Quy định về bảo đảm dự thầu theo Luật đấu thầu 2013
Trường hợp nào phải áp dụng bảo đảm dự thầu? Giá trị bảo đảm dự thầu được quy định như thế nào? Dưới đây là một số quy định về bảo đảm dự thầu theo Luật đấu thầu 2013.
Các trường hợp áp dụng
Bảo đảm dự thầu là việc nhà thầu, nhà đầu tư thực hiện một trong các biện pháp đặt cọc, ký quỹ hoặc nộp thư bảo lãnh của tổ chức tín dụng hoặc chi nhánh ngân hàng nước ngoài được thành lập theo pháp luật Việt Nam để bảo đảm trách nhiệm dự thầu của nhà thầu, nhà đầu tư trong thời gian xác định theo yêu cầu của hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu.
Bảo đảm dự thầu áp dụng trong các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 11 Luật đấu thầu 2013 dưới đây:
– Đấu thầu rộng rãi, đấu thầu hạn chế, chào hàng cạnh tranh đối với gói thầu cung cấp dịch vụ phi tư vấn, mua sắm hàng hóa, xây lắp và gói thầu hỗn hợp;
– Đấu thầu rộng rãi và chỉ định thầu đối với lựa chọn nhà đầu tư.
Xem thêm: Phương thức đấu thầu trong thực hiện nghiệp vụ thị trường mở là gì?
Giá trị bảo đảm dự thầu
Giá trị bảo đảm dự thầu được quy định tại khoản 3 Điều 11 Luật đấu thầu 2013 như sau:
– Đối với lựa chọn nhà thầu, giá trị bảo đảm dự thầu được quy định trong hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu theo một mức xác định từ 1% đến 3% giá gói thầu căn cứ quy mô và tính chất của từng gói thầu cụ thể;
– Đối với lựa chọn nhà đầu tư, giá trị bảo đảm dự thầu được quy định trong hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu theo một mức xác định từ 0,5% đến 1,5% tổng mức đầu tư căn cứ vào quy mô và tính chất của từng dự án cụ thể.
Hoàn trả bảo đảm dự thầu
Nhiều nhà thầu thắc mắc rằng, giá trị bảo đảm dự thầu sẽ được giải quyết như thế nào nếu như nhà thầu không được lựa chọn?
Giải đáp thắc mắc này, tại Điều 11 Luật đấu thầu 2013 quy định như sau:
Bên mời thầu có trách nhiệm hoàn trả hoặc giải tỏa bảo đảm dự thầu cho nhà thầu, nhà đầu tư không được lựa chọn theo thời hạn quy định trong hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu nhưng không quá 20 ngày, kể từ ngày kết quả lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư được phê duyệt. Đối với nhà thầu, nhà đầu tư được lựa chọn, bảo đảm dự thầu được hoàn trả hoặc giải tỏa sau khi nhà thầu, nhà đầu tư thực hiện biện pháp bảo đảm thực hiện hợp đồng.
Tuy nhiên, bảo đảm dự thầu không được hoàn trả trong các trường hợp sau đây:
– Nhà thầu, nhà đầu tư rút hồ sơ dự thầu, hồ sơ đề xuất sau thời điểm đóng thầu và trong thời gian có hiệu lực của hồ sơ dự thầu, hồ sơ đề xuất;
– Nhà thầu, nhà đầu tư vi phạm pháp luật về đấu thầu dẫn đến phải hủy thầu;
– Nhà thầu, nhà đầu tư không thực hiện biện pháp bảo đảm thực hiện hợp đồng theo quy định;
– Nhà thầu không tiến hành hoặc từ chối tiến hành hoàn thiện hợp đồng trong thời hạn 20 ngày, kể từ ngày nhận được thông báo trúng thầu của bên mời thầu hoặc đã hoàn thiện hợp đồng nhưng từ chối ký hợp đồng, trừ trường hợp bất khả kháng;
– Nhà đầu tư không tiến hành hoặc từ chối tiến hành hoàn thiện hợp đồng trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày nhận được thông báo trúng thầu của bên mời thầu hoặc đã hoàn thiện hợp đồng nhưng từ chối ký hợp đồng, trừ trường hợp bất khả kháng.
Xem thêm: Trình tự cấp chứng chỉ đào tạo về đấu thầu theo quy định hiện hành
Thủ tục cấp chứng chỉ hành nghề hoạt động đấu thầu
Trên đây là bài tư vấn của chúng tôi về “Quy định về bảo đảm dự thầu theo Luật đấu thầu 2013” gửi đến bạn đọc. Nếu bạn còn bất kỳ thắc mắc nào, bạn hãy liên hệ với chúng tôi để được giải đáp.
Quy định về bảo đảm dự thầu theo Luật đấu thầu 2013
Trường hợp nào phải áp dụng bảo đảm dự thầu? Giá trị bảo đảm dự thầu được quy định như thế nào? Dưới đây [...]
Các nguyên tắc thực hiện khuyến mại mới nhất
Các nguyên tắc thực hiện khuyến mại mới nhất Theo quy định của Luật thương mại 2005, Khuyến mại là hoạt động xúc [...]