Quy định về thỏa ước lao động tập thể
Thỏa ước lao động tập thể là cơ sở pháp lý quan trọng bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của các bên trong quan hệ lao động, trên cơ sở đó, xây dựng mối quan hệ lao động hài hòa, ổn định, cùng nhau hợp tác vì sự phát triển bền vững của doanh nghiệp và cũng là công cụ quan trọng của Công đoàn trong việc đại diện, bảo vệ người lao động. Bộ luật lao động 2012 và các văn bản hướng dẫn thi hành quy định về thỏa ước lao động tập thể như sau:
1. Định nghĩa thỏa ước lao động tập thể
Theo khoản 1 Điều 73 Bộ luật lao động 2012, Thỏa ước lao động tập thể là văn bản thảo thuận giữa tập thể lao động và người sử dụng lao động về các điều kiện lao động mà hai bên đã đạt được thông qua thương lượng tập thể.
Như vậy, có thể thấy thỏa ước tập thể là những quy định nội bộ của doanh nghiệp, trong đó bao gồm những thỏa thuận giữa tập thể lao động và người sử dụng lao động về những vấn đề liên quan đến quan hệ lao động.
2. Hình thức của thỏa ước lao động tập thể
Một thỏa ước lao động không thể đi vào hiệu lực nếu không được lập thành văn bản. Đây là quy định tại khoản 1 Điều 73 Bộ luật lao động 2012. Mặt khác, xét về bản chất của thỏa ước lao động tập thể là vừa có tính hợp đồng vừa có tính quy phạm. Bởi vậy nó cần phải được thể hiện rõ ràng để hai bên nghiêm chỉnh chấp hành, thực hiện theo, nếu sau này có tranh chấp xẩy ra thì sẽ là bằng chứng rõ ràng để xem xét đến quyền và nghĩa vụ của mỗi bên, và cách thể hiện bằng văn bản là hình thức rõ ràng nhất.
3. Nội dung của thỏa ước lao động tập thể
Nội dung của thỏa ước lao động tập thể là các điều khoản ghi nhận quyền và nghĩa vụ của hai bên. Bộ luật lao động 2012 không còn quy định cụ thể các nội dung trong thỏa ước lao động tập thể nữa mà chỉ quy định chung “Nội dung thoả ước lao động tập thể không được trái với quy định của pháp luật và phải có lợi hơn cho người lao động so với quy định của pháp luật” (khoản 2 Điều 73 Bộ luật lao động 2012).
Tuy nhiên, nội dung của thỏa ước lao động tập thể là các điều kiện lao động mà hai bên đã đạt được thông qua thương lượng tập thể, do vậy có thể hiểu nội dung của thỏa ước lao động tập thể là nội dung thương lượng tập thể được quy định tại Điều 70 Bộ luật lao động 2012. Các vấn đề này hầu hết đã được pháp luật quy định, tuy nhiên có nhiều vấn đề chưa được quy định cụ thể hay còn bỏ ngỏ. Vì vậy, các bên cần thỏa thuận cụ thể hơn cho phù hợp với điều kiện sản xuất, kinh doanh của từng doanh nghiệp. Các vấn đề quy định tại Điều 70 Bộ luật lao động 2012 bao gồm:
– Tiền lương, tiền thưởng, trợ cấp và nâng lương
Các bên trong thỏa ước lao động tập thể phải thỏa thuận về tiền lương, dựa trên cơ sở năng suất lao động và chất lượng công việc. Mức lương của người lao động không được thấp hơn mức lương tối thiểu do Chính phủ quy định. Ngoài ra, tiền thưởng, tiền trợ cấp, nguyên tắc và điều kiện nâng bậc lương, lương làm thêm giờ,…Tất cả những thỏa thuận này cũng phải căn cứ vào các quy định về tiền lương của Bộ luật lao động 2012.
– Thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi
Các bên có thể thương lượng cụ thể về độ dài thời gian làm việc trong ngày, trong tuần, thời gian nghỉ giữa giờ hoặc nghỉ chuyển ca, nghỉ hàng tuần, các nguyên tắc và các trường hợp làm thêm giờ. Ngoài ra có thể thỏa thuận thêm về chế độ nghỉ hàng năm đối với người lao động cho phù hợp với từng loại công việc cũng như từng ngành nghề. Tuy nhiên tất cả các thỏa thuận này đều phải phù hợp với quy định của pháp luật về thời giờ làm việc, thời gian nghỉ ngơi, cụ thể là không được trái với các quy định tại Chương VII Bộ luật lao động 2012.
– Bảo đảm việc làm đối với người lao động
Các bên phải thương lượng cụ thể, rõ ràng về những vấn đề nhằm ổn định việc làm cho người lao động, bố trí lao động hợp lý như các biện pháp bảo đảm việc làm, các loại hợp đồng lao động đối với từng loại lao động hoặc loại công việc,…Đồng thời, người sử dụng lao động cũng cần đưa ra các cam kết về chế độ trợ cấp thôi việc, mất việc làm hay vấn đề bồi thường, hoàn trả phí đào tạo.
– Bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động, thực hiện nội quy lao động
Người sử dụng lao động và người lao động đều có trách nhiệm lao động, sản xuất phải tuân theo quy định của pháp luật về an toàn lao động và vệ sinh lao động, bảo đảm được những nội dung cơ bản của nội quy lao động. Ngoài ra, người sử dụng lao động phải quy định cụ thể những quyền, lợi ích và việc bảo hộ lao động cho người lao động đặc biệt là khi làm những công việc nặng nhọc, nguy hiểm đến tính mạng.
– Những nội dung khác
Ngoài các nội dung nói trên, các bên có thể thỏa thuận về những nội dung khác mà hai bên quan tâm như định mức lao động, vấn đề về bảo hiểm xã hội, kỷ luật lao động,… nhưng không được trái các quy định của pháp luật.
Như vậy, có thể thấy nội dung của thỏa ước lao động tập thể là những vấn đề phát sinh trong quan hệ lao động, các bên thỏa thuận với nhau những vấn đề hai bên cùng quan tâm hay những vấn đề mà pháp luật chưa quy định rõ ràng, cụ thể. Tuy nhiên, thỏa thuận của hai bên phải thỏa mãn hai điều kiện đó là không trái pháp luật và phải có lợi hơn cho người lao động so với quy định pháp luật.
4. Người có thẩm quyền thương lượng, ký kết thỏa ước lao động tập thể
Theo quy định tại Khoản 1 Điều 74 Bộ luật lao động 2012, chủ thể kí kết thỏa ước gồm đại diện tập thể lao động và người sử dụng lao động hoặc đại diện người sử dụng lao động.
Thỏa ước lao động tập thể bao gồm thỏa ước lao động tập thể doanh nghiệp, thỏa ước lao động tập thể ngành và các hình thức thỏa ước lao động tập thể khác do Chính phủ quy định. Ở mỗi một loại thỏa ước đều có các chủ thể khác nhau có thẩm quyền ký kết. Cụ thể:
Đối với thỏa ước lao động tập thể doanh nghiệp, chủ thể kí kết bên tập thể lao động là Chủ tịch công đoàn cơ sở hoặc Chủ tịch công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở ở nơi chưa thành lập công đoàn cơ sở; bên người sử dụng lao động là người đại diện theo pháp luật quy định tại điều lệ của doanh nghiệp, hợp tác xã, người đứng đầu cơ quan, tổ chức hoặc cá nhân có sử dụng lao động theo hợp đồng lao động (theo Điều 18 Nghị định 05/2015/NĐ-CP).
Còn đối với thỏa ước lao động tập thể ngành, đại diện kí kết bên tập thể lao động là Chủ tịch công đoàn ngành, bên người sử dụng lao động là đại diện của tổ chức đại diện người sử dụng lao động đã tham gia thương lượng tập thể.
