Nộp thuế thu nhập doanh nghiệp tạm tính theo quý trong Công ty cổ phần
Thuế thu nhập doanh nghiệp là loại thuế trực thu đánh vào lợi nhuận của các doanh nghiệp. Vậy nộp thuế thu nhập doanh nghiệp tạm tính theo quý trong Công ty cổ phần như thế nào?
Sau đây, LawKey sẽ giải đáp thắc mắc nộp thuế thu nhập doanh nghiệp tạm tính theo quý trong Công ty cổ phần. Bài viết này hy vọng sẽ giải đáp được phần nào băn khoăn của các doanh nghiệp.
Văn bản pháp luật điều chỉnh nộp thuế thu nhập doanh nghiệp tạm tính theo quý trong Công ty cổ phần
Nộp thuế thu nhập doanh nghiệp tạm tính theo quý trong Công ty cổ phần được quy định cụ thể tại các văn bản sau:
:Thông tư 151/2014/TT-BTC hướng dẫn thi hành Nghị định 91/2014/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều tại Nghị định quy định về thuế do Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành
Nội dung chi tiết nộp thuế thu nhập doanh nghiệp tạm tính theo quý trong Công ty cổ phần
Hàng quý, doanh nghiệp thực hiện tạm nộp thuế thu nhập doanh nghiệp của quý đó, chậm nhất là vào ngày thứ 30 (ba mươi) của quý tiếp theo quý phát sinh nghĩa vụ thuế; doanh nghiệp chỉ cần nộp số thuế tạm tính chứ không phải nộp tờ khai thuế.
Số thuế cần phải nộp bao nhiêu là hoàn toàn do doanh nghiệp tự căn cứ vào số thuế thu nhập doanh nghiệp (sau đây gọi tắt là TNDN) của năm trước và dự kiến kết quả sản xuất kinh doanh trong năm nay để xác định.
Đối với những doanh nghiệp phải lập báo cáo tài chính quý theo quy định của pháp luật (như doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp niêm yết trên thị trường chứng khoán và các trường hợp khác theo quy định) thì căn cứ vào báo cáo tài chính quý và các quy định của pháp luật về thuế để xác định số thuế cần tạm nộp.
Tuy việc tạm nộp thuế TNDN này là do doanh nghiệp tự xác định – tức là, đề cao tính tự giác, tự chịu trách nhiệm của doanh nghiệp – nhưng vẫn có cơ chế quản lý thuế để buộc doanh nghiệp nghiêm chỉnh thực hiện; cụ thể:
1. Nếu Tổng số thuế tạm nộp trong kỳ tính thuế thấp hơn Số thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp theo quyết toán từ 20% trở lên; thì, doanh nghiệp phải nộp tiền chậm nộp đối với phần chênh lệch từ 20% trở lên giữa số thuế tạm nộp với số thuế phải nộp theo quyết toán, tính từ ngày tiếp sau ngày cuối cùng của thời hạn nộp thuế quý IV của doanh nghiệp đến ngày thực nộp số thuế còn thiếu so với số quyết toán.
2. Đối với số thuế thu nhập doanh nghiệp tạm nộp theo quý thấp hơn số thuế phải nộp theo quyết toán dưới 20% mà doanh nghiệp chậm nộp so với thời hạn nộp hồ sơ quyết toán thuế năm; thì, tính tiền chậm nộp kể từ ngày hết thời hạn nộp thuế đến ngày thực nộp số thuế còn thiếu so với số quyết toán.
3. Trường hợp cơ quan có thẩm quyền thanh tra, kiểm tra sau khi doanh nghiệp đã khai quyết toán thuế năm, nếu phát hiện tăng số thuế phải nộp so với số thuế doanh nghiệp đã kê khai quyết toán; thì, doanh nghiệp bị tính tiền chậm nộp đối với toàn bộ số thuế phải nộp tăng thêm đó tính từ ngày tiếp sau ngày cuối cùng của thời hạn nộp hồ sơ quyết toán thuế năm đến ngày thực nộp tiền thuế.
Có thể xem ví dụ sau để hiểu rõ hơn về cơ chế này:
Đối với kỳ tính thuế năm 2014, doanh nghiệp A đã tạm nộp thuế TNDN tổng cộng là 90 triệu đồng; khi quyết toán năm, số thuế TNDN phải nộp theo quyết toán là 100 triệu đồng.
