Phân loại hợp đồng dân sự theo quy định của pháp luật
Điều 275 Bộ luật dân sự 2015 quy định hợp đồng là một trong những căn cứ phát sinh nghĩa vụ dân sự. Vậy phân loại hợp đồng dân sự được hiểu thế nào?
Khái niệm hợp đồng dân sự
Điều 275 Bộ luật dân sự 2015 (BLDS) Nghĩa vụ phát sinh từ căn cứ sau đây:
– Hợp đồng.
– Hành vi pháp lý đơn phương.
– Thực hiện công việc không có ủy quyền.
– Chiếm hữu, sử dụng tài sản hoặc được lợi về tài sản không có căn cứ pháp luật.
– Gây thiệt hại do hành vi trái pháp luật.
– Căn cứ khác do pháp luật quy định.
Điều 385 BLDS đã đưa ra khái niệm hợp đồng như sau: Hợp đồng là sự thỏa thuận giữa các bên về việc xác lập, thay đổi hoặc chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự.
Xem thêm: Nghĩa vụ hoàn trả do chiếm hữu tài sản không có căn cứ pháp luật
Nghĩa vụ hoàn trả tài sản do được lợi không có căn cứ pháp luật
Phân loại hợp đồng dân sự
Theo đó, Điều 402 BLDS định nghĩa một số hợp đồng chủ yếu. Tuy nhiên trong thực tế có nhiều loại hợp đồng khác nhau và có thể dựa vào các căn cứ khác nhau để phân biệt các loại hợp đồng, cụ thể:
1. Dựa vào hình thức của hợp đồng
Nếu dựa vào hình thức của hợp đồng thì hợp đồng dân sự được phân thành hợp đồng miệng, hợp đồng văn bản, hợp đồng có công chứng, chứng thực, hợp đồng mẫu.
2. Dựa vào mối liên hệ về quyền và nghĩa vụ dân sự giữa các bên
Nếu dựa vào mối liên hệ về quyền và nghĩa vụ dân sự giữa các bên thì hợp đồng dân sự được phân thành hợp đồng song vụ và hợp đồng đơn vụ:
– Khoản 1 Điều 402 BLDS quy định Hợp đồng song vụ là hợp đồng mà mỗi bên đều có nghĩa vụ đối với nhau. Mỗi bên chủ thể là người vừa có quyền và có nghĩa vụ.
– Khoản 2 Điều 402 BLDS quy định Hợp đồng đơn vụ là hợp đồng mà chỉ một bên có nghĩa vụ. Một bên chỉ có nghĩa vụ mà không có quyền gì đối với bên kia và bên kia là người có quyền nhưng không phải thực hiện nghĩa vụ nào.
3. Dựa vào sự phụ thuộc lẫn nhau về hiệu lực giữa các hợp đồng
Nếu dựa vào sự phụ thuộc lẫn nhau về hiệu lực giữa các hợp đồng thì hợp đồng dân sự được phân thành hợp đồng chính và hợp đồng phụ:
– Hợp đồng chính là hợp đồng mà hiệu lực không phụ thuộc vào hợp đồng phụ. Như vậy, các hợp đồng chính khi đã tuân thủ đầy đủ điều kiện pháp luật quy định thì đương nhiên phát sinh hiệu lực và có hiệu lực bắt buộc đối với các bên từ thời điểm giao kết.
– Hợp đồng phụ là hợp đồng mà hiệu lực phụ thuộc vào hợp đồng chính. Các hợp đồng phụ muốn có hiệu lực phải tuân thủ đầy đủ các điều kiện luật định về chủ thể, nội dung, hình thức,.. Tuy nhiên, nếu đã tuân thủ các điều kiện trên nhưng hợp đồng vẫn có thể không có hiệu lực nếu hợp đồng chính ( hợp đồng mà nó phụ thuộc) bị coi là không có hiệu lực. Ví dụ: hợp đồng cầm cố không có hiệu lực khi hợp đồng cho vay không có hiệu lực
4. Dựa vào tính chất có đi có lại về lợi ích của các chủ thể
Nếu dựa vào tính chất có đi có lại về lợi ích của các chủ thể thì hợp đồng dân sự được phân thành hợp đồng có đền bù và hợp đồng không có đền bù:
– Hợp đồng có đền bù:
Hợp đồng có đền bù là hợp đồng mà trong đó mỗi bên chủ thể sau khi đã thực hiện cho bên kia một lợi ích sẽ nhận được từ bên kia một lợi ích tương ứng. Đa số các hợp đồng dân sự là hợp đồng có đền bù. Tính chất đền bù trong hợp đồng được các bên áp dụng để thực hiện việc trao đổi với nhau các lợi ích vật chất. Các hợp đồng có đền bù đa phần là hợp đồng song vụ mà ngược lại.
