Quy định về Văn phòng đại diện của Thương Nhân nước ngoài
Quy định về Văn phòng đại diện của Thương Nhân nước ngoài
Theo quy định của Luật Thương mại 2005, Văn phòng đại diện của thương nhân nước ngoài tại Việt Nam là đơn vị phụ thuộc của thương nhân nước ngoài, được thành lập theo quy định của pháp luật Việt Nam để tìm hiểu thị trường và thực hiện một số hoạt động xúc tiến thương mại mà pháp luật Việt Nam cho phép.
1. Điều kiện thành lập văn phòng đại diện
Theo hướng dẫn tại Điều 7 Nghị định số 07/2016/NĐ-CP quy định chi tiết luật Thương mại về Văn phòng đại diện, chi nhánh của thương nhân nước ngoài tại Việt Nam, Thương nhân nước ngoài được cấp Giấy phép thành lập Văn phòng đại diện khi đáp ứng các điều kiện sau:
1.Thương nhân nước ngoài được thành lập, đăng ký kinh doanh theo quy định của pháp luật quốc gia, vùng lãnh thổ tham gia điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên hoặc được pháp luật các quốc gia, vùng lãnh thổ này công nhận;
2.Thương nhân nước ngoài đã hoạt động ít nhất 01 năm, kể từ ngày được thành lập hoặc đăng ký;
3. Trong trường hợp Giấy đăng ký kinh doanh hoặc giấy tờ có giá trị tương đương của thương nhân nước ngoài có quy định thời hạn hoạt động thì thời hạn đó phải còn ít nhất là 01 năm tính từ ngày nộp hồ sơ;
4. Nội dung hoạt động của Văn phòng đại diện phải phù hợp với cam kết của Việt Nam trong các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên;
5. Trường hợp nội dung hoạt động của Văn phòng đại diện không phù hợp với cam kết của Việt Nam hoặc thương nhân nước ngoài không thuộc quốc gia, vùng lãnh thổ tham gia điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên, việc thành lập Văn phòng đại diện phải được sự chấp thuận của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ quản lý chuyên ngành (sau đây gọi chung là Bộ trưởng Bộ quản lý chuyên ngành).
2. Quyền, Nghĩa vụ của Văn phòng đại diện
Văn phòng đại diện thực hiện chức năng văn phòng liên lạc, tìm hiểu thị trường, xúc tiến thúc đẩy cơ hội đầu tư kinh doanh của thương nhân mà mình đại diện, không bao gồm ngành dịch vụ mà việc thành lập Văn phòng đại diện trong lĩnh vực đó được quy định tại văn bản quy phạm pháp luật chuyên ngành.
*Quyền của Văn phòng đại diện
Theo Điều 17 luật Thương mại 2005, Văn phòng đại diện của thương nhân nước ngoài có các quyền sau:
- Hoạt động đúng mục đích, phạm vi và thời hạn được quy định trong giấy phép thành lập Văn phòng đại diện.
- Thuê trụ sở, thuê, mua các phương tiện, vật dụng cần thiết cho hoạt động của Văn phòng đại diện.
- Tuyển dụng lao động là người Việt Nam, người nước ngoài để làm việc tại Văn phòng đại diện theo quy định của pháp luật Việt Nam.
- Mở tài khoản bằng ngoại tệ, bằng đồng Việt Nam có gốc ngoại tệ tại ngân hàng được phép hoạt động tại Việt Nam và chỉ được sử dụng tài khoản này vào hoạt động của Văn phòng đại diện.
- Có con dấu mang tên Văn phòng đại diện theo quy định của pháp luật Việt Nam.
- Các quyền khác theo quy định của pháp luật.
*Nghĩa vụ của Văn phòng đại diện
Theo Điều 18 luật Thương mại 2005, Văn phòng đại diện của thương nhân nước ngoài có các nghĩa vụ sau:
1. Không được thực hiện hoạt động sinh lợi trực tiếp tại Việt Nam.
2. Chỉ được thực hiện các hoạt động xúc tiến thương mại trong phạm vi mà Luật này cho phép.
3. Không được giao kết hợp đồng, sửa đổi, bổ sung hợp đồng đã giao kết của thương nhân nước ngoài, trừ trường hợp Trưởng Văn phòng đại diện có giấy uỷ quyền hợp pháp của thương nhân nước ngoài hoặc các trường hợp quy định tại các khoản 2, 3 và 4 Điều 17 của Luật này.
4. Nộp thuế, phí, lệ phí và thực hiện các nghĩa vụ tài chính khác theo quy định của pháp luật Việt Nam.
5. Báo cáo hoạt động của Văn phòng đại diện theo quy định của pháp luật Việt Nam.
6. Các nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật.
3. Thẩm quyền cho phép thương nhân nước ngoài thành lập Văn phòng đại diện tại Việt Nam
Thẩm quyền cho phép thương nhân nước ngoài thành lập Văn phòng đại diện được quy định như sau:
– Sở Công Thương nơi thương nhân dự kiến đặt trụ sở Văn phòng đại diện ngoài khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế, khu công nghệ cao thực hiện việc cấp, cấp lại, điều chỉnh, gia hạn, thu hồi Giấy phép thành lập Văn phòng đại diện và chấm dứt hoạt động của Văn phòng đại diện trong trường hợp việc thành lập Văn phòng đại diện chưa được quy định tại văn bản quy phạm pháp luật chuyên ngành.
– Ban quản lý khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế, khu công nghệ cao thực hiện việc cấp, cấp lại, điều chỉnh, gia hạn, thu hồi Giấy phép thành lập Văn phòng đại diện và chấm dứt hoạt động của Văn phòng đại diện đặt trụ sở trong khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế, khu công nghệ cao trong trường hợp việc thành lập Văn phòng đại diện chưa được quy định tại văn bản quy phạm pháp luật chuyên ngành.
– Trường hợp pháp luật chuyên ngành có quy định cụ thể về thẩm quyền của bộ, cơ quan ngang bộ chịu trách nhiệm trước Chính phủ quản lý việc cấp giấy phép cho thương nhân nước ngoài hoạt động thương mại tại Việt Nam thì thực hiện theo quy định của pháp luật chuyên ngành đó.
Như vậy:
Thương nhân nước ngoài muốn thành lập Văn phòng đại diện tại Việt Nam phải đáp ứng đầy đủ điều kiện quy định tại Điều 7 Nghị định số 07/2016/NĐ-CP, thực hiện thủ tục xin cấp phép thành lập tại Cơ quan có thẩm quyền trước khi hoạt động. Và chỉ được thành lập một Văn phòng đại diện hoặc chi nhánh có cùng tên gọi trong phạm vi một tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Quyền và nghĩa vụ của Văn phòng đại diện thương nhân nước ngoài thực hiện theo quy định của luật Thương mại 2005 và các văn bản pháp luật khác của Việt Nam.
Trên đây là một số Quy định về Văn phòng đại diện của Thương Nhân nước ngoài tại Việt Nam LawKey gửi đến bạn đọc.
Giải thể doanh nghiệp là gì? Các trường hợp giải thể doanh nghiệp?
Giải thể là quá trình chấm dứt tồn tại của doanh nghiệp với tư cách một pháp nhân. Vậy giải thể doanh nghiệp là gì? [...]
Tự kiểm tra việc thực hiện pháp luật lao động của doanh nghiệp được tiến hành thế nào?
Tiến hành tự kiểm tra việc thực hiện pháp luật lao động của doanh nghiệp được quy định thế nào? Hãy cùng LawKey tìm [...]