Quản chế là gì?
Quản chế là gì? Các tội phạm bị áp dụng hình thức phạt quản chế? Hãy cùng LawKey tìm hiểu qua bài viết dưới đây.
Quản chế là gì?
Theo Điều 43 Bộ luật Hình sự 2015 quy định về quản chế như sau:
“Quản chế là buộc người bị kết án phạt tù phải cư trú, làm ăn sinh sống và cải tạo ở một địa phương nhất định dưới sự kiểm soát, giáo dục của chính quyền và nhân dân địa phương. Trong thời gian quản chế, người phạm tội sẽ bị tước một số quyền công dân theo quy định tại Khoản 1 Điều 44 Bộ luật Hình sự 2015 và bị cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định.”
Thời hạn quản chế là từ 01 năm đến 05 năm, kể từ ngày chấp hành xong hình phạt tù.
Hình phạt quản chế được áp dụng đối với người phạm tội xâm phạm an ninh quốc gia, người tái phạm nguy hiểm hoặc trong những trường hợp khác do Bộ luật Hình sự 2015 quy định.
Các tội phạm bị áp dụng hình thức phạt quản chế
Quản chế là một trong những hình phạt bổ sung đối với người phạm tội. Cụ thể các tội phạm bị áp dụng hình thức phạt quản chế trong Bộ luật Hình sự 2015 như sau:
- Tội giết người (Điều 123)
- Tội mua bán người (Điều 150)
- Tội mua bán người dưới 16 tuổi (Điều 151)
- Tội cướp tài sản (Điều 168)
- Tội tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy (Điều 255)
- Tội chiếm đoạt tàu bay, tàu thủy (Điều 282)
- Tội khủng bố (Điều 299)
- Tội tài trợ khủng bố (Điều 300)
- Tội phá hủy công trình, cơ sở, phương tiện quan trọng về an ninh quốc gia (Điều 303)
- Tội chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự (Điều 304)
- Tội chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vật liệu nổ (Điều 305)
- Tội chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt súng săn, vũ khí thô sơ, vũ khí thể thao hoặc công cụ hỗ trợ (Điều 306)
- Tội sản xuất, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, phát tán, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt chất phóng xạ, vật liệu hạt nhân (Điều 309)
- Tội sản xuất, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng hoặc mua bán trái phép chất cháy, chất độc (Điều 311)
- Tội chứa mại dâm (Điều 327)
Quyền và nghĩa vụ của người chấp hành án phạt quản chế
Quyền và nghĩa vụ của người chấp hành án phạt quản chế được quy định như sau:
Quyền của người chấp hành án phạt quản chế
Trong thời gian quản chế, người chấp hành án có các quyền được quy định tại Khoản 1 Điều 114 Luật Thi hành án hình sự 2019, cụ thể như sau:
Sinh sống cùng gia đình tại nơi quản chế;
Lựa chọn việc làm thích hợp, trừ những ngành, nghề hoặc công việc mà người chấp hành án không được làm theo quy định của pháp luật; được hưởng thành quả lao động do mình làm ra;
Tự do đi lại trong phạm vi xã, phường, thị trấn nơi quản chế;
Được xét miễn chấp hành thời hạn quản chế còn lại theo quy định tại Điều 117 Luật Thi hành án hình sự 2019.
Nghĩa vụ của người chấp hành án phạt quản chế
Theo Khoản 2 Điều 114 Luật Thi hành án hình sự 2019, người chấp hành án phạt quản chế có các nghĩa vụ sau đây:
Chịu sự kiểm soát, giáo dục của Ủy ban nhân dân cấp xã và nhân dân địa phương; không được tự ý rời khỏi nơi quản chế;
Mỗi tháng một lần vào tuần đầu của tháng, trình diện và báo cáo với Ủy ban nhân dân cấp xã nơi quản chế việc chấp hành quy định về quản chế;
Có mặt tại địa điểm quy định khi Ủy ban nhân dân cấp xã triệu tập, nếu vắng mặt phải có lý do chính đáng;
Chấp hành nghiêm chỉnh chính sách, pháp luật và quy định của chính quyền địa phương; tích cực lao động, học tập, cải tạo để trở thành người có ích cho xã hội;
Trường hợp được phép đi khỏi nơi quản chế, người chấp hành án phạt quản chế phải khai báo tạm vắng; trình diện, xuất trình giấy phép, làm thủ tục đăng ký tạm trú, lưu trú với Công an cấp xã nơi đến theo quy định; trở về nơi quản chế đúng thời hạn và trình diện với Ủy ban nhân dân cấp xã.
Nhiệm vụ, quyền hạn của UBND cấp xã nơi người chấp hành án phạt quản chế về cư trú
Cụ thể tại Khoản 1 Điều 113 Luật Thi hành án hình sự 2019, UBND cấp xã nơi người chấp hành án về cư trú có nhiệm vụ, quyền hạn sau đây:
Tiếp nhận người chấp hành án và hồ sơ thi hành án phạt quản chế; tổ chức kiểm soát, giáo dục người chấp hành án; tạo điều kiện để họ lao động, học tập bình thường tại nơi bị quản chế; nhận xét bằng văn bản và lưu hồ sơ theo dõi về quá trình chấp hành án;
Triệu tập người chấp hành án để thông báo thi hành bản án, phổ biến quyền và nghĩa vụ và những quy định có liên quan đến việc chấp hành án;
Yêu cầu người chấp hành án cam kết và thực hiện đầy đủ nghĩa vụ của mình; có biện pháp giáo dục, phòng ngừa khi người đó có dấu hiệu vi phạm pháp luật; triệu tập người bị quản chế trong trường hợp cần thiết;
Cấp giấy phép cho người chấp hành án đi khỏi nơi quản chế theo quy định tại Điều 115 Luật Thi hành án hình sự 2019;
Định kỳ 03 tháng 01 lần nhận xét quá trình chấp hành án gửi cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện;
Báo cáo cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện để đề nghị Tòa án có thẩm quyền xem xét việc miễn chấp hành thời hạn quản chế còn lại cho người chấp hành án;
Báo cáo cơ quan thi hành án hình sự có thẩm quyền về kết quả thi hành án.
>>Xem thêm: Thủ tục miễn chấp hành thời hạn quản chế còn lại hiện nay
Trên đây là bài viết về: Quản chế là gì?. Nếu còn vấn đề gì thắc mắc, vui lòng liên hệ LawKey hoặc có thể sử dụng dịch vụ Luật sư tư vấn của chúng tôi.
Giấy phép hoạt động in là gì?
Giấy phép hoạt động in là một loại giấy tờ pháp lý chứng minh một cơ sở có đủ điều kiện đáp ứng hoạt động in. Đây [...]
Cấp đổi giấy phép kinh doanh nhập khẩu ô tô theo quy định mới nhất
Giấy phép kinh doanh nhập khẩu ô tô được cấp đổi trong trường hợp có sự thay đổi về nội dung thông tin ghi trên Giấy [...]