Quy định về sáng chế và bảo hộ sáng chế theo pháp luật hiện hành
Sáng chế là gì? Đặc điểm của sáng chế? Điều kiện bảo hộ sáng chế? Quy định về sáng chế và bảo hộ sáng chế theo pháp luật hiện hành?
Khái niệm sáng chế
Một trong những công cụ hữu ích góp phần không nhỏ trong việc thay đổi diện mạo đất nước cũng như thúc đẩy sự phát triển kinh tế quốc gia là việc tạo ra nhiều sáng chế mang tính đột phá. Sáng chế tạo ra phương pháp, quy trình sản xuất hoặc sản phẩm mới.
Thuật ngữ pháp lý định nghĩa sáng chế như sau: Sáng chế là giải pháp kỹ thuật dưới dạng sản phẩm hoặc quy trình nhằm giải quyết một vấn đề xác định bằng việc ứng dụng các quy luật tự nhiên (khoản 2 Điều 1 Luật sở hữu trí tuệ sửa đổi 2009).
Đặc điểm của sáng chế
Sáng chế về bản chất là việc tạo ra những cái mới về sản phẩm, công cụ, phương pháp có khả năng áp dụng trực tiếp hoặc thông qua thử nghiệm để được ứng dụng vào đời sống, sản xuất.
Sáng chế được bảo hộ độc quyền dưới hình thức cấp Bằng độc quyền sáng chế hoặc Bằng độc quyền giải pháp hữu ích khi đáp ứng các điều kiện luật định.
Có thể kể đến một số sáng chế tiêu biểu như: Kính thiên văn (Năm 1608 – Hans Lippershey); Động cơ hơi nước (Năm 1769 – James Watt); Bóng đèn sợi tóc (Năm 1879 – Thomas Alva Edison); Máy bay (Năm 1903 – Wilbur Wright và Orville Wright);…
Bảo hộ sáng chế
Xuất phát từ đặc điểm về các hình thức bảo hộ của sáng chế mà điều kiện để bảo hộ sáng chế được quy định cụ thể như sau:
Đối với hình thức cấp Bằng bảo hộ độc quyền sáng chế
Sáng chế phải đáp ứng các điều kiện quy định tại khoản 1 Điều 58 Luật sở hữu trí tuệ 2005 thì được bảo hộ dưới hình thức này. Cụ thể:
– Có tính mới;
– Có trình độ sáng tạo;
– Có khả năng áp dụng công nghiệp.
Đối với hình thức cấp Bằng độc quyền giải pháp hữu ích
Sáng chế được bảo hộ dưới hình thức cấp Bằng độc quyền giải pháp hữu ích nếu không phải là hiểu biết thông thường và đáp ứng các điều kiện sau đây:
– Có tính mới;
– Có khả năng áp dụng công nghiệp.
Xem thêm: Sáng chế được bảo hộ khi đáp ứng các điều kiện nào?
Những đối tượng không được bảo hộ dưới danh nghĩa sáng chế
Các đối tượng sau đây không được bảo hộ với danh nghĩa sáng chế:
– Phát minh, lý thuyết khoa học, phương pháp toán học;
– Sơ đồ, kế hoạch, quy tắc và phương pháp để thực hiện các hoạt động trí óc, huấn luyện vật nuôi, thực hiện trò chơi, kinh doanh; chương trình máy tính;
– Cách thức thể hiện thông tin;
– Giải pháp chỉ mang đặc tính thẩm mỹ;
– Giống thực vật, giống động vật;
– Quy trình sản xuất thực vật, động vật chủ yếu mang bản chất sinh học mà không phải là quy trình vi sinh;
– Phương pháp phòng ngừa, chẩn đoán và chữa bệnh cho người và động vật.
Xem thêm: Sáng chế: Thủ tục đăng ký theo quy định của Luật Sở hữu trí tuệ
Trên đây là bài tư vấn của chúng tôi về “Quy định về sáng chế và bảo hộ sáng chế theo pháp luật hiện hành” gửi đến bạn đọc. Nếu bạn còn bất kỳ thắc mắc nào, bạn hãy tư vấn của chúng tôi để được hỗ trợ giải đáp.
Thủ tục xử lý đơn đăng ký sở hữu công nghiệp theo quy định hiện nay
Đơn đăng ký sở hữu công nghiệp đối với mỗi đối tượng sở hữu công nghiệp đều yêu cầu những nội dung khác nhau. [...]
Sáng chế là gì theo quy định pháp luật hiện hành?
Sáng chế là gì? Đặc điểm của sáng chế? Điều kiện và đối tượng không được đăng ký bảo hộ sáng chế tại Việt [...]