Nội dung quy định nội bộ về quản trị rủi ro của doanh nghiệp bảo hiểm
Các quy định nội bộ về quản trị rủi ro của doanh nghiệp bảo hiểm chứa đựng những nội dung gì? Hãy cùng LawKey tìm hiểu qua bài viết dưới đây.
Doanh nghiệp bảo hiểm là doanh nghiệp gì?
Doanh nghiệp bảo hiểm là doanh nghiệp được thành lập, tổ chức và hoạt động theo quy định Luật Kinh doanh bảo hiểm 2022 và luật khác có liên quan để kinh doanh bảo hiểm, kinh doanh tái bảo hiểm, nhượng tái bảo hiểm.
Doanh nghiệp bảo hiểm bao gồm doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ, doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ, doanh nghiệp bảo hiểm sức khỏe.
(Khoản 17 Điều 4 Luật Kinh doanh bảo hiểm 2022)
Các nội dung trong quy định nội bộ về quản trị rủi ro của doanh nghiệp bảo hiểm
Theo khoản 2 Điều 5 Thông tư 70/2022/TT-BTC, các quy định nội bộ về quản trị rủi ro bao gồm các nội dung sau:
(1) Chức năng nhiệm vụ, cơ chế phân cấp, thẩm quyền quyết định và trách nhiệm của cá nhân, bộ phận trong hoạt động quản trị rủi ro của doanh nghiệp bảo hiểm;
(2) Quy trình xác định, đo lường, theo dõi, giám sát rủi ro liên quan đến các rủi ro trọng yếu; báo cáo trao đổi thông tin, phản hồi về các thay đổi rủi ro và xử lý rủi ro;
(3) Các hạn mức rủi ro cụ thể đối với từng loại rủi ro trọng yếu và các rủi ro có liên quan, mối tương quan giữa các rủi ro đó.
Các hạn mức rủi ro phải bảo đảm tuân thủ khẩu vị rủi ro và quy định nội bộ về quản trị rủi ro; được đánh giá lại định kỳ tối thiểu một năm một lần và đột xuất khi có thay đổi lớn ảnh hưởng đến rủi ro trong hoạt động của doanh nghiệp bảo hiểm;
(4) Các biện pháp kiểm soát rủi ro phát sinh từ hoạt động kinh doanh và kiểm soát các cá nhân, bộ phận tham gia vào các hoạt động đó.
(5) Kiểm tra sức chịu đựng đáp ứng quy định tại Điều 7 Thông tư 70/2022/TT-BTC.
(6) Kế hoạch dự phòng cho các tình huống khẩn cấp xảy ra nhằm bảo đảm tính liên tục trong hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp bảo hiểm.
Kế hoạch này phải được Hội đồng quản trị, Hội đồng thành viên của doanh nghiệp bảo hiểm thông qua;
(7) Cơ chế báo cáo nội bộ về quản trị rủi ro.
Quyền và nghĩa vụ của doanh nghiệp bảo hiểm
Quyền và nghĩa vụ của doanh nghiệp bảo hiểm được quy định như sau:
Quyền của doanh nghiệp bảo hiểm
Doanh nghiệp bảo hiểm có các quyền sau đây:
- Thu phí bảo hiểm theo thoả thuận trong hợp đồng bảo hiểm;
- Yêu cầu bên mua bảo hiểm cung cấp đầy đủ, trung thực mọi thông tin có liên quan đến việc giao kết và thực hiện hợp đồng bảo hiểm;
- Hủy bỏ hợp đồng bảo hiểm quy định tại khoản 2 Điều 22 hoặc đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng bảo hiểm quy định tại Điều 26 Luật Kinh doanh bảo hiểm 2022;
- Từ chối bồi thường, trả tiền bảo hiểm trong trường hợp không thuộc phạm vi trách nhiệm bảo hiểm hoặc trường hợp loại trừ trách nhiệm bảo hiểm theo thoả thuận trong hợp đồng bảo hiểm;
- Yêu cầu bên mua bảo hiểm áp dụng các biện pháp đề phòng, hạn chế tổn thất theo quy định Luật Kinh doanh bảo hiểm 2022 và quy định khác của pháp luật có liên quan;
- Yêu cầu người thứ ba bồi hoàn số tiền mà doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài đã bồi thường cho người được bảo hiểm đối với thiệt hại về tài sản; lợi ích kinh tế hoặc nghĩa vụ thực hiện hợp đồng hoặc nghĩa vụ theo pháp luật; trách nhiệm dân sự do người thứ ba gây ra;
- Quyền khác theo quy định của pháp luật.
(Khoản 1 Điều 20 Luật Kinh doanh bảo hiểm 2022)
Nghĩa vụ của doanh nghiệp bảo hiểm
Theo khoản 2 Điều 20 Luật Kinh doanh bảo hiểm 2022, doanh nghiệp bảo hiểm có các nghĩa vụ sau đây:
Cung cấp cho bên mua bảo hiểm bản yêu cầu bảo hiểm, bảng câu hỏi liên quan đến rủi ro được bảo hiểm, đối tượng bảo hiểm, quy tắc, điều kiện, điều khoản bảo hiểm;
Giải thích rõ ràng, đầy đủ cho bên mua bảo hiểm về quyền lợi bảo hiểm, điều khoản loại trừ trách nhiệm bảo hiểm, quyền và nghĩa vụ của bên mua bảo hiểm khi giao kết hợp đồng bảo hiểm;
Cung cấp cho bên mua bảo hiểm bằng chứng giao kết hợp đồng bảo hiểm quy định tại Điều 18 Luật Kinh doanh bảo hiểm 2022;
Cấp hóa đơn thu phí bảo hiểm cho bên mua bảo hiểm theo thỏa thuận trong hợp đồng bảo hiểm và quy định của pháp luật có liên quan;
Bồi thường, trả tiền bảo hiểm khi xảy ra sự kiện bảo hiểm;
Giải thích bằng văn bản lý do từ chối bồi thường, trả tiền bảo hiểm;
Phối hợp với bên mua bảo hiểm để giải quyết yêu cầu của người thứ ba đòi bồi thường về những thiệt hại thuộc trách nhiệm bảo hiểm khi xảy ra sự kiện bảo hiểm;
Lưu trữ hồ sơ hợp đồng bảo hiểm theo quy định của pháp luật;
Bảo mật thông tin do bên mua bảo hiểm, người được bảo hiểm cung cấp, trừ trường hợp theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền hoặc được sự đồng ý của bên mua bảo hiểm, người được bảo hiểm;
Nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật.
>>Xem thêm: Doanh nghiệp môi giới bảo hiểm là gì?
Trên đây là bài viết về: Nội dung quy định nội bộ về quản trị rủi ro của doanh nghiệp bảo hiểm. Nếu còn vấn đề gì thắc mắc, vui lòng liên hệ LawKey hoặc có thể sử dụng dịch vụ Luật sư tư vấn của chúng tôi.
Thủ tục đăng ký hoạt động trở lại trước hạn tạm ngừng của Công ty cổ phần
Thủ tục đăng ký hoạt động trở lại trước hạn tạm ngừng của Công ty cổ phần 1. Khái quát quy định về Thủ tục đăng [...]
Doanh nghiệp tư nhân huy động vốn theo Luật doanh nghiệp
Huy động vốn là một hoạt động nhằm làm tăng số vốn của doanh nghiệp nhằm phục vụ cho nhu cầu hoạt động kinh doanh [...]