Quyền và nghĩa vụ của các bên liên quan đến hoạt động thanh tra thuế
Luật quản lý thuế 2019 quy định về quyền và nghĩa vụ của các bên liên quan đến hoạt động thanh tra thuế. Cụ thể như sau:
Nhiệm vụ, quyền hạn của người ra quyết định thanh tra thuế
– Chỉ đạo, kiểm tra, giám sát đoàn thanh tra thuế thực hiện đúng nội dung, quyết định thanh tra thuế;
– Yêu cầu đối tượng thanh tra cung cấp thông tin, tài liệu, báo cáo bằng văn bản, giải trình về những vấn đề liên quan đến nội dung thanh tra thuế. Yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân có thông tin, tài liệu liên quan đến nội dung thanh tra thuế cung cấp thông tin, tài liệu đó;
– Trưng cầu giám định về những vấn đề liên quan đến nội dung thanh tra thuế;
– Tạm đình chỉ hoặc kiến nghị người có thẩm quyền đình chỉ việc làm khi xét thấy việc làm đó gây thiệt hại nghiêm trọng đến lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân;
– Quyết định xử lý theo thẩm quyền hoặc kiến nghị người có thẩm quyền xử lý kết quả thanh tra, đôn đốc việc thực hiện quyết định xử lý về thanh tra thuế;
– Giải quyết khiếu nại, tố cáo liên quan đến trách nhiệm của trưởng đoàn thanh tra thuế, các thành viên khác của đoàn thanh tra thuế;
– Đình chỉ, thay đổi trưởng đoàn thanh tra, thành viên đoàn thanh tra khi không đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ thanh tra hoặc có hành vi vi phạm pháp luật hoặc khi phát hiện trưởng đoàn thanh tra, thành viên đoàn thanh tra có liên quan đến đối tượng thanh tra hoặc vì lý do khách quan khác mà không thể thực hiện nhiệm vụ thanh tra;
– Kết luận về nội dung thanh tra thuế;
– Chuyển hồ sơ vụ việc vi phạm pháp luật sang cơ quan điều tra khi phát hiện có dấu hiệu của tội phạm, đồng thời thông báo bằng văn bản cho Viện kiểm sát cùng cấp biết;
– Áp dụng các biện pháp thu thập thông tin liên quan đến hành vi trốn thuế, tạm giữ tài liệu, tang vật liên quan đến hành vi trốn thuế, khám nơi cất giấu tài liệu, tang vật liên quan đến hành vi trốn thuế;
– Yêu cầu tổ chức tín dụng nơi đối tượng thanh tra có tài khoản phong tỏa tài khoản đó để phục vụ việc thanh tra khi có căn cứ cho rằng đối tượng thanh tra tẩu tán tài sản, không thực hiện quyết định thu hồi tiền, tài sản của Thủ trưởng cơ quan Thanh tra nhà nước, Thủ trưởng cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành hoặc Thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước.
Nhiệm vụ, quyền hạn của trưởng đoàn thanh tra thuế, thành viên đoàn thanh tra thuế
Nhiệm vụ, quyền hạn của các đối tượng này được quy định như sau:
Nhiệm vụ, quyền hạn của trưởng đoàn thanh tra thuế
– Tổ chức, chỉ đạo các thành viên trong đoàn thực hiện đúng nội dung quyết định thanh tra thuế;
– Kiến nghị với người ra quyết định thanh tra áp dụng biện pháp thuộc nhiệm vụ, quyền hạn của người ra quyết định thanh tra để bảo đảm thực hiện nhiệm vụ được giao;
– Yêu cầu đối tượng thanh tra xuất trình giấy phép hành nghề, giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh,… và cung cấp thông tin, tài liệu, báo cáo bằng văn bản, giải trình về những vấn đề liên quan đến nội dung thanh tra thuế;
– Lập biên bản về việc vi phạm của đối tượng thanh tra;
– Kiểm kê tài sản liên quan đến nội dung thanh tra của đối tượng thanh tra;
– Yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân khác có thông tin, tài liệu liên quan đến nội dung thanh tra cung cấp thông tin, tài liệu đó;
– Yêu cầu người có thẩm quyền tạm giữ tiền, đồ vật, giấy phép sử dụng trái pháp luật khi xét thấy cần ngăn chặn ngay việc vi phạm pháp luật hoặc để xác minh tình tiết làm chứng cứ cho việc kết luận, xử lý;
– Quyết định niêm phong tài liệu của đối tượng thanh tra khi có căn cứ cho rằng có vi phạm pháp luật;
– Tạm đình chỉ hoặc kiến nghị người có thẩm quyền đình chỉ việc làm khi xét thấy việc làm đó gây thiệt hại nghiêm trọng đến lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân;
– Yêu cầu tổ chức tín dụng nơi đối tượng thanh tra có tài khoản phong tỏa tài khoản đó để phục vụ việc thanh tra khi có căn cứ cho rằng đối tượng thanh tra có hành vi tẩu tán tài sản;
– Xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật;
– Báo cáo với người ra quyết định thanh tra thuế về kết quả thanh tra và chịu trách nhiệm về tính chính xác, trung thực, khách quan của báo cáo đó;
– Áp dụng biện pháp tạm giữ tài liệu, tang vật liên quan đến hành vi trốn thuế.
