26/2017/TT-NHNN; Khoản 5 Điều 1 Thông tư 28/2019/TT-NHNN; Khoản 8 Điều 1 Thông tư 17/2021/TT-NHNN
Nợ xấu có làm thẻ tín dụng được không?
Theo quy định tại Điều 10 Thông tư 19/2016/TT-NHNN thì việc phát hành thẻ tín dụng cho khách hàng được thực hiện theo thỏa thuận giữa tổ chức phát hành thẻ với khách hàng.
Thỏa thuận về việc phát hành và sử dụng thẻ phải được lập thành hợp đồng phát hành và sử dụng thẻ phù hợp quy định tại Thông tư 19/2016/TT-NHNN và các quy định khác của pháp luật có liên quan. Nội dung của hợp đồng phát hành và sử dụng thẻ phải bao gồm các nội dung tối thiểu sau:
Số hợp đồng;
Thời Điểm (ngày, tháng, năm) lập hợp đồng;
Tên tổ chức phát hành thẻ, tên chủ thẻ; họ tên cá nhân được chủ thẻ ủy quyền sử dụng thẻ tổ chức đối với thẻ của tổ chức;
Các nội dung về quyền và nghĩa vụ của các bên;
Quy định về phí (các loại phí, các thay đổi về phí);
Việc cung cấp thông tin của tổ chức phát hành thẻ cho chủ thẻ về số dư tài Khoản, lịch sử giao dịch thẻ và các thông tin cần thiết khác;
Thỏa thuận về việc cấp tín dụng cho chủ thẻ, bao gồm: Các hạn mức và sự thay đổi hạn mức sử dụng thẻ, bao gồm cả hạn mức thấu chi (đối với thẻ ghi nợ) và hạn mức tín dụng; lãi suất, phương thức tính lãi tiền vay, thứ tự thu hồi nợ gốc và lãi tiền vay (đối với thẻ tín dụng và thẻ ghi nợ được thấu chi); thời hạn cấp tín dụng, mục đích vay, thời hạn trả nợ, mức trả nợ tối thiểu, phương thức trả nợ, phí phạt khoản nợ quá hạn (nếu có). Thỏa thuận về việc cấp tín dụng cho chủ thẻ có thể được nêu trong hợp đồng phát hành và sử dụng thẻ hoặc tại văn bản thỏa thuận riêng;
Phạm vi sử dụng thẻ;
Các trường hợp từ chối thanh toán thẻ;
Các trường hợp tạm khóa, thu giữ thẻ hoặc hủy hiệu lực của thẻ trong quá trình sử dụng;
Các trường hợp hoàn trả lại số tiền trên thẻ chưa sử dụng hết;
Việc thực hiện các biện pháp đảm bảo an toàn, bảo mật trong sử dụng thẻ và trường hợp mất thẻ hoặc lộ thông tin thẻ;
Phương thức tiếp nhận đề nghị tra soát, khiếu nại; thời hạn xử lý đề nghị tra soát, khiếu nại và việc xử lý kết quả tra soát, khiếu nại theo quy định tại Điều 20 Thông tư 19/2016/TT-NHNN;
Các trường hợp bất khả kháng.
Bên cạnh đó, trước khi ký hợp đồng phát hành và sử dụng thẻ với khách hàng, tổ chức phát hành thẻ yêu cầu chủ thẻ cung cấp đầy đủ các thông tin, giấy tờ cần thiết nhằm nhận biết khách hàng theo quy định của pháp luật. Trường hợp phát hành thẻ cho người nước ngoài, tổ chức phát hành thẻ yêu cầu khách hàng cung cấp các giấy tờ cần thiết để xác minh thời hạn cư trú tại Việt Nam gồm: hộ chiếu, thị thực, giấy chứng nhận tạm trú, thẻ tạm trú, thẻ thường trú, hợp đồng lao động, quyết định trúng tuyển, hoặc các giấy tờ khác chứng minh thời hạn cư trú tại Việt Nam.
Như vậy, có thể thấy pháp luật hiện hành không quy định cụ thể điều kiện được làm thẻ tín dụng cũng như việc tổ chức, cá nhân có nợ xấu có làm được thẻ tín dụng hay không. Việc mở thẻ tín dụng phụ thuộc thỏa thuận giữa tổ chức phát hành thẻ với khách hàng. Đồng nghĩa, việc tổ chức, cá nhân có nợ xấu có làm được thẻ tín dụng phụ thuộc vào thỏa thuận giữa hai bên và quy định nội bộ của tổ chức phát hành thẻ tín dụng.
>>Xem thêm: Tổ chức tín dụng là hợp tác xã là gì?
Rủi ro pháp lý khi đứng tên công ty hộ người khác trên giấy tờ
Đứng tên công ty hộ người khác trên giấy tờ là gì? Rủi ro pháp lý khi đứng tên công ty hộ người khác trên giấy tờ [...]
Thủ tục làm giấy đăng ký kết hôn
Làm giấy đăng ký kết hôn cần những giấy tờ gì và thủ tục như thế nào? Hãy cùng LawKey tìm hiểu qua bài viết dưới [...]