Quyền lợi của người tham gia BHXH tự nguyện hiện nay
Người tham gia BHXH tự nguyện sẽ được hưởng 2 chế độ là hưu trí và tử tuất. Đối tượng tham gia BHXH tự nguyện là những người lao động tự do, hầu như không có quan hệ lao động với chủ sử dụng lao động, thu nhập thường thấp, không ổn định như: nông dân, những người kinh doanh, buôn bán tự do… nên nếu họ tham gia BHXH tự nguyện sẽ được đảm bảo phần nào thu nhập cho họ và gia đình khi gặp phải những rủi ro như ốm đau, tai nạn lao động, già yếu không có sức khỏe để tiếp tục lao động
I. Chế độ hưu trí của người tham gia BHXH tự nguyện
1. Hưởng lương hưu hàng tháng
Căn cứ vào điều 73 Luật Bảo hiểm xã hội 2014, điều kiện để hưởng lương hưu hàng tháng bao gồm tuổi đời (Nam từ đủ 60 tuổi trở lên, nữ từ đủ 55 tuổi trở lên); thời gian tham gia BHXH đủ 20 năm. Người lao động đã đủ điều kiện về tuổi nhưng thời gian đóng bảo hiểm xã hội chưa đủ 20 năm thì được đóng cho đến khi đủ 20 năm để hưởng lương hưu.
Mức lương hưu hàng tháng của BHXH tự nguyện được tính như sau:
Lương hưu hàng tháng = Tỉ lệ hưởng lương hưu (%) x Mbq
Mbq là mức bình quân thu nhập hàng tháng đóng BHXH và được tính như sau
Mbq = (tổng các mức thu nhập tháng đóng BHXH x mức điều chỉnh hàng năm) : (số tháng đóng BHXH tự nguyện)
Tỉ lệ hưởng lương hưu được quy định như sau
– Về hưu trước ngày 01/01/2018: 45% ứng với 15 năm đóng BHXH, sau đó cứ thêm mỗi năm thì tính thêm 2% đối với nam và 3% đối với nữ; mức tối đa bằng 75%
– Về hưu từ ngày 01/01/2018: Mức lương hưu hằng tháng của người lao động đủ điều kiện đóng BHXH tự nguyện được tính bằng 45% mức bình quân thu nhập tháng đóng bảo hiểm xã hội và tương ứng với số năm đóng bảo hiểm xã hội như sau:
+ Lao động nam nghỉ hưu vào năm 2018 là 16 năm, năm 2019 là 17 năm, năm 2020 là 18 năm, năm 2021 là 19 năm, từ năm 2022 trở đi là 20 năm;
+ Lao động nữ nghỉ hưu từ năm 2018 trở đi là 15 năm.
+ Sau đó cứ thêm mỗi năm, người lao động quy định tại điểm a và điểm b khoản này được tính thêm 2%; mức tối đa bằng 75%.
Theo Thông tư số 01/2016/TT-BLĐTBXH ngày 18/2/2016 của Bộ LĐ-TB&XH quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật BHXH về BHXH tự nguyện, khi tính tỷ lệ hưởng lương hưu hàng tháng nếu thời gian đóng BHXH có tháng lẻ từ 1 tháng đến 6 tháng tính là nửa năm; từ 7 tháng đến 11 tháng tính là 1 năm.
Xem thêm: Mức đóng và phương thức đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện
2. Trợ cấp một lần khi nghỉ hưu
Căn cứ vào điều 75 Luật Bảo hiểm xã hội 2014, Người lao động có thời gian đóng bảo hiểm xã hội cao hơn số năm tương ứng với tỷ lệ hưởng lương hưu 75%, khi nghỉ hưu, ngoài lương hưu còn được hưởng trợ cấp một lần.
Mức trợ cấp một lần được tính theo số năm đóng bảo hiểm xã hội cao hơn số năm tương ứng với tỷ lệ hưởng lương hưu 75%, cứ mỗi năm đóng bảo hiểm xã hội thì được tính bằng 0,5 tháng mức bình quân thu nhập tháng đóng bảo hiểm xã hội.