Nhiệm vụ, quyền hạn của thành viên đoàn thanh tra thuế
– Thực hiện nhiệm vụ theo sự phân công của trưởng đoàn thanh tra thuế;
– Yêu cầu đối tượng thanh tra cung cấp thông tin, tài liệu, báo cáo bằng văn bản, giải trình về vấn đề liên quan đến nội dung thanh tra. Yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân có thông tin, tài liệu liên quan đến nội dung thanh tra cung cấp thông tin, tài liệu đó;
– Kiến nghị trưởng đoàn thanh tra áp dụng biện pháp thuộc nhiệm vụ, quyền hạn của trưởng đoàn thanh tra để bảo đảm thực hiện nhiệm vụ được giao;
– Kiến nghị xử lý những vấn đề liên quan đến nội dung thanh tra thuế;
– Báo cáo kết quả thực hiện nhiệm vụ được giao với trưởng đoàn thanh tra thuế, chịu trách nhiệm trước pháp luật và trưởng đoàn thanh tra về tính chính xác, trung thực, khách quan của nội dung đã báo cáo.
Quyền và nghĩa vụ của đối tượng thanh tra thuế
Quyền và nghĩa vụ của đối tượng thanh tra thuế được quy định như sau:
Quyền của đối tượng thanh tra thuế
– Giải trình về những vấn đề có liên quan đến nội dung thanh tra thuế;
– Khiếu nại về quyết định, hành vi của người ra quyết định thanh tra, trưởng đoàn thanh tra, thành viên của đoàn thanh tra trong quá trình thanh tra; khiếu nại về kết luận thanh tra, quyết định xử lý sau thanh tra theo quy định của pháp luật về khiếu nại; trong khi chờ giải quyết khiếu nại, người khiếu nại vẫn phải thực hiện các quyết định đó;
– Nhận biên bản thanh tra thuế và yêu cầu giải thích nội dung biên bản thanh tra thuế;
– Từ chối cung cấp thông tin, tài liệu không liên quan đến nội dung thanh tra thuế, thông tin, tài liệu thuộc bí mật Nhà nước, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác;
– Yêu cầu bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật;
– Tố cáo hành vi vi phạm pháp luật của thủ trưởng cơ quan quản lý thuế, trưởng đoàn thanh tra thuế và thành viên của đoàn thanh tra thuế theo quy định của pháp luật.
Nghĩa vụ của đối tượng thanh tra thuế
– Chấp hành quyết định thanh tra thuế;
– Cung cấp kịp thời, đầy đủ, chính xác các thông tin, tài liệu theo yêu cầu của người ra quyết định thanh tra, trưởng đoàn thanh tra, thành viên của đoàn thanh tra và phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính chính xác, trung thực của thông tin, tài liệu đã cung cấp;
– Thực hiện yêu cầu, kiến nghị, kết luận thanh tra thuế, quyết định xử lý của người ra quyết định thanh tra, trưởng đoàn thanh tra, các thành viên của đoàn thanh tra và cơ quan nhà nước có thẩm quyền;
– Ký biên bản thanh tra.
Trên đây là nội dung bài viết Quyền và nghĩa vụ của các bên liên quan đến hoạt động thanh tra thuế. Nếu có vướng mắc trong quá trình giải quyết liên hệ LawKey để được tư vấn, giải đáp nhanh nhất.
Xem thêm:
Xử lý bù trừ hoặc hoàn trả số tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt nộp thừa
Xử lý bù trừ hoặc hoàn trả số tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt nộp thừa theo quy định của pháp luật như thế [...]
Quyết toán thuế năm đối với thuế thu nhập cá nhân trong Công ty cổ phần
Quyết toán thuế thu nhập cá nhân là công việc bắt buộc phải làm đối với cá nhân có phát sinh nhiều nguồn thu nhập [...]