Biện pháp quản lý xuất khẩu nhập khẩu theo giấy phép, theo điều kiện
Biện pháp quản lý theo giấy phép, theo điều kiện xuất khẩu, nhập khẩu được quy định tại Mục 3, chương II Luật quản lý ngoại thương năm 2017. Đây là biện pháp hành chính được áp dụng trong những trường hợp thật cần thiết vì lý do an toàn xã hội, an ninh trật tự…Trong bài viết này sẽ đi sâu phân tích các quy định của pháp luật về biện pháp này.
1. Quản lý theo giấy phép, theo điều kiện xuất khẩu, nhập khẩu là gì?
Điều 29 Luật quản lý ngoại thương, đã giải thích biện pháp quản lý theo giấy phép, theo điều kiện xuất nhập khẩu như sau:
+ Quản lý theo giấy phép: Ià biện pháp do cơ quan nhà nước có thẩm quyền áp dụng để cấp giấy phép xuất khẩu, nhập khẩu hoặc các hình thức khác có giá trị pháp lý tương đương cho thương nhân để thực hiện hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa.
+ Quản lý theo điều kiện: là biện pháp do cơ quan nhà nước có thẩm quyền áp dụng để quy định điều kiện về chủ thể kinh doanh, chủng loại, số lượng, khối lượng, cơ sở vật chất, kỹ thuật, trang thiết bị, địa bàn mà thương nhân phải đáp ứng khi thực hiện hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu nhưng không cần phải cấp giấy phép xuất khẩu, nhập khẩu.
Xem thêm: Thủ tục cấp giấy phép xuất khẩu nhập khẩu
2. Các trường hợp áp dụng quản lý theo giấy phép, theo điều kiện
Hiện nay, theo quy định của pháp luật, quản lý theo giấy phép, theo điều kiện xuất khẩu, nhập khẩu chỉ được áp dụng trong các trường hợp sau:
Thứ nhất, chỉ áp dụng biện pháp quản lý theo điều kiện trong các trường hợp cần thiết vì lý do trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe cộng đồng, thuần phong mỹ tục, bảo vệ môi trường. Khi có những lý do nêu trên, cơ quan có thể quyền sẽ quyết định áp dụng biện pháp này. Mục đích áp dụng trong những trường hợp này là để cơ quan có thẩm quyền giám sát, kiểm tra được số lượng, chất lượng hàng hóa nhằm bảo đảm an ninh quốc gia, an toàn xã hội, sức khỏe của người tiêu dùng…
Thứ hai, biện pháp này được áp dụng khi Điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên có quy định bắt buộc các quốc gia áp dụng trong một số trường hợp cụ thể.
3. Nguyên tắc áp dụng
Khi áp dụng biện pháp quản lý này đòi hỏi các chủ thể có thẩm quyền phải đảm bảo công khai, minh bạch, tiết kiệm thời gian và chi phí cho cơ quan nhà nước và cả thương nhân. Đây là nguyên tắc nhằm đảm bảo việc quyết định áp dụng biện pháp quản lý theo giấy phép, theo điều kiện xuất khẩu, nhập khẩu phải được đưa ra một cách chính xác, tránh tình trạng lợi dụng chức vụ quyền hạn để cản trở hoạt động kinh doanh xuất nhập khẩu của các thương nhân. Ngoài ra, cũng cần lưu ý đến việc phải tuân thủ các nguyên tắc trong các Điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.
4. Chủ thể có thẩm quyền áp dụng
Liên quan đến vấn đề xác định chủ thể có quyền áp dụng biệp pháp quản lý theo giấy phép, theo điều kiện xuất nhập khẩu, hiện nay Luật quản lý ngoại thương có quy định chi tiết tại Điều 31 như sau:
- Chính phủ quy định Danh mục hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu theo giấy phép, theo điều kiện; quy định phương thức, phạm vi quản lý của các Bộ, cơ quan ngang Bộ đối với hàng hóa thuộc Danh mục; quy định trình tự, thủ tục cấp giấy phép xuất khẩu, nhập khẩu.
- Bộ, cơ quan ngang Bộ có trách nhiệm công bố công khai Danh mục hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu theo giấy phép, theo điều kiện quy định tại khoản 1 Điều này và công bố điều kiện xuất khẩu, nhập khẩu đối với hàng hóa thuộc Danh mục.
Từ quy định trên, chúng ta xác định được Bộ, cơ quan nganh Bộ quản lý các hàng hóa nằm trong phạm vi của mình thuộc danh mục các hàng hóa bị quản lý theo giấy phép, theo điều kiện xuất khẩu, nhập khẩu chính là chủ thể có thẩm quyền ra quyết định áp dụng biện pháp này.
Trên đây là những quy định về biện pháp quản lý theo giấy phép, theo điều kiện xuất khẩu, nhập khẩu trong luật Quản lý ngoại thương năm 2017, Lawkey gửi đến bạn đọc.
Chuyển nơi hưởng trợ cấp thất nghiệp như thế nào?
Người lao động có thể được chuyển nơi mình đã đăng ký hưởng trợ cấp thất nghiệp Vậy pháp luật quy định việc [...]
Sống chung như vợ chồng thì chia tài sản thế nào?
Vào thời đại 4.0, khi mà nhiều luồng quan điểm trở nên hiện đại hơn thì việc hai người không đăng kí kết hôn mà chung [...]