Quy định về thủ tục rút gọn tại Tòa án cấp phúc thẩm
Thủ tục rút gọn là thủ tục tố tụng được áp dụng để giải quyết vụ án dân sự có đủ điều kiện theo quy định của Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015 với trình tự đơn giản so với thủ tục giải quyết các vụ án dân sự thông thường nhằm giải quyết vụ án nhanh chóng nhưng vẫn đảm bảo đúng pháp luật. Trong bài viết dưới đây hãy cùng Lawkey tìm hiểu về những quy định về thủ tục rút gọn tại Tòa án cấp phúc thẩm.
Điều kiện áp dụng thủ tục rút gọn
Điều kiện áp dụng thủ tục rút gọn được liệt kê tại Điều 317 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015, bao gồm:
a) Vụ án có tình tiết đơn giản, quan hệ pháp luật rõ ràng, đương sự đã thừa nhận nghĩa vụ; tài liệu, chứng cứ đầy đủ, bảo đảm đủ căn cứ để giải quyết vụ án và Tòa án không phải thu thập tài liệu, chứng cứ;
b) Các đương sự đều có địa chỉ nơi cư trú, trụ sở rõ ràng;
c) Không có đương sự cư trú ở nước ngoài, tài sản tranh chấp ở nước ngoài, trừ trường hợp đương sự ở nước ngoài và đương sự ở Việt Nam có thỏa thuận đề nghị Tòa án giải quyết theo thủ tục rút gọn hoặc các đương sự đã xuất trình được chứng cứ về quyền sở hữu hợp pháp tài sản và có thỏa thuận thống nhất về việc xử lý tài sản.
Phạm vi áp dụng thủ tục rút gọn
Phạm vi áp dụng thủ tục rút gọn được quy định tại Điều 316 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015 cụ thể như sau:
1. Thủ tục rút gọn là thủ tục tố tụng được áp dụng để giải quyết vụ án dân sự có đủ điều kiện theo quy định của Bộ luật này với trình tự đơn giản so với thủ tục giải quyết các vụ án dân sự thông thường nhằm giải quyết vụ án nhanh chóng nhưng vẫn bảo đảm đúng pháp luật.
2. Những quy định của Phần này được áp dụng để giải quyết vụ án theo thủ tục rút gọn; trường hợp không có quy định thì áp dụng những quy định khác của Bộ luật này để giải quyết vụ án.
3. Trường hợp luật khác có quy định tranh chấp dân sự được giải quyết theo thủ tục rút gọn thì việc giải quyết tranh chấp đó được thực hiện theo thủ tục quy định tại Phần này.
Thủ tục giải quyết vụ án dân sự theo thủ tục rút gọn tại Tòa án cấp phúc thẩm
Điều 316 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015 quy định:
Những quy định của Phần này được áp dụng để giải quyết vụ án theo thủ tục rút gọn; trường hợp không có quy định thì áp dụng những quy định khác của Bộ luật này để giải quyết vụ án.
Trình tự cụ thể về thủ tục phúc thẩm được quy định từ Điều 322 đến 324 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015:
Kháng cáo, kháng nghị đối với bản án, quyết định theo thủ tục rút gọn
Thời hạn kháng cáo kháng nghị được rút ngắn hơn so với những vụ án áp dụng thủ tục tố tụng thông thường. Trong đó, thời hạn kháng cáo với bản án, quyết định của Tòa án cấp sơ thẩm là 7 ngày, kể từ ngày tuyên án hoặc từ ngày bản án, quyết định được niêm yết. Thời hạn kháng nghị đối với bản án, quyết định là 07 ngày đối với Viện kiểm sát cùng cấp, và 10 ngày đối với Viện kiểm sát cấp trên trực tiếp, thay vì là 15 ngày hay 01 tháng đối với những bản án, quyết định giải quyết theo thủ tục thông thường.
Thụ lý và chuẩn bị xét xử phúc thẩm theo thủ tục rút gọn
Trong thời hạn 03 ngày kể từ ngày thụ lý ra và vào sổ thụ lý vụ án, Tòa án phải thông báo bằng văn bản cho các đương sự, cá nhân, tổ chức về thông báo thụ lý theo thủ tục phúc thẩm rút gọn. Chánh tòa án cấp phúc thẩm ra quyết định phân công thẩm phán giải quyết vụ án.
Thời hạn chuẩn bị xét xử phúc thẩm theo thủ tục rút gọn trên cơ sở rút ngắn so với thủ tục thông thường là 01 tháng.
Phiên tòa phúc thẩm theo thủ tục rút gọn
Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày có quyết định đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm, thẩm phán được phân công xét xử phải mở phiên tòa phúc thẩm, như vậy thời hạn mở phiên tòa phúc thẩm đã được rút ngắn hơn so với thủ tục thông thường từ 01 đến 02 tháng.
Một số quyền hạn của Thẩm phán giải quyết vụ án phúc thẩm theo thủ tục rút gọn được quy định tại khoản 6 Điều 324 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015 như sau:
a) Giữ nguyên bản án, quyết định của Tòa án cấp sơ thẩm;
b) Sửa bản án, quyết định của Tòa án cấp sơ thẩm;
c) Hủy bản án, quyết định của Tòa án cấp sơ thẩm và chuyển hồ sơ vụ án cho Tòa án cấp sơ thẩm để giải quyết lại vụ án theo thủ tục rút gọn hoặc theo thủ tục thông thường nếu không còn đủ các điều kiện để giải quyết theo thủ tục rút gọn;
d) Hủy bản án sơ thẩm và đình chỉ giải quyết vụ án;
đ) Đình chỉ xét xử phúc thẩm và giữ nguyên bản án sơ thẩm.
Trên đây là nội dung tư vấn về Quy định về thủ tục rút gọn tại Tòa án cấp phúc thẩm Lawkey gửi tới bạn đọc. Nếu có bất kỳ thắc mắc gì vui lòng liên hệ tới Lawkey để được giải đáp chi tiết nhất.
>>xem thêm: Trình tự cấp hộ chiếu phổ thông theo thủ tục rút gọn mới nhất
Trẻ sơ sinh có quyền hưởng di sản thừa kế không?
Trẻ sơ sinh có quyền hưởng di sản thừa kế không? Pháp luật dân sự có hạn chế quyền hưởng thừa kế của trẻ sơ sinh [...]
Tổng hợp các biện pháp khẩn cấp tạm thời theo quy định hiện nay
Đương sự, người đại diện của đương sự,… có quyền yêu cầu Toà án áp dụng các biện pháp khẩn cấp tạm thời [...]