Phúc khảo là gì?
Phúc khảo là gì? Quy định pháp luật về chấm phúc khảo bài thi tốt nghiệp THPT? Hãy cùng LawKey tìm hiểu qua bài viết dưới đây.
Phúc khảo là gì?
Phúc khảo có thể được hiểu là một động từ dùng để chỉ hành động kiểm tra, đánh giá và chấm lại bài thi đã được chấm trước đó. Hay nói một cách đơn giản thì phúc khảo là khi thí sinh nhận thấy kết quả bài thi không đúng với khả năng làm bài của mình hay số điểm mà mình đã tính trước đó. Khi đó thí sinh có thể làm đơn yêu cầu phúc khảo để đề nghị Hội đồng chấm thi xem xét lại lại kết quả chấm thi, tổ chức chấm lại bài thi.
Quy định chấm phúc khảo bài thi tốt nghiệp THPT
Phúc khảo bài thi tốt nghiệp THPT được quy định như sau:
Quyền phúc khảo bài thi tốt nghiệp THPT
Theo Điều 33 Quy chế thi tốt nghiệp trung học phổ thông ban hành kèm theo Thông tư 15/2020/TT-BGDĐT (sau đây gọi tắt là Quy chế thi tốt nghiệp THPT) quy định mọi thí sinh đều có quyền được phúc khảo bài thi; thí sinh nộp đơn phúc khảo tại nơi đăng ký dự tuyển.
Nơi thí sinh đăng ký dự tuyển nhận đơn phúc khảo của thí sinh trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày công bố điểm thi và chuyển dữ liệu thí sinh có đơn phúc khảo bài thi đến Hội đồng thi. Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày hết hạn nhận đơn phúc khảo, Hội đồng thi phải công bố và thông báo kết quả phúc khảo cho thí sinh.
Chấm phúc khảo bài thi tốt nghiệp THPT
♣ Chấm phúc khảo bài thi tự luận:
Mỗi bài thi tự luận do hai cán bộ chấm thi chấm phúc khảo theo quy định tại Điều 27 Quy chế thi tốt nghiệp THPT và phải được chấm bằng mực có màu khác với màu mực được dùng chấm trước đó trên bài làm của thí sinh. Trong khi tiến hành các công việc liên quan đến phúc khảo, phải có ít nhất từ hai thành viên của Ban Phúc khảo bài thi tự luận trở lên. Kết quả chấm phúc khảo bài thi tự luận do Ban Thư ký Hội đồng thi xử lý như sau:
Nếu kết quả chấm của hai cán bộ chấm thi chấm phúc khảo giống nhau thì lấy kết quả đó làm điểm phúc khảo và giao bài thi cho hai cán bộ chấm thi chấm phúc khảo ký xác nhận;
Nếu kết quả chấm của hai cán bộ chấm thi chấm phúc khảo có sự chênh lệch thì rút bài thi giao cho Trưởng ban Phúc khảo bài thi tự luận tổ chức cho cán bộ chấm thi chấm phúc khảo thứ ba chấm trực tiếp trên bài làm của thí sinh bằng mực màu khác;
Nếu kết quả chấm của hai trong ba cán bộ chấm thi chấm phúc khảo giống nhau thì lấy điểm giống nhau làm điểm phúc khảo. Nếu kết quả chấm của cả ba cán bộ chấm thi chấm phúc khảo lệch nhau thì Trưởng ban Phúc khảo bài thi tự luận lấy điểm trung bình cộng của ba lần chấm làm tròn đến hai chữ số thập phân làm điểm phúc khảo rồi ký tên xác nhận;
Bài thi có điểm phúc khảo lệch so với điểm chấm đợt đầu (đã công bố) từ 0,25 điểm trở lên thì được điều chỉnh điểm. Trong trường hợp điểm phúc khảo lệch so với điểm chấm đợt đầu từ 0,5 điểm trở lên thì phải tổ chức đối thoại trực tiếp giữa các cán bộ chấm thi đợt đầu và cán bộ chấm thi chấm phúc khảo (có ghi biên bản). Nếu thấy có biểu hiện tiêu cực phải báo cáo Trưởng ban Phúc khảo bài thi tự luận để xử lý theo quy định.
♣ Chấm phúc khảo bài thi trắc nghiệm:
Khi có mặt đầy đủ thành viên được giao nhiệm vụ chấm phúc khảo bài thi trắc nghiệm mới tiến hành mở niêm phong túi bài thi; Hội đồng thi có số lượng bài thi phúc khảo lớn có thể chia thành các nhóm để thực hiện. Việc chấm phúc khảo phải bảo đảm nguyên tắc mở túi nào chấm phúc khảo dứt điểm túi đó, niêm phong trở lại rồi mới được mở túi khác;
Thực hiện đối chiếu từng câu trả lời đã tô trên Phiếu trả lời trắc nghiệm với hình ảnh đã quét lưu trong máy tính, nếu có những sai lệch phải xác định rõ nguyên nhân; thực hiện in kết quả chấm từ phần mềm chấm thi trước và sau khi sửa lỗi để lưu hồ sơ;
Dữ liệu chấm phúc khảo được xuất ra từ phần mềm, ghi vào 02 đĩa CD giống nhau, được niêm phong dưới sự giám sát của Tổ Giám sát, công an và lập biên bản, có chữ ký của Trưởng ban Chấm phúc khảo bài thi trắc nghiệm; 01 đĩa gửi về Bộ GDĐT (qua Cục QLCL) để quản lý; 01 đĩa bàn giao cho Chủ tịch Hội đồng thi để cập nhật kết quả vào cơ sở dữ liệu của hệ thống phần mềm quản lý thi và lưu trữ;
Kết thúc việc chấm phúc khảo, Ban Phúc khảo bài thi trắc nghiệm lập biên bản tổng hợp, có chữ ký của Trưởng ban và tất cả các thành viên, Tổ Giám sát;
Tổ Giám sát phải thực hiện nhiệm vụ giám sát trực tiếp, thường xuyên, liên tục tất cả các khâu trong quá trình phúc khảo bài thi trắc nghiệm.
Điểm các bài thi được điều chỉnh sau phúc khảo
Điểm các bài thi được điều chỉnh sau phúc khảo do các Trưởng ban Phúc khảo bài thi trắc nghiệm trình Chủ tịch Hội đồng thi quyết định. Chủ tịch Hội đồng thi cập nhật điểm của thí sinh sau phúc khảo vào hệ thống phần mềm quản lý thi theo quy định của Bộ GDĐT; báo cáo, gửi dữ liệu cho Bộ GDĐT (qua Cục QLCL).
Hội đồng thi in Giấy chứng nhận kết quả thi sau phúc khảo trả cho thí sinh có bài thi được điều chỉnh điểm; đồng thời, thu hồi và hủy Giấy chứng nhận kết quả thi trước phúc khảo.
>>Xem thêm: Năm 2024, ngày đưa Ông Táo về trời là ngày mấy Dương lịch?
Trên đây là bài tư vấn của chúng tôi. Nếu còn vấn đề gì thắc mắc, vui lòng liên hệ LawKey hoặc có thể sử dụng Luật sư tư vấn của chúng tôi.
Khoán kinh phí sử dụng tài sản công tại cơ quan nhà nước
Trong một số trường hợp nhất định, kinh phí sử dụng tài sản công được khoán. Pháp luật quy định về việc khoán kinh [...]
Những nhầm lẫn hay gặp khi thực hiện hợp đồng lao động
Trong quá trình thực hiện hợp đồng, doanh nghiệp và người sử dụng lao động thường gặp một số vướng mắc. Bài viết [...]