Xem thêm: Chế độ hưu trí của người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện
3. Bảo hiểm xã hội một lần với người không đủ điều kiện hưởng lương hưu hàng tháng
a. Điều kiện hưởng
Điều 60 Luật BHXH 58/2014 quy định điều kiện hưởng trợ cấp Bảo hiểm xã hội một lần như sau:
- Đủ tuổi hưởng lương hưu nhưng đóng BHXH chưa đủ 20 năm;
- Sau một năm nghỉ việc nếu không đóng BHXH và có yêu cầu nhận trợ cấp BHXH 1 lần mà chưa đủ 20 năm đóng BHXH (theo Nghị quyết 93/2015/QH13 ngày 22/06/2015)
- Người đang bị mắc một trong những bệnh nguy hiểm đến tính mạng như: Ung thư, bại liệt, xơ gan cổ chướng, phong, lao nặng, nhiễm HIV đã chuyển sang giai đoạn AIDS mà cần có người theo dõi, trợ giúp, chăm sóc hoàn toàn; Các bệnh, tật ngoài các bệnh trên có mức suy giảm khả năng lao động hoặc mức độ khuyết tật từ 81% trở lên và không tự phục vụ được nhu cầu sinh hoạt, cần có người theo dõi, trợ giúp, chăm sóc hoàn toàn (theo Thông tư số 56/2017/TT-BYT ngày 29/12/2017 có hiệu lực áp dụng từ 01/03/2018)
- Ra nước ngoài để định cư.
b. Cách tính hưởng Trợ cấp Bảo hiểm xã hội một lần
Theo Thông tư 59/2015/TT-BLĐTBXH quy định mức hưởng BHXH một lần cụ thể như sau:
- Hệ số 1,5 nhân với mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH cho những năm đóng trước năm 2014
- Hệ số 2 nhân với mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH cho những năm đóng từ năm 2014 trở đi
- Trường hợp chưa đóng đủ 1 năm thì mức hưởng bằng số tiền đã đóng, mức tối đa bằng 02 tháng mức bình quân tiền lương
Cách tính hưởng trợ cấp BHXH 1 lần được tính theo số năm tham gia BHXH:
Mức hưởng = (1,5 x Mbqt x thời gian tham gia BHXH trước năm 2014) + (2 x Mbqt x thời gian tham gia BHXH từ năm 2014)
Trong đó: Mbqt Mức lương bình quân tháng
Mbqt= (tổng mức đóng BHXH x Mức điều chỉnh hàng năm) : Tổng số tháng đóng BH
II. Chế độ Tử tuất đối với người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện
Chế độ tử tuất là chế độ BHXH nhằm hỗ trợ chi phí mai tang và góp phần ổn định đời sống kinh tế cho thân nhân của người đã qua đời
1. Trợ cấp mai táng:
Điều kiện: có ít nhất 05 năm đóng BHXH hoặc người đang hưởng lương hưu.
Mức hưởng trợ cấp mai táng: bằng 10 lần mức lương cơ sở
Xem thêm: Khái quát về bảo hiểm xã hội tự nguyện cho người dân, lao động tự do
2. Trợ cấp tuất một lần:
Điều kiện: người đang đóng BHXH, người lao động đang bảo lưu thời gian đóng BHXH, người đang hưởng lương hưu khi chết
Mức hưởng trợ cấp mai táng:
+ Đối với 2 đối tượng đầu: tiền tuất được tính theo số năm đã đóng BHXH, cứ mỗi năm tính bằng 1,5 tháng mức bình quân thu nhập tháng đóng BHXH( trước 2014); bằng 02 tháng mức bình quân thu nhập tháng đóng BHXH( sau 2014)
+ Đối với người đang hưởng lương hưu chết: tiền tuất tính theo thời gian đã hưởng lương hưu:
Nếu chết trong 2 tháng đầu thì mức trợ cấp bằng 48 tháng lương đang hưởng
Nếu chết vào những tháng sau đó, cứ hưởng thêm 01 tháng lương hưu thì mức trợ cấp giảm đi 0,5 tháng lương hưu. Trong trường hợp này tính như sau
Mức trợ cấp tuất 1 lần = 48 x Lh – (t-2) x 0.5 x Lh
Trong đó: Lh là mức lương hưu đang hưởng; t là số tháng đã hưởng lương hưu.
Trên đây là nội dung tư vấn về Quyền lợi của người tham gia BHXH tự nguyện LawKey gửi đến bạn đọc. Nếu có vấn đề gì bạn đọc còn thắc mắc, băn khoăn hãy liên hệ với chúng tôi để được giải đáp.
Những điểm cần lưu ý khi giao kết hợp đồng thử việc
Người sử dụng lao động và người lao động có thể thoả thuận về việc làm thử, quyền, nghĩa vụ của hai bên trong thời [...]
Lao động nữ đi làm sớm trước khi hết hạn nghỉ thai sản có được không?
Lao động nữ đi làm sớm trước khi hết hạn nghỉ thai sản có được không Tóm tắt câu hỏi: Chào luật sư, hiện tại tôi [...]