Quy định về lao động Việt Nam làm việc cho tổ chức cá nhân nước ngoài tại Việt Nam
QUY ĐỊNH VỀ LAO ĐỘNG VIỆT NAM LÀM VIỆC CHO TỔ CHỨC CÁ NHÂN NƯỚC NGOÀI TẠI VIỆT NAM
Theo Bộ luật lao động 2012, Công dân Việt Nam làm việc trong các doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam, trong khu công nghiệp, khu kinh tế và khu chế xuất, trong các cơ quan, tổ chức nước ngoài hoặc quốc tế tại Việt Nam hoặc làm việc cho cá nhân là công dân nước ngoài tại Việt Nam phải tuân theo pháp luật Việt Nam và được pháp luật bảo vệ. Cụ thể Quy định về lao động Việt Nam làm việc cho tổ chức, cá nhân nước ngoài tại Việt Nam được Bộ Luật lao động và các văn bản hướng dẫn thi hành quy định chi tiết như sau:.
1. Trình tự, thủ tục tuyển người lao động Việt Nam làm việc cho tổ chức, cá nhân nước ngoài
Theo Điều 6 Nghị định 75/2014/NĐ-CP, việc tuyển người lao động Việt Nam làm việc cho tổ chức, cá nhân nước ngoài sẽ cần thực hiện trình tự, thủ tục như sau:
a). Khi có nhu cầu sử dụng người lao động Việt Nam, tổ chức, cá nhân nước ngoài phải gửi văn bản đề nghị tuyển người lao động Việt Nam đến tổ chức có thẩm quyền tuyển, quản lý người lao động Việt Nam. Trong văn bản phải nêu rõ yêu cầu về vị trí việc làm, số lượng, trình độ chuyên môn kỹ thuật, nghiệp vụ, ngoại ngữ, thời hạn cần tuyển; quyền lợi, nghĩa vụ của người lao động Việt Nam và của tổ chức, cá nhân nước ngoài trong quá trình làm việc và khi thôi việc đối với từng vị trí việc làm cần tuyển.
Cơ quan có thẩm quyền tuyển, quản lý người lao động Việt Nam làm việc cho tổ chức, cá nhân nước ngoài (bao gồm:
-Tổ chức được Bộ Ngoại giao giao hoặc ủy quyền;
– Trung tâm dịch vụ việc làm do Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội hoặc Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh) thành phố trực thuộc Trung ương quyết định thành lập.
b).Trong thời hạn 15 (mười lăm) ngày làm việc, kể từ ngày nhận được văn bản đề nghị của tổ chức, cá nhân nước ngoài thì tổ chức có thẩm quyền tuyển, quản lý người lao động Việt Nam có trách nhiệm tuyển chọn, giới thiệu người lao động Việt Nam theo đề nghị của tổ chức, cá nhân nước ngoài.
Hết thời hạn quy định này mà tổ chức có thẩm quyền tuyển, quản lý người lao động Việt Nam không tuyển chọn, giới thiệu được người lao động Việt Nam theo đề nghị của tổ chức, cá nhân nước ngoài thì tổ chức, cá nhân nước ngoài được trực tiếp tuyển người lao động Việt Nam.
c) Trong thời hạn 07 (bảy) ngày làm việc sau khi ký kết hợp đồng lao động, tổ chức, cá nhân nước ngoài phải thông báo bằng văn bản kèm bản sao hợp đồng lao động đã ký kết với người lao động Việt Nam cho tổ chức có thẩm quyền tuyển, quản lý người lao động Việt Nam.
2. Hồ sơ đăng ký dự tuyển của người lao động Việt Nam
Người lao động khi muốn dự tuyển vào làm cho tổ chức, cá nhân nước ngoài tại Việt Nam cần phải chuẩn bị bộ hồ sơ bao gồm những giấy tờ theo quy định tại Điều 5 Nghị định 75/2014/NĐ-CP như sau:
– Phiếu đăng ký dự tuyển lao động theo mẫu số 01 Ban hành kèm theo Thông tư số 16/2015/TT-BLĐTBXH gửi tới bạn đọc ở cuối bài viết
– Bản sao giấy khai sinh.
– Giấy khám sức khỏe của cơ sở y tế có thẩm quyền không quá 06 (sáu) tháng tính đến thời điểm nộp hồ sơ.
– Bản sao văn bằng, chứng chỉ về trình độ chuyên môn kỹ thuật, nghiệp vụ, ngoại ngữ liên quan đến công việc mà người lao động đăng ký dự tuyển. Nếu văn bằng, chứng chỉ bằng tiếng nước ngoài thì phải được dịch ra tiếng Việt và chứng thực theo quy định của pháp luật Việt Nam.
3.Trách nhiệm của tổ chức, cá nhân nước ngoài khi sử dụng người lao động Việt Nam
Theo Điều 8 Nghị định 75/2014/NĐ-CP, tổ chức, cá nhân nước ngoài khi sử dụng người lao động Việt Nam phải mang những trách nhiệm sau:
– Thực hiện đúng quy định của Bộ luật Lao động và các quy định hiện hành.
– Thực hiện đúng văn bản đề nghị tuyển người lao động Việt Nam và hợp đồng lao động đã ký kết.
– Báo cáo tổ chức có thẩm quyền tuyển, quản lý người lao động Việt Nam về tình hình tuyển dụng, sử dụng người lao động Việt Nam 06 (sáu) tháng, hằng năm hoặc đột xuất khi có yêu cầu.
4. Trách nhiệm của người lao động Việt Nam khi làm việc cho tổ chức, cá nhân nước ngoài
Bên cạnh trách nhiệm của tổ chức, cá nhân nước ngoài khi sử dụng người lao động Việt Nam, người lao động Việt Nam khi làm việc cho tổ chức, cá nhan nước ngoài cần phải có trách nhiệm như sau:
– Tuân thủ pháp luật về lao động của Việt Nam.
– Thực hiện đúng các điều khoản của hợp đồng lao động đã ký kết với tổ chức, cá nhân nước ngoài.
– Thực hiện đúng các quy định của tổ chức có thẩm quyền tuyển, quản lý người lao động Việt Nam đã giới thiệu đến làm việc cho tổ chức, cá nhân nước ngoài.
Trên đây là nội dung về lao động Việt Nam làm việc cho tổ chức, cá nhân nước ngoài tại Việt Nam LawKey gửi đến bạn đọc.
NLĐ dưới 18 tuổi có phải nộp thuế thu nhập cá nhân không?
NLĐ dưới 18 tuổi có phải nộp thuế thu nhập cá nhân không? Hãy cùng LawKey tìm hiểu qua bài viết dưới đây. NLĐ dưới 18 tuổi [...]
Tai nạn trên đường đi làm về có phải tai nạn lao động không?
Người làm động bị tai nạn trên đường đi làm về hoặc trên đường đi làm có được coi là tai nạn lao động không? Trường [...]