Quyền định đoạt đối tượng sở hữu công nghiệp theo quy định hiện nay
Quyền định đoạt đối tượng sở hữu công nghiệp là một trong những quyền của chủ sở hữu đối tượng sở hữu công nghiệp được quy định tại Luật Sở hữu trí tuệ 2005. Vậy, có thể hiểu thế nào về loại quyền này?
Thực tế có nhiều cách thức để chủ sở hữu thực hiện quyền định đoạt của mình đối với các đối tượng sở hữu công nghiệp.
Chủ sở hữu đối tượng sở hữu công nghiệp có quyền chuyển nhượng quyền sở hữu của mình cho người khác
Quyền chuyển nhượng cho người khác toàn bộ quyền đối với đối tượng sở hữu công nghiệp phải được thực hiện dưới hình thức kí kết hợp đồng chuyển nhượng quyền sở hữu công nghiệp. Hợp đồng này phải là văn bản phù hợp với quy định của pháp luật về hợp đồng dân sự, kinh tế.
Hợp đồng chuyển nhượng quyền sở hữu công nghiệp chỉ phát sinh hiệu lực khi đã được cơ quan đăng kí đối tượng sở hữu công nghiệp ghi nhận. Kể từ thời điểm hợp đồng chuyển nhượng quyền sở hữu công nghiệp được ghi nhận thì bên được chuyển nhượng có đầy đủ và toàn bộ các quyền của chủ sở hữu đối với đối tượng sở hữu công nghiệp. Bên được chuyển nhượng cũng sẽ tiếp nhận các quyền và nghĩa vụ của chủ sở hữu phát sinh trên cơ sở các giao dịch với người thứ ba, với điều kiện điều đó phải được ghi trong hợp đồng chuyển nhượng.
Nếu quyền sở hữu đối tượng sở hữu công nghiệp thuộc về chủ sở hữu chung thì mỗi chủ sở hữu chung chỉ được chuyển giao phần quyền thuộc về mình cho người khác khi được các chủ sở hữu chung còn lại đồng ý. Trường hợp có một hoặc một số chủ sở hữu chung còn lại không đồng ý nhưng họ cũng không tiếp nhận phần quyền cần chuyển giao và việc không đồng ý không có lí do chính đáng thì việc chuyển giao vẫn được coi là hợp pháp.
Trong một số trường hợp đặc biệt, khi chủ sở hữu chuyển nhượng quyền sở hữu đối tượng sở hữu công nghiệp của mình cho người khác có thể phải tuân thủ một số điều kiện như sau:
– Việc chuyển giao quyền sở hữu nhãn hiệu có thể kèm theo hoặc không kèm theo việc chuyển giao cơ sở kinh doanh của chủ sở hữu nhãn hiệu đó. Việc chuyển nhượng quyền sở hữu nhãn hiệu không được gây nhầm lẫn về đặc tính hoặc nguồn gốc của hàng hóa, dịch vụ mang nhãn hiệu
– Quyền chuyển giao quyền sử dụng tên thương mại và chuyển giao toàn bộ quyền đối với tên thương mại theo hợp đồng hoặc theo thừa kế cho người khác chỉ được thực hiện cùng với việc chuyển giao toàn bộ cơ sở kinh doanh và hoạt đồng kinh doanh dưới tên thương mại dó.
Xem thêm: Đối tượng của hợp đồng chuyển nhượng quyền tác giả và quyền liên quan
Chủ sở hữu đối tượng sở hữu công nghiệp có quyền từ bỏ quyền sở hữu của mình đối với các đối tượng đó
Chủ sở hữu không được từ bỏ quyền sở hữu công nghiệp đối với một đối tượng thuộc phạm vi hợp đồng sử dụng đối tượng sở hữu công nghiệp đang còn trong thời hạn hiệu lực mà bên được chuyển quyền không đồng ý chấm dứt hợp đồng đó trước thời hạn. Quy định này không áp dụng trong trường hợp một hoặc một số chủ sở hữu chung từ bỏ phần quyền của mình nhưng vẫn còn một hoặc một số chủ sở hữu chung khác tiếp tục sở hữu đối tượng đó.
Để thực hiện quyền định đoạt của mình, chủ sở hữu đối tượng sở hữu công nghiệp còn có thể để lại thừa kế cho những người khác sau khi chết
Việc để lại thừa kế có thể theo di chúc hoặc theo pháp luật. Quyền sở hữu đối tượng sở hữu công nghiệp được coi như là loại tài sản (quyền tài sản) trong khối tài sản thuộc sở hữu của cá nhân. Bởi vậy, khi người chủ sở hữu chết đi mà quyền sở hữu đối tượng sở hữu công nghiệp vẫn đang còn thời hạn bảo hộ tì nó cũng được định đoạt để lại thừa kế cho những người còn sống khác, tương tự như các loại tài sản khác.
Chủ sở hữu còn thực hiện quyền định đoạt đối với đối tượng sở hữu công nghiệp thông qua việc dịch chuyển quyền theo sự sáp nhập, hợp nhất, chia tách,.. pháp nhân
Quyền sở hữu công nghiệp được coi là loại tài sản đặc biệt, đôi khi có ý nghĩa quyết định đến thành công hay thất bại trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của mỗi doanh nghiệp. Chính bởi vậy, nó được coi như tài sản của pháp nhân và chủ sở hữu có toàn quyền định đoạt trong việc dịch chuyển quyền đối với chúng trong các hoạt động cải tổ pháp nhân.
Tương tự đối với chuyển quyền sử dụng đối tượng sở hữu công nghiệp, quyền chuyển nhượng quyền sở hữu công nghiệp không được đặt ra đối với chỉ dẫn địa lý. Về bản chất, chỉ dẫn địa lý được xem như là tài sản quốc gia. Do đó, về nguyên tắc, đối tượng này không thể chuyển giao cho chủ thể khác.
Trên đây là nội dung Quyền định đoạt đối tượng sở hữu công nghiệp Lawkey gửi đến bạn đọc. Nếu có thắc mắc, vui lòng liên hệ Lawkey để được tư vấn.
Kiểu dáng công nghiệp theo quy định của pháp luật hiện nay
Kiểu dáng công nghiệp là gì? Điều kiện bảo hộ kiểu dáng công nghiệp hiện nay? Dưới đây là một số lưu ý về kiểu [...]
Quy định pháp luật về chuyển nhượng quyền sở hữu công nghiệp
LawKey xin gửi đến bạn đọc những quy định của pháp luật hiện hành về chuyển nhượng quyền sở hữu công nghiệp theo [...]