Quy định về hành vi xâm phạm quyền đối với kiểu dáng công nghiệp
Hiện nay, việc xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ là vấn đề thường gặp. Kiểu dáng công nghiệp là một đối tượng thuộc quyền sở hữu trí tuệ và mọi cá nhân, tổ chức khi có đủ điều kiện đều được bảo hộ kiểu sáng công nghiệp của mình. Kèm theo đó là rất nhiều hành vi xâm phạm đến quyền của chủ sở hữu đối tượng này. Vậy, hành vi nào được coi là xâm phạm quyền đối với kiểu dáng công nghiệp?
Các hành vi xâm phạm quyền đối với kiểu dáng công nghiệp
Luật Sở hữu trí tuệ 2005 quy định hành vi xâm phạm quyền đối với kiểu dáng công nghiệp tại Điều 126, theo đó, các hành vi bị coi là xâm phạm quyền đối với kiểu dáng công nghiệp gồm:
– Sử dụng kiểu dáng công nghiệp được bảo hộ hoặc kiểu dáng công nghiệp không khác biệt đáng kể với kiểu dáng đó trong thời hạn hiệu lực của văn bằng bảo hộ mà không được phép của chủ sở hữu;
– Sử dụng kiểu dáng công nghiệp mà không trả tiền đền bù theo quy định về quyền tạm thời.
Quyền tạm thời quy định:
– Trường hợp người nộp đơn đăng ký kiểu dáng công nghiệp biết rằng kiểu dáng công nghiệp đang được người khác sử dụng nhằm mục đích thương mại và người đó không có quyền sử dụng trước thì người nộp đơn có quyền thông báo bằng văn bản cho người sử dụng về việc mình đã nộp đơn đăng ký, trong đó chỉ rõ ngày nộp đơn và ngày công bố đơn trên Công báo sở hữu công nghiệp để người đó chấm dứt việc sử dụng hoặc tiếp tục sử dụng.
– Trong trường hợp đã được thông báo như trên mà người được thông báo vẫn tiếp tục sử dụng kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí thì khi Bằng độc quyền kiểu dáng công nghiệp được cấp, chủ sở hữu kiểu dáng công nghiệp có quyền yêu cầu người đã sử dụng kiểu dáng công nghiệp phải trả một khoản tiền đền bù tương đương với giá chuyển giao quyền sử dụng kiểu dáng công nghiệp đó trong phạm vi và thời hạn sử dụng tương ứng.
Căn cứ xác định hành vi xâm phạm
Nghị định 105/2006/NĐ-CP đã quy định căn cứ xác định hành vi xâm phạm. Theo đó, Hành vi bị xem xét bị coi là hành vi xâm phạm khi có đủ các căn cứ sau đây:
– Đối tượng bị xem xét thuộc phạm vi các đối tượng đang được bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ.
– Có yếu tố xâm phạm trong đối tượng bị xem xét.
– Người thực hiện hành vi bị xem xét không phải là chủ thể quyền sở hữu trí tuệ và không phải là người được pháp luật hoặc cơ quan có thẩm quyền cho phép theo các trường hợp ngoại lệ.
– Hành vi bị xem xét xảy ra tại Việt Nam. Hành vi bị xem xét cũng bị coi là xảy ra tại Việt Nam nếu hành vi đó xảy ra trên mạng internet nhưng nhằm vào người tiêu dùng hoặc người dùng tin tại Việt Nam.
Các yếu tố xâm phạm quyền đối với kiểu dáng công nghiệp
Yếu tố xâm phạm quyền đối với kiểu dáng công nghiệp là sản phẩm hoặc phần của sản phẩm mà hình dáng bên ngoài không khác biệt đáng kể với kiểu dáng công nghiệp được bảo hộ. Trường hợp kiểu dáng công nghiệp đó là bản sao hoặc về bản chất là bản sao của kiểu dáng công nghiệp đã dược bảo hộ thì được coi là không khác biệt đáng kể.
