Xử phạt cá nhân có hành vi nói xấu gia đình trên mạng xã hội
Hiện nay, việc nói xấu gia đình, thầy cô trên mạng xã hội xảy ra phổ biến. Đối tượng chủ yếu là học sinh, sinh viên vẫn đang trong độ tuổi đi học. Về mặt pháp luật, việc nói xấu gia đình trên mạng xã hội sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính và áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả kèm theo.
Tại sao nói xấu gia đình trên mạng xã hội lại bị nhà nước xử phạt?
Mỗi cá nhân, mỗi gia đình đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển xã hội, văn hóa của đất nước. Ngày 21 tháng 11 năm 2007, Luật Phòng, chống bạo lực gia đình đã có hiệu lực. Theo đó, Luật đưa ra các quy định về phòng ngừa bạo lực gia đình, bảo vệ, hỗ trợ nạn nhân bạo lực gia đình; trách nhiệm của cá nhân, gia đình, cơ quan, tổ chức trong phòng, chống bạo lực gia đình và xử lý vi phạm pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình
Theo Điều 2.1.b Luật Phòng, chống bạo lực gia đình, hành vi lăng mạ hoặc hành vi cố ý khác xúc phạm danh dự, nhân phẩm bị coi là một trong những hành vi bạo lực gia đình. Việc nói xấu gia đình trên mạng xã hội không chỉ xúc phạm danh dự, nhân phẩm cá nhân mà còn xâm phạm đến quyền được pháp luật bảo hộ về danh dự, nhân phẩm theo Điều 20 Hiến pháp 2013. Do đó, các hành vi xúc phạm đến danh dự, nhân phẩm của cá nhân, gia đình sẽ bị điểu chỉnh bởi Luật này.
Các hành vi bạo lực gia đình
Theo Điều 2 Luật Phòng, chống bạo lực gia đình, các hành vi sau đây bị coi là bạo lực gia đình:
a) Hành hạ, ngược đãi, đánh đập hoặc hành vi cố ý khác xâm hại đến sức khoẻ, tính mạng;
b) Lăng mạ hoặc hành vi cố ý khác xúc phạm danh dự, nhân phẩm;
c) Cô lập, xua đuổi hoặc gây áp lực thường xuyên về tâm lý gây hậu quả nghiêm trọng;
d) Ngăn cản việc thực hiện quyền, nghĩa vụ trong quan hệ gia đình giữa ông, bà và cháu; giữa cha, mẹ và con; giữa vợ và chồng; giữa anh, chị, em với nhau;
đ) Cưỡng ép quan hệ tình dục;
e) Cưỡng ép tảo hôn; cưỡng ép kết hôn, ly hôn hoặc cản trở hôn nhân tự nguyện, tiến bộ;
g) Chiếm đoạt, huỷ hoại, đập phá hoặc có hành vi khác cố ý làm hư hỏng tài sản riêng của thành viên khác trong gia đình hoặc tài sản chung của các thành viên gia đình;
h) Cưỡng ép thành viên gia đình lao động quá sức, đóng góp tài chính quá khả năng của họ; kiểm soát thu nhập của thành viên gia đình nhằm tạo ra tình trạng phụ thuộc về tài chính;
i) Có hành vi trái pháp luật buộc thành viên gia đình ra khỏi chỗ ở.
Lưu ý, hành vi bạo lực nêu trên cũng được áp dụng đối với thành viên gia đình của vợ, chồng đã ly hôn hoặc nam, nữ không đăng ký kết hôn mà chung sống với nhau như vợ chồng.
Những hành vi bị nghiêm cấm
1. Các hành vi bạo lực gia đình.
2. Cưỡng bức, kích động, xúi giục, giúp sức người khác thực hiện hành vi bạo lực gia đình.
3. Sử dụng, truyền bá thông tin, hình ảnh, âm thanh nhằm kích động bạo lực gia đình.
4. Trả thù, đe doạ trả thù người giúp đỡ nạn nhân bạo lực gia đình, người phát hiện, báo tin, ngăn chặn hành vi bạo lực gia đình.
5. Cản trở việc phát hiện, khai báo và xử lý hành vi bạo lực gia đình.
6. Lợi dụng hoạt động phòng, chống bạo lực gia đình để trục lợi hoặc thực hiện hoạt động trái pháp luật.
7. Dung túng, bao che, không xử lý, xử lý không đúng quy định của pháp luật đối với hành vi bạo lực gia đình.
Cá nhân có hành vi nói xấu gia đình trên mạng xã hội bị xử phạt như thế nào?
Điều 51.2.b Nghị định 167/2013/NĐ-CP quy định cá nhân có hành vi sử dụng các phương tiện thông tin nhằm xúc phạm danh dự, nhân phẩm thành viên gia đình sẽ bị phạt tiền từ 1 – 1,5 triệu VNĐ và bị buộc xin lỗi công khai khi nạn nhân có yêu cầu.
Trên đây là nội dung Xử phạt cá nhân có hành vi nói xấu gia đình trên mạng xã hội Lawkey gửi đến bạn đọc. Nếu có thắc mắc, vui lòng liên hệ Lawkey.
Điều kiện thường trú tại Việt Nam đối với người nước ngoài
Trường hợp nào được phép thường trú tại Việt Nam? Điều kiện thường trú tại Việt Nam đối với người nước ngoài [...]
Trường hợp được sử dụng ngoại hối trên lãnh thổ Việt Nam
Hiện nay, các trường hợp được sử dụng ngoại hối tại Việt Nam được quy định như thế nào? Công ty VN muốn thanh toán [...]