Như vậy, có sự chênh lệch giữa số thuế theo quyết toán và tổng số thuế tạm tính là 100 – 90 = 10 triệu đồng; tức là, chênh lệch 10% so với số thuế theo quyết toán (nhỏ hơn 20% của 100 triệu).
Do đó, A chỉ phải nộp số thuế còn thiếu là 10 triệu đồng trước khi hết hạn nộp quyết toán thuế năm; nếu chậm nộp (nộp sau khi hết hạn nộp quyết toán thuế năm) thì sẽ bị tính tiền chậm nộp theo quy định.
Kỳ tính thuế năm 2015, A đã tạm nộp thuế TNDN tổng cộng là 84 triệu đồng; khi quyết toán năm, số thuế TNDN phải nộp theo quyết toán là 120 triệu đồng.
Như vậy, có sự chênh lệch giữa số thuế theo quyết toán và tổng số thuế tạm tính là 120 – 84 = 36 triệu đồng; tức là, chênh lệch 30% so với số thuế theo quyết toán (lớn hơn 20% x 120 = 24 triệu đồng).
Phần chênh lệch từ 20% trở lên có giá trị là: 36 triệu – 24 triệu = 12 triệu đồng.
Khi đó, A phải nộp số thuế còn thiếu là 36 triệu đồng; đồng thời:
– A bị tính tiền chậm nộp đối với số thuế chênh lệch từ 20% trở lên là 12 triệu đồng, tính từ ngày tiếp sau ngày hết hạn tạm nộp thuế quý IV (từ ngày 31.01.2016) đến ngày thực nộp số thuế còn thiếu so với số thuế phải nộp theo quyết toán.
– Nếu A nộp số tiền thuế chênh lệnh còn lại là 24 triệu đồng sau ngày hết hạn nộp hồ sơ quyết toán năm thì sẽ bị tính tiền chậm nộp từ ngày tiếp sau ngày hết hạn nộp hồ sơ quyết toán thuế (từ ngày 01.04.2016) đến ngày thực nộp số thuế này.
Đối với kỳ tính thuế năm 2016, A đã tạm nộp thuế TNDN là 80 triệu đồng; khi quyết toán năm, số thuế TNDN phải nộp theo quyết toán là 70 triệu đồng thì số thuế nộp thừa là 10 triệu đồng sẽ được coi như số thuế tạm nộp của năm kế tiếp hoặc được hoàn thuế theo quy định.
Giả sử trong năm 2017, cơ quan thuế thực hiện thanh tra thuế tại A và phát hiện số thuế TNDN doanh nghiệp A phải nộp của kỳ tính thuế năm 2015 là 170 triệu đồng (tăng 50 triệu đồng so với 120 triệu đồng số thuế phải nộp theo quyết toán năm 2015); khi đó, đối với số thuế tăng thêm qua thanh tra (50 triệu), A sẽ bị xử phạt vi phạm pháp luật về thuế theo quy định.
Thêm vào đó, số tiền thuế tăng thêm 50 triệu đồng này sẽ bị tính tiền chậm nộp theo quy định, từ ngày 01.04.2016 đến ngày thực nộp số tiền này; chứ không tách riêng phần chênh lệch vượt từ 20% trở lên đối với số thuế tăng thêm này.
Chính vì thế, doanh nghiệp cần nghiêm chỉnh thực hiện việc tạm nộp thuế TNDN hàng quý.
Doanh nghiệp nộp thuế tạm tính tại Kho bạc Nhà nước ở địa phương hoặc thông qua các Ngân hàng thương mại có cung cấp dịch vụ thu ngân sách nhà nước (thu thuế).
=> Xem thêm: – Doanh nghiệp phải nộp thuế thu nhập doanh nghiệp tạm tính theo quý
– Cách tính thuế thu nhập doanh nghiệp tạm tính quý
Trên đây là nội dung về nộp thuế thu nhập doanh nghiệp tạm tính theo quý trong Công ty cổ phần. Quý khách hàng có thắc mắc hoặc muốn biết thêm chi tiết vui lòng liên hệ số điện thoại tổng đài để luật sư, kế toán chúng tôi giải đáp miễn phí.
Chứng từ điện tử trong công tác kế toán
Chứng từ điện tử trong công tác kế toán Trong thời đại công nghệ 4.0 hiện nay, thương mại điện tử không còn là thuật [...]
Thuế TNDN là gì theo quy định của pháp luật mới nhất?
Thuế TNDN là gì? Đối tượng nào phải chịu thuế TNDN theo quy định của pháp luật hiện hành? Bài viết này chúng tôi sẽ [...]