Căn cứ để xác định yếu tố xâm phạm quyền đối với kiểu dáng công nghiệp là phạm vi bảo hộ kiểu dáng công nghiệp được xác định theo Bằng độc quyền kiểu dáng công nghiệp.
Sản phẩm, phần sản phẩm bị coi là yếu tố xâm phạm quyền đối với kiểu dáng công nghiệp thuộc một trong các trường hợp sau đây:
– Trên sản phẩm hoặc phần sản phẩm bị xem xét, kể cả trường hợp đã được cấp Bằng độc quyền kiểu dáng công nghiệp, có tập hợp các đặc điểm tạo dáng hợp thành một tổng thể là bản sao hoặc về bản chất là bản sao (gần như không thể phân biệt được sự khác biệt) của kiểu dáng công nghiệp của chủ sở hữu khác đã được bảo hộ mà không được sự đồng ý của người đó;
– Trên sản phẩm hoặc phần sản phẩm bị xem xét có tập hợp các đặc điểm tạo dáng hợp thành một tổng thể là bản sao hoặc về bản chất là bản sao của kiểu dáng công nghiệp của ít nhất một sản phẩm trong bộ sản phẩm được bảo hộ của người khác.
Tuy nhiên, Luật Sở hữu trí tuệ 2005 đã quy định trường hợp giới hạn quyền sở hữu đối với kiểu dáng công nghiệp tại Điều 134
Quyền sử dụng trước đối với sáng chế, kiểu dáng công nghiệp
Trường hợp trước ngày đơn đăng ký kiểu dáng công nghiệp được công bố mà có người đã sử dụng hoặc chuẩn bị các điều kiện cần thiết để sử dụng kiểu dáng công nghiệp đồng nhất với kiểu dáng công nghiệp trong đơn đăng ký nhưng được tạo ra một cách độc lập (sau đây gọi là người có quyền sử dụng trước) thì sau khi văn bằng bảo hộ được cấp, người đó có quyền tiếp tục sử dụng kiểu dáng công nghiệp trong phạm vi và khối lượng đã sử dụng hoặc đã chuẩn bị để sử dụng mà không phải xin phép hoặc trả tiền đền bù cho chủ sở hữu kiểu dáng công nghiệp được bảo hộ. Việc thực hiện quyền của người sử dụng trước kiểu dáng công nghiệp không bị coi là xâm phạm quyền của chủ sở hữu kiểu dáng công nghiệp.
Lưu ý: Người có quyền sử dụng trước kiểu dáng công nghiệp không được phép chuyển giao quyền đó cho người khác, trừ trường hợp chuyển giao quyền đó kèm theo việc chuyển giao cơ sở sản xuất, kinh doanh nơi sử dụng hoặc chuẩn bị sử dụng kiểu dáng công nghiệp. Người có quyền sử dụng trước không được mở rộng phạm vi, khối lượng sử dụng nếu không được chủ sở hữu kiểu dáng công nghiệp cho phép.
Trên đây là nội dung Lawkey đưa đến bạn đọc. Doanh nghiệp, cá nhân, tổ chức có thể tìm hiểu về dịch vụ đại diện sở hữu công nghiệp. Để biết thêm thông tin chi tiết, hãy liên hệ với chúng tôi để được tư vấn.
Thủ tục đăng ký hợp đồng chuyển nhượng quyền sở hữu công nghiệp
Chủ sở hữu quyền sở hữu công nghiệp có quyền chuyển nhượng đối tượng sở hữu công nghiệp của mình cho chủ thể [...]
Thủ tục đăng ký nhãn hiệu tập thể theo quy định mới nhất
Để đăng ký nhãn hiệu thì cần chuẩn bị hồ sơ gồm những gì? Trình tự, thủ tục đăng ký nhãn hiệu tập thể theo quy định [...]