Quyền của tác giả đối tượng sở hữu công nghiệp
Tác giả đối tượng sở hữu công nghiệp là người tạo ra các đối tượng sở hữu công nghiệp bằng lao động sáng tạo của mình. Vậy, pháp luật sở hữu trí tuệ quy định thế nào về quyền của tác giả đối tượng sở hữu công nghiệp?
Một tiêu chí để công nhận một chủ thể là tác giả của đối tượng sở hữu công nghiệp là sự lao động sáng tạo của người đó để tạo ra đối tượng tương ứng, là trí tuệ tư duy được kết tinh trong mỗi đối tượng. Do đó, quyền tác giả chỉ phát sinh đối với các loại đối tượng có đặc điểm về sự sáng tạo như sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, giải pháp hữu ích, thiết kế bố trí mạch tích hợp bán dẫn.
Các đối tượng sở hữu công nhiệp còn lại như nhãn hiệu, tên thương mại, chỉ dẫn địa lí chỉ bao gồm các dấu hiệu chỉ dẫn cho người tiêu dùng lựa chọn hàng hóa, dịch vụ và thường gắn bên ngoài hàng hoặc hoặc trên bao bì của hàng hóa. Sự sáng tạo trong các đối tượng này thường không có hoặc rất ít, do vậy, việc ghi nhận tác giả cho các đối tượng này không được pháp luật quy định. Đối với bí mật kinh doanh là loại đối tượng có tính “bí mật” đặc thù nên việc ghi nhận tác giả của đối tượng này cũng không được pháp luật đặt ra.
Như vậy, quyền tác giả đối tượng sở hữu công nghiệp là quyền tác giả của sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí. Pháp luật quy định tác giả các đối tượng này có quyền nhân thân và quyền tài sản, cụ thể:
Quyền nhân thân
Quyền nhân thân pháp luật ghi nhận cho tác giả của cá đối tượng là quyền được ghi tên. Họ tên dưới danh nghĩa là tác giả được ghi đầy đủ, cụ thể, rõ ràng và chính xác trong các trường hợp sau:
– Được ghi tên là tác giả trong Bằng độc quyền sáng chế, Bằng độc quyền giải pháp hữu ích, Bằng độc quyền kiểu dáng công nghiệp và Giấy chứng nhận đăng ký thiết kế bố trí mạch tích hợp bán dẫn;
– Được ghi tên là tác giả trong Sổ đăng kí quốc gia về các đối tượn sở hữu công nghiệp được bảo hộ;
– Được nêu tên là tác giả trong các tài liệu công bố, giới thiệu về sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí.
Tác giả đối tượng sở hữu công nghiệp gồm: tác giả đồng thời là chủ sở hữu văn bằng bảo hộ và tác giả không đồng thời là chủ sở hữu văn bằng bảo hộ. Trường hợp tác giả đồng thời là chủ sở hữu văn bằng bảo hộ hay không đồng thời là chủ sở hữu văn bằng bảo hộ, việc được ghi tên, nêu tên trong các trường hợp trên đều hết sức quan trọng. Ngay cả khi đối tượng sở hữu công nghiệp mà tác giả sáng tạo đã chuyển quyền sở hữu cho người khác, việc ghi tên họ dưới danh nghĩa là tác giả cần phải được ghi nhận và bảo hộ.
Quyền tài sản
Quyền tài sản được pháp luật ghi nhận cho tác giả đối tượng sở hữu công nghiệp là quyền được nhận thù lao từ chủ sở hữu theo thỏa thuận hoặc theo quy định của pháp luật. Số tiền thù lao tác giả được hưởng để bù đắp, trả công cho nỗ ực sáng tạo, lao động trí tuệ của tác giả theo hợp đồng nghiên cứu hay hợp đồng lao động, tiền thù lao cũng để trả cho những chi phí vật chất ( như tiền mua nguyên vật liệu, thiết bị, máy móc, đồ dùng phục vụ cho thí nghiệm,..) trong trường hợp tác giả sáng tạo ra đối tượng sở hữu công nghiệp đóc lập bằng kinh phí và trí tuê của riêng mình và sau đó chuyển giao quyền sở hữu cho người khác.
Mức thù lao tác giả được nhận trước hết dựa trên sự thỏa thuận của tác giả và chủ sở hữu. Trường hợp không có thỏa thuận, mức thù lao được xác định theo quy định của pháp luật. Theo đó, mức thù lao tối thiểu mà chủ sở hữu phải trả cho tác giả được quy định như sau:
– 10% số tiền làm lợi mà chủ sở hữu thu được do sử dụng sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí;
– 15% tổng số tiền mà chủ sở hữu nhận được trong mỗi lần nhận tiền thanh toán do chuyển giao quyền sử dụng sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí.
Trong trường hợp sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí được nhiều tác giả tạo ra, mức thù lao trên là mức dành cho tất cả các đồng tác giả; các đồng tác giả tự thoả thuận việc phân chia số tiền thù lao do chủ sở hữu chi trả.
Nếu giữa chủ sở hữu và tác giả không có thoả thuận khác, việc thanh toán tiền thù lao phải được thực hiện không muộn hơn ba mươi ngày, kể từ ngày chủ sở hữu nhận được tiền thanh toán do chuyển giao quyền sử dụng hoặc kể từ ngày chủ sở hữu thu được lợi sau mỗi đợt sử dụng sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí; nếu sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí được sử dụng liên tục thì mỗi đợt thanh toán không được quá sáu tháng, kể từ ngày kết thúc đợt thanh toán trước.
Lưu ý, Quyền nhận thù lao của tác giả đối tượng sở hữu công nghiệp được bảo hộ trong suốt thời hạn bảo hộ sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí. Nghĩa vụ trả thù lao cho tác giả sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí tồn tại trong suốt thời hạn bảo hộ của sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí.
Trên đây là nội dung Quyền của tác giả đối tượng sở hữu công nghiệp Lawkey gửi đến bạn đọc. Nếu có thắc mắc, vui lòng liên hệ Lawkey để được tư vấn.
Xem thêm: Quy định về quyền nhân thân của tác giả
Sáng chế được bảo hộ khi đáp ứng các điều kiện nào?
Xã hội ngày càng phát triển và việc đăng ký bảo hộ sáng chế cũng ngày càng được quan tâm. Vậy một sáng chế được [...]
Nhãn hiệu tập thể
Đặc trưng của nhãn hiệu tập thể là nhiều chủ thể đều có quyền sử dụng nó và chủ nhãn hiệu tập thể có nghĩa vụ [...]