+ Trong thực tế vẫn có trường hợp hợp đồng có đền bù là hợp đồng đơn vụ ( như hợp đồng cho vay có lãi mà hiệu lực của nó được xác định tại thời điểm bên vay đã nhận tiền) Và cũng có nhiều hợp đồng song vụ không có đền bù như hợp đồng gửi giữ không có thù lao.
– Hợp đồng không có đền bù:
Hợp đồng không có đền bù là hợp đồng mà trong đó một bên nhận được từ bên kia một lợi ích nhưng không phải giao lại một lợi ích nào. Hợp đồng không có đền bù thường được giao kết trên cơ sở tình cảm và tinh thần tương thân, tương ái giữa các chủ thể.
+ Trong quá trình giao kết hợp đồng này, dù đã hứa hẹn, thống nhất ý chí nhưng việc chấp nhận đề nghị không mang tính chất ràng buộc đối với bên được đề nghị. Do đó, đối với hợp đồng tặng cho tài sản, pháp luật quy định có hiệu lực khi các bên đã thực tế trao cho nhau đối tượng tặng cho hoặc đã hoàn thành thủ tục chuyển quyền sở hữu.
5. Dựa vào thời điểm phát sinh hiệu lực
Nếu dựa vào thời điểm phát sinh hiệu lực thì hợp đồng dân sự được phân thành hợp đồng ưng thuận và hợp đồng thực tế:
– Hợp đồng ưng thuận là những hợp đồng mà quyền và nghĩa vụ của các bên phát sinh ngay sau khi các bên đã thỏa thuận với nhau xong về nội dung chủ yếu của hợp đồng. Có thể hiểu thời điểm có hiệu lực của hợp đồng ưng thuận là thời điểm giao kết.
– Hợp đồng thực tế là những hợp đồng mà sau khi thỏa thuận, hiệu lực của nó chỉ phát sinh tại thời điểm khi các bên đã chuyển giao cho nhau đối tượng của hợp đồng.
6. Hợp đồng có điều kiện
Hợp đồng có điều kiện là hợp đồng mà việc thực hiện phụ thuộc vào việc phát sinh, thay đổi hoặc chấm dứt một sự kiện nhất định. Tuy nhiên, sự kiện mà các bên thỏa thuận chỉ được coi là điều kiện để hợp đồng được thực hiện hoặc được chấm dứt khi sự kiện đó đáp ứng được các yêu cầu sau:
– Các sự kiện mang tính khách quan, các sự kiện xuất hiện hay không nằm ngoài ý chí của các chủ thể và là tình tiết trong tương lai ( xuất hiện sau khi hợp đồng đã được giao kết)
– Nếu điều kiện đó là một công việc phải làm thì phải là những công việc có thể thực hiện được
– Sự kiện mà các bên chủ thể thỏa thuận phải phù hợp với pháp luật và không trái đạo đức xã hội.
7. Hợp đồng vì lợi ích của người thứ ba
Hợp đồng vì lợi ích của người thứ ba là hợp đồng mà các bên giao kết hợp đồng đều phải thực hiện nghĩa vụ và người thứ ba được hưởng lợi ích từ việc thực hiện nghĩa vụ đó. Trong thực tế, có trường hợp người thứ ba không trực tiếp tham gia vào hợp đồng với tư cách chủ thể nhưng họ có quyền đối với bên có nghĩa vụ vì các bên tham gia thỏa thuận bên có nghĩa vụ phải thực hiện các nghĩa vụ cho người thứ ba. Việc thỏa thuận này có thể trực tiếp hoặc được coi là mặc nhiên do tính chất của hợp đồng quy định.
Ví dụ: Hợp đồng chuyển bưu phẩm, chuyển tiền qua bưu điện,..
Xem thêm: Hợp đồng vận chuyển tài sản là gì? theo quy định của pháp luật
8. Hợp đồng hỗn hợp
Hợp đồng hỗn hợp là những hợp đồng mà khi kí kết, cùng một lúc làm phát sinh những quyền và nghĩa vụ dân sự vốn là nội dung của hai hay nhiều hợp đồng thông thường khác
Trên đây là nội dung Phân loại hợp đồng dân sự theo quy định của pháp luật Lawkey gửi đến bạn đọc. Nếu có thắc mắc, vui lòng liên hệ Lawkey.
Xem thêm: Hợp đồng ủy quyền là gì? theo quy định của Bộ luật dân sự 2015
Hợp đồng mua bán tài sản là gì? theo quy định của pháp luật dân sự
Những hành vi vi phạm quy định về sổ kế toán bị xử phạt
Những hành vi vi phạm quy định về sổ kế toán bị xử phạt theo quy định mới nhất của pháp luật. Mức phạt tương ứng [...]
Thủ tục cấp Giấy phép thiết lập trang thông tin điện tử tổng hợp
Hồ sơ, trình tự, thủ tục cấp Giấy phép thiết lập trang thông tin điện tử tổng hợp được quy định tại Nghị định [...]