Quyền của tổ chức phát sóng
Tổ chức phát sóng là chủ thể quyền liên quan là các tổ chức khởi xướng và thực hiện việc phát sóng bao gồm các tổ chức phát thanh, tổ chức truyền hình và phát tín hiệu vệ tinh. Vậy pháp luật sở hữu trí tuệ quy định thế nào về đối chủ thể này? Quyền của tổ chức phát sóng gồm những gì?
Tổ chức phát sóng là ai?
Tổ chức phát sóng là tổ chức khởi xướng và thực hiện việc phát sóng.
Quyền của tổ chức phát sóng
Tổ chức phát sóng có độc quyền thực hiện hoặc cho phép người khác thực hiện các quyền sau đây:
– Phát sóng, tái phát sóng chương trình phát sóng của mình;
– Phân phối đến công chúng chương trình phát sóng của mình;
Tổ chức, cá nhân sử dụng chương trình phát sóng của tổ chức phát sóng khác để tái phát sóng hoặc truyền trên mạng viễn thông, thông tin điện tử hoặc bất kỳ phương tiện kỹ thuật nào thực hiện theo thỏa thuận và các quy định pháp luật liên quan. Việc sửa đổi, cắt xén, bổ sung chương trình phát sóng của tổ chức phát sóng khác để tái phát sóng hoặc truyền trên mạng viễn thông, thông tin điện tử hoặc bất kỳ phương tiện kỹ thuật nào khác phải có sự thỏa thuận với chủ sở hữu chương trình phát sóng.
– Định hình chương trình phát sóng của mình;
– Sao chép bản định hình chương trình phát sóng của mình.
Tổ chức phát sóng được hưởng quyền lợi vật chất khi chương trình phát sóng của mình được ghi âm, ghi hình, phân phối đến công chúng.
Thời hạn bảo hộ
Quyền của tổ chức phát sóng được bảo hộ năm mươi năm tính từ năm tiếp theo năm chương trình phát sóng được thực hiện.
Nghĩa vụ của tổ chức phát sóng
Tổ chức phát sóng sử dụng tác phẩm đã công bố để phát sóng có tài trợ, quảng cáo hoặc thu tiền dưới bất kỳ hình thức nào không phải xin phép, nhưng phải trả tiền nhuận bút, thù lao cho chủ sở hữu quyền tác giả kể từ khi sử dụng. Mức nhuận bút, thù lao, quyền lợi vật chất khác và phương thức thanh toán do các bên thoả thuận; trường hợp không thỏa thuận được thì thực hiện theo quy định của Chính phủ hoặc khởi kiện tại Toà án theo quy định của pháp luật.
Tổ chức phát sóng sử dụng tác phẩm đã công bố để phát sóng không có tài trợ, quảng cáo hoặc không thu tiền dưới bất kỳ hình thức nào không phải xin phép, nhưng phải trả tiền nhuận bút, thù lao cho chủ sở hữu quyền tác giả kể từ khi sử dụng theo quy định của Chính phủ.
Lưu ý:
– Việc sử dụng tác phẩm nêu trên không áp dụng đối với tác phẩm điện ảnh.
– Tổ chức, cá nhân sử dụng tác phẩm theo quy định nêu trên không được làm ảnh hưởng đến việc khai thác bình thường tác phẩm, không gây phương hại đến các quyền của tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả; phải thông tin về tên tác giả và nguồn gốc, xuất xứ của tác phẩm.
Hành vi xâm phạm quyền của tổ chức phát sóng
1. Chiếm đoạt quyền của tổ chức phát sóng.
2. Mạo danh tổ chức phát sóng.
3. Công bố, sản xuất và phân phối chương trình phát sóng mà không được phép của tổ chức phát sóng.
4. Sao chép, trích ghép đối với chương trình phát sóng mà không được phép của tổ chức phát sóng.
Chủ sở hữu chương trình phát sóng
Tổ chức phát sóng là chủ sở hữu đối với chương trình phát sóng của mình, trừ trường hợp có thoả thuận khác với bên liên quan. Chủ sở hữu chương trình phát sóng là tổ chức phát sóng đầu tư tài chính và cơ sở vật chất – kỹ thuật của mình để phát sóng, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.
Lưu ý, khi sử dụng các tác phẩm, bản ghi âm, ghi hình để sản xuất chương trình phát sóng, tổ chức phát sóng phải thực hiện nghĩa vụ với chủ sở hữu quyền tác giả, chủ sở hữu quyền liên quan theo quy định pháp luật.
Bảo hộ chương trình phát sóng
Chương trình phát sóng được bảo hộ nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây:
– Chương trình phát sóng của tổ chức phát sóng có quốc tịch Việt Nam;
– Chương trình phát sóng của tổ chức phát sóng được bảo hộ theo điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.
Chương trình phát sóng chỉ được bảo hộ theo quy định nêu trên với điều kiện không gây phương hại đến quyền tác giả.
Trên đây là nội dung về Quyền của tổ chức phát sóng Lawkey gửi đến bạn đọc. Nếu có thắc mắc vui lòng liên hệ Lawkey để được tư vấn.
Xem thêm: Quy định về quyền của người biểu diễn
Quy định của pháp luật về quyền của nhà sản xuất bản ghi âm, ghi hình
Nhà sản xuất bản ghi âm ghi hình phải trả thù lao cho tác giả không?
Trường hợp cá nhân, tổ chức ghi âm, ghi hình chương trình ca nhạc có phải trả tiền thù lao cho tác giả của ca khúc được [...]
Quy định về dấu hiệu kết hợp của nhãn hiệu
Nhãn hiệu là dấu hiệu dùng để phân biệt hàng hoá, dịch vụ của tổ chức, các nhân khác nhau. Dấu hiệu dùng để phân [...]