Quyền liên quan đến quyền tác giả theo Luật Sở hữu trí tuệ
Quyền liên quan đến quyền tác giả là một đối tượng của quyền sở hữu trí tuệ. Nếu đối tượng của quyền tác giả là tác phẩm văn học, nghệ thuật, khoa học, vậy đối tượng của quyền liên quan đến quyền tác giả là gì? Pháp luật sở hữu trí tuệ quy định thế nào về quyền liên quan đến quyền tác giả?.
Khái niệm và đối tượng của quyền liên quan đến quyền tác giả
Quyền liên quan đến quyền tác giả ( quyền liên quan) là quyền của tổ chức, cá nhân đối với cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng, tín hiệu vệ tinh mang chương trình được mã hóa.
Đối tượng quyền liên quan bao gồm cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng, tín hiệu vệ tinh mang chương trình được mã hoá.
Căn cứ phát sinh, xác lập quyền
Quyền liên quan phát sinh kể từ khi cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng, tín hiệu vệ tinh mang chương trình được mã hoá được định hình hoặc thực hiện mà không gây phương hại đến quyền tác giả.
Xem thêm: Quy đinh về giới hạn quyền tác giả
Chủ sở hữu quyền liên quan đến quyền tác giả
Tổ chức, cá nhân sử dụng thời gian, đầu tư tài chính và cơ sở vật chất – kỹ thuật của mình để thực hiện cuộc biểu diễn là chủ sở hữu đối với cuộc biểu diễn đó, trừ trường hợp có thoả thuận khác với bên liên quan.
Tổ chức, cá nhân sử dụng thời gian, đầu tư tài chính và cơ sở vật chất – kỹ thuật của mình để sản xuất bản ghi âm, ghi hình là chủ sở hữu đối với bản ghi âm, ghi hình đó, trừ trường hợp có thoả thuận khác với bên liên quan.
Tổ chức phát sóng là chủ sở hữu đối với chương trình phát sóng của mình – tổ chức phát sóng đầu tư tài chính và cơ sở vật chất – kỹ thuật của mình để phát sóng, trừ trường hợp có thoả thuận khác với bên liên quan.
Điều kiện bảo hộ quyền liên quan đến quyền tác giả
Thứ nhất, chủ thể được bảo hô
– Diễn viên, ca sĩ, nhạc công, vũ công và những người khác trình bày tác phẩm văn học, nghệ thuật (sau đây gọi chung là người biểu diễn).
– Tổ chức, cá nhân là chủ sở hữu cuộc biểu diễn là tổ chức, cá nhân sử dụng thời gian, đầu tư tài chính và cơ sở vật chất – kỹ thuật của mình để thực hiện cuộc biểu diễn, trừ trường hợp có thoả thuận khác với bên liên quan.
– Tổ chức, cá nhân định hình lần đầu âm thanh, hình ảnh của cuộc biểu diễn hoặc các âm thanh, hình ảnh khác (sau đây gọi là nhà sản xuất bản ghi âm, ghi hình).
– Tổ chức khởi xướng và thực hiện việc phát sóng (sau đây gọi là tổ chức phát sóng).
Thứ hai, các đối tượng được bảo hộ
– Cuộc biểu diễn:
+ Do công dân Việt Nam thực hiện tại Việt Nam hoặc nước ngoài
+ Do người nước ngoài thực hiện tại Việt Nam
+ Cuộc biểu diễn được định hình trên bản ghi âm, ghi hình được bảo hộ theo quy định về quyền của nhà sản xuất bản ghi âm, ghi hình. Nhà sản xuất bản ghi âm, ghi hình có độc quyền thực hiện hoặc cho phép người khác thực hiện các quyền sao chép trực tiếp hoặc gián tiếp bản ghi âm, ghi hình của mình hoặc phân phối đến công chúng bản gốc và bản sao bản ghi âm, ghi hình của mình thông qua hình thức bán, cho thuê hoặc phân phối bằng bất kỳ phương tiện kỹ thuật nào mà công chúng có thể tiếp cận được. Ngoài ra, nhà sản xuất bản ghi âm, ghi hình được hưởng quyền lợi vật chất khi bản ghi âm, ghi hình của mình được phân phối đến công chúng.
+ Cuộc biểu diễn chưa được định hình trên bản ghi âm, ghi hình mà đã phát sóng được bảo hộ theo quy định về quyền của tổ chức phát sóng gồm: Phát sóng, tái phát sóng chương trình phát sóng của mình; Phân phối đến công chúng chương trình phát sóng của mình; Định hình chương trình phát sóng của mình; Sao chép bản định hình chương trình phát sóng của mình. Ngoài ra, tổ chức phát sóng được hưởng quyền lợi vật chất khi chương trình phát sóng của mình được ghi âm, ghi hình, phân phối đến công chúng.
+ Cuộc biểu diễn được bảo hộ theo điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.
– Bản ghi âm, ghi hình:
+ Của nhà sản xuất bản ghi âm, ghi hình có quốc tịch Việt Nam
+ Của nhà sản xuất bản ghi âm, ghi hình được bảo hộ theo điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.
– Chương trình phát sóng, tín hiệu vệ tinh mang chương trình được mã hoá:
+ Của tổ chức phát sóng có quốc tịch Việt Nam
+ Của tổ chức phát sóng được bảo hộ theo điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.
Lưu ý, các đối tượng được bảo hộ nêu trên chỉ được bảo hộ với điều kiện không gây phương hại đến quyền tác giả.
Thứ ba, thời hạn bảo hộ
– Quyền của người biểu diễn được bảo hộ năm mươi năm tính từ năm tiếp theo năm cuộc biểu diễn được định hình
– Quyền của nhà sản xuất bản ghi âm, ghi hình được bảo hộ năm mươi năm tính từ năm tiếp theo năm công bố hoặc năm mươi năm kể từ năm tiếp theo năm bản ghi âm, ghi hình được định hình nếu bản ghi âm, ghi hình chưa được công bố.
– Quyền của tổ chức phát sóng được bảo hộ năm mươi năm tính từ năm tiếp theo năm chương trình phát sóng được thực hiện.
Lưu ý, thời hạn bảo hộ nêu trên chấm dứt vào thời điểm 24 giờ ngày 31 tháng 12 của năm chấm dứt thời hạn bảo hộ.
Trên đây là một số nội dung pháp lý LawKey gửi đến bạn đọc. Để tránh các rủi ro pháp lý vui lòng liên hệ với Lawkey.
Xem thêm: Mẫu Hợp đồng sử dụng quyền liên quan đối với chương trình phát sóng
Mẫu Hợp đồng sử dụng quyền liên quan đối với ghi âm, ghi hình
Có được phép chia sẻ file chương trình qua mạng không?
Trường hợp cá nhân mua đĩa VCD chương trình và chia sẻ file qua mạng có xâm phạm quyền liên quan đến quyền tác giả không? [...]
Phân loại hợp đồng sử dụng quyền tác giả và quyền liên quan
Trên thực tế, hợp đồng sử dụng quyền tác giả, quyền liên quan rất phong phú và đa dạng. Việc phân loại hợp đồng [...]