Quy định của pháp luật về ngừng, giảm mức cung cấp điện khẩn cấp
Quy định của pháp luật về những vấn đề liên quan đến việc ngừng, giảm mức cung cấp điện khẩn cấp như thế nào? Trong bài viết này, Luật LawKey sẽ chia sẻ, giải đáp giúp bạn.
Trường hợp ngừng, giảm mức cung cấp điện khẩn cấp
Điều 6 Thông tư 30/2013/TT-BCT quy định bên bán điện ngừng, giảm mức cung cấp điện khẩn cấp trong các trường hợp sau:
– Do có sự cố xảy ra trên lưới điện cấp điện cho bên mua điện; sự cố trong hệ thống điện gây mất điện mà bên bán điện không kiểm soát được.
– Có nguy cơ gây sự cố, mất an toàn nghiêm trọng cho người, thiết bị và hệ thống điện.
– Do hệ thống điện thiếu công suất dẫn đến đe dọa sự an toàn của hệ thống điện.
– Do sự kiện bất khả kháng.
Trình tự ngừng, giảm mức cung cấp điện khẩn cấp
Khi xảy ra một trong các trường hợp mà theo đó bên bán điện ngừng, giảm mức cung cấp điện khẩn cấp theo quy định, bên bán điện có quyền ngừng, giảm mức cung cấp điện khẩn cấp, sau đó thực hiện các công việc sau:
– Xác định nguyên nhân, phạm vi ảnh hưởng, thời gian dự kiến cấp điện trở lại.
– Thông báo cho bên mua điện biết theo hình thức thông báo đã được hai bên thỏa thuận trong hợp đồng mua bán điện, bao gồm các nội dung: xác định nguyên nhân, phạm vi ảnh hưởng, thời gian dự kiến cấp điện trở lại trong thời hạn 24 giờ kể từ thời điểm thực hiện ngừng, giảm mức cung cấp điện khẩn cấp.
– Bên bán điện phải ghi đầy đủ thời gian, nguyên nhân, trình tự thao tác ngừng, giảm mức cung cấp điện vào sổ nhật ký công tác hoặc nhật ký vận hành.
– Trường hợp ngừng, giảm mức cung cấp điện do hệ thống điện thiếu công suất dẫn đến đe dọa sự an toàn của hệ thống điện, bên bán điện phải đảm bảo thực hiện cắt, giảm đúng lượng công suất phụ tải được tính toán và phân bổ theo quy định về việc lập và thực hiện kế hoạch cung ứng điện khi hệ thống điện quốc gia thiếu nguồn điện.
– Phối hợp với các bên có liên quan khẩn trương khắc phục các nguyên nhân dẫn đến ngừng, giảm mức cung cấp điện khẩn cấp để cấp điện trở lại trong thời gian nhanh nhất.
Báo cáo đột xuất
– Khi xảy ra sự cố nghiêm trọng dẫn đến phải thực hiện ngừng, giảm mức cung cấp điện khẩn cấp trên diện rộng trong hệ thống điện quốc gia, Tập đoàn Điện lực Việt Nam có trách nhiệm báo cáo Bộ Công Thương, Cục Điều tiết điện lực bằng thư điện tử (Email) hoặc fax ngay sau khi xảy ra sự cố và bằng văn bản trong thời hạn 24 giờ kể từ thời điểm xảy ra sự cố.
– Khi phải thực hiện ngừng, giảm mức cung cấp điện khẩn cấp trong trường hợp sự cố lưới điện truyền tải từ 220kV trở lên hoặc sự cố các trạm biến áp 110kV có vai trò quan trọng trong việc cung cấp điện cho một khu vực, Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Tổng công ty Điện lực, Công ty Điện lực tỉnh có trách nhiệm báo cáo Cục Điều tiết điện lực và Sở Công Thương các tỉnh bị ngừng, giảm cung cấp điện bằng thư điện tử (Email) hoặc fax ngay sau khi xảy ra sự cố và bằng văn bản trong thời hạn 24 giờ kể từ thời điểm xảy ra sự cố.
– Bên bán điện có trách nhiệm báo cáo việc thực hiện ngừng, giảm mức cung cấp điện khi có yêu cầu của Cục Điều tiết điện lực hoặc Sở Công Thương tại địa phương.
– Báo cáo đột xuất phải bao gồm tối thiểu các nội dung sau:
- Địa điểm ngừng cấp điện hoặc giảm mức cung cấp điện;
- Lý do ngừng cấp điện hoặc giảm mức cung cấp điện;
- Thời gian bắt đầu ngừng cấp điện hoặc giảm mức cung cấp điện;
- Thời gian dự kiến đóng điện trở lại hoặc bảo đảm mức cung cấp điện bình thường.
Trên đây là nội dung bài viết Quy định của pháp luật về ngừng, giảm mức cung cấp điện khẩn cấp. Nếu có vướng mắc trong quá trình giải quyết liên hệ LawKey để được tư vấn, giải đáp nhanh nhất.
Xem thêm:
Trình tự ngừng, giảm mức cung cấp điện không khẩn cấp theo quy định
06 căn cứ giải quyết tranh chấp tên miền “.vn”
Căn cứ giải quyết tranh chấp tên miền “.vn” được quy định như thế nào? Hãy cùng LawKey tìm hiểu qua bài viết [...]
Thủ tục hủy bỏ quyết định cho nhập quốc tịch Việt Nam
Căn cứ hủy bỏ quyết định cho nhập quốc tịch Việt Nam là gì? Hồ sơ, trình tự, thủ tục hủy bỏ quyết định cho nhập [...]