5. Quy trình thương lượng tập thể
Pháp luật lao động quy định các bên trong quá trình thương lượng tập thể cần tuân thủ theo đúng quy trình đã được định sẵn, tức là tập thể lao động (hay người đại diện cho tập thể lao động) sẽ tiến hành thương lượng tập thể theo bốn bước:
– Đề xuất yêu cầu ký kết thỏa ước
Việc đề xuất yêu cầu phải được thông báo bằng văn bản, chậm nhất trong thời hạn 05 ngày làm việc trước khi bắt đầu cuộc họp thương lượng tập thể về những nội dung dự kiến tiến hành thương lượng tập thể.
– Tiến hành thương lượng
Bên nhận được yêu cầu chấp nhận việc thương lượng và hai bên thỏa thuận về thời gian, địa điểm và số lượng đại diện tham gia thương lượng. Thời gian bắt đầu thương lượng chậm nhất là 20 ngày kể từ ngày nhận được yêu cầu. Kết quả thương lượng là căn cứ để xây dựng thỏa ước lao động tập thể. Sau khi thống nhất được nội dung thỏa ước, các bên sẽ tiến hành xây dựng dự thảo của thỏa ước.
– Tổ chức lấy ý kiến của tập thể lao động về nội dung của thỏa ước
Việc lấy ý kiến của tập thể lao động bằng hình thức bỏ phiếu kín hoặc lấy chữ ký. Kết quả lấy ý kiến phải lập thành văn bản, trong đó ghi rõ tổng số những người được lấy ý kiến, số người tán thành, số người không tán thành. Biên bản này phải có chữ ký của đại diện ban chấp hành công đoàn.
– Ký kết thỏa ước
Trên cơ sở ý kiến đóng góp của tập thể lao động, các bên hoàn thiện dự thảo của thỏa ước. Việc ký kết thỏa ước lao động tập thể chỉ được tiến hành khi thỏa mãn các điều kiện tại Khoản 2 Điều 74 Bộ luật lao động 2012.
Theo đó, thỏa ước lao động tập thể chỉ được ký kết khi các bên đạt được thỏa thuận tại phiên họp thương lượng tập thể và có trên 50% số người tập thể lao động biểu quyết tán thành nội dung thương lượng tập thể đối với thỏa ước lao động tập thể doanh nghiệp; hoặc 50% số đại diện Ban chấp hành công đoàn cơ sở hoặc công đoàn cấp trên cơ sở biểu quyết tán thành nội dung thương lượng tập thể đối với thỏa ước lao động tập thể ngành. Sau khi thỏa ước lao động tập thể được ký kết, người sử dụng lao động phải công bố cho mọi người lao động của mình biết.
Lưu ý:
Trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày ký kết, người sử dụng lao động hoặc đại diện người sử dụng lao động phải gửi một bản thỏa ước đến cơ quan quản lý nhà nước về lao động cấp tỉnh đối với thỏa ước lao động tập thể doanh nghiệp, đến Bộ lao động – Thương binh và xã hội đối với thỏa ước lao động tập thể ngành và thỏa ước lao động tập thể khác (Điều 75 Bộ luật lao động 2012).
Trước đây pháp luật quy định đăng ký thỏa ước lao động tập thể tại cơ quan có thẩm quyền là một thủ tục bắt buộc, nếu không thực hiện bước này thì thỏa ước lao động tập thể sẽ bị coi là vô hiệu toàn bộ. Tuy nhiên hiện nay, theo quy định của pháp luật thì hiệu lực của thỏa ước hoàn toàn không phụ thuộc vào yếu tố này.
Trên đây là nội dung Quy định về thỏa ước lao động tập thể LawKey gửi đến bạn đọc.
Thủ tục khám giám định để hưởng BHXH một lần
Hồ sơ khám giám định để hưởng BHXH một lần gồm những giấy tờ gì? Thủ tục khám giám định hưởng BHXH một lần như [...]
Người lao động có được thưởng dịp tết Dương lịch 2025 không?
Người lao động có được thưởng dịp tết Dương lịch 2025 không? Hãy cùng LawKey tìm hiểu qua bài viết dưới đây. Người [...]